Màu hoa giấy bên bến sông xưa

20:20 16/01/2023

Làng nghề với hơn 300 năm tuổi vẫn tưng bừng mỗi năm một lần duy nhất vào mùa đông để phục vụ Tết. Từng qua nhiều thăng trầm, nhưng làng nghề ấy vẫn giữ được những tinh hoa của nhiều đời.

Thăng trầm làng nghề cổ

Nhiều người xứ cố đô Huế đều biết đến một làng nghề làm hoa giấy bên sông Hương, làng Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên[1]Huế) đã qua hơn 300 năm phát triển. Dẫu đã qua bao thăng trầm và những biến thiên của lịch sử, nhưng làng hoa giấy Thanh Tiên vẫn hiện hữu đến tận hôm nay trong từng góc nhà, nhịp sống xứ Huế.

Không chỉ mang ý nghĩa văn hóa tinh thần, đây còn là một trong những làng nghề truyền thống độc đáo nhất của người cố đô. Hơn 300 năm, cho đến tận bây giờ, tất cả công đoạn làm hoa giấy vẫn đều được làm thủ công hoàn toàn.

Nghề làm hoa giấy đã xuất hiện tại làng Thanh Tiên cách đây hơn 300 năm.

Với những sản phẩm thủ công, ắt hẳn những nghệ nhân từ nhiều đời qua của làng đã phải tốn rất nhiều thời gian kết hợp với sự khéo léo của đôi tay, sự tỉ mỉ của từng nếp gấp mới tạo thành một bông hoa đẹp. Để làm được những bông hoa giấy đẹp không khác gì hoa thật, người nghệ nhân của làng cũng đã phải học từ tấm bé, từ những động tác nhỏ nhất, cho tới những chi tiết cầu kỳ nhất... tất cả phải được trui rèn qua nhiều năm mới có thể đạt được độ chín của nghề.

Ông Nguyễn Hóa, một nghệ nhân cao tuổi của làng chia sẻ, người làm hoa ở Thanh Tiên đặc biệt không sử dụng phẩm màu hay hóa chất độc hại để nhuộm, tất cả màu sắc đều được chiết từ nguồn nhựa cây và lá cây theo công thức gia truyền. Công đoạn cuối mới là cắt cánh, làm nhụy hoa, tạo nếp nhăn cho hoa sống động như hoa thật rồi dùng hồ dán kết vào cành.

Rất nhiều công đoạn đòi hỏi đức tính tỉ mỉ và sự chăm chỉ, cái tâm của người làm nên một ngày mỗi nghệ nhân chỉ làm được tối đa 15-20 bông hoa giấy. Chưa kể các công đoạn còn phải được chuẩn bị từ trước, thậm chí từ mấy tháng trước chứ không phải ngày một ngày hai mà thành. Dẫu vậy, làng hoa giấy từng một thời lận đận, khi sự đổ xô của các loại hoa nhựa, hoa lụa... chiếm lĩnh thị trường.

Người làm hoa giấy thủ công không thể cạnh tranh được với công nghệ sản xuất hoa nhựa, hoa lụa với tốc độ cao và giá bán rẻ được. Làng hoa giấy đã một thời im vắng đáng buồn. Những chiều cuối năm không còn thấy từng chùm hoa giấy theo thuyền trôi lững lờ bên sông Hương về phố nữa. Chỉ đến Festival Nghề truyền thống Huế 2009, hoa giấy của làng Thanh Tiên mới được để ý đến. Và rồi, một cô gái trẻ cựu sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) tên Phan Thị Nguyệt Minh với đề án “Không gian văn hóa Thanh Tiên” đã làm sống dậy làng nghề. Cô gái trẻ ấp ủ đề án bảo tồn, phát triển không gian văn hóa nằm ở hạ nguồn sông Hương, đã đem tất cả tâm huyết với hy vọng làng nghề truyền thống nổi tiếng Huế sẽ đi xa hơn, được nhiều người biết đến hơn.  Đặc biệt, nghệ nhân cao tuổi Thân Văn Huy đã dành gần như tất cả thời gian để cố gắng khôi phục lại làng nghề.

100 bông hoa giấy được cắm vào mỗi chông và người bán sẽ vác trên vai đi bán dạo khắp các phố phường, khu chợ.

Không chỉ khôi phục làng nghề, nghệ nhân Thân Văn Huy đã cùng những người tâm huyết trong làng áp dụng công nghệ mới để làm nên những đóa sen tinh tế, mềm mại và có hồn hơn so với cách làm truyền thống. Từ đó, làng nghề làm hoa và cả những loại hoa với kỹ thuật khó vốn đã thất truyền hơn 50 năm được hồi sinh.

Bên sông còn lại làng nghề

Không khí những ngày cuối năm càng đến gần, Tết Nguyên Đán càng đến gần thì những nghệ nhân ở làng Thanh Tiên lại càng tất bật với công việc làm hoa giấy phục vụ cho thị trường ngày Tết. Trong làng, đâu đâu cũng tràn ngập không khí rộn ràng của người mua kẻ bán. Trong các ngôi nhà, những sắc màu hoa giấy như muốn mời gọi người mua. Trên nhiều nẻo đường, những bó hoa giấy của làng Thanh Tiên được chở bằng xe đạp, xe máy, hay bằng những con thuyền nhỏ vượt dòng nước sông Hương lên phố bán cho người phố thị. Trong căn nhà nhỏ ngập tràn màu sắc, cũng là cơ sở sản xuất của bà Phan Thị Thanh là một trong những cơ sở lâu đời và truyền thống nhất ở làng. Bà Thanh, người gần 40 năm làm hoa giấy chia sẻ: “Thường thì hằng ngày chỉ cần 1- 2 người là duy trì làm hoa, ngày rằm, mùng một, lễ tết mới huy động anh em họ hàng, thuê thêm người trong làng cùng làm. Hầu như người dân trong làng đều rất thành thạo, cả người lớn, trẻ nhỏ, các công đoạn chia ra đều có thể làm được hết”.

Tương tự, ông Nguyễn Hóa cũng khôi phục được cách làm hoa sen giấy đã thất truyền. Quá trình tái hiện lại loại hoa này không dễ dàng bởi không hề có mẫu mã và ông chỉ mày mò làm lại từ những câu truyền miệng của người già trong làng. Anh Nguyễn Hiếu, 34 tuổi, là truyền nhân thứ năm của gia đình làm hoa họ Nguyễn này cho biết khâu quan trọng nhất và khó nhất là nhuộm giấy và tạo nếp. Màu phải nhuộm sau cho có phần đậm nhạt và phải bền màu. Nếu hoa được đặt ở vị trí khô ráo, ít bị tác động thì màu có thể giữ tới 2 hoặc 3 năm. Công đoạn khó tiếp theo là tạo nếp cho cánh sen. Nếu quấn chỉ không đều tay thì không những thẩm mỹ kém mà có khi sẽ làm cánh hoa bị méo mó. Ông Nguyễn Văn Hiến, một hộ dân làm hoa ở làng cho biết: “Làm hoa giấy phải rất kiên nhẫn, tỉ mỉ từng cái một. Vì nó không mang hương thơm nên đòi hỏi phải khéo tay, hoa phải thật bắt mắt thì mới bán được”.

Nghệ nhân cao tuổi Thân Văn Huy đã dành rất nhiều thời gian để cố gắng khôi phục làng nghề.

Trong làng, nhiều năm qua, dẫu rằng thanh niên vào phố làm việc, lao động chính chủ yếu là người đã cao tuổi, thâm niên với nghề lâu, không nỡ bỏ nghề. Nhưng, thời gian gần đây, khi làng hoa giấy “sống lại” nhờ du lịch thì nhiều người trẻ tuổi đã về làng để làm hoa cung ứng cho thị trường trong mùa Tết. Ngoài các loại hoa lan, huệ, hồng, cúc, dã quỳ, tường vi... vốn chỉ phục vụ cho nhu cầu thờ tự, lễ nghi và chỉ được làm trong dịp Tết, làng Thanh Tiên còn làm thêm hoa sen giấy. Thỉnh thoảng, hoa giấy còn được dùng để trang trí cho các sân khấu lớn, hay các lễ hội ở xứ cố đô. Hằng năm, vào dịp lễ tế Nam Giao, các đơn vị chức năng đều đặt dân làng Thanh Tiên làm hàng ngàn bông sen màu trắng và màu hồng để trang hoàng trên đàn tế trong những ngày đại lễ.

Có được cái tên làng hoa giấy Thanh Tiên ngày nay chính là sự sáng tạo của nhiều người dân trong làng qua bao đời làm hoa. Với óc tưởng tượng phong phú và bàn tay khéo léo, nghệ thuật, họ đã mô phỏng các loại hoa có ở tự nhiên như: Hoa bìm bìm (loa kèn), hoa cúc đơn, hoa cúc kép, hoa mắm nêm, hoa tường vi, hoa quỳ và sau đó là hoa sen.

Dù kỳ công là thế, tỉ mỉ có thừa, thế nhưng giá bán lại không cao, chỉ 5-7 ngàn đồng/cặp hoa cúng (hoa đơn giản như hoa hồng, hoa cúc, hoa lan...). Còn với hoa sen, vừa để cúng, vừa trang trí, công đoạn phức tạp hơn, đẹp hơn nên giá cao hơn, 20.000 đồng/bông.

Sản phẩm hoa giấy thường được trang trí ở những nơi thờ tự trong nhà, các miếu, trang bà, am, bàn thờ ông Địa, Táo quân, thần bếp... Ưu điểm của hoa giấy Thanh Tiên là phong phú về màu sắc, hình thức đẹp, để được lâu lại thể hiện sự trang nghiêm, một năm chỉ thay một lần vào dịp Tết nên nó dễ được chấp nhận và tồn tại dài lâu. Cũng chính những đặc điểm đó mà thời gian sản xuất chính thức của nghề thủ công này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn vào cuối năm.

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, những bông hoa giấy rực rỡ sắc màu được bày bán ở chợ làng quê và các chợ nơi phố thị.

Nhưng, bây giờ, nghề làm hoa giấy ở làng không chỉ bán buôn, bán lẻ, mà đây còn là một điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước bởi sự độc đáo và nghệ thuật từ những đôi bàn tay khéo léo. Vài năm trở lại đây, tour thăm làng hoa giấy Thanh Tiên đã thu hút đông du khách trong và ngoài nước khi đến Huế.

Đến đây, du khách không chỉ được xem, mà còn được trực tiếp trải nghiệm làm hoa giấy dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân. Cả làng hiện chỉ còn chục hộ sản xuất hoa giấy nhưng đây cũng là những cơ sở vừa sản xuất, vừa duy trì hoạt động trải nghiệm làm hoa dành cho du khách.

Ông Lê Thái Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Phú Vang cho biết, làng hoa giấy Thanh Tiên được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2013. Qua thành công của các kỳ Festival, những loại hoa giấy đã hồi sinh và trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng cũng như những nơi có người Huế cư ngụ mỗi khi Tết đến, xuân về. Theo thời gian, những loại hoa giấy này đã vượt qua làng quê thanh bình để đến những chân trời mới, trở thành mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng của cố đô.

Tiêu Dao

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文