Người chuyên phá án buôn lậu vàng

12:54 10/10/2022

Vụ xuất lậu hơn 80 lượng vàng sang Hàn Quốc bị bắt giữ năm 2016, vụ nhập lậu vàng qua đường hàng không lớn nhất từ trước tới nay được phát hiện tại Hà Nội vào năm 2017, đó là những đường dây buôn lậu vàng được bóc gỡ gây rúng động dư luận.

Nhưng, ít ai biết rằng, người thầm lặng phá những chuyên án đó lại là một cán bộ công an còn rất trẻ. Đó là Đại úy Nguyễn Trường Tiến (sinh năm 1989) - cán bộ Đội Điều tra phòng ngừa, đấu tranh chống tối phạm buôn lậu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an thành phố Hà Nội. Đại úy Tiến có dáng người thư sinh và gương mặt trẻ so với tuổi, càng trẻ hơn so với bề dày thành tích mà anh gặt hái được. Sắp tới đây, anh là một trong số những chiến sĩ trẻ được xét Giải thưởng Thanh niên công an tiêu biểu giai đoạn 2017- 2021 của Đoàn Thanh niên Bộ Công an.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc công an TP Hà Nội trao thưởng cho Đại úy Nguyễn Trường Tiến là một trong 60 gương điển hình tiên tiến của lực lượng cảnh sát Công an thủ đô, tháng 7/2022.

Những chiến công “vàng”

Tiến “vàng”, “Tiến nhỏ làm án to” là những biệt danh mà đồng đội thường gọi anh. Những chiến công “vàng” mà Đại úy Nguyễn Trường Tiến lập được đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi, đó là những chuyên án liên quan đến tội phạm buôn lậu vàng và đều là những chuyên án lớn mang tính dấu mốc, chặt đứt nhiều đường dây buôn lậu lớn.

Chuyên án được điều tra, khám phá năm 2017 mang tính dấu mốc vì đã chặn đứng một phương thức, thủ đoạn buôn lậu hoàn toàn mới chưa từng được biết tới từ trước đến thời điểm đó tại địa bàn Hà Nội. Đây cũng là vụ án buôn lậu vàng trang sức có số lượng tang vật thu giữ lớn nhất từ trước đến nay. Thời điểm lãnh chuyên án, Đại úy Nguyễn Trường Tiến mới 28 tuổi.

Từ tháng 9-2016, qua công tác nắm tình hình, Đại úy Tiến phát hiện một đường dây tội phạm do Lê Thị Ngọc Mai (sinh năm 1973) cầm đầu, có dấu hiệu buôn lậu vàng trang sức từ Hong Kong (Trung Quốc) về Việt Nam. Mai từng là tiếp viên hàng không của Hãng Vietnam Airlines. Sau khi nghỉ làm tiếp viên, Mai trở nên giàu có và có tiếng trong giới buôn vàng. Khi theo dõi hệ thống quản lý xuất nhập cảnh, anh nhận thấy nhóm đối tượng do Mai cầm đầu thường từ Việt Nam đi Thái Lan và quá cảnh tại Hong Kong trước khi về Việt Nam. Nhưng, bộ phận hải quan chỉ có thông tin các đối tượng xuất nhập cảnh ở chặng Thái Lan - Việt Nam mà không có dữ liệu các đối tượng đi và về ở chặng nối Thái Lan - Hong Kong. Đại úy Tiến nhiều lần vạch kế hoạch theo sát đối tượng để nắm bắt quy luật, bóc tách thủ đoạn hoạt động của đường dây hết sức tinh vi này.

Đại úy Tiến (ngồi giữa) cùng đồng đội họp án.

Trải qua gần một năm kiên trì theo dõi di biến động của tội phạm, Đại úy Tiến và đồng đội nhận thấy đối tượng Mai hoạt động lâu năm trong nghề nên rất thận trọng, chỉ sử dụng anh em họ hàng theo quy trình khép kín. Vàng vẫn được tuồn về Việt Nam mà không đi qua hải quan, mặc dù cơ quan hải quan soi chiếu rất kĩ. Anh đã xâu chuỗi các manh mối, suy luận và đi đến kết luận các đối tượng chỉ có thể giấu trong người. Làm cách này, khi nhập cảnh vào Việt Nam sẽ qua mắt được lực lượng an ninh và hải quan khi không soi chiếu người, chỉ tập trung soi chiếu hành lý, hàng hóa.

Vào lúc 20 giờ ngày 25/8/2017, Đại úy Tiến cùng đồng đội phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã phát hiện, bắt giữ 5 đối tượng khi vừa bay từ Hà Nội sang Thái Lan, từ Thái Lan bay tiếp sang Hong Kong nhận vàng trang sức, vận chuyển về đến sân bay Nội Bài. Trong người mỗi đối tượng cất giấu từ 5-6 kg vàng quấn quanh bụng, đùi bằng băng gen, ngụy trang bằng những bộ quần áo rộng. Trong quá trình khám xét nơi ở của Mai, Cơ quan công an thu giữ hơn 8 kg vàng trang sức.

Đây là vụ án buôn lậu vàng trang sức có số lượng tang vật thu giữ lớn nhất từ trước đến nay là 36,29 kg vàng trang sức trị giá 24 tỉ đồng, thu giữ 480 triệu đồng và 20.000 USD tiền mặt. Chiến công của Đại úy Tiến và đồng đội đã vạch rõ “lỗ hổng” hàng không nghiêm trọng trong công tác kiểm tra, kiểm soát an ninh dễ dẫn đến việc lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua đường hàng không.

Chặt đứt những đường dây tội phạm

Đại úy Nguyễn Trường Tiến quê ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc. Năm 2009, khi bước chân vào Trường Trung cấp cảnh sát, học Khoa Kinh tế, anh không nghĩ sau này mình lại là một chiến sĩ công an chuyên điều tra phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu vàng. Năm 2011 ra trường, anh về công tác tại Công an quận Đống Đa. Năm 2014, anh tiếp tục học tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Cũng năm 2014, Đại úy Tiến được điều chuyển về Đội Điều tra phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an thành phố Hà Nội.

Về đội năm trước thì đến năm sau anh đã lập chiến công khi hơn một năm đeo bám và trực tiếp khám phá đường dây vận chuyển trái phép vàng trang sức từ Hong Kong qua tuyến đường bộ cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh về Hà Nội tiêu thụ. Tang vật thu giữ gồm 4.319 sản phẩm là vàng trang sức, tổng trọng lượng hơn 33 kg, giá trị ước tính khoảng 1 triệu USD, tương đương khoảng 21 tỷ đồng.

Đại úy Tiến được ví như là khắc tinh của tội phạm buôn lậu vàng.

8 năm ở đội, Đại úy Tiến liên tiếp lập nhiều chiến công xuất sắc. Chuyên án mà Đại úy Tiến là trinh sát trực tiếp đấu tranh khám phá năm 2016 là đường dây có hành vi buôn lậu vàng bằng đường hàng không từ Việt Nam sang Hàn Quốc mà phải mất gần một năm anh mới phá án thành công.

Hoàng Thị Ngọc Anh từng làm tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines. Đi bay nhiều, Ngọc Anh biết được rằng giá vàng ở Việt Nam thấp hơn ở Hàn Quốc. Vậy là từ năm 2014, sau khi nghỉ việc, Ngọc Anh lên kế hoạch đưa vàng nguyên liệu từ trong nước sang Hàn Quốc bán kiếm lời. Ngọc Anh cùng chồng là Nguyễn Ngọc Sang móc nối với Phạm Duy Nhuận - thợ sửa chữa máy bay thuộc Công ty TNHH MTV kỹ thuật máy bay VAECO để cất giấu vàng trên máy bay. Trước mỗi chuyến đi hàng, Ngọc Anh sẽ tuồn vàng cho Nhuận, kèm lời nhắn vị trí chỗ ngồi.

Nhuận sẽ lên máy bay cất giấu vàng dưới ghế ngồi máy bay để xuất lậu đi Hàn Quốc. Để nắm bắt vụ việc, nhiều lần Đại úy Tiến phải đóng vai nhân viên khai thác ở sân bay để quan sát và nắm bắt được thủ đoạn của đối tượng. Tối 27/7/2016, Ngọc Anh cùng chồng ung dung lên máy bay, yên tâm rằng 4 cục vàng (tương đương hơn 80 cây vàng) đã được Nhuận giấu sẵn dưới ghế.

Vừa lên máy bay, Ngọc Anh và chồng thoáng giật mình, bởi bình thường như các chuyến đi hàng khác, người lên máy bay đầu tiên phải là cô ta. Nhưng, hôm đó đã có hai người lên máy bay trước, chính là Đại úy Tiến và một cán bộ hải quan đóng vai hành khách.

Khi đôi vợ chồng vừa ngồi vào ghế thì bị bắt giữ. Lật phía dưới ghế ngồi của Ngọc Anh, anh lấy làm lạ vì không thấy hàng đâu. Nghi ngờ Ngọc Anh không ngồi đúng số ghế, anh lập tức hỏi tiếp viên trưởng về vị trí ngồi thì hóa ra chỗ ngồi của cô ta là một vị trí khác. Khi lật ghế ở vị trí đó, anh phát hiện vàng được dính chặt vào khung sắt bằng nam châm và quấn băng dính đen. Mọi phán đoán của anh đã đúng. Số vàng thu giữ có hàm lượng 99,99%, tổng trọng lượng là hơn 3,1 kg, tổng giá trị là hơn 2,8 tỉ đồng.

Trong nhiều lần phá án, Đại úy Tiến và đồng đội đối mặt với hiểm nguy, tính mạng bị đe dọa. Nhưng, nguy hiểm hơn, khó lường hơn là những lần anh đối mặt với những “cạm bẫy ngọt ngào”, những lời gợi ý đường mật, những câu mặc cả mà bọn tội phạm đưa ra để dụ dỗ, mua chuộc. Trong vụ buôn lậu vàng “khủng” của Lê Thị Ngọc Mai, đối tượng đã đưa ra số tiền lớn để mặc cả với anh.

Năm 2019, Đại úy Tiến vinh dự được tặng thưởng Huân chương chiến công Hạng Ba.

“Càng trong những tình huống như thế, mình càng phải rắn, phải có bản lĩnh vững vàng. Có như vậy mới chặt đứt những đường dây tội phạm. Và, những tình tiết ấy tôi luôn báo cáo đầy đủ với cấp trên”, anh tâm sự. Cũng vì tinh thần thép mà anh ngày càng được đồng nghiệp và lãnh đạo cấp trên tin tưởng, quý mến.

Say nghề

Không chỉ liên tiếp phá các chuyên án về vàng, ngoại tệ, Đại úy Tiến còn là trinh sát trực tiếp đấu tranh khám phá nhiều vụ án chuyển tiền, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu trên các tuyến Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai về Hà Nội tiêu thụ. Tội phạm buôn lậu hay hoạt độngvề đêm nên lịch trình ngày làm việc ở cơ quan, đêm đi trinh sát đã trở thành quen. Khi phố lên đèn, lúc mọi người trở về nhà ăn bữa cơm ấm áp bên gia đình thì anh và đồng đội có mặt trên những cung đường, trắng đêm trên các tuyến chỉ với ổ bánh mì và chai nước suối.

“Có lần chúng tôi đi xe máy từ Hà Nội xuống Quảng Ninh, giữa đường gặp mưa, không thể dừng lại nên cứ thế xé màn mưa mà lao đi. Trời tạnh dần thì quần áo cũng dần khô”, anh nhớ lại.

Khi có vụ việc, anh và đồng đội luôn xác định phải bỏ công sức không phải trong ngày một ngày hai, mà cả mấy tháng trời mới dần đi đến đích.

“Có những ngày tôi chỉ về nhà để thay bộ quần áo rồi lại vội đi. Nhiều khi thương các con lắm, hứa cho các con đi chơi mà mãi không thực hiện được. Hai con tôi còn nhỏ nhưng đã quen với những cuộc đi đột xuất của bố. Cũng may, vợ tôi cùng ngành, hiểu tính chất công việc của tôi nên thông cảm”, Đại úy Tiến tâm sự.

Hành trình phá án luôn phức tạp, gập ghềnh, thậm chí có những lúc rơi vào bế tắc. Mỗi vụ án là một cuộc đấu trí đòi hỏi tìm một hướng đi, một cách tiếp cận đầy sáng tạo. Để phá được án, biết bao lần anh phải nhập vai cửu vạn, có lúc là khách bắt xe dọc đường thất thểu trên đường đêm. Càng khó càng say mê, càng muốn làm đến cùng. Bởi bên cạnh anh luôn có đồng đội, có lãnh đạo cấp trên theo sát động viên, giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn.

Trong mắt đồng đội, Đại úy Tiến là người ham việc, mê phá án. Chính anh cũng thừa nhận rằng mình luôn đau đáu về những vụ việc còn dở dang.

Thức đêm quen rồi, nên có hôm nào được ở nhà, anh chẳng thể nào ngủ được. Nhiều lúc, câu chuyện với vợ con cũng trở nên lơ đễnh, thậm chí đi đón con thì đầu óc vẫn đeo đẳng công việc...

Với thành tích tham gia xác lập và phá nhiều chuyên án lớn về buôn lậu, Đại úy Nguyễn Trường Tiến đã được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2017, Huân chương Chiến công Hạng Ba năm 2019, danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn lực lượng năm 2019. Anh cũng nhận được nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an và của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu năm 2019.

Huyền Châm

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文