Người lái đò làng chài Việt Hải

11:10 19/01/2023

Nhắc đến Việt Hải, người ta vẫn hay quen dùng từ làng chài, một phần cũng bởi địa thế “đảo của đảo” đặc sắc của nó. Có điều, người làm nghề chài lưới ở Việt Hải chẳng còn mấy. Đúng hơn giờ phải gọi Việt Hải là một làng du lịch sinh thái.

Người đến Việt Hải bây giờ, chủ yếu để tìm cái không khí thoáng đãng của gió biển, hương thơm ngan ngát của cỏ cây núi rừng và thưởng ngắm khung cảnh hoang sơ của một cộng đồng dân cư tách biệt, yên tĩnh.

Nói là “đảo của đảo” nhưng thực ra Việt Hải hoàn toàn liền thổ với đảo lớn Cát Bà. Chỉ là nếu muốn đi đường bộ từ trung tâm thị trấn để ra Việt Hải, phải vượt qua chừng 12 cây số đường mòn xuyên rừng Quốc gia Cát Bà, có những chỗ leo tụt xuống vách núi đá, chủ yếu chỉ dành cho những người đủ sức khỏe, ưa mạo hiểm. Còn lại đa phần du khách đều lựa chọn phương án nhẹ nhàng mà phù hợp hơn nhiều: Đi thuyền từ bến Bèo.

Đi đò xã là một trải nghiệm khá thú vị khi đến với Việt Hải

Từ bến Bèo ra vịnh Lan Hạ để đến Việt Hải có thủy trình cỡ 10 cây số (khoảng 6 – 7 hải lý). Khách đi lẻ, nếu có điều kiện có thể gọi cano chạy tốc độ cao, chỉ mất chừng chưa tới 20 phút là tới nơi. Nhưng nếu thực sự có thời gian thong dong ngắm cảnh vịnh thì đi đò là thích nhất. Gọi đò xã là bởi nó hoạt động theo chủ trương của xã (tất nhiên là từ hỗ trợ của UBND huyện Cát Hải), như một kiểu xe buýt trên cạn vậy. Ngày 2 lượt 4 chuyến từ Việt Hải vào bến Bèo và ngược lại, chuyến đầu tiên trong ngày xuất phát từ làng lúc 6h45.

Không có khách cũng phải chạy. Mà có nhiều khách quá thì lại… không chạy được, vì đò chỉ được phép chở tối đa theo đăng kiểm là 26 người một lượt, không kể hàng hóa. Nói thế thôi, chứ cũng hiếm khi khách đi đò vượt quá số quy định ấy. Ngày nào cũng như ngày nào, sáng 6h45 chạy vào, trưa 11h quay ra đảo. Chiều 12h45 chạy vào, 16h lại chạy ra. Chủ Nhật đò nghỉ buổi sáng, chiều chạy 2 lượt như bình thường. Tiếp tế cho đảo, cho các nhà bè nuôi cá lồng hay cho tàu du lịch neo đậu qua đêm trên vịnh, từ cây kim sợi chỉ, đưa đón khách du lịch, người ra vào đảo, thượng vàng hạ cám gì cũng chở hết. Đò được trợ giá, khách chỉ mất vài chục nghìn là có hơn 1 tiếng đồng hồ ngắm cảnh vịnh, trải nghiệm làng bè tàu cá đủ cả, khá thú vị.

Đón khách tại bến đò Việt Hải

Người lái đò xã là ông Vương, dáng nom mình hổ tay gấu, mặt đầy tròn sạm nắng, thêm bộ râu xồm xoàm, tiếng oang oang đầy nội lực như Trương Phi tái sinh. Ông Vương tên đầy đủ là Nguyễn Văn Vương, là thuyền trưởng, tuổi Bính Ngọ. Ông bắt đầu công việc này từ năm 1993. 27 tuổi bắt đầu chạy đò, sang năm là tròn 30 năm lăn lộn trên sông nước vịnh Lan Hạ. Ông Vương người gốc Cát Hải, bố lấy 2 đời vợ, nhà có 8 anh chị em, 7 anh em trai, theo bố đi chài lưới từ bé, chẳng nhớ từ năm nào. Ngay cả công việc chạy đò xã này, từ khi tiếp quản của “bố Đệnh” – ông Phạm Văn Đệnh, người tiền nhiệm – đến giờ cũng đã đổi tới mấy lần đò, máy cũng thay mấy lần máy, mới được con đò to đẹp chắc chắn như bây giờ, ông Vương coi nó như ngôi nhà thứ 2 của mình.

Có hôm mất ngủ, 3 – 4 giờ sáng ông cũng lọ mọ ra bến, chuẩn bị cho chuyến xuất phát sớm. Ngày nào không chạy đò, không gặp gỡ người nọ người kia, là thấy nhớ. Những ngày đầu bà Thoa – vợ ông Vương – đi phụ đò với ông. Sau vụ 2 vợ chồng bị tai nạn giao thông trên thị trấn, bà nghỉ. Chừng chục năm nay, người con trai Nguyễn Trọng Đại sau thời gian đi học về máy móc, điện lạnh khắp cả Hà Nội, Nam Định, giờ cũng về phụ theo bố chạy đò cho xã, giữ chân máy trưởng. Có con phụ việc, ông cũng nhàn hơn, nhưng kinh nghiệm thì xem ra chưa thay được. Từ Cái Bèo, ra Cửa Đông, đến Cửa Cái, qua Cạp Gù, vào cửa Tùng Gấu để cập bến Việt Hải, chỗ nào nông, sâu, vách đá bên nào thoải phải tránh, bên nào dốc đi sát được, tầm nào gió nồm Tây Nam đò lắc dễ say sóng, ông thuộc vanh vách. Khách nào hay chuyện, ông nói cả buổi được.

Lại nói ở trong bờ, nếu điểm quần tụ của những câu chuyện làng xã là quán trà lá, cà phê vỉa hè thì ở làng đảo này, đó chính là trên đò xã. Muốn biết nhà nào có việc, nhà nào có khách, hàng xóm nào không ưa nhau, bể nhà nào nhiều cá Hau (cá rỉa chân) hơn… cứ lên đò xã kháo chuyện là ra cả. Cả Việt Hải vẻn vẹn chỉ có 88 hộ với loanh quanh chưa tới 300 nhân khẩu, ấy vậy mà từ hồi du lịch phát triển, cũng khối chuyện. Chuyện nhà nọ nhà kia tranh nhau đón vài khách cho cá rỉa chân, đến quặn mắt nhau từ cái dịch vụ ăn uống, lưu trú đều có cả. Nhưng nổi cộm nhất là đợt hè vừa rồi, có vụ lộn xộn của đám xe điện chở khách dịch vụ trên đảo.

Nghe đâu lên cả báo chí rồi. Đại úy Nguyễn Duy Khánh, Trưởng Công an xã Việt Hải xác nhận đúng là có chuyện đó. Nguyên do thế này: Trước đây, khi du lịch chưa phát triển, có vài hộ dân tụ họp với nhau thành hợp tác xã tổ chức đưa đón khách vào đảo. Hoạt động này mang tính tự phát, không có giấy phép, thậm chí đến xe chở khách cũng có những chiếc được hoán cải từ xe “cá mập” 16 chỗ cắt khung sườn rồi lắp ghế lên, hoàn toàn không đảm bảo tiêu chí về môi trường. Sau đó, thì một đơn vị khác được thành lập, được tỉnh cấp giấy phép hẳn hoi, với hơn chục cái xe điện đúng tiêu chuẩn, đi vào hoạt động. Thế là mâu thuẫn nảy sinh. Xô xát cũng đã có. Khách khứa đâu có nhiều, mà có tới ngót ba chục cái xe điện 2 bên tranh nhau thì làm gì mà chẳng sinh chuyện?

Lái đò Vương và con trai, máy trưởng Nguyễn Trọng Đại

Nói về quan điểm giải quyết vấn đề, đồng chí Trưởng Công an xã khẳng định chính quyền và lực lượng chức năng đương nhiên phải ủng hộ đơn vị làm ăn hợp pháp rồi! Vậy nhưng đến Việt Hải bây giờ, vẫn xe vàng xe trắng chạy nhong nhong, chẳng khác gì lúc trước? Được biết cũng đã từng có ý kiến rằng nên sáp nhập đám xe của cái hợp tác xã tự phát với đơn vị được cấp phép kia vào làm một, hoạt động chung theo một giấy phép đã được cấp, như thế vừa hợp tình hợp lý, tạo công ăn việc làm cho lái xe cả 2 bên, vẹn cả đôi đường. Nhưng rồi cũng không thành, là bởi phía hợp tác xã tự phát ấy lại do mấy người cầm đầu chung vốn, giờ không thống nhất được với nhau.

Cũng có dạo đã có lệnh cấm đám xe vàng tự phát ấy hoạt động một thời gian, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Lại nghe đâu tỉnh, theo đề xuất của huyện, sắp cấp thêm giấy phép cho cái hợp tác xã tự phát đó nữa? Một cái xã đảo nhỏ tin hin, quãng đường từ bến tàu vào trung tâm chỉ hơn 5 cây số đường bê-tông độc đạo, mà cấp tới 2 cái giấy phép như thế, rồi thì khách đâu mà đưa với đón? Chưa kể các yếu tố về môi trường, bảo vệ rừng nữa... Không giải quyết phần gốc của vấn đề, đó là câu chuyện xung đột lợi ích, mà lại còn tạo điều kiện cho xung đột lợi ích ra công khai, sao lại thế? Mầm mống bất ổn về an ninh trật tự, tiềm tàng ở đây chứ đâu…

Câu chuyện đan xen với tiếng phành phạch của máy nổ dần đưa con đò qua cửa Tùng Gấu trong buổi chiều tà êm ả. Đứng trên đò đã nhìn rõ mồn một người, xe đi lại trên bến làng Việt Hải. Dăm ba du khách người nước ngoài ngồi trên tầng 2 cũng rục rịch chuẩn bị hành lý để xuống bến. Ông Vương, đã thành thói quen, không quên nhắc nhở mọi người soát hành lý trước khi rời đò. Đến bến Việt Hải, với khách du lịch là bắt đầu một hành trình trải nghiệm hoang sơ, đạp xe xuyên đảo hay ngồi cho cá rỉa chân một cách thư thái, hay chỉ đơn giản là tận hưởng cái bầu không khí làng biển còn chưa nặng mùi đô thị hóa.

Còn với ông Vương, đó là về nhà. Về để tìm sự thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhọc, để tái tạo sức lao động cho ngày hôm sau. Với ông Vương và nhiều người dân đảo, xe vàng hay xe trắng chẳng liên quan gì đến họ. Một nhóm lợi ích nhỏ hoạt động vô pháp, để được thì để, dàn xếp được thì dàn xếp, không để không dàn xếp được thì dẹp quách đi. Ai có việc của người nấy, miễn sao mọi sự bình yên, cùng nhau làm ăn mà khấm khá là tốt hơn cả.

Việt Ba

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Một phụ nữ hôn mê gan cấp trên nền bệnh viêm gan B, cuộc sống chỉ tính bằng giờ đã may mắn được hồi sinh nhờ được ghép gan kịp thời từ nguồn hiến của người chết não vì tai nạn giao thông (TNGT).

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文