Người mang 4 lượng vàng hồi môn theo kháng chiến

07:41 21/04/2025

Về thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng), hỏi thăm gia đình cô Tư Lan (Võ Thị Lan) không ai không biết bởi cô Tư là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất cho đến nay của tỉnh giữ chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, đồng thời cũng là người nổi tiếng một thời kháng chiến oanh liệt, hào hùng. Đặc biệt, câu chuyện cô Tư Lan mang theo 4 cây vàng là của hồi môn cha mẹ cho để ủng hộ kháng chiến gây xúc động cho biết bao người... 

Cô Tư Lan tên thật là Võ Thị Lan, sinh năm 1939, trong gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống cách mạng, có tinh thần yêu nước ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên. Năm 1959, khi vừa tròn 20 tuổi, cô gái miệt vườn Võ Thị Lan tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ đưa thư liên lạc cho các đồng chí lãnh đạo ở xã, huyện.

Nói về thời kỳ này, cô nhớ lại: “Từ những năm 1959-1960, tôi hoạt động hợp pháp tại xã Hòa Tú. Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn, ác liệt khi bọn tề, điệp, thanh niên cộng hòa lùng bắt cán bộ của ta rất gắt gao. Nhiều đồng chí bị bắt, bị tra tấn dã man, có đồng chí bị chặt đầu, mổ bụng, moi gan. Mục đích của chúng là để uy hiếp tinh thần quần chúng nhân dân. Lúc đó, tôi làm liên lạc, đưa thư từ cho các chú lãnh đạo, theo dõi bọn tề, điệp và thông báo tình hình cho các chú. Để hoạt động, tôi đội thúng đựng bánh dừa, bánh chuối, bánh tét... len lỏi khắp nơi nắm tình hình, đưa thư liên lạc. Có lần bị giặc bắt, tra tấn dã man nhưng tôi không khai nên chúng phải thả”.

Người mang 4 lượng vàng hồi môn theo kháng chiến -0
Cô Võ Thị Lan (Tư Lan), nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Năm 1960, cô Tư Lan được phân công giữ nhiều chức vụ, như: Công an, ấp đội, rồi trưởng ban... nhiệm vụ nào cô cũng hoàn thành xuất sắc, được bà con tin yêu, mến phục. Đặc biệt, thời kỳ này cô Tư Lan và các cán bộ đã động viên hàng trăm thanh niên địa phương tòng quân đánh Mỹ. Năm 1966 cô Tư Lan được kết nạp Đảng. Cũng năm này, cô được điều động phụ trách công tác ở ban an ninh xã. Năm 1968, được cấp trên phân công giữ chức vụ Trưởng Ban An ninh xã Hòa Tú.

Với một người phụ nữ, công việc mới này rất khó khăn nhưng cô Tư Lan đã vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thời gian này, cô chỉ huy đơn vị trị tội nhiều tên ác ôn, phản bội, chỉ điểm; gây dựng phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh. Trong đợt tổng tiến công Mậu Thân 1968, cô Tư Lan cùng tập thể vận động hàng trăm lượt dân công hỏa tuyến, vận chuyển hàng chục tấn lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường.

Năm 1972, cô Tư được phân công giữ chức vụ Phó Ban Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên, phụ trách đấu tranh chính trị, xây dựng cơ sở cách mạng. Cũng trong năm đó, cô được cấp trên rút về huyện đội, giữ chức vụ Huyện Đội phó, Tham mưu Trưởng Huyện đội Mỹ Xuyên. Năm 1980, giữ chức vụ Huyện đội trưởng Huyện đội Mỹ Xuyên, đến năm 1991 thì nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá.

Kể về những kỷ niệm sâu sắc của thời hoa lửa hào hùng, cô Tư nhớ lại: “Vào khoảng tháng 3/1960, bọn tề, điệp nghi cô là liên lạc cho cách mạng nhưng chưa có chứng cứ để bắt nên chúng cho người theo dõi. Lúc đó chúng bắt được một số người nghi vấn, trong đó có 2 người là cán bộ đang hoạt động bí mật mà cô Tư biết. Bọn tề, điệp bắt cô lại nhìn mặt để chỉ cho chúng ai là cán bộ, cô Tư trả lời không biết nên bị bọn chúng bắt, tra tấn dã man nhưng cô vẫn cương quyết không khai.

Thấy đánh không ăn thua, chúng chuyển sang dùng cực hình, đóng 4 cây cọc buộc dây căng tay chân cô Tư ra, dùng nước xà phòng đổ vào miệng, dùng giày đạp mạnh vào bụng, vào ngực khiến cô chết đi sống lại nhiều lần nhưng cũng không khai thác được gì, đành phải cho gia đình bảo lãnh cô về nhà. Cô Tư nhớ lại: “Lúc đó mình khai thì chắc chắn 2 chú sẽ bị bọn chúng mổ bụng, moi gan như mấy chú trước đó. Tôi nghĩ, có thể mình chết nhưng các chú là cán bộ phải sống để chỉ huy cuộc chiến đấu, đánh đuổi kẻ thù”.

Một kỷ niệm khó quên nữa là cuối mùa mưa năm 1972, đơn vị của cô phối hợp với dân quân du kích đánh vào đồn giặc ở Ngọc Đông (huyện Mỹ Xuyên), bao vây đồn này gần nửa tháng trời. Để giải cứu, địch tăng viện từ các đồn lân cận, từ chi khu Cổ Cò (nay thuộc xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên) với hàng trăm tên, có máy bay, pháo binh dọn đường rồi bộ binh tràn vào. Khi giặc kéo vào, cô Tư chỉ huy anh em nằm yên khiến cho kẻ thù tưởng quân ta rút hết nên chủ quan. Khi chúng lọt vào trận địa phục kích của ta, chỉ cách hơn 10 mét, cô Tư ra lệnh nổ sung tấn công khiến kẻ thù bất ngờ, bỏ chạy tán loạn ra ngoài đồng trống, chờ đến chiều thì rút quân.

Trận đó ta tiêu diệt 17 tên, làm tan rã cuộc tấn công tăng viện của giặc. Một lần khác, cô Tư dẫn tổ công tác gồm 7 người vào ấp Hòa Trung (xã Hòa Tú 1) để nắm tình hình, chuẩn bị tổ chức đánh đồn địch ở ấp này. Lúc vào, do cán bộ cơ sở chủ quan nên địch kéo vào mà không kịp phát hiện. Trước tình thế nguy cấp, một người dân địa phương giả vờ ra sông bắt cá để báo động cho tổ công tác thì bị địch phát hiện, bắn chết. Nghe tiếng súng nổ, tổ công tác nhanh chóng xuống hầm bí mật. Vừa xuống hầm xong thì quân giặc cũng tràn tới, ở bên cạnh hầm. Tình huống bất ngờ xảy ra là có một người trong tổ bị ngứa họng dễ dẫn tới ho thành tiếng. Ngay lập tức, cô Tư dùng viên đất sét vo nhỏ, bỏ vào miệng người đó kêu nuốt, cơn ho liền chấm dứt. 

Cô Tư Lan động viên nữ tân binh huyện Mỹ Xuyên lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Cô Tư Lan nói: “Lúc thấy đồng chí đó có dấu hiệu muốn ho, tôi lấy đất sét vo nhỏ, bỏ vào miệng, kêu nuốt nên không ho nữa. Nếu lúc đó xử lý không kịp thì chắc chắn bị lộ và cả tổ sẽ nguy hiểm. Tôi có nói với anh em, nếu không ổn thì sẽ dùng lựu đạn cưa đôi với giặc để anh em tìm đường rút an toàn vì lúc nào trong người tôi cũng có 3 trái lựu đạn. Không phát hiện được ta nhưng giặc thấy mấy con gà của người dân nên hè nhau bắt làm thịt nấu ăn ngay cạnh hầm mình đang nấp. Trong khi chúng ăn uống, cười nói bên trên thì mình dưới này nín thở vì lo chúng phát hiện. Đến 3 giờ chiều, chúng kéo nhau ra về.

Lúc đó, tôi nghe chúng nói với nhau: “Chiều rồi, không rút nhanh thì coi chừng bà Định (kẻ thù gọi cô Tư Lan là bà Định đất Mỹ Xuyên - PV) cho quân trồi lên đánh thì mất mạng”. Nghe chúng nói, mình thấy khoái vô cùng vì biết chúng rất sợ. Sau lần đó, khoảng 1 tuần sau, chúng tôi tổ chức đánh tiêu diệt đồn Hòa Trung một cách ngon lành”.

Khi chúng tôi hỏi chuyện cô Tư mang theo của hồi môn mà cha mẹ cho đi kháng chiến có hay không, cô cười vang: “Có thật chớ không phải chuyện chơi đâu nha”. Theo đó, năm 1974, cô Tư được cấp trên giao chỉ huy một tiểu đoàn từ Sóc Trăng sang Campuchia nhận vũ khí về chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân 1975. Biết con gái út chuẩn bị lên đường, người mẹ thân yêu gọi lại, đưa cho 4 lượng vàng là của hồi môn mà cha mẹ đã dành dụm cho con gái sau khi lập gia đình. Nhận 4 lượng vàng từ tay mẹ, cô Tư rưng rưng xúc động chia tay mẹ để lên đường. Lúc đó, đơn vị của cô Tư hành quân sang nước bạn phải đi bộ, lội giữa biển nước mênh mông, rất vất vả. Vì thế, trên đường đi, cô Tư liên lạc được với cơ sở cách mạng, nhờ họ bán một số vàng, mua được 56 chiếc xuồng ba lá cho anh em trong đơn vị làm phương tiện hành quân và có phương tiện để chở vũ khí về.

Ngoài ra, cô Tư còn dùng tiền bán vàng nhờ cơ sở mua thêm cho mỗi chiếc xuồng 1 giạ gạo (khoảng 20 kg), 1 bếp lò, muối, bột ngọt, xoong nồi... và mua cho mỗi người một tấm vải dù làm khăn quàng cổ, chăn đắp khi trời trở lạnh cùng nilon che mưa. Sau 4 tháng hành quân, đơn vị của cô đã mang về được nhiều súng đạn chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử mùa xuân năm 1975.

Nói về chuyến đi này, cô Tư Lan cho biết: “Là một kỷ niệm không bao giờ quên được”. Cô chia sẻ: “Lúc đó, cả đơn vị đi theo đường dây giao liên. Khi đến khu vực Đồng Tháp, do trời tối và giao liên không nhớ đường nên dẫn đơn vị đi lạc vào khu vực địch đóng chốt nhưng rất may chúng không phát hiện ra. Trước tình hình đó, cô Tư lệnh cho anh em chia nhỏ thành nhiều tốp, lần lượt rút ra khỏi khu vực nguy hiểm. Khi anh em cơ bản rút khỏi vùng nguy hiểm thì giao liên cũng... mất phương hướng nên nguy hiểm còn rình rập bởi vẫn đang trong vùng địch kiểm soát mà trời đã gần sáng, nếu không thoát ra được thì tính mạng rất mong manh.

Trước tình thế đó, cô Tư quyết định giả làm người đi thăm chồng bị lạc đường để tìm cách đưa anh em thoát khỏi nguy hiểm. Không quản nguy hiểm, cô dầm mình giữa biển nước, mặc cho đỉa bám đầy mình, cuối cùng cũng tìm được một cán bộ địa phương nhờ giúp anh em thoát khỏi vùng nguy hiểm. Cô Tư nói: “Qua câu chuyện với người cán bộ đó, nghe anh nói lại nếu đêm đó đơn vị không thoát ra được thì chắc chắn sẽ gặp tổn thất lớn vì hôm đó các đồng chí đã nắm được thông tin địch có kế hoạch đánh phá khu vực này vì chúng nghi là nơi bộ đội ta đóng quân”.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, niềm vui thống nhất chưa trọn thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Để chi viện cho chiến trường, Huyện đội Mỹ Xuyên, Huyện đội Thạnh Trị, Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) thành lập tiểu đoàn liên huyện tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới. Cô Tư Lan lại tiếp tục xung phong cùng đơn vị ra chiến trường. Cô nói: “Lúc đó tôi là cán bộ chỉ huy mà tình hình rất khó khăn bởi chiến trường ác liệt quá, tư tưởng cán bộ cũng phức tạp bởi đứng trước lằn ranh của sự sống - chết. Vì thế, chúng tôi họp bàn phương án tháo gỡ để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi lại xung phong chỉ huy đơn vị đi biên giới chiến đấu. Mình là phụ nữ xung phong đi thì chắc chắn nhiều anh em sẽ cùng đi. Hơn nữa, tôi chỉ có mẹ già đã có 2 người chị chăm lo, còn các đồng chí khác đang trẻ, còn vợ con, sẽ khó khăn hơn tôi. Chỉ đơn giản là như thế chứ không có gì hơn. Vậy là tôi và các đồng đội của mình lại hành quân ra biên giới”.

Cô Tư Lan sống hạnh phúc, vui vẻ bên con cháu trong căn nhà đầy ắp tiếng cười.

Về cuộc đời riêng, tuy cô Tư không kể nhưng qua lời của nhiều người từng công tác với cô, chúng tôi được biết: Khi còn trẻ, cô đã hẹn ước với một người đồng chí cùng quê hương. Họ hẹn nhau ngày toàn thắng mới xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhưng, chiến tranh đã cướp đi lời hẹn ước ấy. Người đồng chí, người yêu của cô đã ngã xuống trong một trận đánh ác liệt với kẻ thù. Nhận tin người yêu hy sinh, cô Tư Lan đau xót, bàng hoàng không thể tin được bởi lời hẹn ước giữa hai người “chờ tới ngày giải phóng mình sẽ thành đôi” vẫn còn đó. Cũng từ nỗi đau đó mà cho đến tận sau này, cô Tư Lan đã khước từ lời cầu hôn của nhiều người, luôn giữ trọn tấm lòng chung thủy vẹn toàn với người đồng chí, đồng đội đã hy sinh. 

Hiện, cô Võ Thị Lan - Tư Lan sống hạnh phúc bên 2 người con nuôi vốn là con của 2 người chị ruột, cùng các cháu nội, ngoại học hành thành đạt trong căn nhà xinh xắn do cô tạo lập khi nghỉ hưu... Với những thành tích lập được trong kháng chiến, cô Võ Thị Lan đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì, hạng Ba; 5 huy hiệu Chiến sĩ Quyết thắng; 4 lần Chiến sĩ Thi đua...

Văn Đức - Cao Xuân

Ngay sau khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an TP Huế đã huy động lực lượng, phương tiện đến cầu Dã Viên để tìm kiếm tung tích người nhảy cầu. Đến khoảng hơn 17h chiều cùng ngày, lực lượng CNCH đã vớt được thi thể người đàn ông nhảy cầu.

Chiều 12/7, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh cho biết vừa triệt phá băng nhóm mua bán hàng cấm là khí N2O (bóng cười) do đối tượng Trần Tuấn Kiệt cầm đầu. Chỉ từ đầu năm 2025 đến nay, các đối tượng đã cung cấp cho khách sử dụng hàng ngàn bình bóng cười, với tổng số tiền lên đến 253 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 105 tỷ đồng…

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc đối với lô sản phẩm sữa rửa mặt chuyên dụng Gammaphil. Đây là lần thu hồi sản phẩm thứ 4 kể từ tháng 5 năm ngoái khi sản phẩm chứa chất bảo quản nhưng không công bố.

Ngày 12/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã kết luận điều tra đề nghị truy tố đối với các bị can: Huỳnh Thế Năng (SN 1959, cựu Tổng giám đốc Vinafood II), Đinh Trường Chinh (SN 1974, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà) và Nguyễn Thọ Trí (SN 1961, cựu Phó Tổng giám đốc Vinafood II) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Ngày 10/7, trên trang Facebook "Tin Nóng Việt Nam" đăng tải 1 video clip có lời bình tiêu đề "Chấn động: CSGT dừng xe tang giữa đường, bé gái bất ngờ chui ra từ quan tài" xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngay sau khi xuất hiện, video clip này đã lan truyền trên mạng xã hội với nhiều lượt chia sẻ, bình luận, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân...

Ngày 12/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn đang ở mức báo động. Tính tích lũy trong 27 tuần đầu năm 2025, thành phố ghi nhận 14.370 ca bệnh, tăng đột biến 153,3% so với cùng kỳ năm 2024 (8,696 ca).  

Theo các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) của TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập sẽ có chiều dài lên đến 1.012 km. Trong đó, địa bàn thành phố trước khi sáp nhập có 12 tuyến, tổng chiều dài khoảng 582km; tỉnh Bình Dương trước sáp nhập có 12 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 305km và trong số này có 6 tuyến kết nối với TP Hồ Chí Minh. Riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước sáp nhập có 3 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 125km.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.