Người thầy và vị tướng Phạm Văn Dần

07:59 05/04/2023

LTS: Ngày 1/4/2023, Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND đã từ trần ở tuổi 86. Với nhiều cán bộ, phóng viên báo CAND, Thiếu tướng Phạm Văn Dần không chỉ là người thủ trưởng mà còn là người anh, người thầy đáng kính. Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng biên tập báo CAND gửi cho chuyên đề An ninh Thế giới bài viết về những kỷ niệm của ông với người thủ trưởng đã có công rất lớn trong việc cho ra đời Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an và chuyên đề An ninh Thế giới.

-Anh Dần mất rồi Phong ơi! Tôi giật bắn người khi nghe tiếng kêu thảng thốt của anh Hữu Ước. Mới cách đây khoảng nửa tháng, trong lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Xây dựng lực lượng CAND, Thiếu tướng Phạm Văn Dần vẫn đến dự. Ông đi chầm chậm và có 2 sĩ quan dìu bên cạnh...

Nhìn ông, tôi thấy lạ bởi ông vẫn như “anh Dần” thuở nào - vẫn nụ cười đôn hậu, vẫn ánh mắt lấp lánh lúc nào cũng như chực cười. Ánh mắt ấy, nụ cười ấy hình như chưa bao giờ nổi nóng với ai, chưa khi nào nặng lời với ai.

Ông hỏi về đứa cháu nội của tôi bên Cuba rồi hỏi dạo này có viết được gì không? Rồi ông cũng than phiền rằng dạo này sức khỏe xuống nhiều vì năm ngoái bị đột quỵ. Nhưng vẫn còn đi lại được và chưa gây phiền lụy lắm cho gia đình. Ông cười mà rằng: “Đã sang tuổi 85 rồi. Sống thế là quá đủ”.

Thiếu Tướng Phạm Văn Dần, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, trưởng ban tổ chức cuộc thi giải Cây bút Vàng lần thứ nhất tại cuộc họp báo công bố kết quả (8/1998).

Thấy ông, mọi người tíu tít đến hỏi thăm và ai cũng muốn chụp ảnh chung với ông.

Và tôi nhớ lại một ngày mùa thu năm 1994... Ông gọi tôi ra phố Vũ Lợi ăn cơm bụi.

Ngày ấy, tôi đang là phóng viên Báo CAND và mới làm đơn xin nghỉ công tác. Lý do thì cũng khá đơn giản. Ấy là vì tôi không học đại học, cũng chẳng qua trung cấp hay sơ cấp gì, vì thế chỉ lên cấp hàm trung úy rồi... ngồi đấy! Chán cảnh đến niên hạn không được lên lương, tôi làm đơn xin nghỉ việc... Chuyện tôi xin nghỉ gây xôn xao ở Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND. Cũng có những lời bàn tán này nọ về động cơ tôi xin nghỉ, bởi lúc ấy, tôi cũng là một phóng viên cứng của Báo CAND và riêng thể loại phóng sự thì cũng có nhiều giải.

Hai anh em ngồi ăn cơm bụi, ông hỏi tôi động cơ xin đi. Tôi chả giấu giếm gì, kể hết. Ông lặng người hồi lâu rồi bảo: “Day dứt của em, anh hiểu. Thôi, bây giờ thế này, đây không phải là cấp trên nói với cấp dưới, mà là anh nói với em. Em cứ ở lại Báo CAND. Sắp tới, anh sẽ giao cho Hữu Ước làm Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an. Anh em mày vốn quý nhau. Mày về giúp cho nó. Nghe anh nhé!”. Nghe ông nói vậy, tôi không biết nói gì hơn nữa và chỉ bảo: “Thế thì anh cho em về tạp chí với anh Ước!”. Và thế là sang năm 1995, khi Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an ra thử nghiệm, tôi được điều về làm Thư ký tòa soạn.

Khi Tạp chí chính thức ra mắt, Thiếu tướng Phạm Văn Dần là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND kiêm Tổng Biên tập, anh Hữu Ước là Phó Tổng Biên tập, tôi làm Thư ký tòa soạn.

Trong lễ công bố sự ra đời của Tạp chí, có nhiều nhà văn, nhà thơ danh tiếng đến dự.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Tính và Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND Phạm Văn Dần chụp ảnh kỷ niệm với một số nhà văn Công an.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú trông thấy ông Phạm Văn Dần, vội bước tới, chào đon đả: “Em chào anh ạ”. Ông Dần nói như reo lên: “Tú hả em. Dạo này khỏe không? Có viết được cuốn nào mới không?”. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú vẫn lễ phép: “Thưa anh, em khỏe. Dạo này viết cũng chậm ạ. Em chúc mừng anh và Bộ Công an có một tạp chí văn học đầu tiên. Lâu nay anh có về trường không?”. Ông Dần gãi đầu: “Vừa rồi cũng có giấy mời họp nhưng anh bận quá, không về được. Mà ngày ấy, mỗi khi cô đi qua lớp anh, cô hay liếc vào lắm?”. Cô Tú cười: “Thì em mê anh mà lại”. Nói xong, cả cô Tú và ông Dần phá lên cười sảng khoái.

Tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy cô Ngọc Tú nói chuyện với ông Dần như hai người bạn thân xa nhau lâu ngày không gặp và hình như ngày xưa cùng ở một trường đại học nào đó. (Tôi gọi nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú là “cô” bởi vì cô ở cùng với bố tôi trong Ban Văn xuôi của Báo Văn nghệ).

Lát sau, tôi ra hỏi cô Tú: “Cô ơi, ngày xưa cô học ở Trường C500 với ông Dần à?”.

Cô Tú cười và bảo: “Không phải. Anh Dần và cô cùng dạy học ở Sơn Tây từ những năm 1961-1962. Anh Dần dạy toán cấp 3, còn cô dạy văn cấp 2 - rồi cô hào hứng kể - thầy Dần là người có biệt tài, thiên hạ hiếm có. Thầy viết được bằng cả hai tay. Khi giải toán, thầy hay lấy phấn chia bảng ra làm hai. Tay trái thầy viết đề bài, tay phải thầy viết lời giải. Kỳ lạ nữa là chữ thầy viết hai tay như một, đều tăm tắp. Thầy Dần là người cao lớn, đẹp trai, cư xử rất lịch lãm và tài hoa, nên nhiều cô mê lắm. Sau này, thầy Dần được cử đi dạy học ở Algeria và hết 5 năm ở Algeria thì về dạy môn toán ở Trường C500. Thân phụ là cụ Phạm Văn Nghi, là hiệu trưởng đầu tiên của Trường C500”.

Sau này, tôi có hỏi ông chuyện cô Tú kể, ông cười và bảo: “Tớ cũng có chút tài vặt như thế. Nhưng, chỉ “biểu diễn” khi tạo sự hứng thú cho học sinh”. Tôi xin ông “biểu diễn” lại cách viết chia hai bảng như vậy để quay phim làm tư liệu, ông cười rồi bảo: “Ừ, hôm nào tớ viết cho mà xem”. Nói thế rồi cứ việc nọ việc kia cuốn đi và thời gian trôi nhanh như kim giây đồng hồ... Bây giờ thì ông đã ra đi.

Còn có một cán bộ nữa của Báo CAND từng là học trò của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và cũng rất biết thầy Dần từ khi còn học phổ thông là bà Nguyễn Thị Bình, Phó Phòng Trị sự của báo.

Sau này tôi mới biết ông Phạm Văn Dần rất giỏi tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc. Thời chống Mỹ, ông được cử sang Algeria dạy toán bằng tiếng Pháp, rồi sau này, khi về dạy ở Trường C500 (tiền thân của Học viện An ninh nhân dân ngày nay), ông dạy môn toán. Về tiếng Trung Quốc, ông giỏi ở mức “đọc thông viết thạo” và sau này, khi nghỉ hưu đã có nhiều đoàn mời ông đi làm phiên dịch.

Thiếu tướng Phạm Văn Dần dự gặp mặt kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống Xây dựng lực lượng CAND, tháng 3/2023.

Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an ra đời, ông Dần là Tổng Biên tập nhưng thực ra, mọi việc lớn bé giao anh Hữu Ước hết. Có lần họp, ông bảo: “Tôi đứng tên giúp các cậu ít ngày thôi chứ tôi hiểu gì nhiều về báo chí mà làm”. Có lần, ông băn khoăn về kế hoạch phát hành Tạp chí của anh Hữu Ước đưa ra. Ông bảo phải tính thêm đã. Thuyết phục một hồi không được, anh Hữu Ước hơi cáu, nói nặng: “Việc phát hành anh cứ để em. Anh biết gì về thị trường báo chí đâu mà cứ ý kiến!”. Ông Dần hơi sững lại vì câu nói của anh Ước nhưng rồi ông chỉ cười nhẹ và nói như không: “Thế mới gọi là tính... dần dần!”. Ngày ấy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND là Thiếu tướng Nguyễn Văn Tính, Tổng Cục phó có ông là Phạm Văn Dần. Cả hai ông đều có tính giống nhau là rất điềm đạm, rất mô phạm và lúc nào cũng nhẹ nhàng, vì thế mới có câu: “Ở Tổng cục 3 là cứ phải Tính... Dần dần!”

Ra Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an được gần năm thì anh Hữu Ước xin làm tờ An ninh thế giới là phụ san của Tạp chí. Mục tiêu đầu tiên cũng là để có thêm “đồng ra, đồng vào” nuôi Tạp chí.

Ngay số đầu tiên, do đăng sai một chi tiết nghiệp vụ, thế là ầm ĩ hết cả lên. Một vị lãnh đạo Bộ gọi ông Dần lên chất vấn: “Tại sao lại để Hữu Ước làm? Ai quyết định phục hồi đảng tịch cho nó?”.

Trước sự gay gắt của vị lãnh đạo, ông Dần vẫn điềm tĩnh giải thích và nói: “Tôi chịu trách nhiệm trước việc này. Việc này tôi cũng đã báo cáo và được Thứ trưởng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý. Còn cậu Ước là người thực sự có tài làm báo. Cậu ấy còn trẻ thì phải tạo điều kiện cho cậu ấy vươn lên. Anh cứ tin tôi và anh Ba đi. Chúng tôi không nhìn nhầm người đâu”.

Và Tạp chí Văn hóa - Văn Nghệ Công an sống được, còn tờ An ninh thế giới sau này trở thành một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong làng báo Việt Nam chính là nhờ niềm tin vào Con Người của ông Phạm Văn Dần.

Thiếu tướng Phạm Văn Dần là con trai trưởng của nhà giáo Phạm Văn Nghi, Hiệu trưởng Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân).

Năm 12 tuổi, ông sang Trung Quốc du học tại Khu học xá Việt Nam (Quảng Tây Nam Ninh Dục tài học hiệu). Sau đó ông về nước học đại học rồi đi làm chuyên gia giáo dục ở Angeria.

Tháng 10/1969, sau khi kết thúc nhiệm vụ chuyên gia giáo dục tại Angeria, ông về nước làm giáo viên Trường Công an Trung ương khi trường bắt đầu đào tạo khóa đại học đầu tiên (khóa Đ1), giảng dạy môn Toán và tiếng Pháp.

Ông thông thạo tiếng Trung Quốc và tiếng Pháp. Ông là Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an, nay là Chuyên đề Văn nghệ Công an của Báo CAND.

Nguyễn Như Phong

5.000 năm trước, ở Bắc Phi, một vị vua đầy tham vọng, ngày nay được gọi là Narmer, đã thống nhất hai vùng đất Thượng Ai Cập ở phía Nam và Hạ Ai Cập ở phía Bắc thành lãnh thổ vĩ đại đầu tiên trên thế giới - Ai Cập. Nhưng cho đến nay, nguồn gốc của nền văn minh Ai Cập vẫn còn khá mơ hồ. Những gì còn sót lại về vị Pharaoh đầu tiên của Ai Cập chỉ là cái tên.

Hiện nay, một số mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện, phường trong công tác này. Tuy nhiên, hoạt động thực tế gặp không ít khó khăn, hạn chế, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người CHXAPT có công ăn, việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…

Tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư về phí bảo trì, diện tích sở hữu chung, chậm bàn giao sổ hồng… tại các khu nhà chung cư là vấn đề không mới và đã kéo dài nhiều năm. Tại nhiều nhà chung cư, tưởng như việc tổ chức được hội nghị bầu ra Ban Quản trị, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho cư dân sẽ hóa giải được những xung đột, thế nhưng mâu thuẫn vẫn chưa dừng lại. Các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư đã có, vậy nhưng tranh chấp ở các khu nhà chung cư chưa bao giờ hết “nóng” và dường như chưa có thuốc “đặc trị”.

Khi bụi lắng xuống sau các trận oanh tạc vào Dải Gaza, thi thể hàng ngàn người Palestine bị vùi lấp lẫn với gạch đá, rất khó phân biệt ai đến từ Hamas, ai là dân thường cố gắng vật lộn tìm đường sống. Ngay cả khi không chết vì bom đạn, cuộc sống ngột ngạt trong cảnh vây hãm tại dải đất hẹp bên Địa Trung Hải đang từng ngày chôn vùi những giấc mơ sống bình dị nhất…

Trong cuộc đời của mỗi người luôn có nhiều khoảnh khắc đẹp và đáng nhớ. Một trong những khoảnh khắc đó đã mang đến sự may mắn cho họ như định mệnh và nên duyên vợ chồng hạnh phúc viên mãn cả cuộc đời. Riêng tình yêu của tôi với nhà giáo, Thiếu tướng Phạm Văn Dần, sau là Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, cũng xuất phát từ khoảnh khắc đẹp như vậy.

Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc ở Geneva ngày 14/11 (giờ địa phương) tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán chấm dứt chiến sự ở Ukraine nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khởi xướng, nhưng cuộc đàm phán nào cũng cần dựa trên thực tế về các bước tiến của Nga.

Nhiều khu đất lớn đang trong giai đoạn chính quyền TP Đà Nẵng rao bán đấu giá bị doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm làm công trình, bãi tập kết máy móc, vật liệu xây dựng. Thậm chí, có trường hợp chiếm đất công rồi tổ chức cho người khác đổ xà bần, rác thải để thu tiền theo đầu xe. Đã có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự... 

Cơn bão Man-yi, hiện cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 2.000 km được đánh giá là cơn bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, có khả năng tiến vào Biển Đông trong ngày 18/11.

Không chỉ nhiều lần phớt lờ chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về vấn đề quản lý đất công như Báo CAND đã phản ánh vào ngày 9/11, tại Phân viện Thanh Thiếu niên miền Nam (TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh) thuộc Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam còn để xảy ra tình trạng công trình trị giá 34 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn ngân sách sau 15 chưa quyết toán xong và có nguy cơ phải đập bỏ do xây dựng không phép…

"Không thể để Thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình",  TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu như vậy tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文