Những cái chết vì… làm đẹp

21:27 27/10/2021

“Không sợ chết, chỉ sợ... xấu”, rất nhiều chị em đã liều lĩnh đi tìm cái đẹp từ những cuộc đại phẫu thể xác. Làm đẹp là chính đáng nhưng cái giá của sắc đẹp đôi khi quá đắt và nghiệt ngã.

Vài năm trở lại đây, nhiều vụ tai nạn phẫu thuật thẩm mỹ đã xảy ra, trong đó, phần lớn rơi vào một số bác sĩ hành nghề “chui” hoặc tay ngang chuyển sang cầm dao kéo. Mới đây nhất là vụ chết người xảy ra tại Bệnh viện thẩm mỹ GangWhoo, đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm khôn lường của việc phẫu thuật làm đẹp.

Cái giá quá đắt

Ngày 16-10-2021, bà N.T.N.Th. (50 tuổi, ngụ Q. Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cùng chồng là ông Bùi Ngọc Vĩnh đến Bệnh viện thẩm mỹ GangWhoo (Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) để hút mỡ bụng. Bệnh nhân được khám sức khỏe tổng quát, khoảng một tiếng sau thì bà Th. được đưa vào phòng mổ. Trước đó, bà Th. đã chọn bác sĩ Phùng Mạnh Cường là người phẫu thuật cho mình vì cho rằng, bác sĩ này tay nghề cao, uy tín, đã có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thẩm mỹ. 

Theo thông báo của ê-kíp, cuộc phẫu thuật sẽ diễn ra trong khoảng 60 phút và ông Vĩnh có thể ngồi bên ngoài chờ để rước vợ về ngay. Tuy nhiên, ông Vĩnh chờ tới 16h vẫn không thấy ai gọi. Đến 16h30, bà Th. gọi điện thông báo với người nhà, ca phẫu thuật đã xong nhưng cơ thể còn mệt, cần nằm lại theo dõi.

Bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo xảy ra vụ tử vong do hút mỡ bụng.

Sáng 17-10, ông Vĩnh gọi điện cho vợ thì không liên lạc được. Lo lắng nên ông quay lại bệnh viện yêu cầu được gặp bà Th. nhưng bị bảo vệ cản lại. Ông Vĩnh thấy quá vô lý, dọa sẽ báo công an xử lý thì mới được bệnh viện cho vào chờ. Chờ mãi vẫn không được gặp vợ, ông lao vào phòng thì phát hiện vợ đang trong tình trạng phải thở máy. Quá hoảng hốt trước tình trạng trên, ông Vĩnh yêu cầu bệnh viện phải chuyển vợ đi cấp cứu ngay lập tức. “Bác sĩ Cường vẫn không chịu chuyển vợ tôi đi cấp cứu. Anh ta lấy kinh nghiệm 20 năm để đảm bảo vợ tôi không sao. Bác sĩ Cường còn nói nếu vợ tôi chết, anh ấy cũng chết theo”, ông Vĩnh kể lại.

15h ngày 17-10, bà Th. mới được chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân N.T.N.Th được can thiệp thở máy, vận mạch, kháng sinh, lọc máu liên tục. Tuy nhiên, đến 21h ngày 18-10, bà T. qua đời.

Kết luận của Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, viêm cân hoại tử, hậu phẫu hút mỡ bụng ngày 3, bệnh lý tăng huyết áp.

Ông Vĩnh cho rằng, ngay từ tối 16-10, khi bà Th. có dấu hiệu mệt mỏi, bệnh viện không đủ khả năng cấp cứu, có thể chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy thì cơ hội sống đã cao hơn rất nhiều. “Trước khi quyết định hút mỡ bụng, vợ tôi có tham khảo nhiều bệnh viện, cuối cùng chọn GangWhoo vì nghĩ đã là bệnh viện thẩm mỹ thì phải uy tín, phải có chuyên môn, nào ngờ vợ tôi đã chết oan”, ông Vĩnh đau buồn chia sẻ. Ông Vĩnh cho biết, gia đình chỉ mong giải quyết theo quy định pháp luật. Bệnh viện thẩm mỹ GangWhoo đến viếng, muốn hỗ trợ viện phí nhưng gia đình không đồng ý.

Phó giáo sư Đỗ Quang Hùng, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, phẫu thuật hút mỡ bụng là một phẫu thuật lớn. Nguy cơ đáng ngại và nguy hiểm nhất là thuyên tắc mạch sâu và thuyên tắc phổi. Tuy nhiên, nguy cơ này rất thấp, tỷ lệ ít gặp nếu kỹ thuật tốt và tầm soát kỹ trước mổ. Để phòng ngừa, trước khi thực hiện hút mỡ và tạo hình thành bụng, bệnh nhân phải được tầm soát huyết khối, tĩnh mạch sâu ở những người trên 40 tuổi.

Bác sĩ phẫu thuật xử lý biến chứng nâng ngực cho bệnh nhân.

Đừng để chết vì làm đẹp

Nở rộ làm đẹp, khuôn mặt “baby” hoặc danh xưng “Hotgirl mạng” là mục tiêu để nhiều phụ nữ theo đuổi bất chấp rủi ro trong quá trình mổ xẻ khuôn mặt. Chạy theo kiểu làm đẹp cùng một mô-típ khiến các gương mặt trở nên đại trà và không còn sự khác biệt so với vẻ đẹp tự nhiên nữa. Khuôn mặt nhỏ với chiếc cằm nhọn, sống mũi thẳng đứng, đầu mũi nhỏ, mí mắt to, miệng cười hờ hững, môi trái tim, vòm lông mày cao, trán cao, má đầy đặn là đặc trưng của kiểu làm đẹp qua phẫu thuật thẩm mỹ.

Những cái chết do làm đẹp đã được cảnh báo từ lâu nhưng nỗi đau, bi thương cho gia đình và xã hội vẫn không hề làm giảm đi động lực làm đẹp của các quý bà, các cô gái, để rồi tai nạn ập tới, họ phải trả giá bằng cả mạng sống của mình.

Ngày 7-7-2021, Công an tỉnh Trà Vinh đã bàn giao 2 nghi phạm liên quan cho Công an Q. Bình Tân, TP Hồ Chí Minh điều tra nguyên nhân tử vong của cô gái 30 tuổi khi đi phẫu thuật nâng ngực ở một phòng khám tại TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, khoảng 22h30 ngày 4-7, Công an tỉnh nhận tin báo của người dân về việc 2 người từ TP Hồ Chí Minh lái ôtô chở thi thể một cô gái đến trại hòm ở xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè nhờ khâm liệm và mai táng. Qua làm việc, công an xác định hai người đi ôtô là Phan Đức H. (59 tuổi) và con gái (17 tuổi), ở phường Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP Hồ Chí Minh.

Nạn nhân nguy kịch do phẫu thuật thẩm mỹ.

Theo lời khai ban đầu của ông H. sáng 3-7, chị N.T.T. (30 tuổi, ngụ phường Bình Trị Đông, Q. Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) đến phòng khám của ông H. để phẫu thuật nâng ngực. Trong quá trình phẫu thuật, cô gái này tím tái, khó thở rồi tử vong. Sau đó, chủ phòng khám đưa thi thể nạn nhân lên ôtô rồi cùng con gái chở đến huyện Cầu Kè. Người ở trại hòm nhận thấy dấu hiệu bất thường nên báo Cơ quan công an.

Năm 2019, tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam (Q.3) và Bệnh viện Emcas (Q.10) cũng xảy ra 2 vụ tử vong vì phẫu thuật thẩm mỹ. Nữ bệnh nhân xấu số tên T.C.T (59 tuổi, là Việt kiều Mỹ) sau khi căng da mặt tại Bệnh viện thẫm mỹ Kangnam thì phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng huyết áp tụt, ngưng tim. Chẩn đoán ban đầu bệnh nhân bị sốc thuốc tê hoặc ngộ độc thuốc tê, điều trị không hiệu quả. Bệnh viện Nhân dân 115 hội chẩn cùng Bệnh viện Chợ Rẫy và đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ thuốc tê, được dùng vận mạch liều cao và cuối cùng bệnh nhân đã không qua khỏi.

Cũng trong thời gian này, tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas, đường Hoàng Dư Khương, Q.10, TP Hồ Chí Minh, chị V.N.A.T., 33 tuổi đã tử vong khi phẫu thuật đặt túi ngực. Ông Đinh Viết Hưng là bác sĩ, người phẫu thuật đặt túi ngực cho khách hàng. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân T. sau phẫu thuật đặt túi nâng ngực bị suy hô hấp do tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi dẫn đến ngừng tim, rối loạn nhịp tim nặng do block dẫn truyền ở trong tim trên người bệnh có nhịp xoang chậm trước mổ. Sai sót chuyên môn này là bác sĩ chưa khai thác hết tiền sử người bệnh, vì vậy chưa đánh giá hết nguy cơ có thể xảy ra.

Hệ lụy khôn lường khi phẫu thuật thẩm mỹ nhưng không ngăn được động lực làm đẹp của chị em phụ nữ.

Theo điều tra, ông Đinh Viết  Hưng có dấu hiệu làm giả quyết định bổ sung phạm vi chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ. Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện thẩm mỹ Emcas ngưng ngay hợp đồng, đồng thời rà soát chứng chỉ hành nghề đối với tất cả nhân viên đang hợp đồng tại bệnh viện.

Ngày 30-6-2020, Thanh tra Sở Y tế xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với ông Hưng khi thực hiện thẩm mỹ tại một địa chỉ ở Q.6, TP. Hồ Chí Minh vì hành nghề khi đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 6 tháng.

Ngày 26-3-2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Đinh Viết Hưng (46 tuổi, ngụ Q.10, TP Hồ Chí Minh) để điều tra về tội “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”.

Chiều 22-10, Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chi Minh đã có thông tin về sự cố y khoa sau phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện GangWhoo. Theo đó, ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp Phòng Y tế Q. Tân Bình, Công an, UBND phường 13, Q. Tân Bình kiểm tra, xác minh vụ việc. Cơ quan chức năng đã niêm phong các trang thiết bị y tế và hồ sơ bệnh án có liên quan tại Bệnh viện thẩm mỹ GangWhoo để phục vụ công tác điều tra. Đồng thời, yêu cầu Bệnh viện thẩm mỹ GangWhoo ngưng hoạt động kể từ 18-10 cho đến khi có thông báo kết luận điều tra vụ việc của các cơ quan chức năng.

Chúng tôi đã cố gắng liên hệ với bác sĩ Phùng Mạnh Cường, là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân tại Bệnh viện GangWhoo tuy nhiên không được hồi âm. Tại bệnh viện, nhân viên bảo vệ từ chối tiếp khách nếu không có sự đồng ý của lãnh đạo.

Ngọc Thiện

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文