Những chuyến dẫn đoàn đặc biệt

07:50 03/08/2021

Từng đoàn người, đi bộ hay rồng rắn trên xe máy ngược ngàn về lại Tây Nguyên, hay rong ruổi hướng ra Miền Trung về lại quê hương đều cảm thấy xúc động và yên tâm, khi trên những chặng đường ấy họ được sự hỗ trợ hết mình của lực lượng công an.

Những chuyến hồi hương

Liên tiếp những ngày qua, hàng ngàn người không trụ nổi ở TPHCM và một số tỉnh phía nam trước sức càn quét của cơn bão dịch bệnh đã lũ lượt rời phố thị về quê cũ. Họ ngược ngàn lên Tây Nguyên, ngược nắng ngược gió để về lại miền Trung lắm nhọc nhằn, và trên hành trình về lại quê hương ấy, lực lượng công an, lực lượng CSGT các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức dẫn đường đưa người dân về quê tránh dịch với tinh thần trách nhiệm cao nhất dù bộn bề công việc.

Người ta đã từng đổ xô về phố thị, nơi cuộc sống nhiều ánh hào quang nhưng vẫn đẫm nhọc nhằn, chỉ để hy vọng có một công việc tốt hơn, thu nhập tốt hơn, cuộc sống khá hơn, tâm lý ổn định hơn. Cuộc sống quê nhà vốn đã trở nên quá khó khăn với những người ấy, họ buộc phải xa quê hương và tìm đến thành thị để kiếm việc. Nhưng rồi cơn bão dịch quét qua đô thị, quét qua những mảnh đời du mục về đô thị. Những người rời quê làm chuyến “thiên di” ấy có những người ổn định ở phố thị nơi họ tin chọn, nơi đó có việc làm và thu nhập khá. Khi dịch bệnh bủa vây và họ cầm cự được, sống được qua ngày với số tiền tích lũy. Nhưng còn có rất nhiều người sống ở những khu tạm cư, những khu nhà trọ,  thiếu thốn bộn bề. Đô thị giờ là nhà, là chốn nương thân của 37,7% dân số Việt Nam (tương đương gần 36 triệu người, số liệu năm 2020), nhưng trong số đó không phải ai cũng may mắn có của ăn của để.

 Những đoàn người về quê bằng xe máy xếp hàng dài tại các chốt kiểm soát dịch bệnh.

Thực tế chật chội, thiếu thốn cuộc sống quê kiểng sẽ không phải là điều dễ quen đối với những người dân di cư mới đến thành phố vốn quen với những khoảng không gian thoáng đạt, với ruộng rừng mênh mông. Với vòng quay chóng mặt của cuộc sống sinh tồn hôm nay ở phố thị, khi mà mọi việc vừa mới xảy ra ban sáng có thể đến chiều đã trở thành thì quá khứ, khiến người ta ít có thời gian tĩnh tâm để nhìn sâu vào trầm tích của mảnh đất mà họ đang đứng chân.

Cuộc sống có thể không quá khó khăn như nhiều người khác, nhưng tìm được việc mới và làm quen với cuộc sống thành thị sẽ không phải là điều dễ làm. Họ - có lẽ đã được phố thị đào luyện, chỉ cần được sống trọn vẹn với ước mơ thực sự của mình - thế là đủ. Thế nhưng dịch bệnh đã ngáng trở tất cả, càn quét tất thảy, khiến những người lạc quan nhất cũng đôi lúc ngờ vực, khiến những người bàng quan nhất đôi lúc cũng ưu tư. Và với những người “thiên di” ra phố thị, họ nặng lòng với mảnh đất nương thân này, nhưng bất khả dĩ để trụ lại nên họ đành tìm cách hồi hương.

Và những câu chuyện tuyệt vời

Những cuộc hồi hương cũng chẳng dễ dàng gì, nó đánh đổi bằng nhọc nhằn, có đôi khi tuyệt vọng, và cũng có lúc có những điều diệu kỳ. Như chuyện hàng nghìn  đồng bào H'rê, Cor ở vùng cao Quảng Ngãi làm thuê khai thác gỗ keo bị kẹt ở trên núi nhiều tỉnh, thành do dịch. Có hàng trăm người phải đi bộ ngày, đêm để về quê trong cảnh đói, khát. Khi họ vừa tới cửa ngõ Quảng Ngãi, những chiến sĩ Công an kịp thời hỗ trợ những gói mì, hộp sữa, chai nước và cùng chính quyền địa phương chuẩn bị những chuyến xe đưa  bà con về đến nhà an toàn.

 Lực lượng Công an Đà Nẵng hỗ trợ người dân lương thực, nước uống và dẫn đoàn trong đêm khi đi qua địa phận Đà Nẵng. (ảnh: Ngũ Hành).

Hay mới đây, chuyện 4 mẹ con là người Nghi Lộc (Nghệ An) vì hoàn cảnh khó khăn phải bươn chải nơi đất khách quê người ở Trảng Bom (Đồng Nai). Nhưng đại dịch COVID-19 ập đến càng làm hoàn cảnh của gia đình thêm khó khăn, 4 mẹ con đã thất nghiệp từ 4 tháng nay, không có tiền trang trải cuộc sống phải đạp xe đạp từ Đồng Nai về quê. Bắt đầu từ ngày 9-7-2021 đến 19-7-2021 thì về đến Ninh Phước (300 km). Cảm thông trước hoàn cảnh khó khăn của 4 mẹ con, các cán bộ chiến sĩ công an tại Chốt kiểm soát đã chung tay đóng góp được 1 triệu đồng làm tiền lộ phí cho 4 mẹ con, kèm theo bánh, kẹo, nước uống và bất kỳ thứ gì có thể ăn được tại Chốt, cùng với đó là lời chúc bình an. Nhìn bóng dáng 4 mẹ con xa dần, các chiến sỹ công an vừa thương, vừa đau xót vì những mảnh đời khó khăn giữa đại dịch. Và rồi 4 mẹ con đã tiếp tục được giúp đỡ để có vé tàu về quê.

Có những chuyến xe, những chuyến bay giải cứu người dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng trong những ngày qua vẫn tấp nập được diễn ra. Đó là những người may mắn được hồi hương trong chuyến “thiên di” nhiều chông gai của cuộc đời. Khi đó là những địa phương quan tâm tới người dân địa phương mình ở những vùng dịch bệnh. Nhưng, còn có nhiều, rất nhiều những người đang mong ngóng được hồi hương nhưng đành bất lực. Họ nghèo khó và đơn độc, trụ lại cũng không được, mà về quê thời điểm này thì lại càng không. Chính quyền có giúp đỡ, nhưng chỉ được một phần nào. Vì cả triệu người, hàng triệu người ở khắp các phố thị đang đều cần được giúp, sức người có hạn, chính quyền cũng không thể cùng lúc trở thành ông Bụt, bà Tiên hiện ra ngay lập tức nơi người khốn khó kêu cứu. Thế nên, đâu đó vẫn có sự than vãn, vẫn có lời trách cứ. Nhưng chỉ biết dùng một từ: “Hãy thông cảm!”.

 Một số phương tiện của người dân đi về quê bị sự cố, được lực lượng chức năng hỗ trợ xử lý.

Nhiệm vụ đến từ... trái tim

Dịch bệnh đã khiến nhiều người kiệt quệ, khiến nhiều nơi dừng hoạt động, khiến nhiều địa phương nghẹt thở với hàng vạn việc phải xử lý. Và dòng người hồi hương sau những cuộc “thiên di” vẫn tiếp tục. Nhằm hỗ trợ cho người dân về quê an toàn, Công an các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đã điều nhiều đoàn xe dẫn đường cho những người đi xe máy về quê. Đó là những chuyến dẫn đoàn đặc biệt, thay vì những đoàn xe cao cấp, những yếu nhân được bảo đảm an ninh và cần được hộ tống, thì giờ đây lực lượng Công an lại hộ tống người dân của mình trên hành trình hồi hương, đúng với phương châm “vì nhân dân” của người chiến sĩ Công an Nhân dân.

Những ngày vừa qua, những hình ảnh hỗ trợ đoàn xe bà con di chuyển từ Miền Nam về Tây Nguyên, về Miền Trung được đăng tải lên khắp các mặt báo, khắp các trang mạng xã hội, và mọi người đều xúc động và cảm phục với sự hỗ trợ đặc biệt ấy. Hàng ngàn người đã đi xe máy từ Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… để về quê sau khi có kết quả âm tính với COVID-19. Những chuyến hồi hương dài đằng đẵng vài trăm, có khi cả ngàn cây số là một hành trình dài và đầy những bất trắc. Nhưng trên những đoạn đường ấy, lực lượng công an các địa phương đã hỗ trợ hết mình.

Trong đoàn xe kéo dài cả km của người dân về quê ấy, còn có các lực lượng cảnh sát giao thông đi ở giữa đoàn, cuối đoàn cũng được bố trí những xe chuyên dụng của lực lượng cảnh sát giao thông để hỗ trợ. Dọc tuyến đường, công an, dân quân các địa phương cũng được huy động chốt kiểm soát, đảm bảo các phương tiện đi đúng hành trình tránh các phương tiện dừng, đỗ trên địa bàn. Việc này nhằm hạn chế tối đa việc lây nhiễm dịch khi người dân di chuyển.

Như tại tỉnh Bình Phước những ngày vừa qua mỗi ngày có 2-3 lượt dẫn đường với số lượng cả ngàn phương tiện đi qua địa bàn tỉnh Bình Phước về địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Tại Gia Lai, lực lượng chức năng mà trong đó chủ yếu là công an các cấp đã làm việc hết mình để hỗ trợ người dân về quê. Đơn cử như vào chiều 24-7, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với các lực lượng chức năng hỗ trợ 140 công dân đi xe máy từ các tỉnh phía Nam về qua địa bàn tỉnh.

Có 140 công dân đi trên 75 chiếc xe máy được các lực lượng chức năng hộ tống xuất phát từ cầu 110 (huyện Chư Pưh), khi đến  Trạm thu phí BOT Đức Long, Gia Lai tại dốc Hàm Rồng thì được chia tốp. Những công dân Gia Lai thì được đoàn hộ tống đưa lên huyện Đức Cơ để thực hiện cách ly tập trung; đối với công dân các tỉnh Bình Định và Kon Tum thì được các lực lượng chức năng hỗ trợ dẫn đoàn đi qua địa phận Gia Lai. Đây là những công dân vừa trở về từ các tỉnh phía Nam. Khi đến chốt kiểm soát, tất cả công dân thực hiện khai báo y tế, được bố trí chỗ nghỉ tạm thời. Sau đó, lực lượng chức năng tiến hành hộ tống các công dân về địa phương, để tránh trường hợp di chuyển tự do nhằm thực hiện tốt quy trình phòng chống dịch.

 Lực lượng CSGT Đà Nẵng hộ tống người dân đến đỉnh đèo Hải Vân giáp địa phận Thừa Thiên – Huế. (ảnh: Công Hạnh).

Tại Đà Nẵng, đêm và sáng ngày 25-7, Phòng CSGT đã phối hợp với Công an huyện Hoà Vang, Công an quận Liên Chiểu bảo đảm TTATGT cho đoàn gồm 74 xe máy, 137 người đi từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh phía Bắc. Một cán bộ CSGT dẫn đoàn cho biết: “Do đi dài ngày nên bà con rất mệt mỏi, lực lượng CSGT đã phải chia ra dẫn thành 5 tốp liên tục từ 2h đến 5h30. Phòng CSGT cũng đã liên hệ với Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế để tiếp tục hỗ trợ bà con di chuyển qua địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế.” Không chỉ dẫn đoàn, hỗ trợ người dân đi đường, Lực lượng CSGT Đà Nẵng cũng như các địa phương đã tiếp tế nước uống, bánh mì, thực phẩm cần thiết để bà con đỡ cơn đói, giữ sức khỏe để tiếp tục hành trình. Sau khi được hỗ trợ, đoàn người hồi hương được lực lượng CSGT CATP hỗ trợ và bàn giao ngay tại đỉnh đèo Hải Vân trên hành trình hướng ra Bắc.

Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT, Công an TP. Đà Nẵng cho biết: "Phòng Cảnh sát giao thông CATP dẫn đường cho đoàn xe máy của bà con từ các tỉnh phía Nam đi về Bắc qua địa phận TP Đà Nẵng, đã liên hệ với CSGT  Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế hỗ trợ dẫn đoàn tiếp cho bà con. Đoàn xe đông lại đi trong đêm nên được lực lượng CSGT chia thành 5 top để đảm bảo an toàn. Chuyến dẫn đoàn lần này chứa rất nhiều tình cảm của người dân Đà Nẵng đối với bà con đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mong bà con thượng lộ bình an trên những chặng đường tiếp theo, chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch Covid-19!”.

 CSGT tỉnh Gia Lai dẫn đoàn hỗ trợ người dân ngày 24-7. (ảnh Văn Ngọc)

Những đoàn người hồi hương tiếp tục đi, và sẽ có những đoàn người khác đi qua các địa phương, nhưng chắc chắn mọi người đều yên tâm rằng lực lượng công an các địa phương vẫn đang nỗ lực hết mình để hỗ trợ tất cả mọi người. Trên hành trình hồi hương của họ, luôn có niềm tin và sự trân quý với những người chiến sĩ Công an Nhân dân nơi họ đã đi qua.

Tiêu Dao

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Do lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình quan tâm chăm sóc nhưng đồng chí Đặng Thị Cẩm Thúy đã từ trần hồi 15h 20 ngày 01/5/2024 (nhằm ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn) tại Bệnh viện 198 - Bộ Công an.

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Vào khoảng 2h30 ngày 2/5, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn một kho chứa phế liệu rộng khoảng 500 m2 tại ấp An Hoà, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文