Tham vé máy bay giá rẻ, “ôm” nhầm giấy lộn

08:15 09/10/2023

Nhu cầu đi du lịch của người dân ngày một tăng lên, lợi dụng điều này nhiều kẻ xấu đã lập những trang web giả các hãng hàng không, các công ty uy tín hay để “bán vé”. Nhiều khách hàng khi ra đến sân bay làm thủ tục check-in mới bàng hoàng phát hiện những tấm vé mình đang sở hữu chỉ là tờ giấy lộn.

Muôn kiểu lừa đảo bán vé máy bay giả

Phương thức lừa đảo chiếm đoạt mua vé máy bay phổ biến nhất là các đối tượng lừa đảo lập các trang thông tin, tài khoản mạng xã hội giả làm đại lý bán vé máy bay hoặc xây dựng các trang web có hình thức giống với các hãng hàng không uy tín để bán vé máy bay. Nắm bắt tâm lý chung của khách hàng, các trang này đưa ra những quảng cáo bán vé máy bay hoặc combo vé khứ hồi với mức giá thấp hơn giá trên cổng bán vé trực tiếp của các hãng để thu hút người có nhu cầu vào tìm mua.

Khi gặp được người có nhu cầu mua vé, các đối tượng này sẽ chủ động liên hệ hỏi thông tin. Để tạo niềm tin cho “khách hàng”, các đối tượng lừa đảo này sẽ đặt chỗ trên trang bán vé chính thức của các hãng hàng không, gửi lại email mã đặt chỗ kèm với đề nghị phải thanh toán tiền gấp nếu không sẽ bị hủy. Người mua hoàn toàn có thể kiểm tra mã trên các trang web của hãng để xác nhận là thật.

Đối tượng Phạm Doãn Hùng tại cơ quan Công an.

Sau khi tạo được niềm tin, các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán (mức giá thấp hơn giá trên web của hãng). Tuy nhiên, khi đã chuyển tiền thanh toán xong, khách hàng sẽ không được xuất vé và bị ngắt liên lạc. Còn mã đặt chỗ kia sẽ bị tự hủy sau một thời gian do chưa được xuất ra vé máy bay và nhiều khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.

Ngoài phương thức nêu trên, nhiều đối tượng lừa đảo sau khi nhận được tiền của khách vẫn tiến hành xuất vé nhưng sau đó lại hoàn vé. Với cách này, chúng sẽ được hoàn lại phần lớn tiền vé đã trả và chỉ phải chịu mất một khoản phí hoàn vé nhỏ (chịu mất phí 10% giá vé). Khi khách nhận vé, gọi điện lên hãng để kiểm tra thì được báo đã xuất vé đúng hành trình. Nhưng, sau đó ít ngày, chúng sẽ gửi yêu cầu tới hãng hàng không để xin hoàn vé. Việc hoàn vé sẽ được chấp thuận ngay nếu như người yêu cầu hoàn vé chính là người đặt vé. Như vậy, mỗi tấm vé kẻ lừa đảo có thể bán đi bán lại cho hàng chục người.

Bên cạnh đó, việc lừa đảo mua vé sớm thường vào mùa du lịch với chiêu thức của các đối tượng lừa tiền mua vé thường là tạo lòng tin bằng các giấy tờ đầy đủ, để giá thấp hơn từ 100.000- 200.000 đồng/vé cho chặng bay dài hoặc các chương trình khuyến mại với quảng cáo chỉ cần đặt cọc một khoản nhỏ để được cung cấp vé rồi sau khi đi mới thanh toán tiền... làm người mua tin tưởng, đặt vé và chuyển tiền vé, tiền cọc. Tuy nhiên, sau đó, các đối tượng chiếm đoạt, không xuất vé hoặc xuất vé giả...

Ngoài ra, các đối tượng còn giả nhân viên của các công ty uy tín do nắm được thông tin khách hàng qua việc khách hàng để lại tên và số điện thoại trên những bài quảng cáo bán vé máy bay của các công ty uy tín, họ nhanh tay giả dạng nhân viên bán vé hoặc giao vé tại nhà. Các đối tượng này sẽ giao vé giả nhưng thu tiền thật, khiến khách hàng tưởng đã mua vé thành công của công ty uy tín đã liên hệ từ trước.

Một người mua phải 5 vé máy bay giả, thiệt hại 23,3 triệu đồng.

Gia đình có nhu cầu đi du lịch Thái Lan nên anh Lê Hoàng Long, 45 tuổi (khu tập thể Trại Găng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã lên mạng đặt mua vé. Khi thấy một tài khoản giao bán vé rẻ hơn so với giá của hãng công bố, anh Long đã đặt mua 13 cặp vé khứ hồi với số tiền hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khi ra check-in tại sân bay, gia đình anh Long bàng hoàng khi nhân viên sân bay cho biết những tấm vé mà anh đang sở hữu là vé giả. Lúc này anh Long liên lạc với người đã bán vé cho mình nhưng thuê bao luôn trong tình trạng “tò te tí”.

Để cả gia đình không phải quay về, anh Long đã phải cắn răng bỏ thêm một khoản tiền lớn ra để mua vé đi ngay trong ngày. Bức xúc, anh Long đã lên trang cá nhân viết bài cảnh báo mọi người. Sau đó, anh tiếp tục vào các hội nhóm để viết bài cảnh báo thì phát hiện ra rằng, không chỉ có mình mà nhiều người khác cũng bị đối tượng này lừa với chiêu thức tương tự.

Liên tiếp các đối tượng bị xử lý

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Doãn Hùng (sinh năm 1995, trú xã Đà Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thủ đoạn lừa đảo của đối tượng Hùng là đăng tải các thông tin bán vé máy bay giá rẻ lên mạng xã hội. Song, khi có người đặt mua vé máy bay, đối tượng nhanh chóng thuê người làm vé máy bay giả rồi gửi cho các nạn nhân. Sau khi nhận được tiền, Hùng xóa tất cả thông tin liên lạc của bản thân mình.

Sau một thời gian triển khai đồng bộ nghiệp vụ, Công an huyện Nam Đàn đã phá chuyên án, bắt thành công đối tượng Phạm Doãn Hùng. Bước đầu, Cơ quan điều tra làm rõ từ tháng 10/2022 cho đến khi bị bắt giữ (cuối tháng 3/2023), Hùng đã thực hiện trót lọt hơn 30 vụ lừa đảo của các bị hại ở các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An và chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng.

Ngày 17/4, Công an tỉnh Hải Dương cho biết, sau khi tiếp nhận đơn trình báo của các bị hại với Cơ quan công an về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt mua vé máy bay tại các fanpage lấy tên các phòng vé máy bay, phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hải Dương đã vào cuộc điều tra xác minh.

Kết quả xác minh làm rõ, từ khoảng đầu tháng 1/2023, Lê Đôn Khánh (sinh năm 1992, trú tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) cùng các đối tượng trong nhóm lên mạng Internet tìm hiểu thủ tục đặt vé chờ của các hãng hàng không để biết thủ tục đặt vé, các đối tượng lập và mua các fanpage lấy tên các phòng vé máy bay, chạy quảng cáo cho nhiều người biết. Khi có người cần mua vé máy bay liên hệ thì Khánh và đồng bọn hướng dẫn người mua cung cấp thông tin cá nhân. Các đối tượng liên hệ với các hãng bay đặt vé theo thông tin các khách hàng.

Trong khoảng thời gian này, khách hàng kiểm tra thông tin trên hãng thấy có thông tin của mình thì sẽ tin tưởng chuyển tiền vé đến tài khoản ngân hàng của các đối tượng. Các đối tượng không chuyển tiền cho các hãng hàng không mà chiếm đoạt.

Khánh là người chạy quảng cáo các fanpage, cầm thẻ ATM cứng để rút tiền; Lê Văn Ngọc (sinh năm 1993, trú tại Thọ Xuân, Thanh Hóa) mua thẻ ngân hàng để khách chuyển tiền đến; Lê Văn Bình (sinh năm 1997, trú tại Thọ Xuân, Thanh Hóa) mua điện thoại di động và sim để liên hệ, thuê nhà, thuê hợp đồng mạng.

Các đối tượng thay nhau trực fanpage để nhắn tin với khách, cùng quản lý điện thoại lắp số 0904982416 liên lạc với khách, sử dụng số 035224859 đăng ký dịch vụ banking của ngân hàng để thực hiện chuyển tiền. Sau khi lừa chiếm đoạt được tiền thì nhóm của Khánh chặn liên lạc với khách hàng.

Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hải Dương đã làm việc với các đối tượng liên quan, đồng thời làm rõ: Trong thời gian từ đầu tháng 1/2023 đến khi bị phát hiện, tố giác, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng của nhiều người ở các địa phương khác trong nước.

Tương tự, mới đây Công an TP Bắc Giang cho biết, vừa phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bắc Giang đấu tranh thành công chuyên án phá đường dây lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của khoảng 200 bị hại.

Nhóm đối tượng lừa đảo bán vé máy bay giả qua mạng.

Đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ là Vi Đức Quang (sinh năm 1998, trú tại xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương). Được biết, đối tượng này chưa học hết lớp 9 nhưng có kiến thức nhất định về công nghệ thông tin. Lợi dụng mạng Internet, Quang đã tổ chức thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán vé máy bay qua mạng.

Để thực hiện ý định phạm tội của mình, Quang đã thuê người lập trình và quản lý website có địa chỉ https://airbamboobooking.com và tạo 7 fanpage gồm: “Phòng vé máy bay chính hãng”, “ViVa Boooking - Vé Máy Bay Siêu Rẻ”, “Săn Vé Máy Bay Nội Địa Giá Rẻ", “Vé Máy Bay Nội Địa & Quốc Tế Chính Hãng”, “Đại Lý Vé Máy Bay Toàn Quốc", “Săn vé máy bay nội địa giá rẻ” và “Đại lý vé máy bay nội địa” rồi chạy quảng cáo trên mạng xã hội Facebook.

Để quản lý và tư vấn bán vé máy bay qua các fanpage cho khách hàng nhắn tin đến, Quang đã tải và cài đặt ứng dụng trực tuyến trên diện thoại rồi thuê các đối tượng hằng ngày kiểm tra các tin nhắn trên fanpage của khách hàng có nhu cầu đặt vé, lấy số điện thoại liên lạc và thông tin khách hàng rồi gửi cho Vi Thị Thùy Linh, là vợ của Quang tư vấn.

Khi nhận được thông tin, Linh sử dụng tài khoản Zalo tên “Hỗ Trợ Săn Vé Toàn Quốc” kết bạn Zalo rồi truy cập ứng dụng “Traveloka” (Ứng dụng miễn phí để tra cứu thông tin liên quan đến du lịch) lấy thông tin chuyến bay theo yêu cầu để tư vấn và báo giá cho khách hàng. Nếu khách hàng đồng ý, Linh sẽ tạo mã đặt chỗ giả gửi cho khách để họ sử dụng mã này truy cập website https://airbamboobooking.co m kiểm tra.

Sau khi kiểm tra thấy đầy đủ thông tin chuyến bay, khách sẽ chuyển tiền vào tài khoản Ngân hàng VP Bank mang tên Dam Van Quang của Quang. Khi khách chuyển tiền xong, Linh sẽ hủy kết bạn Zalo và chặn liên lạc để chiếm đoạt số tiền. Các đối tượng làm cho Quang sẽ được hưởng lợi nhuận 10% trên số tiền lừa đảo chiếm đoạt của khách do mình giới thiệu tư vấn thành công.

Tính đến thời điểm bị bắt, Quang và nhóm đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt của khoảng 200 khách hàng với số tiền trên 1 tỷ đồng. Riêng đối tượng Vi Thị Thu Huyền khai nhận, trong quá trình làm việc này, nhận thấy “áy náy lương tâm” nên sau khoảng nửa tháng làm cho Quang đã xin nghỉ làm và được Quang trả cho hơn 9 triệu đồng.

Theo như khai nhận của đối tượng Quang thì giá bán vé máy bay ở trang web của Quang rẻ hơn những trang khác khoảng 20%. Vì vậy, Quang đã đánh trúng tâm lý ham rẻ của khách hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để tránh bị lừa mua vé giả, đặc biệt trong các đợt cao điểm nghỉ lễ, Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo hành khách nên mua vé trên kênh chính thức của các hãng và lấy phiếu thu, hóa đơn khi mua vé để bảo vệ quyền lợi cho mình. Trước khi chuyển tiền cho bên bán, cần đọc kỹ thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay. Đặc biệt, khi mua vé, người dân cần lấy phiếu thu, hóa đơn và các chứng từ kèm theo. Phiếu thu này được xem như một chứng từ để nếu xảy ra trục trặc, khách hàng có thể dùng giấy tờ này để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Phong Anh

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文