Trắng đêm cứu nạn trên Vịnh Hạ Long

11:19 10/04/2023

10h30 đêm 6/4, tàu của Thủy đoàn 1, Cục CSGT mới về đến trụ sở an toàn. Sau hơn một ngày đêm không nghỉ, lênh đênh trên biển làm nhiệm vụ, Thượng tá Nguyễn Văn Chiêu, Thủy đoàn trưởng và cán bộ, chiến sĩ giọng khản đặc, mệt nhoài nhưng tạm yên lòng bởi đã góp phần vào việc tìm kiếm các nạn nhân, trực tiếp thu được giấy tờ tùy thân của nạn nhân Hồ Thị Oanh, giúp các gia đình vơi bớt phần nào nỗi đau.

Khoảng 7h tối 5/4, nhận được tin của lãnh đạo Cục yêu cầu cán bộ, chiến sĩ lập tức lên đường đến khu vực vịnh biển giáp ranh xã Gia Luận, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng (nơi giáp ranh với Quảng Ninh) để tham gia cứu nạn nhân, trục vớt chiếc máy bay trực thăng rơi tại khu vực này. Mâm cơm vừa mới dọn ra, chưa ai kịp ăn nên anh em chan canh, lùa vội mấy miếng rồi thay quần áo, chuẩn bị trang, thiết bị, phương tiện cứu hộ để lên đường. 3 tàu lớn và 2 xuồng máy của Thủy đoàn 1 gồm 26 cán bộ, chiến sĩ khởi hành cùng lúc từ 2 trụ sở ở Bắc Ninh (đi theo tuyến sông Hồng) và Quảng Ninh lên đường đến khu vực máy bay bị nạn. Chưa đầy 1 tiếng chạy hết tốc lực, các tàu đầu tiên của Thủy đoàn 1 đã có mặt tại hiện trường, cũng là một trong những đơn vị đến sớm nhất tham gia công tác cứu hộ.

Cán bộ, chiến sĩ Thủy đoàn 1 tìm được giấy tờ của nạn nhân Hồ Thị Oanh.

Thời điểm đó, tại hiện trường ở tọa độ 20 độ 5151,2 vĩ Bắc - 107 độ 113,4” kinh Đông, người dân đã vớt được 2 thi thể, buộc lại để giữ cho khỏi bị trôi, cảnh sát đường thủy của Thủy đoàn 1 tham gia đưa các nạn nhân vào bờ, tìm kiếm, vớt được một số mảnh vỡ nghi của máy bay tại vị trí mép bờ. Chiếc trực thăng Bell-505 gặp nạn có số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng miền Bắc do Đại tá Chu Quang Minh điều khiển, chở 4 khách du lịch Việt Nam ngắm cảnh vịnh Hạ Long, cất cánh lúc 16 giờ 56 phút, mất liên lạc lúc 17 giờ 15 phút, gặp nạn tại khoảng 17h6 phút ngày 5/4 thuộc khu vực biển giáp ranh xã Gia Luận, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. 5 nạn nhân gồm: Đại tá Chu Quang Minh (sinh năm 1964, là phi công), ông Hồ Tá Lực (sinh năm 1964), bà Nguyễn Thị Hội (sinh năm 1963), bà Hồ Thị Oanh (sinh năm 1972) và bà Phạm Thị Bê (sinh năm 1958). 4 hành khách đều trú tại thành phố Đà Nẵng, trong đó 3 người là vợ chồng ông Lực, bà Hội và em ruột ông Lực là bà Oanh. Thời tiết khá ủng hộ lực lượng chức năng khi chỉ có sóng nhẹ, gió cấp 3-4 nên các tàu tìm kiếm làm việc tương đối thuận lợi. Các trang, thiết bị của lực lượng cảnh sát đường thủy như súng bắn sao, đèn pin, phao, đồ lặn... phát huy được hiệu quả cao, hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân. Mỗi khi phát hiện mảnh vỡ hay vật nào muốn kéo lên bờ, các chiến sĩ lại dùng súng bắn sao kéo vào.

Cùng với cảnh sát đường thủy của Cục CSGT, Công an Hải Phòng, Quảng Ninh cũng bố trí lực lượng tham gia cứu nạn. Suốt đêm 5/4, không một ai nghỉ ngơi, mỗi người một nhiệm vụ, khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân mất tích. “Dù rất mệt nhưng nghĩ đến các nạn nhân chưa được trở về với gia đình, anh em ai cũng cố gắng làm thế nào để tìm kiếm các nạn nhân, đưa họ về bờ” - Thượng tá Nguyễn Văn Chiêu cho biết.  Đến gần 12h đêm 5/4, thi thể thứ 3 được tìm thấy, bước đầu được xác định là của phi công Chu Quang Minh. “Tìm thấy nạn nhân, ai cũng mừng vì phía trên bờ, gia đình, người thân của họ đang ngóng chờ từng giây phút. Chính vì vậy, anh em chúng tôi không ai thấy mệt mỏi” - Thượng tá Vũ Xuân Mạo, Phó Thủy đoàn trưởng Thủy đoàn 1 cho biết. 

Những người lính cứu nạn, cứu hộ của Thủy đoàn 1 là một trong những lực lượng có mặt sớm nhất tại hiện trường.

Suốt đêm 5/4, lực lượng chức năng của Công an, Quân đội làm việc hết công suất, người nhái thay nhau lặn để tìm kiếm các nạn nhân và mảnh vỡ máy bay. Tính đến 6 giờ ngày 6/4, các lực lượng đã tìm thấy 3 thi thể và một số mảnh vỡ của máy bay quanh khu vực đảo Hòn Dép. Lúc 6 giờ ngày 6/4, các lực lượng làm công tác chuẩn bị và tổ chức lặn tìm kiếm quanh khu vực vị trí máy bay rơi và rộng ra 50 m. Sau một đêm trắng, khi mặt trời ló dạng, công việc tìm kiếm thuận lợi hơn vì có thể quan sát tầm xa hơn. Với kinh nghiệm của những người nhiều năm sống, làm việc trên đường thủy, cán bộ, chiến sĩ Thủy đoàn 1 đã nhận định, những vị trí nào có vết dầu loang nổi lên, chắc chắn sẽ có mảnh vỡ máy bay hoặc thi thể nạn nhân nên đã tham mưu tập trung tìm kiếm ở những khu vực này. Áp dụng kinh nghiệm của cảnh sát đường thủy, thay vì lặn rà tìm lần lượt các vị trí, người nhái tập trung vào các khu vực có vết dầu loang. Kinh nghiệm này đã phát huy hiệu quả khi 9h25 ngày 6/4, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể thứ 4; 10h25 phút tìm thấy các mảnh vỡ, 11h30 tiếp tục tìm thấy các mảnh vỡ, 15h các mảnh vỡ lại được tìm thấy...

Sự tham gia phối hợp của các nguồn lực tại hiện trường đã giúp cuộc tìm kiếm cứu nạn được hiệu quả hơn.

Đến khoảng 19h 6/4, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã trục vớt được cơ bản các phần của máy bay, hộp đen đã được tìm thấy. Xác máy bay cũng được đưa về Cát Bà để điều tra nguyên nhân. 4 thi thể được tìm thấy gồm Đại tá Chu Quang Minh, phi công, trú tại quận Long Biên, Hà Nội. Ông Hồ Tá Lực, bà Hồ Thị Oanh (trú tại tổ 31, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) và bà Phạm Thị Bê. Cùng với đóng góp hiệu quả về kinh nghiệm tìm kiếm và hỗ trợ công tác tìm kiếm, cán bộ, chiến sĩ Thủy đoàn 1 đã trực tiếp tìm được giấy tờ tùy thân của nạn nhận Hồ Thị Oanh gồm tiền, 2 thẻ ngân hàng, giấy phép lái xe để bàn giao cho gia đình. Đối với thi thể của Đại tá Chu Quang Minh, các cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm, xác định, hoàn thiện các thủ tục và bàn giao cho gia đình đưa về Hà Nội để đơn vị thực hiện nghi lễ an táng. Sau khi thống nhất giữa các cơ quan chức năng và gia đình đã tiến hành đưa thi thể bà Hồ Thị Oanh đi hỏa táng tại An Lạc Viên. Khoảng 21 giờ 6/4, hai nạn nhân cùng tro cốt của bà Oanh được Công ty Trực thăng miền Bắc, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam-Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng trực tiếp phụ trách di chuyển bằng đường bộ về địa phương thực hiện nghi lễ an táng. Để trợ giúp các nạn nhân, tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ 20 triệu đồng/nạn nhân; thành phố Hạ Long hỗ trợ 16 triệu đồng/nạn nhân.

Bữa ăn mỳ tôm của cán bộ, chiến sĩ Thủy đoàn 1 tranh thủ trên tàu.
Kinh nghiệm cứu nạn, cứu hộ trên mặt nước của cán bộ, chiến sĩ Thủy đoàn 1 đã giúp ích rất nhiều cho cuộc tìm kiếm.

Đến khoảng 20h ngày 6/4, khi công việc tìm kiếm cơ bản hoàn tất, một phần thi thể nạn nhân thứ 5 cũng được tìm thấy nên lực lượng cảnh sát đường thủy được lệnh rút quân về đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình. Sau hơn một ngày ngụp lặn trên biển, cán bộ, chiến sĩ Thủy đoàn 1 ai cũng mệt nhoài, tranh thủ tàu di chuyển về đơn vị để chợp mắt lấy sức. Suốt hơn 24h đồng hồ qua, không ai được nghỉ ngơi, lúc nào đói, mệt thì thay nhau ăn mỳ tôm, lương khô trên tàu. Thượng tá Nguyễn Văn Chiêu cho biết, do đặc thù lính đường thủy ăn ở trên tàu nên đơn vị luôn chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết và lương thực, thực phẩm, nước uống. Đặc biệt là mì tôm, lương khô, nước đóng chai là những thứ “tối quan trọng” đối với anh em trong những chuyến công tác. Trên tàu, nhiều khi không thể mua bán hoặc nấu nướng nên anh em thường ăn mỳ tôm, lương khô qua bữa để thực hiện nhiệm vụ của mình.

17h6 ngày 5/4 tại tọa độ 20051'55''N - 107001'31''E, thuộc khu vực biển giáp ranh xã Gia Luận, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng đã xảy ra vụ rơi máy bay trực thăng chở khách du lịch. Trên máy bay có 5 người gồm Đại tá - phi công Chu Quang Minh và 4 hành khách, quốc tịch Việt Nam.

Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung tìm mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm cứu nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tổ chức giải quyết tốt hậu quả, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình phi công và những người bị nạn, thực hiện các chế độ chính sách đối với quân nhân bị nạn theo quy định. Điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có); rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác chỉ huy, điều hành bay, đảm bảo kỹ thuật hàng không, tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn đối với các chuyến bay; đồng thời chỉ đạo các lực lượng nhanh cóng khắc phục hậu quả vụ tai nạn, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình những người bị nạn...

Ngay khi xảy ra vụ tai nạn, lãnh đạo Bộ Công an đã yêu cầu Cục CSGT chỉ đạo lực lượng cảnh sát đường thủy đến ngay hiện trường phối hợp tìm kiếm nạn nhân và làm công tác cứu hộ; Công an Hải Phòng, Quảng Ninh triển khai lực lượng phối hợp tìm kiếm và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

Khoảng 8h sáng 7/4, nạn nhân thứ 5 được tìm thấy ở cách nơi chiếc trực thăng được tìm thấy khoảng vài trăm mét, tại vùng biển xã Gia Luận, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Hiện, lực lượng chức năng đã đưa nạn nhân về nhà tang lễ thành phố Hạ Long. Như vậy, tới sáng 7/4, toàn bộ 5 nạn nhân trong vụ trực thăng rơi đã được tìm thấy; xác chiếc trực thăng cũng đã được trục vớt và đã tìm thấy hộp đen. Theo lực lượng chức năng, chiếc trực thăng có dấu hiệu gặp sự cố trong quá trình bay ngắm cảnh vịnh Hạ Long. Phi công đã cố gắng điều khiển đưa trực thăng về khu vực an toàn nhưng không thành công.

Phương Thủy

Tại bản án sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn giai đoạn 1, Hội đồng xét xử TAND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu nhiều doanh nghiệp nộp hàng ngàn tỷ đồng về Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong toàn bộ vụ án.

Ngày 13/5, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, khoảng 15h chiều nay tại khu vực khai thác thuộc Công ty than Quang Hanh (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 3 công nhân tử vong và 1 công nhân bị thương.

Tiếp tục chuyến thăm, làm việc tại Sơn La, chiều 13/5, Đoàn Công tác của Bộ Công an do Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã thăm, làm việc với Công an tỉnh về công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, công tác bảo đảm ANTT.

Phần mềm phòng chống lừa đảo cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được Hiệp hội an ninh mạng quốc gia đặt kế hoạch hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2024. Đây là dự án mang tính cộng đồng, phi lợi nhuận, không sử dụng ngân sách nhà nước, kinh phí được huy động từ nguồn tài trợ xã hội.

Ngày 13/5, Viện KSND huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã ra cáo trạng truy tố bị can Lê Dương (SN 1991) Phó giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi về tội “Điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, đồng thời truy tố tài xế Hoàng Văn Tính (SN 1986) về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”…

Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An vừa chủ trì, phối hợp cục nghiệp vụ Bộ Công an, phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an các đơn vị, địa phương phá chuyên án, bắt giữ 21 đối tượng sử dụng công nghệ cao để đánh bạc bằng hình thức đánh lô, đề.

Ngày 13/5, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin vừa có văn bản khẩn yêu cầu các bệnh viện công lập và ngoài công lập, các trung tâm y tế và phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát, cung cấp thông tin về lịch khám chữa bệnh (nếu có) của 3 người trong vụ án hình sự loạn luân ở Tịnh thất Bồng Lai - Long An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文