Trẻ lạm dụng Internet sẽ nhiều hệ lụy

10:59 21/10/2021

Mới đây, một ông bố ở Hà Nội đã điên tiết ném chiếc điện thoại thông minh của cô con gái học lớp 10 “bay vào tường tan tành” và quyết định cho con tạm dừng việc học online, vì thấy con kè kè bên máy tính và điện thoại từ sáng đến tối. Cũng mới đây, một ông bố khác đã tức tối tháo cánh cửa phòng con cất đi vì thấy con cả ngày đóng cửa phòng lấy cớ học online để vào mạng...

Đến thời điểm này, khi hành trình học online đã gắn với các em học sinh gần 2 năm, nhiều phụ huynh không thể giấu nổi bực bội trước tình trạng con em mình “lạc trôi trên mạng” và chểnh mảng chuyện học hành. Không chỉ thế, nguy hại hơn, việc các em học sinh lạm dụng và lệ thuộc Internet còn là nguyên nhân gây ra những hậu quả đau lòng.

Đằng sau vỏ bọc “học online”

Một đêm cuối tháng 8-2021, mọi ngả đường ở TP Đà Nẵng vắng hoe hoắt trong thời gian giãn cách xã hội. Nhưng, H.M.T - một học sinh 14 tuổi ngụ ở đường Thái Thị Bôi, phường Chính Gián, quận Thanh Khê vẫn lao ra đường. T. viết giấy để lại cho gia đình với nội dung “đi ra ngoài một chút cho đỡ mệt” nhưng trên tay lại cầm theo một con dao và cây kéo. T đã vô cớ đâm bị thương 2 người trên phố khiến họ phải đi cấp cứu.

Chuyên viên tư vấn tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tinh thần BrainCare điều trị tâm lý cho một học sinh nghiện game trong thời kì nghỉ dịch.

Công an quận Thanh Khê đã làm việc với gia đình T. và nguồn cơn vụ việc lúc này mới được làm rõ. Cách đó vài ngày, gia đình phát hiện T. trong tiết học online nhưng lại đang điên cuồng trong một màn game bắn giết nhau. Mặc dù gia đình đã xóa game này và cấm T. chơi,nhưng việc ngăn cấm đó không giải quyết được tận gốc vấn đề. Bởi T. đã bị nghiện, bị ám ảnh những trò game online bạo lực nên ngày càng có nhiều biểu hiện tâm lý và hành động bất thường. Đỉnh điểm của sự bất thường đó chính là hành động T. dùng hung khí đe dọa tính mạng của người khác.

Rất đáng báo động là thực trạng học sinh nghiện game trong thời gian giãn cách xã hội và học online như trường hợp em T. xảy ra tương đối phổ biến. Theo số liệu thông kê của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tinh thần BrainCare, thời gian này số người chơi game tăng chóng mặt, đi kèm với đó là số ca tư vấn trị liệu cho học sinh liên quan đến nghiện game, nghiện Internet tại Trung tâm tăng từ 30-50%.

Chuyên gia trị liệu tâm lý Nguyễn Thị Thúy Hằng thuộc Trung tâm BrainCare - người có kinh nghiệm nhiều năm điều trị chứng nghiện game/Internet - cho biết có một nghịch lý là con nghiện game nhưng bố mẹ lại là người đi tham vấn. Trong khi họ đau đầu không biết phải quản lý con sử dụng Internet thế nào, cai game cho con ra sao thì con họ không thừa nhận việc nghiện game, không chịu gặp chuyên gia tư vấn trị liệu vì sợ bố mẹ thu thiết bị, sợ bị cấm đoán việc vào mạng.

Khi nghiện game, người chơi bị căng thẳng thần kinh, học hành sa sút, ăn ngủ thất thường.

Thời gian qua, khi học trực tuyến là hình thức học tập chủ yếu tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, gia đình nào cũng cung cấp cho con điện thoại thông minh, iPad, máy tính kết nối mạng để con “không đến trường vẫn học bình thường”. Cứ thấy con chăm chú, say mê ngồi ở bàn học cả ngày, nhiều phụ huynh lúc đầu yên tâm tuyệt đối. Như trường hợp nhà anh Hiển ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội khi “áp tải” cậu con trai đang học lớp 12 đi trị liệu tâm lí vẫn chưa hết sốc.

“Cháu đã từng bị suy nhược thần kinh, vợ chồng tôi cứ nghĩ là do con mình học hành vất vả, căng thẳng nên càng thương con và chiều con hơn. Con ngồi máy tính triền miên với lí do nhiều bài tập quá nên học ngày không đủ tranh thủ học đêm”, anh Hiển kể lại. Chỉ đến khi thấy con cả ngày đờ đẫn, lơ mơ như “người trên trời”, thường xuyên bỏ học online thì vợ chồng anh Hiển mới biết con mình đã nghiện game ở mức độ nặng. Không những thế, con còn đua đòi theo bạn xấu hút thuốc lá điện tử. Vậy mà mấy tháng trời, dưới vỏ bọc “học online”, cậu con trai đã che giấu ngoạn mục tất cả những việc tày trời này. Để giờ đây, khi con có dấu hiệu rối loạn hành vi và cảm xúc thì anh Hiển đành phải cho con nghỉ học để đi khám và trị liệu.

Ngoài game, con nghiện những gì từ Internet?

Chị Tâm ở quận Hoàng Mai có cô con gái đang học lớp 11. Thời gian này chị để ý thấy con chị sáng ngủ dậy là cầm điện thoại, cả ngày dùng iPad, đến đêm vẫn ôm điện thoại, ít khi ghi chép bài và làm bài ra vở. Chị theo dõi thì thấy trong giờ học con luôn tắt micro, camera để cắm cúi nhắn tin. Bị mẹ mắng, con cãi là không hề nghiện game. Nhưng, thay vào đó, con gái chị cả ngày sống trên Facebook. Với vai trò quản trị viên, con chị lập và điều hành nhiều fanpage liên quan đến thời trang và cách làm đẹp cho tuổi teen. Cả ngày con mê mải post bài, trả bài, trả lời tin nhắn, giao lưu với một lượng lớn bạn ảo, tham gia nhóm mua sắm, nhóm xem phim, nhắn một lượng tin nhắn khổng lồ trên Zalo, Messenger... Chị Tâm đi hỏi và biết được rằng con mình đang bị nghiện mạng xã hội trầm trọng.

Bố mẹ cần quan tâm, chia sẻ và định hướng con cái trong việc sử dụng Internet hợp lý.

Phân tích về những “tâm lý nghiện” mạng Internet của học sinh, Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Thắm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ rõ rằng trong thời kì COVID-19, trẻ tách biệt với xã hội, được vào mạng, được sử dụng nhiều thiết bị kết nối mạng để học trực tuyến. Khi đó các em dễ dàng tiếp cận với vô vàn tính năng tiện ích trên không gian mạng. Từ việc tiếp cận, sử dụng nhiều dẫn đến nghiện. Thường thì các bố mẹ chỉ nghĩ hệ lụy duy nhất từ việc lạm dụng Internet là nghiện game mà không hề biết rằng game chỉ là một trong 8 loại hình nghiện Internet của thanh, thiếu niên hiện nay.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thắm, bên cạnh những lợi ích của mạng Internet trong học trực tuyến thì khả năng gây nghiện và những hệ lụy của mạng Internet trong học đường đối với học sinh rất nghiêm trọng. Khi đã nghiện, các em thiếu tập trung trong học tập, không phát huy được hết khả năng, chán học, bỏ học. Chứng nghiện mạng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm lý học sinh, đặc biệt là những biến đổi về não bộ. Lấy ví dụ đơn giản nhất là chứng nghiện nhắn tin dễ dẫn đến một số hội chứng như thoái hóa khớp cổ tay, cổ rùa, rụt cổ do cúi xuống cả ngày để đọc và nhắn tin.

Quyết tâm cai nghiện cho con

Một số phụ huynh cho rằng cứ chơi game, lướt mạng là không tốt, một số khác lại chủ quan nghĩ là “lướt mạng, chơi game chỉ là trò giải trí, con chơi chán rồi sẽ thôi”. Cả hai quan điểm trên đều chưa chuẩn. Để biết con em mình đang dùng Internet ở mức nào cần dựa vào 3 thang độ đánh giá. Thứ nhất, ở mức người dùng thường, ngoài thời gian học trực tuyến, con vào mạng không quá 1 giờ/ngày, có thể kiểm soát bản thân và thời gian sử dụng Internet, vẫn đảm bảo các nhiệm vụ học tập. Khi các con sử dụng 2 tiếng/ngày, sao nhãng việc học và những nhiệm vụ bình thường trong cuộc sống thì con đã ở mức người dùng có nguy cơ nghiện tiềm năng. Ở mức này, các con mải mê trong thế giới ảo, học hành sa sút, mất tập trung, có biểu hiện cáu gắt, bực bội khi bị gia đình ngăn cản việc vào mạng. Khi vào mạng trên 3 tiếng/ngày, các con trở thành người dùng có nguy cơ nghiện cao và lệ thuộc vào Internet, không phân biệt được ngày đêm, đảo lộn nhịp sinh hoạt hằng ngày, không nhận thức được về mặt hậu quả. Nguy hại hơn, khi bị ngăn cản sẽ có những hành vi kích động bạo lực như tức giận, ném điện thoại, thậm chí đánh người.

Các chuyên gia tâm lý cảnh báo rằng từ mức người dùng thường sang mức tiềm năng, rồi đến mức nguy cơ nghiện cao thường diễn biến nhanh trong một thời gian ngắn. Người dùng từ việc sử dụng chuyển sang lạm dụng rồi lệ thuộc vào Internet lúc nào không hay. Vì vậy, khi cho con sử dụng Internet, cha mẹ phải kiểm soát và định hướng từ khi con là người dùng thường. Đừng để tần suất vào mạng ngày càng tăng và con dần trở thành “con nghiện”.

Khi phát hiện ra con đã nghiện mạng Internet thì cần có những cách thức cai nghiện vừa mềm dẻo, vừa nghiêm khắc. Vợ chồng chị Lan Anh ở quận Cầu Giấy đã có một hành trình đưa cô con gái dần thoát khỏi mạng Internet. Lúc đầu, thấy con học hành sa sút, cả ngày ở lì trong phòng, sai việc gì cũng kêu bận học không làm, chị bực lắm. Khi chồng chị vào phòng con, phát hiện con vừa chat với bạn, vừa xem YouTube, Tiktok và còn đang xem dở một bộ phim thì nổi đóa lên, mắng mỏ, cấm con không được vào mạng.

Một bà mẹ đi tham vấn khi không biết phải quản lý con sử dụng Internet thế nào, cai game cho con ra sao.

“Con gái càng trở nên lầm lì, bố mẹ nói gì cũng lặng im, tôi nhận thấy việc mắng mỏ, cấm đoán đã có tác dụng ngược. Tôi nhẹ nhàng tìm cách nói chuyện với con về những chủ đề con thích, đề nghị con cùng cắm hoa, cùng nấu ăn và tập aerobic với mẹ. Từ chỗ chẳng mấy hứng thú, con dần nhiệt tình hơn. Khi nghe được giọng nói và tiếng cười của con, tôi biết tinh thần của con đang dần bình ổn trở lại và tôi đang đi đúng hướng”, chị Lan Anh chia sẻ. Sau đó, vợ chồng chị đã ngồi trò chuyện cùng con, đưa ra tác hại của việc nghiện game và lạm dụng Internet. Đồng thời thỏa thuận với con rằng bố mẹ sẽ trả con điện thoại, máy tính để con học và có thể giải trí. Nhưng, bố mẹ sẽ giám sát thời gian sử dụng máy theo thời khóa biểu và chủ động ngắt mạng, thu điện thoại vào ban đêm.

“Một đứa trẻ sẽ ngoan nếu nó hạnh phúc, được bố mẹ quan tâm. Vì vậy muốn kéo con ra khỏi cơn nghiện mạng, cha mẹ phải làm phong phú cuộc sống của con, phải bù lấp cho con những thiếu hụt, uốn nắn những sai lệch mà con mắc phải”, chị Lan Anh rút ra kinh nghiệm từ chính gia đình mình.

Theo các chuyên gia tâm lí, có 8 loại hình nghiện Internet khác nhau của thanh, thiếu niên hiện nay: nghiện tải thông tin, tài liệu quá mức; nghiện tải các ứng dụng cho thiết bị; nghiện nhắn tin di động; nghiện chơi game online; nghiện xem video clip; nghiện điều hành trang cá nhân hoặc trang cộng đồng; nghiện xem webtoons (truyện tranh online) và nghiện duyệt nội dung “người lớn” như các hình ảnh và video sex.

Kết quả khảo sát trên 300 học sinh từ 11-15 tuổi đang học tại một trường trung học cơ sở thuộc quận Đống Đa, Hà Nội cho thấy có nhiều em học sinh nghiện tất cả các loại hình Internet nói trên. Ở từng loại hình nghiện, tỉ lệ học sinh mắc nghiện đều ở mức tương đối cao. Dù mới là kết quả khảo sát ở phạm vi nhỏ nhưng cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh trong việc quản lý con cái sử dụng mạng Internet.

Huyền Châm

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文