Vượt qua áp lực thi cử: Sẻ chia thay kỳ vọng

09:25 13/07/2022

Câu chuyện “áp lực thi cử” quá cũ nhưng mỗi lần đến mùa thi nó lại được hâm nóng lên gấp nhiều lần. Dường như chúng ta vẫn loay hoay tìm nguyên nhân và cách giải quyết trong “nền văn hóa thi cử này”. Khởi nguồn của những câu chuyện đau lòng, khởi nguồn cho những áp lực mà các em học sinh ngày ngày phải gánh chịu chính là những áp lực khách quan từ gia đình, nhà trường và thậm chí cả truyền thông, internet.

Đừng để trẻ cô đơn khi thất bại

Mới đây, một nữ sinh vì thi trượt lớp 10 đã bỏ nhà ra đi khiến dư luận xôn xao. Theo đó, gia đình đã phải lên mạng xã hội đăng tin tìm con cùng lời nhắn nhủ: “Nếu đọc được dòng tin này, xin con quay về với bố mẹ. Bố mẹ chỉ cần có con quay về, bố mẹ sẽ giúp con vượt qua mọi khó khăn”.

Cụ thể, em T.T.N.M, trú tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) sau khi biết mình trượt vào trường công lập PTTH đã viết lại lời nhắn chào tạm biệt gia đình và đi khỏi nhà từ 17h ngày 9-7-2022. Khi đi, M. không mang theo tiền, giấy tờ tùy thân, điện thoại liên lạc, và đã xóa toàn bộ tài khoản Facebook, Zalo nên gia đình không có cách nào liên hệ.

Bức ảnh đã thu hút hàng triệu lượt thích sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội.

Chị P., mẹ cháu M. chia sẻ rằng: “Hôm biết kết quả điểm chuẩn vào lớp 10, con buồn ngồi trên bàn khóc. Năm nay con đăng ký 2 nguyện vọng vào THPT Việt Đức và THPT Trần Nhân Tông. Con thi được 40,75 nên nguyện vọng 1 thiếu 1 điểm, nguyện vọng 2 thiếu 0,25 điểm. Do sức học của con tốt, 9 năm đều học sinh giỏi nên gia đình tham khảo nhiều nguồn và quyết định đăng ký 2 nguyện vọng. Một lý do khác nữa là do con đi học bằng xe đạp, nếu đăng ký 3 nguyện vọng thì nguyện vọng 2 phải khác khu vực, như vậy con đi học sẽ xa nhà, vất vả. Đây là 2 trường gần nhà, tiện cho con đi xe đạp đi học nên cuối cùng gia đình không đăng ký nguyện vọng 3 vào trường nào. Gia đình cũng theo dõi dao động hàng năm vào các trường cũng chỉ 1-2 điểm nên không nghĩ con trượt cả 2 nguyện vọng”.

Tuy nhiên, ngay sau khi biết con trượt cả 2 trường công lập chị P. đã vội vã từ chỗ làm về nhà lấy những giấy tờ cần thiết để làm hồ sơ đăng ký cho con vào trường tư. Sau khi mua xong hồ sơ chị P. quay lại cơ quan làm việc. Tuy nhiên, linh tính mách bảo thế nào chị P. đã mở camera ở nhà ra xem thì thấy camera bị tắt. Chị P. nhắn cho chồng về nhà xem con thì được biết cháu M. xin phép sang nhà bạn đưa bánh (do gia đình vừa đi du lịch về muốn mang quà sang cho bạn). Kể từ lúc đó M. không về nữa”. Sau 3 ngày tìm kiếm, gia đình chị P. đã may mắn tìm được cháu M.

Không nghiêm trọng như vụ việc của cháu M. nhưng những ngày qua con trai chị Nguyễn Thị Hiên (Phú La, Hà Đông, Hà Nội) như người mất hồn. Lý do là bởi cháu thi trượt cả 2 nguyện vọng vào trường THPT Quang Trung và Trường THPT Trần Hưng Đạo. Chị Hiên cho biết: “Mặc dù gia đình đã động viên con rất nhiều và nói rằng con đã cố hết sức rồi nên không ai trách con cả nhưng con vẫn không chấp nhận được điều này. Hơn nữa, trên Facebook con chứng kiến các bạn và cả bố mẹ các bạn khoe thi đỗ trường nọ trường kia nên con càng đau lòng. Tôi có khuyên con là tạm thời con đừng dùng mạng xã hội nữa”.

Chia sẻ của người mẹ có con gái bỏ nhà đi vì thi trượt vào lớp 10 khiến nhiều người phải giật mình.

Cùng chung tâm trạng với những gia đình có con thi trượt trường công THPT, mấy ngày qua gia đình anh Lê Văn Hiếu, 42 tuổi (phố Đại Linh, Từ Liêm, Hà Nội) cũng như… có đám! Con gái anh từ khi biết điểm thi đã đóng cửa phòng, không chịu giao du với ai. Anh Hiếu chia sẻ: “Thực sự thì gia đình mình không hề gây áp lực cho con. Vợ chồng mình vẫn bảo với con là con chỉ cần cố hết sức, không đỗ trường công thì mình học trường tư. Thế nhưng, bản thân con vốn là đứa có học lực tốt nên việc thi trượt trường công đúng là một cú sốc lớn, rất khó chấp nhận”.

Bác sĩ Lê Thị Thanh Thu, chuyên khoa 2, Trưởng Khoa Bán cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần TW1 cho biết: “Để tránh gây ra những tổn thương tâm lý cho con nếu chẳng may con cái thi trượt hoặc đỗ vào những trường không được như kỳ vọng thì phụ huynh nên cố gắng kiềm chế cơn tức giận. Và, quan trọng nhất là họ phải hiểu được bản chất vấn đề rằng: Sức học của con mình đến đâu? Ai chẳng muốn con thi đỗ vào những trường công, những trường có chất lượng cao. Thế nhưng, nếu sức con có hạn thì tốt nhất phụ huynh nên chuẩn bị cho con những phương án dự phòng. Chính điều này cũng là chuẩn bị cho chính họ khỏi bị sốc. Nếu con không đỗ nguyện vọng 1 thì sẽ có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Nếu không đỗ trường công thì có thể học trường tư”.

Cũng theo bác sĩ Thu thì phụ huynh không nên quá kỳ vọng và áp lực rằng con mình phải đỗ trường này, trường kia thì nó mới có một tương lai tốt. Bố mẹ phải chính là người định hướng và động viên các con để chúng yên tâm rằng trượt cấp 3 hay trượt đại học không phải là bỏ đi, bởi cuộc đời còn có nhiều sự lựa chọn khác nữa.

Mọi tờ giấy khen đều có 2 mặt

Như một tiền lệ, mỗi khi mùa thi kết thúc, chúng ta lại thấy các bố, các mẹ đăng tải thành tích của các con lên mạng xã hội. Và họ sẽ hả hê, sung sướng và tự hào khi nhiều người khen, nhiều lượt thích. Phải chăng chính những phụ huynh đó đang rơi vào căn bệnh “sính thành tích” chỉ nhìn vào kết quả mà con em mình đạt được, không quan tâm tới quá trình rèn luyện của các em? Và các phụ huynh đâu có biết rằng, những dòng trại thái khoe thành tích con mình vô tình lại xát muối vào lòng những phụ huynh có con có thành tích học tập không tốt.

Các bậc phụ huynh đừng bao giờ để con cô đơn khi thất bại.

Trước tình trạng này, trên nhóm “Chúng tôi là giáo viên” đã đăng trạng thái: “Tha thiết mong các bậc phụ huynh không đăng giấy khen của con lên Facebook. Nếu đồng ý bấm ok”. Sau khi trạng thái này được đăng tải có tới 9.400 lượt like và 1.700 bình luận khác nhau khi chưa được một ngày… Rất nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên khoe thành tích học tập của con trên mạng xã hội hay không đã được cộng đồng giáo viên thẳng thắn chia sẻ.

Nói về việc này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng sau một năm cố gắng, kết quả tốt của con cần được công nhận, khen thưởng. Nhưng cha mẹ cần cân nhắc và hỏi ý kiến của con khi đưa lên mạng xã hội. “Con cái học tập tốt, rèn luyện tốt là điều hết sức tự hào đối với bất kỳ ai. Khen thưởng các con là việc rất cần thiết nhưng theo tôi nên cân nhắc khen thưởng con cái trong phạm vi riêng tư của gia đình, người thân, lớp học. Mạng xã hội là nơi thông tin đến được với tất cả mọi người. Đôi khi việc đem thông tin cá nhân lên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro không lường trước được”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Rõ ràng, việc đăng tải giấy khen, bảng điểm của con lên mạng xã hội đã tạo áp lực cho những đứa trẻ. Không phải cứ khoe con cái chăm ngoan, học giỏi sẽ là động lực cho con tiếp tục học giỏi, chăm ngoan. Vô hình trung, điều đó tạo nên áp lực cho các con. Khi đặt quá nhiều kỳ vọng sẽ vô tình bắt các em phải theo ý muốn của người lớn.

Tiến sĩ - bác sĩ Đinh Vinh Quang, trưởng khoa thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 đang khám cho một học sinh lớp 12 bị trầm cảm.

Bên cạnh những áp lực do kỳ vọng quá lớn vào con cái, thì áp lực cũng chính từ các em học sinh. Được danh hiệu học giỏi, được điểm số cao, thầy cô bạn bè ngưỡng mộ… đã vô tình tạo gánh nặng lên bản thân các em. Điều này khiến các em luôn ở trong trạng thái học tập căng thẳng, tâm trạng lo sợ thi rớt, sợ thua kém bạn bè… Thậm chí có những em đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc mà vẫn bị áp lực thi cử, học hành đè nặng.

Nói về điểm này, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Doãn Phương (Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia) cho hay, những thành tích đó vô tình trở thành nguồn gây áp lực đáng kể, khi các em luôn nghĩ rằng mình phải cố gắng hết sức để duy trì kết quả đó, và không được phép mắc sai sót, để tuột mất danh hiệu này, nếu không thì sẽ rất xấu hổ, thất vọng…

Theo nhiều chuyên gia thì vấn đề áp lực tinh thần từ thi cử, học hành đối với các em học sinh nhiều phụ huynh hiện nay chưa hiểu đúng về áp lực này. Bởi, nghe thấy áp lực nhiều người sẽ nghĩ ngay tới hậu quả tiêu cực, những điều đen tối… Nhưng thực tế, thì áp lực luôn có hai mặt, tốt và xấu. Rõ ràng nếu không có áp lực các em sẽ khó lòng vượt qua được những “ngưỡng” của bản thân để phát triển tốt. Chỉ khi áp lực quá mới gây ra những hậu quả xấu tới tinh thần và thể chất của các em.

Như trường hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn (phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội) khá điển hình khi đề cập tới vấn đề áp lực nói trên. Gia đình anh Tuấn có điều kiện, trước anh từng đi du học về và hiện rất thành công trong sự nghiệp. Anh luôn cho rằng, không tạo áp lực học hành cho con cái, để các con tự do phát triển theo ý muốn. Tuy nhiên, tình trạng “không áp lực” này dần trở nên mất kiểm soát, khi vợ chồng anh không định hướng và theo dõi sát sao quá trình học tập của con, để biết năng khiếu, sở thích của các con là gì và tạo điều kiện theo đuổi. Anh Tuấn chia sẻ: “Càng lớn cháu càng tỏ ra mải chơi, không ham thích bất kỳ lĩnh vực nào, chỉ tập trung chơi game thỏa thích. Khi muốn ép con vào khuôn khổ thì vợ chồng tôi nhận ra đã quá muộn. Cháu quá quen với cách sống không áp lực”.

Còn những câu chuyện quá tạo áp lực cho con dường như chúng ta bắt gặp hằng ngày, hậu quả của nó cũng thật khủng khiếp. Anh Lê Văn Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) có con học lớp 11 chia sẻ: “Vợ chồng tôi cũng đã trải qua thời gian dài khi đặt quá nhiều áp lực vào con. Câu cửa miệng mà chúng tôi nói với con là: “Bố mẹ đi làm vất vả như thế đấy, bao nhiêu tiền dồn cho con ăn học cho nên liệu mà học hành cho tử tế”. Tôi cho con đi học đủ các loại lớp, từ toán, văn, vài ba  thứ ngoại ngữ… Tiền không phải là vấn đề, miễn con tiếp thu được. Không ngờ cháu đã rơi vào trạng thái stress nặng, cũng may là vợ chồng tôi phát hiện sớm, giờ thì luôn tạo sự thoải mái cho con, kết hợp học và chơi, thường xuyên động viên con”.

Nói chung, bất kể nguồn khởi phát áp lực là gì, thì các em học sinh đang ở độ tuổi phát triển cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Một khi áp lực này vượt qua ngưỡng tạo ra sự tích cực, các em sẽ phải nhận hậu quả, nhẹ thì mắc một số chứng suy nhược tinh thần, sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng, nặng hơn có thể dẫn tới các chứng rối loạn tâm thần hết sức nguy hiểm.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) chia sẻ: “Điểm số cao của học sinh ở những thời điểm khác nhau chưa nói lên sự thành công hay thất bại ở phía trước. Nhiều học sinh từng học giỏi nhưng bước vào cuộc sống chưa chắc đã thành công 100%. Nhiều trẻ kết quả học tập chưa cao nhưng có sự nỗ lực, khắc phục điểm yếu đã tiến bộ và thành công trong cuộc sống sau này. Do đó, cha mẹ hãy hiểu biết để động viên khuyến khích trẻ học tập, phát triển một cách khoa học, đúng đắn và hiệu quả nhất”.

Phong Anh

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã may mắn thoát chết và hiện đã vượt qua cơn nguy kịch sau khi bị một thành phần chính trị đối lập bắn 4 phát đạn vào vùng bụng hôm 15/5. Châu Âu bị một phen chấn động bởi vụ ám sát chính trị hiếm hoi xảy ra giữa những căng thẳng chính trị, ngoại giao xung quanh cuộc chiến tại Ukraine.

Nhiều công trình, dự án trên địa bàn Thủ đô đang được triển khai nên nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng tăng cao dẫn đến tình trạng xe vi phạm quá khổ, quá tải có thể tái diễn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Tối 18/5, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Hà Nội) đã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở đến các đơn vị thi công, doanh nghiệp kinh doanh vận tải và đội ngũ lái xe bảo đảm TTATGT.

Một nhóm 9 du khách, thanh thiếu niên khi vui chơi, tắm biển tại bãi biển Đà Nẵng đã gặp sự cố đuối nước. Mặc dù lực lượng cứu hộ cứu nạn bãi biển tích cực ứng cứu, nhưng do sóng to, khu vực tắm có biển báo cấm tắm nguy hiểm nên trong số 8 du khách đưa vào bờ, có 2 du khách đã tử vong, 1 nạn nhân mất tích.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (nay là học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh) đã triển khai được 18 năm (từ 2006). Đó là quãng thời gian đủ dài để đánh giá về hiệu lực, hiệu quả trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội.

Hơn 1 tháng sau khi giải vô địch các câu lạc bộ Pencak Silat Quốc gia 2024 khép lại, tranh cãi một lần nữa nổi lên. Lần này, câu chuyện xoay quanh một VĐV bị đơn vị chủ quản cũ cấm thi đấu, nhưng vẫn đầu quân cho một địa phương khác và lên ngôi vô địch.

Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), trong những ngày gần đây, các học giả, các hãng truyền thông quốc tế đã đăng tải nhiều bài viết ca ngợi cuộc đời nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文