Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức: Bất đồng ngay từ khi chưa khai mạc
Theo tin từ hãng Reuters, áp lực gia tăng đối với Hội nghị thượng đỉnh G7 sau khi hàng chục ngàn người phản đối G7 tham gia vào một cuộc tuần hành hòa bình quy mô lớn tại thành phố Munich (Đức). Hoạt động này do nhiều đảng phái và các tổ chức phi chính phủ trên toàn châu Âu tổ chức nhằm phản đối mặt trái của toàn cầu hóa và chống đói nghèo. Những người tuần hành đã giương cao nhiều biểu ngữ với nội dung như “Ngăn chặn hội nghị G7”.
Đó là trên đường phố, còn tại hành lang các tòa nhà nơi sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh, tình hình cũng trở nên khá căng thẳng. Cho đến trưa 6/6, không khí bao trùm trước thềm hội nghị G7 vẫn là những mâu thuẫn giằng xé xung quanh việc Nga không được mời tham dự hội nghị. Tin từ tờ Telegraph cho hay, năm nay là năm thứ 2 Moskva bị loại khỏi hội nghị do cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, xem ra biện pháp “tẩy chay” Nga của G7 đang “gậy ông đập lưng ông”.
Các cuộc biểu tình chống Hội nghị thượng đỉnh G7 đã diễn ra ở TP Munich của Đức từ ngày 4/6. Ảnh: Sean Gallup. |
Nếu một năm trước, việc vắng mặt của Nga tại hội nghị G7 còn chấp nhận được thì năm nay, với lời đề nghị hòa giải từ chính Tổng thống Nga Vladimir Putin, việc không mời Nga tham dự hội nghị lại tạo nên một khoảng cách rất lớn giữa chính giới và các doanh nghiệp ở châu Âu. Ngay tại Đức, nơi sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh, có ít nhất 2 nhóm doanh nghiệp cho rằng, G7 nên mời Nga và rằng việc ngăn Moskva tham dự cuộc họp là “bỏ lỡ cơ hội”.
Phát biểu trước báo giới, Matthias Platzeck, Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Đức - Nga kiêm thành viên cấp cao của đảng Dân chủ xã hội (SPD) của Đức nói, đây là lúc mời Nga trở lại với G7. "Các vấn đề ở Trung Đông, Iran, Afghanistan và Syria chỉ có thể được giải quyết cùng với Nga”, ông Matthias Platzeck nhấn mạnh.
Được biết, Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra trong 2 ngày 7 và 8 tháng 6. Chương trình nghị sự chính của hội nghị là tập trung vào tình hình Ukraine, nỗ lực tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria cùng với các biện pháp đối phó với đại dịch Ebola. Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến kinh tế-tài chính. Trước đó một tuần, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7 cũng đã nhóm họp tại thành phố Dresden của Đức với nội dung quan trọng là vấn đề nợ của Hy Lạp. Tại đây, các bên cũng có nhiều bất đồng xung quanh nội dung cụ thể cho giải pháp cuối cùng.
Theo tin từ tờ Guardian của Anh, có lẽ, nội dung có thể nhận được sự đồng thuận từ các nước thành viên G7 chính là những biện pháp cắt giảm nợ công và thâm hụt ngân sách, hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, các bên cũng tìm được tiếng nói chung trong vấn đề chống trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia, từng bước xây dựng cơ chế xóa bỏ những khác biệt để tạo cơ sở cho việc hình thành các biện pháp kiểm tra phối hợp liên quốc gia, từ đó giúp ngăn chặn tình trạng chuyển giá và gian lận thuế và ngăn chặn nguồn tài trợ cho khủng bố quốc tế. Trong khi đó, hãng Yomiuri của Nhật Bản thì đưa tin, vào cuối Hội nghị thượng đỉnh G7, các nhà lãnh đạo còn có thể ra một tuyên bố kêu gọi duy trì trật tự thế giới trên biển dựa trên luật pháp quốc tế.
Một năm trước, các lãnh đạo của G7 cũng bày tỏ lo ngại về các căng thẳng giữa Trung Quốc và một loạt các quốc gia châu Á khác do các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và Hoa Đông, và cảnh báo chống lại việc sử dụng vũ lực.