Biến chủng Delta thách thức nỗ lực chống COVID-19 toàn cầu

07:38 22/06/2021
Biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ đã lây lan ra hàng chục quốc gia trên toàn thế giới và chưa có dấu hiệu chững lại, đặt ra nhiều thách thức với các chính phủ trong nỗ lực tìm cách ứng phó phù hợp.


Số ca nhiễm biến chủng Delta tăng nhanh

Tờ Financial Times ngày 21/6 dẫn thống kê của Tổ chức Sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu cúm (GISAID) cảnh báo, biến chủng Delta, lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ hồi tháng 2-2021, đang đặt ra nhiều thách thức với cuộc chiến chống lại dịch bệnh ở châu Âu. Hiện nay, biến chủng Delta hiện đã chiếm tới 96% số ca lây nhiễm mới COVID-19 theo chuỗi tại Bồ Đào Nha, hơn 20% tại Italia và khoảng 16% tại Bỉ.

Vaccine được các chuyên gia khẳng định là chìa khoá chống lại COVID-19.Ảnh: Getty Images

"Chúng ta đang trong quá trình đè bẹp virus này và xóa sổ đại dịch, chúng ta không thể để biến chủng Delta vượt mặt", Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran phát biểu. Ông Veran thông tin, khoảng 2-4% các mẫu virus trên người bệnh được phân tích tại Pháp là biến chủng Delta. Trong khi đó, số ca COVID-19 của Anh đã tăng gấp ba trong tháng trước và biến chủng Delta chiếm tới 98% số ca nhiễm mới kể trên.

Số liệu được các nhà khoa học thu thập cho thấy biến chủng Delta dường như làm tăng nguy cơ nhập viện gấp 2,2 lần so với biến chủng Alpha được phát hiện lần đầu ở Anh (vốn cũng được mô tả là có tốc độ lây lan nhanh hơn các biến chủng đầu tiên của virus SARS-CoV-2), buộc London phải lùi lộ trình dỡ bỏ phong tỏa đất nước, đồng thời với nỗ lực gia tăng số người được tiêm chủng đầy đủ.

Giới chức y tế nhiều nước châu Âu đang hướng mọi sự quan tâm của họ về Anh để tìm kiếm manh mối về diễn biến tiếp theo của dịch bệnh, cũng như các biện pháp cần thiết để ngăn nguy cơ dịch lây lan rộng hơn. Một số nhà khoa học lo ngại biến chủng Delta có thể đã lan rộng tại "lục địa già" nhưng chưa bị phát hiện do việc giải trình tự gen để xác định các biến chủng ít được thực hiện tại châu Âu do chi phí cao và tốn thời gian. Hiện nay, Anh đã giải trình tự được hơn 500.000 bộ gen SARS-CoV-2, nhưng con số này tại Đức, Pháp và Tây Ban Nha chỉ lần lượt ở khoảng 130.000, 47.000 và 34.000.

Tình hình hiện cũng có dấu hiệu nóng lên tại Mỹ. CNBC đưa tin, Delta là tác giả của khoảng 10% số ca nhiễm mới hàng ngày ở Mỹ - vùng dịch lớn nhất thế giới - trong tuần qua, nhiều hơn con số 6% của một tuần trước đó. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky hôm 18/6 cảnh báo, biến chủng Delta có thể trở thành biến thể thống trị tại Mỹ vào mùa hè này.

Những tuần qua, các nước Đông Nam Á, Nam Á và nhiều khu vực khác cũng báo cáo họ liên tục phát hiện những ca nhiễm mới biến chủng Delta và đang buộc phải siết chặt các biện pháp phòng dịch, nhằm tránh nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát và quét sạch những thành tựu chống dịch đạt được hơn một năm qua.

Vaccine vẫn là giải pháp tối ưu

Chỉ sau 4 tháng từ thời điểm lần đầu được phát hiện, biến chủng Delta đã lan ra hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới, trải dài ở các châu lục, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Các nhà khoa học tin rằng, với tốc độ lây lan chóng mặt, biến chủng Delta sẽ thống trị tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện. Tuy nhiên, dấu hiệu khả quan là biến chủng này vẫn có thể được kiểm soát nhờ tiêm chủng đầy đủ, đồng thời với các biện pháp làm chậm quá trình lây lan.

Tại Anh, giới chức y tế nước này xác nhận tỷ lệ người nhiễm COVID-19 nhập viện tăng hầu hết là bệnh nhân chưa được tiêm chủng đầy đủ. Tuần trước, cơ quan Y tế Công cộng Anh thông tin, việc chỉ tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 tỏ ra kém hiệu quả với biến chủng Delta hơn các biến chủng cũ, nhưng việc tiêm đầy đủ hai mũi tăng khả năng bảo vệ lên đáng kể, ở mức trên 80%. Thủ tướng Anh Boris Johnson cách đây vài ngày đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp chống dịch thêm 4 tuần, tới 197, tạo điều kiện cho nhiều người trưởng thành được tiêm liều vaccine COVID-19 thứ hai sớm nhất có thể.

Với Mỹ, việc hơn 45,4% dân số được tiêm chủng đủ hai liều vaccine đã giúp hạ nhiệt tình hình khi số ca nhiễm mới và tử vong trên đà giảm trong vài tuần trở lại đây. Dẫu vậy, giới chức Mỹ đang đau đầu vận động những người còn lại đi tiêm vaccine, trong bối cảnh số nhiều người tỏ ý không sẵn sàng tiêm phòng. Ngay sau khi trở về từ chuyến công du châu Âu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lập tức xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia để kêu gọi người dân hãy đi tiêm vaccine càng sớm càng tốt.

Nga, quốc gia đầu cấp phép vaccine COVID-19 Sputnik V, cũng bày tỏ lo ngại trước việc biến chủng Delta đang lây lan quá nhanh. Chính phủ Nga ngày 20/6 chỉ trích việc chần chừ tiêm vaccine khiến số ca mắc tăng vọt tại Moscow, với hai kỷ lục liên tiếp là 9.056 ca vào ngày 18/6 và 9.120 ca vào ngày 19/6, chủ yếu nhiễm biến chủng Delta. Giới chức thủ đô của Nga tuần trước chính thức yêu cầu người dân làm việc trong ngành dịch vụ của thành phố phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc.

Tại châu Á-Thái Bình Dương, nhờ việc được tiếp cận tốt hơn với nguồn cung vaccine, các nước lại đang trên đà đẩy nhanh chủng ngừa. Hiện 20% dân số châu Á đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, tăng gấp đôi kể từ đầu tháng 5, theo Our World in Data. Dù tỷ lệ tiêm thấp hơn châu Âu (37%) và Bắc Mỹ (40%), song tốc độ lại cao hơn, khi có tới gần 3/4 số lượt tiêm hàng ngày trên thế giới diễn ra ở châu Á. Tuy vậy, khi những người sẵn sàng tiêm vaccine đã hoàn thành việc tiêm chủng, việc vận động những người mang tâm lý bài vaccine đi chủng ngừa sẽ đặt ra thách thức không nhỏ với các chính phủ.

Theo WHO, đại dịch COVID-19 chỉ có thể được kiểm soát diện rộng khi 70% dân số toàn cầu hoàn thành tiêm chủng. Các chuyên gia dịch tễ đánh giá, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng tăng, COVID-19 vẫn sẽ không biến mất, nhưng khả năng chỉ bùng phát ở một khu vực nhất định, giống như bệnh cúm mùa ở Bắc Mỹ hoặc sốt rét ở châu Phi. Khi đó cũng không loại trừ trường hợp vaccine COVID-19 phải được tiêm nhắc lại hàng năm để đảm bảo miễn dịch liên tục.

Thiện Nhân

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文