[Cập nhật]Vật thể được phát hiện không phải của QZ8501
Trong buổi họp báo chiều ngày 29/12, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla tuyên bố, không đủ bằng chứng là đã tìm ra các mảnh vỡ của QZ8501, đồng thời nhấn mạnh sẽ không có giới hạn nào cho chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay này. Chính phủ Indonesia cũng đã yêu cầu các tàu thương mại và tàu cá hỗ trợ việc tìm kiếm, sau khi hai trong số bốn tàu được điều đi tìm kiếm tại Pulau Nangka và Pulau Pesumut đã trở về sau 6 giờ tìm kiếm mà không đạt được kết quả nào.
Phi công tham gia chiến dịch tìm kiếm QZ8501. (Ảnh: The Straitstimes). |
Trong khi đó, nhân viên điều tra cao cấp của Cục Điều tra An toàn Hàng không Singapore, ông Steven Teo cho biết, Singapore đã sẵn sàng đưa hai thiết bị để phát hiện vị trí máy bay ở dưới nước (hydrophone) tới khu vực tìm kiếm. Hai chiếc hydrophone này có khả năng quay 360 độ và có thể tiếp nhận được tín hiệu từ hộp đen của máy bay hoặc thiết bị định vị vị trí dưới nước của máy bay (ULB), cho phép các chuyên gia có thể vạch ra một vùng tam giác bao quanh khu vực nơi thiết bị ULB có thể bị rơi dưới đáy biển.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai chiều 29-12 cũng cho biết nước này được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn (SAR) chiếc máy bay mất tích của AirAsia trên một diện tích 11.400 hải lý vuông (khoảng 39.100km2) quanh đảo Belitung của Indonesia. Ba tàu của Hải quân Hoàng gia Malaysia và ba máy bay của Lực lượng Không quân Malaysia đã được triển khai để hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn chiếc máy bay mất tích do Indonesia dẫn đầu.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Ngoại trưởng Fumio Kishida đã gửi thư đến Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Ngoại trưởng Anifah Aman trong đó cam kết Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức mình trong việc hợp tác và hỗ trợ Malaysia trong việc tìm kiếm máy bay QZ8501 và giải quyết vụ lũ lụt tại nước này.
Phó Tổng thống Jusuf Kalla gặp gia đình các hành khách trên chuyến bay QZ8501 tại sân bay Surabaya. (Ảnh: BBC). |
* Chiều 29/12, Không quân Indonesia cho biết họ đã phát hiện ra “một vật gì đó” ở khu vực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích QZ8501 nhưng chưa thể xác định được liệu đó có phải mảnh vỡ của chiếc máy bay này hay không. Trước đó, Tư lệnh biệt kích Indonesia Dwi Putranto cho biết, máy bay của không quân Australia đã phát hiện ra một vật thể khả nghi nằm cách phía Tây Nam Pangkalan Bun, miền Trung Kalimantan khoảng 160km.
Theo thông tin mới nhất, người phát ngôn Không quân Indonesia còn cho biết thêm rằng, đã tìm thấy vết dầu loang tại khu vực tìm kiếm QZ8501 nhưng cũng cần phải xem vết dầu đó có phải là từ chiếc máy bay bị mất tích hay không.
Các thiết bị định vị hộp đen máy bay được phía Singapore gửi sang Indonesia. |
Cũng trong chiều 29/12, Tổng cục Hàng không Dân dụng Singapore cho biết, Indonesia đã chấp thuận đề nghị gửi hai nhóm chuyên gia và hai bộ thiết bị tìm kiếm dưới nước của Singapore để hỗ trợ xác định vị trí hộp đen máy bay QZ8501 bị mất tích: “Bốn chuyên gia của Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Singapore cùng các thiết bị nói trên đã sẵn sàng được điều động và chờ thông tin từ phía Indonesia”.
Về phía AirAsia, CEO của AirAsia Indonesia, ông Sunu Widyatmoko đã thông báo dự định sẽ bỏ số hiệu QZ8501: “Chúng tôi đã chuyển đề xuất này lên AirAsia và chời đợi sự chấp thuận của họ”.
* Theo hãng BBC, trong cuộc họp báo sáng 29/12, Bộ GTVT Indonesia cho biết đã gửi 12 tàu hải quân, 5 máy bay, 3 máy bay trực thăng, và một đội thợ lặn tham gia chiến dịch tìm kiếm.Bên cạnh đó, Indonesia sẽ sử dụng một hệ thống phát sóng âm có thể phát hiện ra vật thể ở độ sâu tới 2km dưới biển để tìm kiếm QZ8501. Ít nhất có hai tàu hải quân Indonesia đã tiếp cận sát vị trí mà máy bay này bị mất liên lạc lần cuối.
Trong khi đó, hãng Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, nước này sẽ gửi một máy bay do thám đến hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm của Indonesia và máy bay này sẽ đến nơi vào sáng ngày 30/12. Trung Quốc cũng đã đề nghị gửi máy bay và tàu chiến tới hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen xác nhận thông tin rằng một tàu đổ bộ xe tăng (LST) của Singapore đã rời cảng nước này để tham gia chiến dịch tìm kiếm. Theo đó, tính tới thời điểm hiện tại, Singapore đã gửi 2 máy bay C130, 2 tàu hải quân (một tàu chiến lớp Formidable và một tàu hộ vệ tên lửa) tham gia chiến dịch của Indonesia. Malaysia cũng tham gia với 3 tàu hải quân và 3 máy bay. Còn Australia tới giời vẫn chỉ khiêm tốn với 1 máy bay AP-3C Orion.
Theo thông tin mới nhất từ tờ The Straistimes, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm Cứu nạn Indonesia Bambang Soelistyo cho biết, việc tìm kiếm máy bay QZ8501 sẽ tập trung vào 7 khu vực ở giữa đảo Belitung và Tây Kalimantan. Máy bay của quân đội Indonesia sẽ cố gắng tìm kiếm tại 3 khu vực trong số này và máy bay của Malaysia và Singapore sẽ tìm kiếm tại 4 khu vực còn lại.
Bên cạnh đó, Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia sẽ phải nhờ cậy các nước khác. Ông Bambang Soelistyo cho biết đã liên lạc với Ngoại trưởng các nước khác để mượn thiết bị lặn chuyên dụng. Trong số các nước này đã có Anh, Pháp và Mỹ đề nghị hỗ trợ.
Thông qua mạng xã hội Tweeter, Chính phủ Indonesia khẳng định sẽ xem xét lại toàn bộ chiến dịch tìm kiếm máy bay QZ8501 của nước này.
Theo các quan chức Indonesia, việc tìm kiếm máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia ngày 29/12 sẽ tập trung vào các khu vực xung quanh Pulau Momparang và Pulau Nangka.
Theo The Straitstimes, sáng 29/12, trong khi quân đội Australia điều động một máy bay do thám AP-3C Orion tham gia chiến dịch tìm kiếm và xác định vị trí chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia mất tích hôm qua cùng 162 hành khách và phi hành đoàn, thì Singapore cũng đã điều động chiếc C-130 thứ hai góp sức. Bên cạnh đó, máy bay, tàu thủy của Indonesia, Malaysia cũng sẽ tham gia vào chiến dịch này.
Một quan chức Không quân Indonesia cho biết chiến dịch tìm kiếm sẽ được tập trung tại cùng biển đông bắc ngoài khơi đảo Belitung và nhóm tìm kiếm của quân đội nước này đã có mặt tại Mangar ở phía Đông Belitung.
Thân nhân các hành khách có mặt trên chuyến bay QZ8501 đang đợi chờ thông tin về người thân tại sân bay quốc tế Juanda. (Ảnh: Reuters). |
Theo các quan chức Indonesia, việc tìm kiếm ngày 29/12 sẽ tập trung vào các khu vực xung quanh Pulau Momparang và Pulau Nangka.
Người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm Cứu nạn Quốc gia Indonesia, ông Bambang Soelistyo chia sẻ, dựa trên những thông tin hiện tại, “giả thiết ban đầu là máy bay đang chìm dưới đáy biển”. Tuy nhiên, “đó chỉ là những nghi ngờ ban đầu và chỉ có thể được làm rõ dựa vào những đánh giá kết quả tìm kiếm”. Ông Bambang Soelistyo cho biết thêm rằng, Indonesia không có những “công cụ”, chẳng hạn như tàu ngầm, để có thể tìm kiếm dưới đáy biển, nhưng họ sẽ yêu cầu các nước khác trợ giúp.