Nga chiếm vị thế trong cuộc chiến chống IS ở Trung Đông
- Nga sẽ làm thay đổi tình hình Trung Đông và thế giới
- Iraq đề nghị Nga không kích IS?
- Không kích ở Syria, Nga đang nắm lấy cơ hội vàng
- Không quân Nga ‘khoe cơ bắp' tại Syria
Tiêu diệt được gần 100 cứ điểm quan trọng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria chỉ trong có 8 ngày không kích và khiến hơn 3.000 chiến binh của tổ chức này rời bỏ hàng ngũ vì khiếp sợ, Nga có thể sẽ là “cứu tinh mới” đối với Iraq, quốc gia có tới 1/3 vùng lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của IS.
Và trong khi Mỹ, Anh cáo buộc chiến dịch của Nga ở Syria khiến tình hình cực kỳ nguy hiểm thì tại Trung Đông, nhiều quốc gia khác lại đánh giá cao hiệu quả của chiến dịch không kích lần này.
Lời đề nghị từ Iraq
Trong bài trả lời phỏng vấn hãng Reuters ngày 8/10, Chủ tịch Ủy ban an ninh và Quốc phòng thuộc Quốc hội Iraq Hakim al-Zamili cho biết, chính quyền Baghdad có thể sẽ đề nghị Nga tiến hành không kích các cứ điểm của IS ở nước này. Thậm chí, ông Hakim al-Zamili còn cho biết rằng, thành viên nội các chính phủ Iraq đang thảo luận về việc muốn Nga có vai trò lớn hơn vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông.
Chủ tịch Uỷ ban an ninh và Quốc phòng thuộc Quốc hội Iraq nói: “Tôi nghĩ là chỉ trong một vài ngày tới, Iraq sẽ có đề nghị chính thức gửi đến Nga. Thời gian nhanh hay chậm phụ thuộc vào thành công của Nga trong chiến dịch chống IS ở Syria”.
Trước đó, chính phủ Iraq và chính phủ Iran đã nhiều lần bày tỏ nghi ngờ về nỗ lực của Mỹ và các quốc gia đồng minh trong cuộc chiến chống IS, lực lượng Hồi giáo cực đoan đang nắm quyền kiểm soát 1/3 vùng lãnh thổ Iraq. Cả hai chính phủ này đều cho rằng, các cuộc không kích do Mỹ đứng đầu đã không hiệu quả.
Ngược lại, chỉ sau hơn 1 tuần không kích, Nga đã tiêu diệt được gần 100 cứ điểm quan trọng của IS và khiến 3.000 chiến binh IS rời bỏ hàng ngũ vì khiếp sợ. Hiện tại ở Iraq, nhờ vào thế trận thắng lợi của Nga ở Syria, lực lượng an ninh Iraq cũng đã giành lại từ tay IS quyền kiểm soát một số khu vực phía Bắc và Tây thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar.
Cũng theo nguồn tin từ hãng Reuters, sau khi tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban an ninh và Quốc phòng thuộc Quốc hội Iraq được đưa ra, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga chưa nhận được bất kỳ đề nghị chính thức nào từ Baghdad để Nga tiến hành các cuộc oanh kích chống IS ở Iraq. Tuy nhiên, nếu đề nghị này được đưa ra, Nga sẽ xem xét kỹ lưỡng mọi vấn đề nảy sinh.
Chuẩn bị vũ khí cho máy bay chiến đấu của Nga ở Latakia trước khi tiến hành không kích. Ảnh: EPA. |
Sự hợp tác từ Syria
Trở lại với những diễn biến mới nhất ở Syria, hãng Sputnik dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Damascus cho biết, chiến dịch không kích hơn 1 tuần qua của Nga đã phát huy được một số hiệu quả. Đại sứ Syria tại Nga Riad Haddad còn nói rằng, khoảng 40% cơ sở hạ tầng của IS đã bị phá hủy, rất nhiều kẻ khủng bố bị tiêu diệt, nhiều tên khác đang tháo chạy về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực vốn là nơi ẩn náu truyền thống của chúng.
Còn theo truyền hình nhà nước Syria, từ ngày 8/10, Syria sẽ hỗ trợ cùng Nga trong cuộc chiến chống IS. Cụ thể, quân đội Syria đã bắt đầu "cuộc tấn công quy mô lớn" để giành lại các thị trấn và làng mạc”. Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Syria, Trung tướng Ali Abdullah Ayoub cho biết, các cuộc không kích của Nga đã làm suy yếu tổ chức IS và các nhóm vũ trang khác, đồng thời củng cố sức mạnh của quân đội Syria.
Hôm 7/10, quân đội Syria và lực lượng dân quân với sự yểm trợ của máy bay Nga cũng đã thực hiện cuộc tấn công phối hợp đầu tiên ở phía Tây Syria. Trong một nỗ lực khác, Nga cũng đang cố gắng tiếp xúc với nhóm đối lập chính ở Syria theo đường lối ôn hòa và được phương Tây hậu thuẫn là Quân đội Syria tự do (FSA) bởi nước này muốn có sự tham gia của FSA trong quá trình chuẩn bị cho “một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria thông qua các cuộc thương lượng giữa chính phủ Syria và lực lượng đối lập này”.
Nỗi lo của Mỹ, Anh
Trước vị thế ngày càng lên của Nga trong cuộc chiến chống IS ở Trung Đông, Mỹ vẫn nhất định không hợp tác với Nga và thậm chí còn tuyên bố sẽ giới hạn các cuộc thảo luận với Nga xuống mức cơ bản và kỹ thuật nhằm đảm bảo cho các chuyến bay trên bầu trời Syria là an toàn.
Chưa hết, Bộ Ngoại giao Mỹ còn tuyên bố, trên 90% các cuộc tấn công quân sự của Nga ở Syria không nhằm vào IS những phần tử thánh chiến có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, mà thay vào đó là nhắm vào lực lượng đối lập theo đường lối ôn hòa của Syria.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu thì dẫn nguồn tin tình báo quân sự cho rằng, chỉ có 2 trong số 57 cuộc không kích của Nga ở Syria là nhằm vào những phần tử thánh chiến IS và cảnh báo rằng Ankara sẽ không có bất kỳ nhượng bộ nào về vấn đề an ninh biên giới của nước này. Anh - một đồng minh thân cận của Mỹ tuyên bố vẫn muốn tiến hành các cuộc oanh kích nhằm vào IS ở Syria và cho rằng, hành động quân sự của Nga ở đó đang khiến tình hình quốc gia Trung Đông này trở nên ngày càng nguy hiểm…
Song điều đáng chú ý là trong khi các nước phương Tây liên tục chỉ trích các cuộc không kích của Nga thì ngày càng có nhiều quốc gia thuộc khu vực Trung Đông nhận định rằng, cuộc chiến chống IS của Nga đang phát huy hiệu quả và rằng những nỗ lực chống IS trước đó của Mỹ chỉ là nửa vời nhằm mục đích chính là mượn tay khủng bố để lật đổ hoặc làm suy yếu chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Còn Nga đang dần từng bước đưa các quốc gia ở khu vực này thoát khỏi mối đe dọa IS.