Chính trường Thổ Nhĩ Kỳ “dậy sóng” vì tham nhũng

08:58 27/12/2013
Chỉ trong ngày 25/12, 3 vị bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đã lần lượt “rớt đài” vì những cậu “quý tử” của họ bị bắt giữ trong chiến dịch điều tra chống tham nhũng quy mô lớn do Cơ quan chống tội phạm tài chính và tòa án phối hợp thực hiện hôm 17/12. Đầu tiên là Bộ trưởng Kinh tế Zafer Caglayan và Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler, rồi chỉ sau đó vài giờ là Bộ trưởng Môi trường và Xây dựng Đô thị Erdogan Bayaktar.

Cả 3 vị bộ trưởng đều lớn tiếng khẳng định họ không liên quan gì tới vụ việc và con trai của họ vô tội, nhưng theo những thông tin mới nhất do cơ quan chức năng cung cấp thì cả ba vị đều có dính dáng ít nhiều đến những bê bối về hối lộ và tham nhũng.

Mất chức vì “quý tử”

Ông Caglayan đã kịch liệt lên án chiến dịch này. Theo ông, đây là một “âm mưu ghê tởm chống chính phủ, đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền và đất nước”. Trong một phát biểu trước báo giới về quyết định của mình, ông Caglayan nhấn mạnh: “Tôi từ chức Bộ trưởng Kinh tế để ánh sáng có thể soi rọi vào chiến dịch đáng xấu hổ nhằm vào chính phủ của chúng ta”.

Ông cho rằng, các cuộc bắt giữ những người bị cáo buộc trong cuộc điều tra do cảnh sát tiến hành đều được “dàn dựng” từ trước. Trong khi đó, phát biểu trên Đài Truyền hình tư nhân NTV, Bộ trưởng Môi trường Bayaktar phân trần: “Tôi quyết định từ chức vì muốn việc này sẽ phần nào trấn an được dư luận và tôi tin Thủ tướng Erdogan cũng nên làm như vậy”.

Thêm vào đó, ông Bayartar cũng từ bỏ “chiếc ghế” trong Quốc hội. Ngoài ra, cả 3 vị bộ trưởng đều khẳng định những “quý tử” của họ vô tội. Ông Kaan, con trai của Bộ trưởng Kinh tế Caglayan và Baris Guler, con trai của Bộ trưởng Nội vụ cũng đều phủ nhận cáo buộc nhận hối lộ liên quan đến các dự án phát triển đô thị và cấp giấp phép xây dựng.

Về phía Thủ tướng Erdogan, ông cũng lên án chiến dịch điều tra này và nhấn mạnh, đây là âm mưu nhằm bôi nhọ chính phủ với mục đích làm suy yếu tham vọng trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt hơn là nó lại diễn ra trong bối cảnh trước thềm các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 3/2014.

Thủ tướng Erdogan phát biểu trong cuộc họp cấp cao tại tư dinh ở Ankara với một số bộ trưởng sau khi trở về từ Pakistan.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định quyết tâm loại bỏ những cá nhân có sai phạm để giữ uy tín trong sạch của đảng APK. Ngay sau cuộc họp cấp cao tại tư dinh ở Ankara với một số bộ trưởng sau khi trở về từ Pakistan, ông đã đệ trình danh sách nội các mới với 10 vị trí được thay thế và đã được Tổng thống Abdullah Gul phê chuẩn vào hôm 26/12.

Theo đó, thay thế 3 bộ trưởng vừa từ chức, Phó Thị trưởng Denizli, ông Nihat Zeybekci được chỉ định làm Bộ trưởng Kinh tế, Phó Thị trưởng Istanbul, ông Idris Gulluce được chỉ định làm Bộ trưởng Môi trường và Xây dựng Đô thị, còn Bộ trưởng Nội vụ mới là ông Efkan Ala.

Khởi nguồn của chiến dịch

Mặc dù được chính phủ dành nhiều ưu đãi về giấy phép cũng như đất đai nhưng Cơ quan Phát triển nhà ở Toki không chỉ xây dựng các khu nhà giá bình dân cho người nghèo mà còn xây dựng những khu phức hợp sang trọng. Thêm vào đó, cơ quan này còn bị cáo buộc làm việc thiếu minh bạch trong bối cảnh thị trường bất động sản ở Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng nhiệt.

Xuất phát từ đó, ngày 17/12, tại thành phố Istanbul và Thủ đô Ankara, Cơ quan chống tội phạm tài chính và tòa án đã mở chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm vào giới chính trị chóp bu và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Halkbank, tạo ra thách thức lớn nhất đối với chính phủ của Thủ tướng Edrogan trong 11 năm cầm quyền.

Chỉ 1 ngày sau khi chiến dịch điều tra lần này được phát động, ngày 18/12, các lực lượng chức năng đã bắt giữ 5 sĩ quan cảnh sát cấp cao và bắt thêm 24 nhân vật cấp cao khác vào ngày 21/12. Tiếp đó, ngày 22/12, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải 25 quan chức cảnh sát cấp cao, trong đó có Cảnh sát trưởng thành phố Istanbul và hàng chục nhân viên cảnh sát khác.

Theo các nguồn tin cảnh sát, tính tới thời điểm hiện tại, đã có khoảng 70 người bị bắt, trong đó có 22 nhân vật cấp cao, nhiều doanh nhân và Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng quốc doanh Halkbank. Con trai của ba vị Bộ trưởng mới từ chức cũng nằm trong số này, tuy nhiên, riêng con trai của Bộ trưởng Môi trường vẫn chưa chính thức bị buộc tội và đang được cho tại ngoại.

Ngoài ra còn có sự “góp mặt” của lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Halkbank Suleyman Aslan và ông trùm xây dựng Ali Agaoglu. Trong bài phát biểu hôm 24/12, Tổng thống Abdullah Gul khẳng định sẽ không có bao che và kết quả cuộc điều tra sẽ được xem xét tại các tòa án độc lập.

Tiếp đó, ngày 25/12, Viện Công tố Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi tố hình sự ba bộ trưởng với cáo buộc nhận hối lộ dẫn đến việc cả ba người phải từ chức. Cùng ngày, hàng nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ đã biểu tình ở Ankara, Istanbul, Izmir và 7 thành phố khác, đòi Thủ tướng Erdogan từ chức sau quyết định từ chức của bộ trưởng nêu trên.

Theo nhận định của giới quan sát, cuộc điều tra đã hé lộ sự chia rẽ giữa chính phủ do đảng APK đứng đầu với phong trào Himez của ông Fethullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo hiện sống tại Mỹ nhưng có ảnh hưởng đáng kể trong ngành cảnh sát và tòa án Thổ Nhĩ Kỳ. Phong trào Himez vốn là lực lượng ủng hộ chính của APK, giúp đảng này giành chiến thắng liên tiếp trong 3 cuộc bầu cử kể từ năm 2002.

Theo giới phân tích, chiến dịch điều tra lần này được tập trung vào hai mảng: hối lộ trong việc mua khí đốt tự nhiên của Iran để đổi lại lấy vàng của Thổ Nhĩ Kỳ và hối lộ liên quan đến các dự án phát triển đô thị và cấp giấp phép xây dựng

Hà Khổng

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”, xảy ra tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, theo quy định tại khoản 3 Điều 170 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, bắt giữ thêm 1 Phó Tổng biên tập và 2 phóng viên của tạp chí này.

Ít ai ngờ, nữ cán bộ Công an với dáng người có phần mảnh khảnh ấy lại trực tiếp tham gia đấu tranh trên trăm vụ án kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng lớn. Nữ cán bộ ấy chính là Thiếu tá Trần Tú Huy, Phó Đội trưởng Đội phòng ngừa, điều tra án kinh tế, tham nhũng, môi trường trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại và các lĩnh vực khác – Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi.

Câu chuyện về cuộc chia ly giữa huấn luyện viên Park Chung-gun và đội tuyển bắn súng Việt Nam đã tạo hiệu ứng dư luận không đáng có. Đây là lúc có hai việc cần làm rõ: Vì sao đôi bên không gia hạn hợp đồng, và đâu là nguyên nhân khiến câu chuyện bị đẩy ra xa?

Chiều 26/9, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì cuộc họp Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng CAND, nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân thời kỳ đổi mới”.

Dưới cái nắng oi bức cuối mùa hạ, 3 người cựu chiến binh Sư đoàn 308 vẫn miệt mài đi từng hàng mộ chí tít tắp ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (NTLS Đường 9) để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Thỉnh thoảng họ dừng lại ở một phần mộ nào đó và trò chuyện với nhau rất lâu.

Chiều 26/9 tại Hà Nội, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã tiếp Trưởng Đại diện Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương Masood Karimipour. Cùng dự có bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng UNODC Việt Nam.

Ít ngày nữa thôi, hơn 40 phạm nhân của Trại giam Thanh Lâm sẽ được trở về bên gia đình, người thân. Lớp học tái hoà nhập cộng đồng cho các phạm nhân được đề nghị đặc xá đang học những ngày cuối cùng với các kỹ năng cần thiết để các phạm nhân đủ hành trang trở lại cộng đồng.

Chuyển đổi xanh đang trở thành “một cuộc đua” ở cấp độ toàn cầu. Những doanh nghiệp (DN) không thể thích ứng sẽ dần bị loại bỏ khỏi thị trường xuất khẩu (XK). Do vậy, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh chóng các chương trình nâng cao năng lực cùng các chính sách để hỗ trợ DN thích nghi với cuộc chơi mới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文