Chống tham nhũng trong Liên hợp quốc

10:05 10/10/2015
Cuộc điều tra tham nhũng trong Liên hợp quốc (LHQ) do Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tiến hành đang bước vào giai đoạn nước rút sau vụ bắt giữ cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 68 John Ashe và một doanh nhân người Trung Quốc có tên là Ng Lap Seng.

Mặc dù rất sốc trước thông tin này, song, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng đã đề nghị kiểm toán nội bộ nhằm làm sáng tỏ mối quan hệ giữa các nguồn quỹ của LHQ với ông trùm bất động sản Ng Lap Seng.

Những cuộc điều tra mới

Theo tin từ tờ Wall Street Journal, cuộc điều tra do Mỹ tiến hành được thực hiện dưới sự chỉ huy trực tiếp của chưởng lý Manhattan Preet Bharara. Tại cuộc họp báo hôm 8/10, ông này cho biết, các điều tra viên của FBI đang tập trung vào các cáo buộc hối lộ liên quan đến các doanh nhân Trung Quốc. Từ đó họ mới phát hiện ra các quan chức LHQ dính líu vào bê bối này. 

Ngoài Đại sứ của Antigua & Barbuda tại LHQ, cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 68 (2013-2014) John Ashe và Đại sứ CH Dominica Francis Lorenzo đã bị bắt giữ hôm 6/10, còn một số quan chức LHQ khác đang trong tầm ngắm điều tra của FBI và có thể sẽ bị tiết lộ danh tính hoặc bị bắt giữ trong một vài ngày tới. 

Cũng theo chưởng lý Preet Bharara, mọi kế hoạch xử lý bê bối này đã được đưa ra ngày sau vụ bắt giữ trùm bất động sản Macau, doanh nhân người Trung Quốc Ng Lap Seng và trợ lý Jeff C.Yin hồi tháng 9. Ông Ng Lap Seng là Chủ tịch Tập đoàn Sun Kian Ip và là thành viên Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, có chân cả trong Ủy ban phát triển kinh tế Macau. Doanh nhân Ng Lap Seng và trợ lý sau đó đã bị truy tố vì cáo buộc tồn hơn 4,5 triệu USD vào Mỹ thông qua các hình thức gian lận kể từ năm 2013. 

Chưa hết, chưởng lý Manhattan còn tiết lộ rằng, FBI cũng đang tính đến việc mở rộng điều tra sang một số hoạt động cứu trợ hoặc các chương trình phát triển bền vững mà LHQ thực hiện tại các quốc gia đang phát triển hoặc các nước nghèo bởi trước đây, họ từng nhận được yêu cầu của chính phủ CHDC Congo nhờ kiểm tra tác động lâu dài của một số hợp đồng trị giá 6,7 tỷ USD của nước này với các công ty Trung Quốc. Một số dự án khác liên quan đến các quỹ hỗ trợ phát triển của LHQ hoặc vốn rót từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hoặc Ngân hàng thế giới (WB) được triển khai bởi nhà thầu Trung Quốc cũng đang bị nghi ngờ có gian lận hoặc tham nhũng, nhận hối lộ…

Chưởng lý Manhattan Preet Bharara đang giải thích sơ đồ tham nhũng trong LHQ liên quan đến cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ John Ashe và doanh nhân Trung Quốc Ng Lap Seng. Ảnh: AP.

Trong khi đó, LHQ tuyên bố không mở cuộc điều tra nội bộ xung quanh cáo buộc từ Mỹ. Tuy nhiên, vì đây là một việc lớn, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức nên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 9/10 đã đề nghị mở một cuộc kiểm toán quốc tế nguồn quỹ của các cơ quan trong tổ chức này và 2 tổ chức khác mà Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) nghi ngờ liên quan đến bê bối tham nhũng của cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ John Ashe. 

Người phát ngôn của ông Ban Ki-moon, bà Stephane Dujarric cho biết, việc kiểm toán này sẽ được thực hiện đầu tiên giữa các hợp đồng hợp tác trị giá 1,5 triệu USD giữa Quỹ phát triển bền vững toàn cầu, Quỹ hợp tác Nam - Nam và Tập đoàn Sun Kian Ip do tỷ phú người Trung Quốc Ng Lap Seng đứng đầu. Các hợp đồng này nằm trong dự án phát triển của LHQ. 

Mục đích là để kiểm tra việc sử dụng các khoản tiền có xuất xứ từ Tập đoàn Sun Kian Ip và cả khoản tiền lương hàng tháng trị giá 20.000 USD cho ông John Ashe vì giữ vị trí Chủ tịch danh dự của Quỹ phát triển bền vững toàn cầu. 

Robert M.Appleton, người đứng đầu đơn vị thực hiện quá trình kiểm toán này cho biết, các giao dịch bị nghi ngờ mờ ám đều được thực hiện vào thời điểm ông Francis Lorenzo làm Chủ tịch Quỹ hợp tác Nam - Nam và ông John Ashe làm Chủ tịch Quỹ phát triển bền vững toàn cầu. 

Hiện ông Robert M.Appleton cũng đã nhận được báo cáo từ FBI về một khoản tiền trị giá hàng trăm triệu USD được cho là của Tập đoàn Sun Kian Ip thông qua một tổ chức của LHQ rồi chuyển tới Ủy ban quốc gia của đảng Cộng hòa ở Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Bill Clinton. Bên cạnh đó là chương trình đổi dầu lấy lương thực ở Iraq trị giá 1,8 tỷ USD mà cựu Chủ tịch Cục Dữ trữ liên bang Mỹ Paul Vocker báo cáo hồi năm 2005…

Và bê bối tham nhũng 1,3 triệu USD

Trở lại vụ bê bối liên quan đến cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, hôm 6-10, các công tố viên Mỹ đã đưa ra cáo buộc mới ông John Ashe dùng uy tín của LHQ làm lợi cho cá nhân và nhận hối lộ 1,3 triệu USD từ trùm bất động sản Ng Lap Seng. Đổi lại, ông John Ashe đã giúp Ng Lap Seng có được những hợp đồng làm ăn béo bở. 

Cáo trạng đưa ra còn chỉ rõ, ông John Ashe đã 2 lần gian lận thuế liên quan đến vụ việc giúp doanh nhân này trúng thầu xây dựng Trung tâm hội nghị của LHQ ở Macau trong giai đoạn 2011-2014. Chưa hết, ông John Ashe còn bị tố cáo chia tiền hối lộ với Thủ tướng Antigua & Barbuda để hỗ trợ lợi ích kinh tế của một nhóm các doanh nhân Trung Quốc tại đảo quốc vùng Caribbe này. 

Chưởng lý Manhattan Preet Bharara cho biết, vụ bắt giữ được tiến hành dựa trên biên bản lời khai dài 37 trang của Ng Lap Seng, trong đó doanh nhân này thừa nhận đã nhờ ông John Ashe dùng ảnh hưởng của mình để được tham gia các chương trình của LHQ. Để “cảm ơn” ông John Ashe, Ng Lap Seng đã chuyển tiền cho ông này thông qua 2 tổ chức phi chính phủ mang tên Quỹ hợp tác Nam-Nam và Quỹ phát triển bền vững toàn cầu. 

Bản thân cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, sau khi bị FBI bắt giữ tại Mỹ cũng thừa nhận ông có một cuộc sống xa hoa là nhờ những khoản tiền hối lộ. Chẳng hạn, ông đã chi 59.000 USD để mua các bộ comple may tay tại Hong Kong trong những năm 2013-2014; mua 2 đồng hồ Rolex trị giá 54.000 USD hồi đầu năm 2014 và chi 40.000 USD để mua trả góp chiếc BMX 45 hồi cuối năm ngoái. 

Ngoài ra, cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ cũng chi 69.000 USD để đăng ký thành viên một câu lạc bộ tại bang South Carolina và chi 30.000 USD để xây dựng một sân chơi bóng rổ tại căn hộ của ông ở thành phố New York (Mỹ)… 

Vợ của John Ashe, nhà hoạt động môi trường Anilla Cherian tuy không bị cáo buộc nhận hối lộ song cũng đang phải giải trình về khoản lương 2.500USD/tháng trong thời gian từ tháng 1-2001 đến tháng 12-2014 với vai trò là “cố vấn” cho Quỹ hợp tác Nam – Nam.

Ngọc Khuê

Đến trưa 27/12, Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vẫn đang phong tỏa hiện trường vụ cháy xảy ra tại dãy nhà trọ cao 5 tầng trong hẻm 63, đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức để làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến 2 người tử vong, 8 người bị thương.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文