Chưa thể giải quyết căng thẳng Mỹ - Pakistan
Việc hợp tác trong giải cứu gia đình vợ chồng người Mỹ - Canada bị bắt cóc suốt 5 năm được quan chức Mỹ và Pakistan hết sức hoan nghênh, tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định cải thiện hiếm hoi này vẫn chưa thể làm giảm bớt căng thẳng giữa hai nước.
Mỹ và Pakistan vẫn chưa thể giải quyết những bất đồng bấy lâu |
Mỹ và Pakistan từ nhiều năm nay đã bắt tay trong cuộc chiến chống lại Taliban cũng như các nhóm phiến quân khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cho rằng cuộc giải cứu con tin là vợ chồng người Mỹ - Canada Caitlan Campbell và Joshua Boyle cùng với ba người con của họ có thể là dấu hiệu của việc “Pakistan đã tôn trọng Mỹ”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn cho rằng, giữa hai nước vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn về lợi ích, đồng thời, trong bối cảnh Pakistan đang có xu hướng liên minh với các cường quốc khác trong khu vực như Ấn Độ hay Trung Quốc khiến việc chính quyền ông Trump đã tạo nhiều áp lực ngoại giao đối với nước này có vẻ như không thực sự hiệu quả.
Imtiaz Gul, chuyên gia phân tích an ninh Pakistan cho biết: “Không nên nhầm lẫn một tia sáng lẻ loi trong quan hệ hai nước với những bất đồng lớn vẫn còn tồn tại.”
Ngày 13-10, sau 5 năm bị bắt cóc và bị giữ làm con tin dưới bàn tay của mạng lới Haqqani, một nhánh của Taliban, Campbell và Boyle đã trở về đoàn tụ với gia đình cùng với ba người con được sinh ra trong 5 năm đó. Washington vẫn luôn cho rằng Islamabad không đủ tiềm lực để “xử lý” nhóm phiến quân Haqqani này.
Tuy vậy, vẫn có nhiều chuyên gia cho rằng đây là thời điểm thích hợp để một “động thái thiện chí” được đưa ra giữa quan hệ hai nước trước thềm các chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đến Pakistan.
Reuters dẫn lời Michael Kugelman, chuyên gia Nam A của Trung tâm Woodrow Wilson, cho biết: “Tôi không nghĩ đây là một sự trùng hợp khi mà thông tin về vụ giải cứu con tin được đưa ra ngay trước thềm những chuyến thăm của các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump.”
Hình ảnh gia đình vợ chồng người Mỹ - Canada bị bắt cóc và giữ làm con tin suốt 5 năm vừa được giải thoát. Ảnh Reuters |
Hiện nay, quan chức của cả hai nước vẫn đang tiếp tục thảo luận về hợp tác trong vấn đề cuộc giải cứu con tin hôm 11-10 vừa qua. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn còn đó.
Theo Reuters, Pakistan vẫn còn chưa bằng lòng với một số hành động đơn phương mà Mỹ tiến hành trên lãnh thổ Pakistan như chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden vào năm 2011 cũng như cuộc đột kích diễn ra vào năm ngoái đã tiêu diệt thủ lĩnh tối cao của Taliban Akhtar Mansour.
Về phần mình, các quan chức Mỹ vẫn luôn nghi vấn rằng cả hai trùm khủng bố trên đều có thể ẩn nấp ở Pakistan với bàn tay hỗ trợ của thế lực hùng mạnh nào đó.
Washington cũng luôn cho rằng Taliban – lực lượng phiến quân đang chiến đấu ác liệt để tái thiết lập một chế độ Hồi giáo cực đoan ở Kabul kể từ khi Mỹ bắt đầu can thiệp quân sự vào năm 2001 – sẽ không thể có được nhiều lực lượng và tiềm lực để đấu chọi lại với lực lượng chính phủ Afghanistan như vậy nếu như không có nơi trú ẩn an toàn là Pakistan.
Tháng Tám vừa qua, chính quyền Tổng thống Trump vừa đưa ra lời đe dọa cắt giảm viện trợ đối với Pakistan, đồng thời có thể hạ thấp vị thế như là một đồng minh không thuộc NATO của Pakistan, nhằm gây sức ép buộc nước này phải đóng góp nhiều hơn để kết thúc cuộc chiến kéo dài nhất của Mỹ.
Quan chức Pakistan bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng Islamabad đang “chưa làm đủ nhiều” trong cuộc chiến chống lại phiến quân Hồi giáo, đặc biệt là lực lượng Haqqani, nhấn mạnh rằng họ đã hợp tác trong nhiều năm qua và tiến hành nhiều chiến dịch quân sự để đánh đuổi phiến quân cực đoan ra khỏi lãnh thổ của họ.
Các quan chức Pakistan cũng chia sẻ rằng hơn 17.000 người Pakistan đã thiệt mạng trong các cuộc chiến với phiến quân hoặc trong các vụ tấn công kể từ năm 2001.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trước những lời đe dọa cắt giảm viện trợ của Mỹ, Pakistan cũng sẽ ít bị ảnh hưởng hơn do nước này đang có những mối quan hệ ngày càng bền chặt với các nước khác trong khu vực, như Trung Quốc, nước đang tài trợ đến 57 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Pakistan.