Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ -Trung: Nóng vấn đề “gián điệp mạng”
Theo thông báo từ cả Bắc Kinh và Washington, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ diễn ra ngày 7 và 8 tháng 6, tại một khu trại ở Rancho Mirage, California. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất của hai nước gặp gỡ kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nhậm chức hồi tháng 3.
Tuy nhiên trong quá khứ, ông từng thăm Mỹ và thời trẻ từng sống ở đây một thời gian. Tờ Wall Street Journal nhận định, cuộc gặp phi chính thức cấp cao này được quyết định từ phía Trung Quốc cho thấy nhà lãnh đạo mới của nước này đã tự tin và sẵn sàng đối thoại với ông Barack Obama.
Hơn nữa, trong bối cảnh Trung Quốc liên tục vấp phải sự chỉ trích của các quốc gia khác trên thế giới thì cuộc gặp sẽ giúp ông Tập Cận Bình xây dựng một hình ảnh mới về thế hệ lãnh đạo vừa nhậm chức của Trung Quốc. Tờ báo này cũng khẳng định, chủ đề chính được đưa ra đàm luận lần này sẽ bao gồm cả tình hình trên báo đảo Triều Tiên, vấn đề an ninh mạng và những tranh chấp biển đảo ở châu Á. Nhiều khả năng, Tổng thống Mỹ sẽ kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc phải nhận trách nhiệm về các vụ tấn công mạng nhằm vào Mỹ.
Nguyên do là vì trước đó, tờ Washingtonpost dẫn báo cáo của Ủy ban Khoa học quốc phòng Mỹ trình Lầu Năm Góc, cảnh báo rằng những thông tin nhạy cảm về 20 hệ thống vũ khí tiên tiến của Mỹ đã bị tin tặc có nguồn gốc từ Trung Quốc tiếp cận, trong đó có một số hệ thống được xem là xương sống phòng thủ của một số quốc gia đồng minh của Mỹ ở châu Á, châu Âu và vùng Vịnh, như hệ thống tên lửa Patriot PAC-3, hệ thống đánh chặn tên lửa được biết đến với tên gọi hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hay hệ thống tên lửa đạn đạo Aegis dành cho hải quân.
Cuộc gặp không chính thức giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. |
Hồi tháng 2, Công ty Mandiant của Mỹ cũng lần đầu tiên công bố bản báo cáo, trong đó khẳng định, nhiều khả năng các tin tặc thuộc quân đội Trung Quốc đã tấn công vào các mạng tin học của các công ty lớn của Mỹ để đánh cắp các bí mật thương mại. Khi đó, Mandiant đã trình ra 1 báo cáo chi tiết dài tới 76 trang với đầy đủ số hiệu đơn vị tin tặc được cho là của Trung Quốc, nickname các thành viên và tòa nhà đơn vị đó đóng…
Cũng chính từ đây, căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc – Mỹ bắt đầu leo thang với những cuộc khẩu chiến mới về tin tặc, “gián điệp mạng”…
Giới quan sát nhận định, trong thời điểm hiện nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều rất kỳ vọng vào cuộc gặp không chính thức này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cũng nhấn mạnh rằng, cuộc gặp lần này không chỉ quan trọng cho việc phát triển lâu dài quan hệ Mỹ-Trung mà còn ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và quốc tế.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Đông Bắc Á Richard C. Bush III thì nhận định, dù trong chương trình nghị sự không có vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông, nhưng chắc chắn, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nhắc đến tình hình căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền trên biển. Bởi lẽ Trung Quốc luôn muốn thôn tính Biển Đông và giành giật chủ quyền tại một loạt hòn đảo ở biển Hoa Đông.
Còn Mỹ, dù không có chủ quyền lãnh thổ hay nguồn tài nguyên nhưng lại rất quan tâm tới các quốc gia đứng lên kiện, đứng ra lên tiếng về lãnh thổ của mình bị tranh chấp. Hơn nữa, trong bối cảnh Bắc Kinh đang đối đầu với các quốc gia láng giềng về vấn đề này thì Washington lại có cơ hội để gây ảnh hưởng, tạo lập những đồng minh mới, củng cố tình thân cũ để tạo thành một liên minh đối chọi với “một Trung Quốc mới nổi”