Dịch COVID-19 vẫn lan nhanh tại nhiều quốc gia trên thế giới

06:47 10/05/2021
Theo trang thống kê worldometers.info, trên khắp thế giới, số ca mới mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục tăng trong tuần thứ 9 liên tiếp, trong khi số ca tử vong tăng tuần thứ 6 liên tiếp.


Tính đến 15h ngày 9/5, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 158.338.862 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 3.297.199 ca tử vong. Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với hơn 33,4 triệu ca nhiễm và hơn 595.000 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (421.484 ca), trong khi Ấn Độ đứng thứ hai về ca nhiễm (hơn 22,2 triệu ca).

Châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, đã có hơn 45,4 triệu ca nhiễm và hơn 1 triệu ca tử vong. Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai với hơn 43,5 triệu ca nhiễm và 564.133 ca tử vong. Trong khi đó, Bắc Mỹ ghi nhận hơn 38,8 triệu ca nhiễm và 871.215 ca tử vong. Các con số này của Nam Mỹ lần lượt là hơn 25,8 triệu ca và 702.207 ca. Tình hình tại “tâm dịch” Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới khu hỏa táng ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Ngày 9/5, tổng số ca bệnh COVID-19 tại Ấn Độ đã vượt mức 22 triệu trong bối cảnh gần đây nước này liên tục ghi nhận hơn 400.000 ca mắc mới mỗi ngày. Cụ thể, Ấn Độ thông báo ghi nhận thêm 403.738 ca mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát lên là 22.296.414 ca.

Đây là ngày thứ 4 liên tiếp, quốc gia Nam Á này ghi nhận hơn 400.000 ca mắc mới mỗi ngày. Trong khi đó, số ca tử vong vì dịch bệnh cũng tăng lên mức 242.362 sau khi có thêm 4.092 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong 24 giờ qua. Trước tình hình trên, thêm nhiều bang và vùng lãnh thổ liên bang phải kéo dài hoặc áp đặt các lệnh phong tỏa và hạn chế mới nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan đang khiến số ca mắc và tử vong mỗi ngày tăng báo động.

Tại Đông Bắc Á, Bộ Y tế Nhật Bản ngày 9/5 thông báo, số ca bệnh COVID-19 nặng tại quốc gia này đã tăng lên 1.144 ca, mức cao nhất từng ghi nhận kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Mức cao nhất từng được ghi nhận trước đó là 1.131 ca ngày 7/5. Đây cũng là ngày Chính phủ Nhật Bản quyết định gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp tại Tokyo, vùng Osaka đến ngày 31/5 và mở rộng biện pháp này ra các tỉnh Aichi và Fukuoka.

Hiện Nhật Bản đang đương đầu với làn sóng dịch bệnh thứ 4, với số ca mắc mới trong ngày 8/5 lần đầu vượt mức 7.000 ca kể từ giữa tháng 1/2021. Hiện có 15/47 tỉnh ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc đã trở lại mức 700 ca lần đầu tiên sau 10 ngày.

Theo Cơ quan phòng và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này đã ghi nhận 701 ca nhiễm mới trong ngày 8/5, trong đó có 672 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca mắc lên 126.745 ca. KDCA cũng ghi nhận 5 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước 1.865 ca. Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nước này là 1,47%.

Tại Đông Nam Á, Lào tiếp tục ghi nhận số ca mắc ở mức thấp. Ngày 8/5, nước này đã ghi nhận 28 ca nhiễm mới tại 6/18 tỉnh, thành. Điều này cho thấy tình hình dịch tại Lào đang bước đầu được kiểm soát nhờ các biện pháp quyết liệt của chính phủ và sự chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch của người dân.

Trong khi đó, Malaysia ghi nhận thêm 4.519 ca nhiễm mới, mức cao nhất từ ngày 4/2 và là mức cao thứ 5 kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Malaysia quyết định áp đặt Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) đối với 3 huyện và 3 quận thuộc bang Penang từ ngày 10 đến 23/5. Trước đó, Malaysia cũng tái áp dụng MCO tại lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur từ ngày 7 đến 20/5 và 6/9 quận thuộc bang Selangor từ ngày 6 đến 17/5.

Tại châu Âu, Pháp ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất (hiện đã là hơn 5,7 triệu ca), trong khi Anh ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (hiện là 127.598 ca). Số ca nhiễm tại Nga, Anh và Italy đều đã hơn 4 triệu ca, trong khi Tây Ban Nha và Đức đã có hơn 3,5 triệu ca nhiễm. Trong một diễn biến khác, Chính phủ Anh đã công bố một “danh sách xanh” gồm các quốc gia và khu vực người dân nước này có thể đến du lịch mà không cần phải thực hiện cách ly khi trở về nước. “Danh sách xanh” gồm 12 quốc gia và khu vực, trong đó có Bồ Đào Nha, Israel, Singapore, Australia, New Zealand, và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 17/5.

Ngày 8/5 (giờ địa phương), Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết một thỏa thuận với các hãng dược BioNTech/Pfizer về việc cung cấp thêm 1,8 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19. Hiện vaccine của BioNTech/Pfizer là một trong 4 loại vaccine ngừa COVID-19 đã được EMA cấp phép sử dụng khẩn cấp, bao gồm cả vaccine của các hãng Moderna, AstraZeneca và Janssen.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo, lãnh đạo các nước thành viên EU tạm thời chưa đưa ra quyết định về vấn đề tạm miễn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với các loại vaccine phòng COVID-19 vì cho rằng còn nhiều vấn đề cấp bách hơn cần phải xem xét. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu đánh giá đây là một chủ đề quan trọng nhưng cần được bàn bạc trong dài hạn, không thể trong trung hay ngắn hạn.

Tính đến ngày 8/5, khoảng 400 triệu liều vaccine COVID-19 đã được sản xuất tại các nước EU và 50% (200 triệu liều) đã được xuất khẩu ra 90 quốc gia khác nhau trên thế giới. Bà Ursula von der Leyen mong muốn các nhà sản xuất vaccine khác cũng sẽ làm điều tương tự đồng thời nhấn mạnh trong ngắn hạn, đây là cách tốt nhất để tháo gỡ vấn đề thiếu nguồn cung và phương thức phân phối vaccine một cách công bằng trên toàn thế giới.

Trong tuần qua, Mỹ đã lên tiếng ủng hộ miễn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine phòng COVID-19 tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh EU, dù khẳng định luôn sẵn sàng tham gia thảo luận về vấn đề, nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng đây không phải là giải pháp có thể giúp tăng tốc độ tiêm chủng trên toàn cầu.

Về phần mình, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho rằng, đề xuất của Mỹ sẽ không giúp đảm bảo tăng sản lượng vaccine toàn cầu, trong khi người đồng cấp Bồ Đào Nha Antonio Costa khẳng định EU đã rất “gương mẫu” trong việc đóng góp cho cơ chế COVAX phân phối vaccine tới các nước nghèo.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi Mỹ tăng cường xuất khẩu vaccine phòng COVID-19 được sản xuất tại nước này, đồng thời bác bỏ lời kêu gọi ủng hộ việc miễn quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ với những vaccine này. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh, thay vì biện pháp trên, thế giới cần thúc đẩy khả năng sáng tạo và năng lực đột phá của các công ty dược (bao gồm đảm bảo quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ) để tiếp tục khuyến khích họ tiếp tục nghiên cứu các phương thuốc mới ngăn ngừa biến thể của virus SARS-CoV-2.

Khổng Hà (tổng hợp)

Temu - Ứng dụng mua sắm trực tuyến xuyên biên giới đổ bộ vào Việt Nam đang gây ra một cơn sốt cho các tín đồ mua sắm trực tuyến. Với kho hàng khổng lồ giá rẻ, hình thức linh hoạt, giao hàng nhanh chóng và đặc biệt là chính sách săn hoa hồng khủng đã khiến hàng triệu người “say men” vào lốc xoáy Temu…

Dự báo từ 3 đến 5/11, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa to, cục bộ, có nơi mưa rất to. Từ 6/11, mưa lớn có khả năng dịch xuống khu vực Hà Tĩnh đến Bình Định và có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày; nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng, thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 gồm 8 chương và 65 điều, dự kiến thông qua vào ngày 28/11 tới đây. Qua 2 kỳ thảo luận, dự án luật được các đại biểu Quốc hội và người dân đánh giá cao bởi khi ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Liên hoan phim (LHP) châu Á Đà Nẵng là cuộc chơi nghề nghiệp thực sự, không có bất kỳ sự nể nang nào trong tuyển chọn và tôn vinh các tác phẩm, nghệ sĩ. Ban giám khảo không thiên vị, rất thẳng thắn, Ban tổ chức cũng phải đợi đến “sát nút” lễ trao giải mới biết được kết quả.

Chiều 2/11, Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, CBCS của đơn vị trong quá trình làm nhiệm vụ đã giúp đỡ gia đình chị Đ.T.H.H. (SN 1982; trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) tìm thấy con trai đi lạc và đưa về nhà an toàn.

Tại Hội trường Tỉnh ủy Khánh Hòa chiều nay 2/11 đã diễn ra hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2020-2025.

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan. Trong đó, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cùng bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Làm thế nào để sinh viên ra trường có tính “thực chiến”? Giải pháp nào để gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp? Đào tạo những kiến thức nhà trường có hay những kiến thức, kỹ năng doanh nghiệp cần?... Đó là những vấn đề nóng được đưa ra bàn thảo tại sự kiện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文