Phát ngôn viên chính phủ Iraq Ali al-Dabbagh nói: " Quân đội Iran đã rút lui về cách 50m so với địa điểm đóng quân trước đó của họ. Chúng tôi đang yêu cầu họ gấp rút trở về vị trí đóng quân ban đầu trên đất nước họ và nhanh chóng mở các cuộc hòa đàm giữa hai bên để giải quyết tranh chấp theo con đường hòa bình.
Trước đó vài giờ, Chỉ huy trưởng an ninh và quốc phòng ở tỉnh Maysan (Iraq) Mayssam Lafta đã lệnh cho các lực lượng an ninh trong tình trạng báo động. Quân đội Iraq cũng đã huy động triển khai thêm quân ở tỉnh Maysan - nơi có mỏ dầu với lượng dự trữ ước tính 1,5 tỷ thùng dầu. Hội đồng an ninh quốc gia Iraq cũng đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp hôm 18/12 để thảo luận vụ tranh chấp này.
Ông Ali al-Dabbagh sau đó nói rằng vụ việc một lần nữa cho thấy sự cần thiết phải phân định đường biên giới rõ ràng giữa Iraq và Iran. Tuy nhiên, ông Dabbagh không đưa ra thời hạn chót để Iran rút khỏi giếng dầu và cũng không nói rõ Iraq sẽ làm gì nếu Iran không tuân theo yêu cầu của phía Baghdad. Các quan chức cũng đã cho mời Đại sứ Iran tại Baghdad để thảo luận tình hình.
|
Iraq đã triển khai thêm quân sau khi có tin quân đội Iran chiếm mỏ dầu số 4 Fakka. |
Vụ việc bắt đầu từ sáng 18/12 khi hãng thông tấn Mehr trích lời các quan chức Công ty dầu mỏ Maysan của Iraq (đơn vị đang khai thác mỏ dầu) nói, lính Iran tạm chiếm giếng dầu số 4 Fakka trong 7 giếng của mỏ dầu vài lần kể từ đầu năm. Đây là giếng không hoạt động vì là nơi Iran và Iraq đang tranh chấp.
Trả lời hãng AP, ông Ali al-Dabbagh cho biết, lúc 15h30’ ngày 17/12 (theo giờ địa phương), 11 binh lính Iran chiếm đóng giếng dầu Fakka ở khu vực hoang mạc xa xôi ở phía Đông Nam Iraq. Theo ông Ali al-Dabbagh, đó là hành động "xâm phạm chủ quyền Iraq".
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Iraq là Ahmed Ali al-Khafaji cũng cho hay, đây là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ xâm nhập diễn ra trong tuần này ở giếng dầu Fakka, cách thủ đô Baghdad về phía Đông Nam khoảng 300 km. Ngay sau đó, công ty dầu mỏ quốc gia Iran đã phủ nhận cáo buộc.
Một quan chức tại Đại sứ quán Iran ở Baghdad nói, những thông tin đó chỉ là tin đồn. Ông Alaeddin Borujerdi, người đứng đầu Ủy ban Chính sách đối ngoại và An ninh quốc gia của Quốc hội Iran cũng phủ nhận cáo buộc của phía Iraq và khẳng định rằng, vụ việc "đang được kiểm tra thông qua các kênh ngoại giao".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast thậm chí còn cáo buộc "các nguồn tin bên ngoài" đang tìm cách phá hoại mối quan hệ giữa Tehran và Baghdad. Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang Iran ra tuyên bố khẳng định, các lực lượng của họ đang ở trên lãnh thổ Iran.
Theo đường biên giới được quốc tế công nhận thì giếng dầu số 4 mà Iraq cho là Iran chiếm lại thuộc vùng lãnh thổ Iran. Các nhà quan sát nhận định rằng, những tranh chấp mới nhất về giếng dầu mỏ của Iran-Iraq có thể lại tạo ra một cơn sốt dầu mỏ mới. Hơn nữa, đây cũng sẽ là điểm yếu của cả hai nước mà các thế lực bên ngoài có thể lợi dụng để chia rẽ mối quan hệ mới được hàn gắn mong manh này.
Vì thế, để tình hình không trở nên quá căng thẳng, Iran và Iraq cần ngồi vào bàn đàm phán và kiểm tra đầy đủ các thông tin nhiều chiều trước khi đưa ra quyết định mới