Mỹ, Nhật, Philippines lên tiếng trước tuyên bố 'tạm ngừng xây đảo' của Trung Quốc

10:40 07/08/2015
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post - SCMP), phát biểu bên lề Hội nghị An ninh thường niên Diễn đàn Khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ARF) ngày 6/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bất ngờ tuyên bố Bắc Kinh “tạm ngừng” xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose chỉ ra rằng, sở dĩ Trung Quốc tuyên bố như vậy vì họ đã xây xong đảo nhân tạo.
Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, Bắc Kinh đưa ra quyết định trên nhằm nỗ lực làm dịu căng thẳng với các nước láng giềng trong khu vực tranh chấp, sau khi ông trao đổi thẳng thắn với người đồng cấp Mỹ John Kerry bên lề ARF.

Ông Vương nhấn mạnh: “Trung Quốc đã dừng lại. Bạn hãy nhìn xem ai đang xây dựng? Hãy lên máy bay và tự mình kiểm chứng”, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực tăng tốc đàm phán về cách các bên yêu sách phải kiểm soát hành động của mình ở Biển Đông.

SCMP bình luận rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc nhằm làm dịu căng thẳng, nhưng các nhà ngoại giao Đông Nam Á không vì thế mà hết lo ngại. Ông Jose nêu rõ: “Trung Quốc tuyên bố họ đang chuyển sang giai đoạn hai, đó là xây dựng công trình cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo. Philippines xem những hoạt động này là hành vi gây bất ổn”.

Điều này có thể dễ dàng thấy được sau tuyên bố hồi tháng 6 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng, việc bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo sắp xong và Bắc Kinh sẽ bắt đầu xây dựng công trình chủ yếu đáp ứng nhu cầu dân sự cũng như thỏa mãn nhu cầu quốc phòng, quân sự cần thiết. Và điều tương tự cũng đã được ông Vương Nghị thông báo với các đối tác Đông Nam Á. Theo đó, Bắc Kinh sẽ tập trung vào xây dựng trên các đảo nhân tạo mới và các dự án sẽ bao gồm những ngọn hải đăng, cơ sở y tế, cứu hộ.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố Washington sẽ không chấp nhận bất cứ biện pháp hạn chế đi lại nào ở Biển Đông: “Tôi muốn nói rõ rằng, Mỹ sẽ không chấp nhận các biện pháp hạn chế tự do hàng hải và hàng không cũng như các hoạt động sử dụng bất hợp pháp vùng biển này. Đây là những quyền cố hữu (tự do đi lại) mà tất cả chúng ta đều có”.

Ngoại trưởng Mỹ hối thúc tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền (ở Biển Đông) đưa ra cam kết chung nhằm ngừng việc có thêm các hoạt động bồi đắp và xây dựng những cơ sở mới hay quân sự hóa các khu vực tranh chấp. Ông Kerry cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước tình hình căng thẳng leo thang do những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước khác ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh các bên cần thực hiện chính sách “kiềm chế” để một bộ quy tắc ứng xử có ý nghĩa phát huy tác dụng ở các vùng biển tranh chấp.

Trong khi đó, mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Minoru Kiuchi vẫn bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hành động đơn phương leo thang căng thẳng ở Biển Đông, bao gồm bồi lấp đảo nhân tạo quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn và sử dụng chúng cho các mục đích quân sự. Còn trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng John Kerry và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida, hai nhà lãnh đạo khẳng định họ phản đối hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm làm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông.

Hai vị Ngoại trưởng nhấn mạnh, đó là hành động trái phép và làm phức tạp thêm tình hình vốn đã căng thẳng trên Biển Đông. Trước đó, trong cuộc hội thoại với ông Vương Nghị, ông John Kerry đã nhắc lại yêu cầu của Mỹ rằng Trung Quốc không nên gây hấn trên biển Đông nữa, và muốn Bắc Kinh giải quyết xung đột trong khu vực hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Kerry cũng bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc có thể “quân sự hóa” các hòn đảo mà họ mới bồi đắp được trên biển Đông.

Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép đường băng thứ nhất trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh chụp vệ tinh: IHS Janes Defense Weekly).

Theo cố vấn chính sách đối ngoại của Chính phủ Trung Quốc Thời Ân Hoằng, tuyên bố trên của Bắc Kinh là nhằm giảm bớt độ nóng tranh luận, tạo bầu không khí tích cực cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu tháng 9 tới. Ông Thời bình luận rằng: “Nhưng sau khi kết thúc chuyến thăm của ông Bình, tôi tin rằng căng thẳng sẽ tiếp tục và cả Bắc Kinh lẫn Washington sẽ không từ bỏ lợi ích cốt lõi của họ ở Biển Đông”.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Trung Quốc tiếp tục gây “bất ngờ” tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc diễn ra cùng ngày, với đề xuất đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông bao gồm 10 điểm. Phía Bắc Kinh cũng cho rằng hai bên nên cùng đảm bảo hòa bình và ổn định tại Biển Đông thông qua giải quyết tranh chấp, duy trì hòa bình và thúc đẩy hợp tác nhằm tạo một kết quả cùng thắng.

ASEAN chưa hoàn tất tuyên bố chung vì Biển Đông

Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam ngày 6/8 cho biết tại hội nghị khu vực ở Malaysia, 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn chưa nhất trí về một tuyên bố cuối cùng do những bất đồng liên quan tới cách thức đề cập tới vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung. Ngoại trưởng Shanmugam nói: “Tuyên bố chung sẽ phải đợi đến ngày 7/8 vì hiện nó vẫn chưa được hoàn tất”.

Ông nói: “Nội dung liên quan tới Biển Đông (trong tuyên bố chung) là nguyên nhân của một số khúc mắc và chưa có sự đồng thuận trong vấn đề này”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Singapore không cung cấp thêm chi tiết. Trong khi đó, các quan chức cấp cao cho biết một tuyên bố chung dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày 6/8.

Dự thảo tuyên bố chung trước đó nêu rõ ASEAN quan ngại về những diễn biến hiện nay trên Biển Đông, đồng thời nêu rõ không nên sử dụng vũ lực hay đe dọa để giải quyết các tranh chấp. Dự thảo tuyên bố cũng nêu bật quan ngại về tiến độ các cuộc đàm phán nhằm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC) giữa các bên trên Biển Đông.   

Khổng Hà (tổng hợp)

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文