Mỹ, Nhật tiếp tục phản đối Trung Quốc xâm lấn biển Đông
Theo tin từ một số hãng thông tấn như AP, Los Angeles, Philippines Inquirer, Australian và Kyodo, nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ sự lo lắng, bất bình và phản đối sau khi Trung Quốc tuyên bố hoàn tất dự án cải tạo các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và chuẩn bị chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng.
Bức ảnh chụp ngày 26/3 cho thấy Trung Quốc không ngừng gia tăng hoạt động xây đảo nhân tạo ở biển Đông. Ảnh: CSIS. |
Một số quan chức Mỹ, Australia và Philippines tuyên bố, những lời nói của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 16/6 rằng “dự án này là hợp pháp trong phạm vi chủ quyền” của nước này chỉ là những lợi ngụy biện, giả dối. Hành động của Trung Quốc là không thể chấp nhận được và đây là hành động coi thường luật pháp và các quy định của cộng đồng quốc tế…
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain thì gọi đây là một bước leo thang đáng lo ngại. Đồng quan điểm này, ngay trong chiều 16/6, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã ra tuyên bố đáp trả lại lời nói của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Theo đó, chính quyền Washington nhấn mạnh, kế hoạch của Trung Quốc “không góp phần làm giảm căng thẳng, hỗ trợ việc đưa ra các giải pháp hòa bình và ngoại giao, hay giúp củng cố những tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Bắc Kinh”.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng chỉ trích hoạt động cải tạo bồi lấn đảo trên biển Đông của Trung Quốc và kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt “hành động đơn phương này”. Quan điểm của chính quyền Tokyo là ngay cả khi hoạt động này được hoàn tất như tuyên bố của Trung Quốc thì cũng không thể xem đây là sự đã rồi bởi như vậy là cộng đồng quốc tế đã bị “mắc mưu” của Trung Quốc.
Dẫn một số nhận định và cảnh báo của các học giả quốc tế trong nhiều cuộc thảo luận, tọa đàm về biển Đông thời gian qua, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihida Suga khẳng định, Trung Quốc đang muốn thực hiện kế hoạch áp đặt các quốc gia nhỏ hơn trong vấn đề chủ quyền và dùng sức mạnh để khiến những việc không thể thành có thể, biến những cái không có thành có. Việc xây dựng đảo nhân tạo nằm trong âm mưu này. Vì thế, càng không thể để việc này trôi đi một cách lặng lẽ mà phải giải quyết tận gốc thì mới không nảy sinh thêm những hoạt động xây đảo nhân tạo mới. Ông Yoshihida Suga nhấn mạnh, việc thay đổi nguyên trạng cũng không thể đảo ngược được lịch sử và vấn đề chủ quyền.
Các thông tin tình báo mà Mỹ cung cấp đều cho thấy, Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép từ năm ngoái và ngày càng gia tăng hoạt động này. Diện tích cải tạo đất của Trung Quốc ở biển Đông hiện đã lên tới hơn 800ha, gây quan ngại lớn cho các quốc gia trong khu vực và cả trên thế giới. Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích và phản đối hành động này.
Vì vậy, sau khi Bắc Kinh tuyên bố hoàn tất việc xây đảo, nhiều chuyên gia và học giả quốc tế cũng cảnh báo rằng, đây có thể là một bước chuyển trong chính sách của Trung Quốc ở biển Đông. Bà Mira Rapp Hooper, chuyên gia biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói: “Trung Quốc không bao giờ từ bỏ tham vọng ở biển Đông mà cụ thể là tuyên bố về “đường chín đoạn”. Vì thế, theo tôi, thông báo vừa rồi chỉ là một sự điều chỉnh nhằm giảm căng thẳng ngoại giao trước thềm các cuộc đối thoại về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN”.
Người Việt tại Đức gửi kháng thư tới Đại sứ quán Trung Quốc về vấn đề biển Đông Theo tin đăng tải trên tờ Neues Deutschland hôm 16/6, hồi cuối tuần qua, cộng đồng người Việt tại Đức đã tổ chức diễu hành từ quảng trường Alexanderplatz thuộc trung tâm thủ đô Berlin tới Đại sứ quán Trung Quốc để gửi kháng thư cho Đại sứ quán Trung Quốc, phản đối những hành động sai trái của nước này ở biển Đông. Trước đó vài ngày, đoàn đại biểu Ban chấp hành Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức do Chủ tịch Liên hiệp, GS Nguyễn Văn Thoại và Chánh văn phòng Liên hiệp Vũ Quốc Nam dẫn đầu đã tới trụ sở Quốc hội Đức để trao thư ngỏ của người Việt tại Đức phản đối các hành động của Trung Quốc trên biển Đông tới các nghị sĩ Quốc hội Đức và đề nghị Quốc hội tiếp tục bày tỏ quan điểm mạnh mẽ hơn trong vấn đề này. Nội dung thư ngỏ phân tích ý đồ xuyên suốt hàng thập kỷ qua của Trung Quốc trong việc lấn chiếm các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam kể cả bằng biện pháp vũ lực, thể hiện qua sự kiện đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, chiếm đảo Gạc Ma năm 1988 và việc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 cũng như việc không ngừng tôn tạo trái phép các đảo, đá ở biển Đông để phục vụ mục đích quân sự. Bức thư chỉ rõ những hành động gần đây của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) khi đơn phương bồi đắp một cách trái phép các đảo trên biển Đông, làm thay đổi hiện trạng những đảo này. |