Nga cáo buộc Mỹ và phương Tây âm mưu thay đổi chế độ ở Moskva
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Itar-Tass, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thẳng thừng nói: “Phương Tây đang thể hiện một cách rõ ràng rằng họ không muốn ép Nga thay đổi chính sách, mà họ muốn có một sự thay đổi chế độ. Hiện các nhân vật công chúng ở các nước phương Tây đang rao giảng rằng cần phải đưa ra những biện pháp trừng phạt nhằm hủy hoại nền kinh tế Nga và kích động quần chúng biểu tình”. Ông Sergei Lavrov khẳng định, âm mưu này của cả Mỹ và phương Tây đều sẽ gặp thất bại nặng nề.
Đồng thời, Ngoại trưởng Nga cũng cho rằng, những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga của Mỹ và phương Tây do liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ là hình thức để thực hiện âm mưu làm thay đổi chế độ ở Moskva. Chưa hết, ông Sergei Lavrov còn nhấn mạnh, căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây đã âm ỉ trong nhiều năm trước cuộc khủng hoảng Ukraine và đến lúc này, các nước châu Âu mới quyết định chơi “canh bạc tất tay” và tỏ rõ sự đối đầu với Nga. Trước đó, không ít lần, giới chức Nga đã cáo buộc Mỹ và phương Tây kích động, gây bất ổn ở nước láng giềng với mưu đồ đưa đường biên giới NATO đến sát nước Nga bằng cách thúc đẩy Ukraine gia nhập khối liên minh quân sự này.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (bên phải) cáo buộc Mỹ và phương Tây đang tìm cách thay đổi chế độ ở Moskva. Ảnh: Wochit. |
Trên thực tế, mối quan hệ giữa Mỹ, phương Tây và Nga trong thời gian qua ngày càng căng thẳng, có lúc đối đầu mạnh mẽ. Hiện tại, Nga đang triển khai quân đội ở nhiều khu vực nhạy cảm và hôm 22-11, Nga cũng đã đưa máy bay săn tàu ngầm IL-38N tham gia vào Hạm đội Thái Bình Dương và trang bị thêm nhiều trang thiết bị vũ khí hiện đại cho lực lượng không quân thuộc Hải quân Nga… NATO cũng đã có những động thái tương tự trong khi Mỹ chuyển giao cho Ukraine ba hệ thống radar chuyên dò tìm và phát hiện đạn cối bay tới – một động thái nhằm giúp Ukraine đối phó với Nga. Theo hãng Reuters, các hệ thống radar chống đạn cối trên đã được vận chuyển đến Ukraine bằng máy bay vận tải C-17 nhân chuyến thăm Kiev của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Song song với việc này, Mỹ còn đe dọa áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt Nga nếu như Moskva không thay đổi chính sách đối với Ukraine.
Trong cuộc họp báo hôm 22/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke còn nói: “Mỹ có chung quan điểm với các nước đối tác châu Âu trong việc áp dụng các biện pháp đối với Nga. Cái giá mà Nga phải trả có thể sẽ “đắt” hơn nếu nước này không tuân thủ các thỏa thuận”. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khi tới thăm Ukraine còn cáo buộc Nga đã không hoàn thành các cam kết của mình theo thỏa thuận Minsk đạt được hồi đầu tháng 9 vừa qua xung quanh vấn đề miền Đông Ukraine và nhấn mạnh, "nếu tình trạng này tiếp diễn, Nga sẽ đối mặt với những hậu quả ngày càng nghiêm trọng và bị cô lập nhiều hơn”.
Các nhà phân tích nhận định rằng, căng thẳng trong quan hệ Mỹ - EU và Nga sẽ càng gia tăng, nhất là khi Ukraine liên tục đưa ra thêm nhiều cáo buộc mới nhằm vào chính quyền Moskva liên quan đến vấn đề miền Đông, như việc Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak cho rằng Nga đã đưa 7.500 quân tới vùng lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, khó có thể xảy ra chiến tranh, cùng lắm chỉ là những cuộc “khẩu chiến” không dứt giữa các bên. Bởi lẽ, như Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã từng nói, “Moskva không phải là bên cắt đứt quan hệ với châu Âu mà đơn giản chỉ muốn quay trở lại với những gì trước khi cuộc khủng hoảng nổ ra”. Với Mỹ, Nga phản đối trước ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ vì Mỹ đang bắt ép quốc gia khác đi theo mình. Đối với Mỹ và EU, giới quan sát cũng khẳng định, việc tách rời Nga chỉ khiến cho tình hình an ninh trong khu vực và trên thế giới thêm rối ren và phức tạp