Ngày càng hiện hữu viễn cảnh một Brexit không thỏa thuận

08:55 21/06/2020
Quỹ thời gian eo hẹp, trong khi những bất đồng lớn vẫn chưa được giải quyết, cùng với đó là tuyên bố không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp từ phía Anh là những yếu tố khiến cho viễn cảnh một Brexit không thỏa thuận ngày càng hiện hữu.


Hôm 19-6 (giờ địa phương), Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Amelie de Montchalin thừa nhận, không thể loại trừ khả năng các cuộc đàm phán thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh kết thúc mà không có thỏa thuận nào dù đây là vấn đề lợi ích đối với Anh. Bà cho rằng phía London mới là bên cần tới một thỏa thuận vì nước này không thể chịu được cú sốc thứ hai sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ám chỉ nền kinh tế Anh đang lao đao do cuộc khủng hoảng COVID-19.

“Họ (Anh) sẽ không được tiếp cận mạng lưới an ninh là châu Âu, họ cũng sẽ không được tiếp cận gói kích thích kinh tế”, bà Montchalin nêu rõ. Trong cuộc hội đàm trước đó một ngày tại London, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng, các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit không thể bị kéo dài tới mùa Thu.

Viễn cảnh một Brexit không thỏa thuận ngày càng hiện hữu.

Tuy nhiên, bà Montchalin khẳng định EU sẽ không chịu sức ép trước thời hạn mà Anh đặt ra, nhấn mạnh “Chúng tôi không muốn một thỏa thuận chỉ vì để có một thỏa thuận mà chúng tôi muốn một thỏa thuận cân bằng”. Trong khi đó, Đại sứ EU tại Anh Joao Vale de Almeida cho biết các cuộc đàm phán hiện vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể nào và cho rằng, tháng 10 là thời hạn thực tế hơn để Anh và EU có thể tránh được một cuộc chia tay không thỏa thuận gây thiệt hại về kinh tế cho cả hai bên vào cuối năm nay.

Về phần mình, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove cùng ngày cảnh báo sẽ rất khó để hoàn tất một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit với EU trước cuối năm nay nếu hai bên không đạt được đồng thuận trước tháng 10.

Cho tới nay, cả Anh và EU đều mong muốn tạo ra bước tiến nhưng hai bên khăng khăng không thay đổi lập trường và không nhượng bộ. Các bất đồng còn tồn tại của hai bên chủ yếu ở 4 vấn đề chủ chốt gồm có: chia sẻ các ngư trường đánh cá của Anh với EU, vai trò của Toà án Công lý Châu Âu (ECJ), các đòi hỏi về thiết lập “sân chơi bình đẳng” và cơ chế giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, hai bên còn bất đồng lớn về các tiêu chuẩn môi trường, tài chính và xã hội. EU nhiều lần cảnh báo sẽ không vì đạt được thỏa thuận mà hi sinh lợi ích kinh tế của mình.

Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier chỉ trích nước Anh “đòi hỏi” quá nhiều trong các cuộc đàm phán về Brexit. Ông nói: “Vương quốc Anh khẳng định họ không đòi hỏi quá đáng. Song thực tế là trong nhiều vấn đề, họ lại đòi hỏi nhiều hơn Canada, Nhật Bản hay bất kỳ đối tác nào từng ký Hiệp định Thương mại tự do với chúng tôi. Nhiều lĩnh vực, họ còn muốn duy trì lợi ích như khi còn là một quốc gia thành viên mà lại không phải chịu bất kỳ ràng buộc nào”.

Tại vòng đàm phán hôm 5-6, hai bên cũng không đạt được bất cứ đột phá đáng kể nào. Bày tỏ sự thất vọng rõ ràng, Trưởng đoàn đàm phán của EU nói các nhà đàm phán Anh đang đi ngược lại với những cam kết đã được đưa ra khi Thủ tướng Boris Johnson ký một tuyên bố chính trị với các thành viên EU vào năm ngoái. Ông Barnier cho biết một thỏa thuận khung phải đạt được trước ngày 31-10 để kịp phê chuẩn trước cuối năm nay, nhằm tránh việc Anh sẽ rời khỏi EU và liên minh hải quan vào ngày 31-12 mà không có thỏa thuận thương mại.

Như vậy là mục tiêu đặt ra là đạt được “tiến bộ đáng kể” vào ngày 1-7 khó có thể thành hiện thực. Về phía Anh, Trưởng đoàn đàm phán David Frost cho biết có ít tiến triển trong vòng đám phán mới nhất về thỏa thuận thương mại hậu Brexit, đồng thời kêu gọi hai bên nỗ lực và thúc đẩy các cuộc đàm phán để đạt được một thỏa thuận.

Chưa hết, hôm 12-6, Chính phủ Anh cho biết nước này đã chính thức thông báo với EU rằng sẽ không tìm cách gia hạn giai đoạn chuyển tiếp thời kỳ hậu Brexit sau ngày 31-12-2020. Chánh Văn phòng Nội các Anh Michael Gove nêu rõ: “Tôi đã chính thức xác nhận rằng nước Anh sẽ không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp và thời điểm cho sự gia hạn hiện đã qua. Vào ngày 1-1-2021, chúng tôi sẽ tiếp quản quyền kiểm soát và giành lại độc lập về chính trị và kinh tế”.

Tuyên bố này như một “gáo nước lạnh” vào các nỗ lực của cả hai bên. Bởi điều này đồng nghĩa, đến thời điểm này, hai bên sẽ chỉ còn hơn 5 tháng ít ỏi để đàm phán một thỏa thuận thương mại có ý nghĩa quyết định, trong đó quy định toàn bộ mối quan hệ chiến lược lâu dài trong tương lai. Dễ hiểu, càng kéo dài thời gian chuyển tiếp càng không có lợi cho Anh. Vì thế, thái độ cứng rắn của Anh được coi là chiến thuật của London để tìm kiếm những điều khoản có lợi hơn trong đàm phán với EU. Nhưng ngược lại, EU chắc hẳn cũng không khó nhìn thấy “nước cờ” của Anh và sẽ cố gắng giữ thế “cửa trên”.

Dù trong phản ứng mới nhất đáp lại tuyên bố của Anh, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic tuyên bố vẫn “để ngỏ khả năng gia hạn giai đoạn chuyển tiếp”. Trước đó, hôm 11-6, hai bên đã nhất trí tăng cường đàm phán trong tháng 7, kết hợp giữa các vòng đàm phán chính thức và các cuộc họp nhóm nhỏ hơn, đều tổ chức tại London và Brussels, nếu các điều kiện về y tế công cộng cho phép. Mỗi tuần sẽ có một cuộc đàm phán, trong vòng 5 tuần từ ngày 29-6 – 27-7.

Với quỹ thời gian eo hẹp còn gần 6 tháng trong khi bất đồng lớn chưa được giải quyết, tuyên bố không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp của Anh đang làm gia tăng lo ngại về viễn cảnh một Brexit không thoả thuận ngày càng hiện hữu. Bộ trưởng Montchalin nhận định, hai bên sẽ khó hoàn tất đàm phán trong thời gian ngắn ngủi và cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, trong đó có kịch bản không thỏa thuận thương mại giữa hai bên. Nếu kịch bản này xảy ra, trao đổi thương mại, pháp lý cũng như vấn đề công dân giữa hai bên sẽ bị đình trệ nghiêm trọng.

Anh cũng có thể sẽ khước từ việc thực thi nghĩa vụ tài chính với EU, trong khi hai bên sẽ thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Đồng thời, quan hệ thương mại giữa hai bên sẽ phải tuân theo các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), rõ ràng là giảm bớt rất nhiều lợi ích cho cả 2 bên so với việc đạt được một thỏa thuận thương mại song phương. Điều này rõ ràng sẽ chẳng có lợi cho cả hai vốn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra. Mới nhất, Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) Anh cho biết, sản lượng của nền kinh tế Anh trong tháng 4 đã giảm 20,4% so với tháng trước - mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được theo dõi vào năm 1997.

Brexit không có thoả thuận có thể là một cú sốc kinh tế không chỉ đối với Vương quốc Anh mà còn tác động tiêu cực đến EU cũng như hoạt động thương mại toàn cầu, nhất là trong bối cảnh hoạt động kinh tế đang suy giảm mạnh vì đại dịch COVID-19. Rõ ràng ai cũng nhìn thấy những thiệt hại trước mắt, nhưng việc nhượng bộ thế nào, với mức độ ra sao thì không bên nào chịu đề xuất trước.

Cũng đồng nghĩa, kịch bản không thể đạt được thỏa thuận giữa Anh và EU dù khó xảy ra, nhưng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và tính toán của cả hai bên. Theo giới quan sát, hai bên sẽ cố gắng tìm tiếng nói chung trong một số vấn đề, từ đó đưa ra từng gói thỏa thuận nhỏ hơn trong các cuộc đàm phán tiếp theo. Đây có lẽ sẽ là kịch bản có thể chấp nhận được cho cả Anh và EU trong giai đoạn khó khăn này.

Khổng Hà (tổng hợp)

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Liên quan vụ truy bắt đối tượng trộm cắp xe ô tô ở Ninh Thuận, chiều 24/12 Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, vừa nhận được thư cảm ơn của ông Võ Tấn Long (SN 1976, trú ở 126 Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khu vực hỏa hoạn tại tháp Eiffel. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Paris đã phải sơ tán hơn 1200 khách du lịch đang thăm quan công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. 

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc phóng hỏa quán cafe ở số 258 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên các hội nhóm trên mạng xã hội, chị  H.T.L đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệu tập làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文