Người tình của Roosevelt

15:16 18/06/2008
Trong nhiều thập niên, giới sử gia lẫn báo chí Mỹ từng đề cập việc Franklin Roosevelt (vị Tổng thống thứ 32, nhiệm kỳ từ 1933-1945 của Mỹ) có "bồ nhí", như một trong những "nghi án" lịch sử chính trị Mỹ.

Trong quyển "Franklin and Lucy: President Roosevelt, Mrs. Rutherfurd, and the Other Remarkable Women in His Life" phát hành tháng 5/2008, sử gia Joseph E. Persico một lần nữa khẳng định Roosevelt quả thật có chuyện tình bí mật với cô thư ký Lucy Mercer trong nhiều thập niên, trước và sau khi trở thành tổng thống!

Một chuyện tình trong Nhà trắng

Năm 1913, cô gái duyên dáng Lucy Mercer được Eleanor (vợ Roosevelt) thuê làm thư ký. 5 năm sau, bà Eleanor choáng váng khi phát hiện đống thư tình mùi mẫn gửi cho Lucy từ chính chồng mình, cất trong vali của Roosevelt!

Quan hệ Roosevelt - Lucy phát triển nhanh từ năm 1916 đến 1919, đặc biệt vào các kỳ nghỉ hè, khi Eleanor đưa 5 đứa con đi khỏi Washington DC để đến khu nghỉ mát gia đình Campobello tại duyên hải bang Maine.

Sự việc với Eleanor quả thật ngoài sức tưởng tượng và cả sức chịu đựng, đặc biệt khi bà – cũng như nhiều người – khó có thể hình dung một cô gái Công giáo ngoan đạo như Lucy lại lén lút tư tình với người đàn ông đã có 5 con như Roosevelt. Tức giận, Eleanor đốt đống thư và yêu cầu Roosevelt ly dị. Mẹ ông, bà Sara Delano Roosevelt, thậm chí dọa tước quyền thừa kế, trong khi tay cố vấn chính trị riêng khuyên rằng, việc thừa nhận cuộc tình vụng trộm với Lucy chẳng khác gì hành động tự sát chính trị khiến kết thúc sự nghiệp Roosevelt.

Thế rồi Roosevelt trở về với Eleanor sau khi thề không bao giờ lăng nhăng hoặc tái diễn cuộc tình với Lucy. Không đầy một năm sau khi vụ việc vỡ lở, Lucy lập gia đình với Winthrop Rutherfurd (một quý ông 56 tuổi cũng có 5 con, thuộc hạng giàu có và danh vọng nhất nhì New York, mà người vợ quá cố là con gái cựu Phó tổng thống Levi Morton)...

Đó là vài chi tiết tóm tắt liên quan cuộc tình tay ba của ngài tổng thống, người được xem là huyền thoại trong lịch sử Mỹ. Với giới sử học lẫn báo chí Mỹ, nhiều người từng biết Lucy – không chối cãi gì nữa – cô là người tình của Roosevelt. Tuy nhiên, sử gia Persico là người đầu tiên tiết lộ chuyện Roosevelt tiếp tục lén lút quan hệ với Lucy, bất chấp lời hứa với Eleanor trước đó, sau khi ông bước vào Nhà Trắng với tư cách tổng thống.

Một bức thư tình của F.Roosevelt gửi cho Lucy Mercer.

Mối quan hệ Roosevelt - Lucy gần như không hề gián đoạn trong nhiều thập niên – Persico khẳng định. Họ nói chuyện với nhau qua điện thoại. Lucy còn đến Nhà Trắng thăm Roosevelt khoảng 40-50 lần, dưới cái tên “Bà Paul Johnson” bí ẩn nào đó. Bà cũng có mặt tại tất cả lễ đăng quang của Roosevelt (Franklin Roosevelt đắc cử 4 nhiệm kỳ); và nhiều lần Roosevelt thậm chí dàn xếp các cuộc gặp “tình cờ” khi đi ngang vùng quê Virginia.

Lucy chứ không ai khác chính là người bên cạnh Roosevelt khi ông lâm chung tại Warm Springs (bang Georgia) ngày 12/4/1945. “Nếu mối quan hệ trên đơn giản là tình bạn” – Persico đặt câu hỏi – “Tại sao xuất hiện nhiều động cơ cho thấy (Roosevelt) cố tình che giấu?”.

Tại lễ đăng quang năm 1933 chẳng hạn, Roosevelt bí mật mua vé cho Lucy đến Washington DC và gửi bà tá túc tại tư dinh nhà tài phiệt Bernard Baruch, rồi bà đến tham dự khi được giấu trong một chiếc Limousine được Roosevelt sắp xếp. Sau khi chồng Lucy từ trần, Roosevelt thậm chí nhờ con gái ruột Anna đưa Lucy đến Nhà Trắng, nơi bà làm chủ tọa các buổi tiệc tối nhỏ, những lúc Eleanor đi vắng!

Trong thực tế, Roosevelt có khá nhiều “fan” nữ, tôn sùng ông như thần tượng, trong đó có 2 cô thư ký Missy LeHand và Grace Tully; Công chúa Martha của Na Uy; nữ thủ lĩnh đảng Dân chủ Molly Dewson; Bộ trưởng Lao động Frances Perkins; nữ phóng viên tự do Lorena Hickok...

Chính Grace Tully là người đầu tiên tiết lộ công chúng một phần quan hệ Roosevelt - Lucy trong Nhà Trắng, trong hồi ký năm 1948. Lúc đó, không ít người bán tín bán nghi và chẳng ai đề cập trực tiếp vấn đề cho đến khi Jonathan Daniels (cựu tùy viên Roosevelt; lúc đó là Tổng biên tập tờ News & Observer; con của Josephus Daniels, một sĩ quan hải quân thời Roosevelt) ấn hành hai tài liệu năm 1954 và 1968...

Bản thân Roosevelt thật ra là người thích “ngắm hoa”. Ông từng nói “chẳng có gì làm mãn nhãn hơn việc ngắm một phụ nữ đẹp; và cũng chẳng có gì thích hơn được trò chuyện với một cô gái xinh như thế”. Trong khi đó, Eleanor lại chẳng thể so với Lucy về nhan sắc. 

Không chỉ ngoại hình, Eleanor còn bị đánh giá là người xa cách, một linh hồn khô khan không tình yêu. Từ nhỏ, Eleanor đã chịu nhiều nỗi sợ vô cớ. Bà sợ động vật, sợ nước, sợ đau. Năm 1933, Eleanor (48 tuổi) từng trải qua một phen kinh hoảng suýt chết ngất khi nghe tin chồng bị ám sát hụt tại Miami.

“Người ta không thể sống với nỗi sợ hãi” – Eleanor nói với cánh phóng viên vào hôm sau. Sáng đó, Roosevelt lại gọi điện, nói rằng tính mạng bà đang bị đe dọa và bà cần được mật vụ (SS) bảo vệ. “Ông dám làm chuyện như thế với tôi sao? Tôi không muốn bất kỳ gương mặt SS nào quanh quẩn bên mình” – Eleanor trả lời. Việc nhìn thấy SS chỉ càng khiến Eleanor thêm sợ hãi...

Khi thu thập tư liệu cho quyển sách, sử gia Joseph E. Persico tìm được loạt tài liệu từ cháu gái của Lucy trong đó có bản sao bài diễn văn Roosevelt đọc tại Học viện Milton vào tháng 5-1926, trên đó ghi “Anh dành tặng tác phẩm nhỏ này, tác phẩm đầu tay, cho em”. Cô cháu gái của Lucy Mercer cũng đưa Persico vài lá thư Roosevelt viết cho người tình nhỏ Lucy từ năm 1926. Bằng chứng này cho thấy thêm Roosevelt luôn xem “Eleanor như nước khoáng, trong khi Lucy mới thật là rượu” – như cách nói Persico...

Eleanor Roosevelt

Xem lại tiểu sử cuộc đời hai người Lucy và Eleanor, càng thấy số phận nghiệt ngã như thế nào đối với Eleanor...

Sinh ngày 26/4/1891 tại Washington DC, Lucy Mercer là con ông Carroll Mercer (1857-1917) và bà Minna Leigh Tunis (1863-1947). Cả gia đình bố mẹ Lucy đều xuất thân từ dòng dõi danh giá tại MarylandVirginia nhưng ông bà Mercer được thừa hưởng tài sản khiêm tốn. Không lâu trước Thế chiến I, họ chia tay...

Trong khi đó, Eleanor (sinh ngày 11/10/1884 tại New York City) lại xuất thân từ một trong những gia đình nổi tiếng nhất lịch sử nước Mỹ nhưng bà cũng chịu nhiều đau khổ tinh thần từ nhỏ. Mẹ bà (Anna Hall) – xinh đẹp và kiêu kỳ, thường tỏ ra thất vọng trước nhan sắc “tầm trung” của Eleanor – đã chết khi Eleanor mới lên 8 tuổi. Năm sau, cậu em út cũng theo mẹ nốt. Thế là Eleanor chỉ có thể chạy theo nhõng nhẽo với cha (em ruột Tổng thống Theodore Roosevelt). Tuy nhiên, cha bà lại bầu bạn với rượu nên cuối cùng Eleanor càng cô đơn.

Năm Eleanor lên 10, bố qua đời. Khi 15 tuổi, Eleanor được gửi đến Trường Allenswood (ngoại ô London). Dù không có sức hút nhan sắc nhưng sự nổi trội lực học của Eleanor cũng khiến không ít người nể phục. Người sáng lập Trường Allenswood – Marie Souvestre (con gái triết gia cấp tiến Pháp Emil Souvestre) – từng nhận xét Eleanor là “cô gái đáng yêu nhất mà tôi từng biết”.

Nhờ Marie Souvestre, Eleanor được mở rộng tầm nhìn vào thế giới nghệ thuật và triết học. “Bất luận tôi trở thành người như thế nào” – Eleanor viết trong tập đầu tiên của bộ hồi ký – “Cũng đều nhờ những hạt giống trong 3 năm liên kết với một tâm hồn phóng khoáng và cá tính mạnh mẽ như Marie Souvestre”.

Năm 18 tuổi, Eleanor trở về Mỹ. Chịu ảnh hưởng từ triết lý sống “vị nhân sinh” của Marie Souvestre, Eleanor gia nhập Hội Người tiêu dùng quốc gia nhằm tranh đấu và đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng, như một trong những hoạt động xã hội đầu tiên của bà.

Tháng 11/1902, người bà con Franklin Roosevelt, lúc đó là sinh viên Đại học Harvard 20 tuổi, bắt đầu tán tỉnh Eleanor. Roosevelt bị chinh phục bởi sự thông minh và tấm lòng vị tha của Eleanor. Phần mình, Eleanor bị lôi kéo vào "quỹ đạo" tình cảm Roosevelt bởi tính hài hước của chàng. “Anh ấy mang lại cảm giác an toàn tuyệt đối trong khi tôi luôn bị cảm giác không an toàn tuyệt đối chi phối” – Eleanor thú nhận.

Năm 1905, họ kết hôn (sau đó có 1 con gái và 4 con trai). Sau khi lập gia đình, Eleanor bị mẹ chồng cấm hoạt động xã hội bởi sợ... mang bệnh về nhà. Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vì thế ngày càng rạn nứt.

Năm 1911, sau khi Roosevelt giành một ghế trong Thượng viện (cấp tiểu bang) New York, Eleanor bắt đầu cuộc chiến chống lại mẹ chồng khi trở lại con đường hoạt động từ thiện. Hai năm sau, bà cùng Roosevelt đến Washington DC khi chồng trở thành Thứ trưởng Hải quân trong nội các Woodrow Wilson. Khi nước Mỹ tham chiến Thế chiến I, Eleanor càng hoạt động mạnh trong lĩnh vực cứu trợ.

Từ năm 1933 đến 1945, bà viết 2.500 bài tiểu luận báo chí, 299 bài báo, ấn hành 6 quyển sách, thực hiện hơn 70 diễn văn mỗi năm... Trong năm đầu tiên vào Nhà Trắng với tư cách đệ nhất phu nhân, bà đã tự lái chiếc Buick vượt hơn 61.000km và bay 2 lần đến Los Angeles với chiếc vé mua cho chuyến bay thương mại bình thường mà chẳng cần tùy viên, người phục vụ hay thư ký.

Tại West Virginia, bà đến thăm gia đình một người thợ mỏ thất nghiệp có 6 con. Trong ấn bản đặc biệt kỷ niệm thiên niên kỷ, tạp chí Time đã không quên nhắc đến những đóng góp tích cực và hiệu quả của bà Eleanor Roosevelt như một phần di sản lịch sử của thế kỷ XX. Sự thao lược trong hoạt động chính trị - xã hội của Eleanor thậm chí vẫn tiếp tục sau khi Franklin Roosevelt qua đời.

Từng cùng chồng ủng hộ thành lập tổ chức Liên Hiệp Quốc  (LHQ), năm 1946, bà được Tổng thống Harry Truman chỉ định làm người đại diện Mỹ tại LHQ và sau đó làm việc với tư cách Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền LHQ. Thập niên 60 thế kỷ XX, bà ngồi ghế Chủ tịch Ủy ban Tổng thống về tình trạng phụ nữ thời John F. Kennedy.

Trong suốt cuộc đời, bà Eleanor Roosevelt được trao 35 bằng tiến sĩ danh dự (so với 31 của chồng) mà bằng đầu tiên là Tiến sĩ Danh dự nhân văn được trao từ Đại học Russell Sage tại Troy (New York) và bằng cuối cùng là Tiến sĩ Danh dự luật được trao từ Đại học Clark Atlanta vào tháng 6/1962.

Năm 1968 (sau khi qua đời), bà được trao giải Nhân quyền LHQ. Hai năm trước khi bà Eleanor từ trần, cuộc đời bà được miêu tả một phần trong bộ phim "Sunrise at Campobello" (với diễn viên Greer Garson thủ vai Eleanor)...

Năm 1933, sau nhiều năm chịu cảnh chăn gối lạnh nhạt với Roosevelt, Eleanor bắt đầu quan hệ thân mật với nữ phóng viên Lorena Hickok và sau đó với cận vệ Earl Miller. Năm 1929, hai người từng gặp nhau, khi Eleanor 44 và Miller 32.

Theo sử gia chuyên về cuộc đời Franklin Roosevelt, Jean Edward Smith thì Miller trở thành “người đồng hành không chính thức” của Eleanor. Người con cả James Roosevelt của Franklin Roosevelt thậm chí từng viết: “Theo quan sát của tôi, cá nhân tôi tin rằng họ (Eleanor và Miller) có mối quan hệ vượt quá khuôn khổ bạn bè” (hai người tiếp tục duy trì quan hệ cho đến khi Eleanor qua đời năm 1962)...

Buổi họp báo cuối cùng của bà với tư cách đệ nhất phu nhân được tổ chức sáng 12/4/1945.Chiều hôm đó, Roosevelt từ trần, không có bà bên cạnh mà chỉ có Lucy Mercer. Xét ở nhiều góc độ, Eleanor là người chiến thắng và luôn ngẩng cao kiêu hãnh không đầu hàng số phận. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tình cảm hôn nhân, bà là kẻ bại trận trước tình địch Lucy Mercer...

Lê Thảo Chi (Tổng hợp) _ ANTG 764

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文