Vụ giẫm đạp lên nhau ở Thánh địa Mecca:

Nỗi lo về sự an toàn trong các lễ hội

08:36 26/09/2015
Con số 717 người thiệt mạng và gần 900 người khác bị thương trong thảm họa giẫm đạp của những người hành hương ở Thánh địa Mecca một lần nữa lại dấy lên những lo ngại mới về sự an toàn, an ninh trong các lễ hội của người Hồi giáo. Đây cũng là là lần thứ 6 xảy ra các vụ giẫm đạp lên nhau trong thời gian diễn ra lễ hành hương ở Arab Saudi.


Cuộc điều tra khẩn

Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình tối 24/9, Quốc vương Arab Saudi Salman bin Abdulaziz al Saud đã ra lệnh xem xét lại toàn diện các kế hoạch tổ chức lễ hành hương hằng năm về Thánh địa Mecca. Đồng thời, ông Salman bin Abdulaziz al Saud cũng yêu cầu Bộ Nội vụ phải sớm trình lên kết quả cuộc điều tra về thảm họa giẫm đạp nhau ở khu vực Mina thuộc Thánh địa Mecca hôm 24/9 làm 717 người thiệt mạng và gần 900 người khác bị thương để có các biện pháp đối phó thích hợp.

Quốc vương Arab Saudi nói: “Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành điều tra và sớm công khai kết quả về vụ việc nhằm giúp các tín đồ yên tâm hành lễ. Cho dù kết quả điều tra có như thế nào thì việc nâng cao các biện pháp và cơ chế đảm bảo an toàn cho lễ hội sẽ sớm được triển khai”. Trước đó, sau cuộc gặp với lãnh đạo Bộ Nội vụ, Thái tử Bin Naef Bin Abdu Al Aziz đã thành lập Ủy ban Điều tra tối cao để tìm hiểu nguyên nhân gây ra thảm họa này. Theo nhận định ban đầu, tình trạng giẫm đạp lên nhau gây ra thảm họa có thể là do số lượng người tham gia lễ hành hương quá đông và gây ra hỗn loạn.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Arab Saudi Mansour al-Turki nói: “Lễ hành hương Hajj ở Thánh địa Mecca kéo dài 5 ngày, bắt đầu từ ngày 22/9, với hàng loạt nghi lễ linh thiêng mà mỗi người Hồi giáo mong muốn tham dự một lần trong đời. Năm nay, chúng tôi đã ước tính có khoảng 3 triệu người khắp nơi trên thế giới đổ về đây. Mật độ người đông gây ra tình trạng quá tải, cộng thêm sự hỗn loạn và tình trạng mệt mỏi của những người hành hương sau một hành trình dài có thể là nguyên nhân của thảm họa giẫm đạp lần này”.

Sự cố giẫm đạp nhau ở gần Thánh địa Mecca bắt đầu khi một đám đông người hành hương bất chợt nhận ra mình đang di chuyển đan xen vào một đám đông di chuyển theo hướng khác. Ảnh: AP .

Và trò đổ lỗi cho nhau

Theo tin từ tờ The Guardian, hiện tại, chính quyền Arab Saudi đã xác nhận có 717 người thiệt mạng trong thảm họa giẫm đạp ở Thánh địa Mecca. Tuy nhiên, khó có thể chắc chắn rằng số người tử vong sẽ dừng lại bởi lẽ trong số gần 900 người bị thương, có rất nhiều người đang ở tình trạng nguy kịch. Thống kê ban đầu của Bộ Y tế Arab Saudi thì cho hay, các nạn nhân thiệt mạng mang nhiều quốc tịch khác nhau như Nigeria, Senegal, Iran, Ấn Độ… nhưng đông nhất vẫn là người Arab Saudi.

Để thực hiện công tác cứu hộ, Arab Saudi đã phải huy động 4.000 nhân viên cứu hộ, 220 phương tiện, trong đó có cả máy bay trực thăng để tới hiện trường làm công tác cứu nạn. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích vẫn cảnh báo rằng, với lượng người tham dự lễ hành hương Hajj, Arab Saudi cần phải cẩn thận hơn nữa trong công tác bảo vệ an ninh và rằng, hệ thống kiểm soát đám đông bằng máy tính mà nước này mới đưa vào vận hành trong thời gian diễn ra lễ hội không thể giảm bớt được nguy cơ mất an toàn, an ninh.

Còn chuyên gia phân tích nguy cơ và an toàn đám đông G.Keith Still cho rằng, những thảm kịch như thế này xảy ra lỗi phần nhiều còn do tâm lý đám đông, bởi “một đám đông xô đẩy nhau sau khi hai dòng người xung đột trong không gian chật hẹp sẽ trở thành thảm họa”

Ngay sau khi xảy ra vụ giẫm đạp này, chính quyền Tehran đã lên tiếng chỉ trích Arab Saudi vi phạm những nguyên tắc an toàn khi đóng cửa 2 tuyến đường dẫn đến khu vực có bức tường đá, nơi diễn ra nghi lễ ném đá trong lễ hành hương Hajj khiến hàng trăm ngàn người hành hương phải đổ dồn về 3 tuyến đường còn lại.

Trong khi đó, các nhân chứng kể rằng, vụ giẫm đạp xảy ra khi đang diễn ra nghi lễ “ném đá quỷ dữ”. Hai nhóm người hành hương lớn cùng đổ về một giao lộ ở phố 204 và phố 223 để hướng về bức tường đá được bao quanh bởi các cột trụ. Và sự cố bắt đầu khi một đám đông người hành hương bất chợt nhận ra mình đang di chuyển đan xen vào một đám đông di chuyển theo hướng khác.

Zafar Bangas, một bình luận viên người Hồi giáo Canada nhận định: “Công nhận việc kiểm soát đám đông hàng triệu người không phải là đơn giản. Nhưng trách nhiệm lần này phần lớn thuộc về nhà chức trách chứ không thể đổ lỗi cho người hành hương. Arab Saudi đã không có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo cho các sự kiện lớn của người Hồi giáo. Họ phải biết rằng, lễ Eid al-Adha không chỉ thu hút sự quan tâm của những người Hồi giáo các nước gần Arab Saudi. Nhiều người sùng đạo ở châu Âu cũng có mặt ở Thánh đường Mecca trong dịp này với tâm nguyện cầu mong những điều tốt lành. Nếu đây chỉ là lần đầu tiên thì còn có thể bao biện. Nhưng tôi nghĩ không ai có thể bỏ qua được việc có tới 6 thảm họa giẫm đạp nhau trong những lần diễn ra lễ hành hương ở Thánh địa Mecca trong 25 năm qua”.

Được biết, từ năm 1994 đến nay, có hơn 1.500 người thiệt mạng trong các vụ giẫm đạp khi tham gia lễ hành hương ở Thánh địa Mecca. Riêng năm 1990, vụ giẫm đạp tồi tệ nhất trong lịch sử Hồi giáo đã cướp đi sinh mạng của 1.426 người.

Phan Hiển

Lễ hội vật cầu nước (hay vật cầu bùn) được tổ chức 4 năm 1 lần tại làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) từ ngày 12-15/4 Âm lịch. Bộ Văn hoá Thể thao &Du lịch đã trao bằng công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.

Vụ cháy xảy ra tại nhà cho thuê trọ cao 9 tầng, địa chỉ số 269 phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khu vực xảy ra cháy ở trong trục kỹ thuật điện thông tầng từ tầng 5 đến tầng 9 của công trình, nên đã phát sinh nhiều khói, khí độc hại.

Vào dịp nghỉ cuối tuần, dòng người đổ về TP Hải Phòng đông nườm nượp, du khách hào hứng vừa trải nghiệm “foodtour Hải Phòng”, vừa chụp ảnh “check in”, đặc biệt dưới sắc màu rực cháy của hoa phượng đỏ tháng 5.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文