Philippines - Trung Quốc gia tăng căng thẳng trên Biển Đông

18:00 27/08/2020
Philippines sẽ dùng tới Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) với Mỹ nếu Trung Quốc tấn công các tàu hải quân của họ trên Biển Đông. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên Philippines sử dụng biện pháp này dưới thời Tổng thống Duterte.


Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đưa ra trong cuộc phỏng vấn với kênh ABS-CBN News hôm 26/8 vừa qua, trong bối cảnh những bất đồng giữa Manila và Bắc Kinh gia tăng ở Biển Đông, theo tờ South China Morning Post. 

Ông Locsin cho biết Philippines sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra trên không ở Biển Đông bất chấp Bắc Kinh gọi đây là “hành động khiêu khích bất hợp pháp” và yêu cầu Manila chấm dứt. 

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Manila tháng 3/2019. (Ảnh: Reuters)

“Họ có thể gọi đó là những hành động khiêu khích bất hợp pháp và bạn không thể thay đổi ý nghĩ của họ. Họ vốn đã thua trong phán quyết của tòa trọng tài”, Ngoại trưởng Locsin nói, đề cập đến phán quyết được tòa án quốc tế ở La Hay (Hà Lan) đưa ra trong vụ kiện hồi năm 2016 về việc bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra để đòi chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. 

Ông Locsin cho biết thêm nếu Trung Quốc có các hành động leo thang đến mức “thực tế là một cuộc tấn công nhằm vào tàu hải quân của Philippines, thì Philippines sẽ gọi Mỹ đến”. 

Khi người dẫn chương trình Karen Davila hỏi rằng trong trường hợp nào Manila sẽ nhờ tới sự giúp đỡ của Mỹ, ông Locsin từ chối nêu chi tiết cụ thể và nói rằng “sẽ không thảo luận về điều đó vì bản chất của sự răn đe là mơ hồ”.

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Philippines đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo, sau khi Washington lên tiếng bác bỏ hầu hết yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định Mỹ sẽ hỗ trợ các nước tin rằng Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền của họ. 

Hai bên đã thảo luận về sự thay đổi gần đây trong chính sách của Mỹ liên quan đến Biển Đông, việc Mỹ ủng hộ các nước Đông Nam Á cũng như các cơ hội tăng cường hợp tác hàng hải giữa Mỹ-Philippines.

Khi được yêu cầu bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Locsin, nhà nghiên cứu Aaron Jed Rabena thuộc tổ chức chính sách ngoại giao có tên “Con đường Châu Á-Thái Bình Dương tới tiến bộ” nói rằng, Bắc Kinh “có thể coi đây là một dấu hiệu của sự tiếp tục mối liên kết chiến lược giữa Manila và Washington”. 

Theo ông Rabena, khi đến thăm Philippines vào tháng 3/2019, Ngoại trưởng Pompeo cũng đã nói “nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào bất kỳ thành viên nào của lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông, MDT sẽ được kích hoạt”.

Các nhà phân tích cho rằng Philippines đã quyết đoán hơn trong việc bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích của đất nước, bởi chính phủ nhận thấy rằng cần phải đáp trả các hành động của phía Trung Quốc.

MDT được Mỹ và Phillipines ký từ năm 1951, nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một trong hai nước bị tấn công. Dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, Mỹ đã không có những động thái cứng rắn để thực hiện áp dụng hiệp ước này trong trường hợp xảy ra tranh chấp lãnh thổ trên biển giữa Philippines và Trung Quốc. Ông Locsin nói rằng “chính quyền Obama - chính quyền do đảng Dân chủ nắm giữ - có xu hướng nhân nhượng , trong khi các chính quyền của Đảng Cộng hòa “luôn tỏ ra rất kiên quyết về cam kết của Mỹ đối với tự do và độc lập của các quốc gia”. 

Ngoại trưởng Philippines cho biết chính quyền Trump đã “xoay trục sang châu Á để khẳng định những điều cơ bản, tự do hàng hải, độc lập và chủ quyền của các quốc gia, đảm bảo chống lại sự xâm lược để bảo tồn tự do của một quốc gia”.

Trong vài tháng qua, Manila đã ngày càng trở nên cứng rắn và quyết đoán hơn trong các vấn đề tranh chấp trên biển với Trung Quốc. “Đây là một phần của việc điều chỉnh lại chính sách ngoại giao, nhằm khẳng định sự kiên quyết và cứng rắn hơn nữa đối với quyền chủ quyền và chủ quyền quốc gia…”, một quan chức chính phủ cấp cao Philippines cho biết. 

Quan chức này nhấn mạnh tuyên bố của Ngoại trưởng Locsin là nhằm gửi một thông điệp rõ ràng cũng như vạch ra một đường ranh giới trên biển: “MDT có thể được dùng tới nếu một tàu Philippines bị tấn công hoặc nếu bất cứ thực thể trên biển nào mà chúng tôi kiểm soát bị chiếm đóng bằng vũ lực”.

Cuộc xung đột mới nhất xảy ra vào tuần trước khi Bộ Ngoại giao Philippines đệ đơn phản đối ngoại giao - lần thứ 57 - về điều mà họ cho là Trung Quốc “tịch thu bất hợp pháp” thiết bị đánh cá của Philippines gần bãi cạn Scarborough. 

Phản ứng trước sự phản đối của Manila, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuần trước cho biết các cuộc tuần tra của Trung Quốc ở Biển Đông là "không đáng chê trách" và các cuộc tuần tra trên không của Philippines đã vi phạm chủ quyền của nước này. 

Ông bảo vệ các hoạt động của lực lượng tuần duyên Trung Quốc và kêu gọi Philippines “dừng ngay lập tức các hành động khiêu khích bất hợp pháp”. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định khu vực bãi cạn Scarborough “nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines”. 

“Cái gọi là quyền lịch sử của họ (Trung Quốc) đối với khu vực được bao quanh bởi 'đường lưỡi bò' không hề tồn tại, ngoại trừ trong tưởng tượng của họ”, ông Lorenzana nhấn mạnh. 

“Trung Quốc là những người đã và đang thực hiện các hành động khiêu khích bằng cách chiếm đóng trái phép một số địa điểm trong EEZ của chúng tôi. Do đó, họ không có quyền tuyên bố rằng họ đang thực thi pháp luật", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết thêm.

Tuy giọng điệu của Manila khác với những năm trước, nhưng họ vẫn tiếp tục thực hiện hành động cân bằng nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc quốc gia đã hứa hẹn ưu tiên hàng đầu cho Philippines về vaccine COVID-19 “made in China”. 

Đầu tháng này, ông Duterte đã ra lệnh cho Hải quân Philippines không được tham gia các cuộc tập trận cùng quân đội Mỹ ở Biển Đông, một động thái mà các nhà phân tích cho là nhằm xoa dịu Bắc Kinh.

Từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, ông Duterte đã vài lần nói rằng ông có thể đặt phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay sang một bên để đổi lấy quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc. 

Ông cũng thu hẹp quy mô các cuộc tập trận quân sự với Mỹ, thậm chí hồi tháng 2 năm nay ông tuyên bố Philippines sẽ rút khỏi Thỏa thuận các lực lượng viếng thăm (VFA) với Mỹ - một phần quan trọng của MDT. 

Tuy nhiên, vào tháng 6, Tổng thống Duterte cho biết ông đang “đình chỉ” việc hủy bỏ VFA “vì lợi ích của Philippines và sẽ có lợi hơn cho Manila khi lực lượng Mỹ hiện diện trong khi vực”.

Trong buổi họp báo ngày 27/8, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Suga Yoshihide cho biết nước này đang theo dõi các động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông “với sự quan ngại”, đồng thời nhấn mạnh Nhật Bản phản đối mạnh mẽ mọi hành động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.
Ông đồng thời nêu rõ “các vấn đề về Biển Đông có liên quan trực tiếp tới hòa bình và ổn định của khu vực, và là một vấn đề quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế bao gồm Nhật Bản”.
 Theo hãng tin Kyodo, ông Suga đưa ra phát biểu trên sau khi có tin Trung Quốc đã phóng một số tên lửa đạn đạo vào khu vực Biển Đông một ngày trước đó.
Cao Trung (Theo SCMP)

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文