Trung Quốc khai mạc Hội nghị Chính hiệp năm 2015
Theo Tân Hoa Xã, vào hồi 15h ngày 3/3 (giờ địa phương), kỳ họp lần thứ ba, khóa XII Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (CPPCC, Chính hiệp) đã khai mạc tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang, Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh và nhiều lãnh đạo cấp cao cùng 2.153 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân Trung Quốc đã tham dự hội nghị. Ngay sau Hội nghị Chính Hiệp, ngày 5/3, sẽ diễn ra Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc năm 2015.
Tại lễ khai mạc, Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh đã đọc báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ CPPCC trong năm 2014, trong đó điểm lại thành tích nổi bật trên các mặt như đẩy mạnh công tác xây dựng lý luận tư tưởng, kiên trì định hướng chính trị đúng đắn; làm tốt công tác tham mưu về các chính sách đi sâu cải cách toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các giải pháp cải cách quan trọng; đóng góp rất lớn cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế; làm tốt công tác cải thiện đời sống của nhân dân, củng cố sự hòa hợp và ổn định trong xã hội; không ngừng nâng cao hiệu quả của công tác hiệp thương chính trị; làm sâu sắc thêm mối quan hệ đoàn kết và gắn bó chặt chẽ với đồng bào Hong Kong, Ma Cao, Đài Loan và kiều bào ở ngoài nước.
Công tác chính hiệp còn góp phần mở rộng quan hệ ngoại giao nhân dân, tạo môi trường bên ngoài thuận lợi cho sự phát triển của đất nước; không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng công tác, từng bước nâng cao trình độ khoa học trong công tác chính hiệp; phát huy vai trò quan trọng của chính hiệp nhân dân trong phát triển hiệp thương dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ông Du Chính Thanh cam kết nỗ lực hơn nữa nhằm tiếp tục thực hiện những cải cách, đồng thời đặt ra những mục tiêu mới cho năm 2015.
Cho rằng năm 2015 là năm quan trọng trong việc thực hiện những cải cách toàn diện, năm khởi đầu của việc thúc đẩy lãnh đạo đất nước bằng pháp quyền, và là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ 12, ông Du Chính Thanh nhấn mạnh CPPCC cần tập trung ý kiến và đề xuất vào cải cách và phát triển. Công tác chính hiệp trong năm 2015 cần tiếp tục tăng cường học tập và quán triệt những chính sách quan trọng của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Chính hiệp Trung Quốc; tiếp tục làm tốt công tác tham mưu về các chính sách cải cách và phát triển; nỗ lực đóng góp cho chính sách điều hành đất nước bằng pháp quyền; làm tốt chức năng giám sát; tập hợp sức mạnh của toàn dân và tích cực đổi mới công tác chính hiệp.
Kỳ họp lần thứ ba, khóa XII Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc đã khai mạc tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: THX |
Cũng trong bản báo cáo, ông Du Chính Thanh chỉ ra rằng, trong tổng số 14 cố vấn chính trị gia của Trung Quốc bị sa thải vì dính dáng tới tham nhũng trong năm qua, có hai Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc CPPCC là ông Tô Vinh và ông Lệnh Kế Hoạch. Ông Tô Vinh đang bị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Trung Quốc điều tra về tội nhận hối lộ và đã bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) tước bỏ mọi chức vụ chính quyền và khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuyên bố của CCDI nêu rõ, ông Tô Vinh đã nhận “những khoản hối lộ lớn” trong việc bổ nhiệm các cán bộ và làm lợi cho các doanh nghiệp. Còn ông Lệnh Kế Hoạch cũng đang bị điều tra với cáo buộc “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Ông Du Chính Thanh nhấn mạnh: “Đây là lời cảnh báo cho chúng tôi để cải thiện bộ máy nhân sự và tiếp tục đấu tranh chống lại nạn tham nhũng”. Theo kế hoạch, hội nghị sẽ xem xét báo cáo công tác của chính phủ cùng một loạt báo cáo khác, theo đó, kiểm điểm những biện pháp cải cách đã thực hiện trong năm ngoái và vạch kế hoạch kinh tế cho năm nay.
Hội nghị Chính hiệp và Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc năm 2015 được coi là thời điểm quan trọng quyết định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của nước này, các chương trình nghị sự quan trọng bao gồm kinh tế, chống tham nhũng, cải cách… đều thu hút sự quan tâm đặc biệt. Nhân sĩ các giới trong xã hội đều mong đợi “hai kỳ họp” sẽ mang lại càng nhiều lợi tức cải cách thuộc các lĩnh vực liên quan đến quốc kế dân sinh.
Về lĩnh vực kinh tế, “trạng thái bình thường mới” rất có thể sẽ là khái niệm mới được đề cập nhiều nhất tại hai kỳ họp lần này. Mọi người mong đợi hai kỳ họp sẽ đưa ra sự trả lời về các vấn đề như: nhìn nhận và đánh giá như thế nào tình hình kinh tế của Trung Quốc, làm thế nào để duy trì kinh tế vận hành trong phạm vi hợp lý, xác định như thế nào dự báo về tăng trưởng GDP? Cũng như “trạng thái bình thường mới” của kinh tế, chống tham nhũng cũng là vấn đề được quan tâm rộng rãi.
Trước thềm “hai kỳ họp”, hàng chục quan chức cấp tỉnh và bộ bị điều tra xử lý vì tham nhũng, xu hướng “đả hổ” không ngừng được tăng cường sẽ khiến cho đề tài chống tham nhũng tiếp tục “nóng lên” tại “hai kỳ họp”. Những vấn đề được quan tâm rộng rãi còn bao gồm “cải cách”, “quản lý đất nước bằng pháp luật”, v.v. Năm 2015 là “năm đầu tiên” của việc thúc đẩy quản lý đất nước bằng pháp luật toàn diện. Mọi người mong đợi việc “quản lý đất nước bằng pháp luật” là những biện pháp cụ thể.
Ngoài ra, vấn đề an sinh xã hội cũng là tiêu điểm được quan tâm. Làm thế nào để xua tan sương mù ô nhiễm, làm thế nào để bóc gỡ sự ràng buộc với phúc lợi trong cải cách chế độ hộ khẩu, đãi ngộ liệu có bị suy giảm hay không sau khi hội nhập quỹ dưỡng lão và quỹ lương hưu, v.v... đây đều là những vấn đề dân sinh thu hút sự quan tâm rộng rãi.