Trung Quốc khởi động 'cuộc chiến tiền tệ'
Cụ thể, PBoC lại điều chỉnh giá tham chiếu của đồng NDT ở mức thấp hơn 1,62%, với 6,3306 NDT đổi 1 USD. Trước đó, tỷ giá tham chiếu được cố định ở mức 6,2298 NDT đổi 1 USD. Như vậy, chỉ trong hai ngày qua, đồng NDT đã giảm mất giá hơn 4%.
Phát súng khơi mào cuộc chiến
Trong một tuyên bố, PCoB cho biết, đây là sự điều chỉnh một lần và đã có kế hoạch giữ tỷ giá đồng NDT ổn định ở mức “hợp lý” đồng thời sẽ tăng cường vai trò của thị trường trong việc thiết lập tỷ giá tham chiếu hằng ngày. Theo các chuyên gia tài chính, động thái trên của PBoC là nhằm giúp hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, khiến hàng hóa cạnh tranh hơn, trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại.
Bộ trưởng tài chính Hàn Quốc Choi Kyung-hwan cho rằng, tác động của việc này là tích cực đối với hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc. Hầu hết hàng hóa của đất nước Kim Chi xuất sang Trung Quốc dưới dạng bán thành phẩm và không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Trung Quốc. Trong khi đó, nhà phân tích thị trường ngoại hối Kenix Lai, đến từ Ngân hàng Bank of East Asia, lại cho rằng, lần điều chỉnh mới nhất cho thấy PBoC muốn tiếp tục phá giá NDT, bởi mức giảm trước đó là không đủ để giúp vực dậy hoạt động xuất khẩu. Ông Lai cũng dự báo dòng vốn sẽ tháo chạy khỏi Trung Quốc sang Mỹ, do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong khi đồng nội tệ mất giá.
Trong khi đó, ông John Gorman, người đứng đầu các giao dịch lãi suất đồng USD tại Nomuara Holding Inc châu Á - Thái Bình Dương tại Tokyo nhận định: “Đây có thể là khởi đầu cho một sự thay đổi rộng lớn hơn. Đó là lý do tại sao thị trường đang phản ứng mạnh mẽ”.
Đối với các nước hiện đang có quan hệ thương mại với Trung Quốc, việc đồng Nhân dân tệ yếu đi sẽ “làm khó” họ. Ảnh: RT. |
Thực tế cho thấy, động thái phá giá đồng NDT của Trung Quốc đã giáng một đòn mạnh vào những tài sản có độ rủi ro cao trên toàn cầu. Theo đó, cổ phiếu, tiền tệ và hàng hóa cùng chịu áp lực bán tháo. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 11/8, thị trường chứng khoán từ châu Á tới châu Âu và Mỹ đã “đỏ lửa” vì động thái phá giá đồng tiền của Bắc Kinh.
Còn trong sáng 12/8, các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi tiếp tục xu hướng mất giá mạnh của ngày hôm qua do giới đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ có động thái làm mất giá đồng tiền nhằm đáp trả hành động của Trung Quốc.
Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, động thái của PBoC khiến đồng NDT nhạy cảm hơn trước các tác động của thị trường và có vẻ là bước đi đáng hoan nghênh. IMF cho rằng Bắc Kinh cần hướng tới việc thả nổi tỷ giá trong vòng 2 - 3 năm tới. Người phát ngôn của IMF nhận định: “Tỷ giá linh hoạt hơn có ý nghĩa quan trọng với Trung Quốc bởi nước này đang hướng tới trao cho thị trường vai trò quyết định trong nền kinh tế, và nhanh chóng hòa nhập vào thị trường tài chính toàn cầu”.
Về phía Mỹ, việc Trung Quốc phá giá NDT đã bị nhiều nghị sỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ lên án trong ngày hôm qua. Họ xem đó là một bước đi nhằm đạt được lợi thế xuất khẩu không công bằng, và có thể trở thành chủ đề gai góc trong các cuộc đối thoại khi Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Washington trong tháng tới. Hai nước trước đó đã có khác biệt lớn về một loạt vấn đề, từ an ninh mạng tới những tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh biên độ tỷ giá
Trước động thái phá giá đồng NDT của PBoC, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong sáng 12/8 đã ngay lập tức điều chỉnh biên độ tỷ giá USD/VND từ +/-1% lên +/-2%, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 VND/USD, tỷ giá trần là 22.106 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.240 VND/USD.
Giải thích về việc này, trong một thông cáo, Ngân hàng Nhà nước cho biết, với đặc thù Trung Quốc là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam thì việc điều chỉnh tỷ giá đồng NDT sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nâng biên độ tỷ giá USD/VND lên +/-2%. Thông cáo trên nhấn mạnh: “Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong biên độ quy định, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp”.
Các chuyên gia đánh giá đây là một động thái tích cực. Theo ông Nguyễn Thế Minh, chuyên viên phân tích cấp cao của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), việc nới biên độ tỷ giá giúp Chính phủ điều chỉnh tỷ giá cho phù hợp với tình hình kinh tế thế giới.
Ông Nguyễn Thế Minh nói: “Động thái điều chỉnh này là dễ hiểu và nên được nhìn nhận như một dấu hiệu tích cực bởi sẽ thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ tiền đồng xuống giá”.
Trong phiên giao dịch sáng 12/8, trên thị trường chứng khoán, chỉ số MSCI Asian Pacific không bao gồm thị trường Nhật Bản đã giảm 1,5%, trong khi tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi mất 1,1. Chỉ số Nikkei, chỉ số quan trọng nhất của thị trường chứng khoán châu Á, của chứng khoán Nhật sụt 1,2%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,1%. Trong khi đó, đồng AUD (đô la Australia) mất giá 0,7% trong phiên giao dịch sáng 12/8, còn 0,7255 AUD đổi 1 USD, sau khi giảm 1,5% trong phiên giao dịch ngày 11/8. Đồng Rupiah của Indonesia và Ringgit của Malaysia giảm tương ứng 1,4% và 0,8% so với đồng USD, xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính khu vực cuối thập niên 1990. Đồng Peso của Philippines giảm 0,3% so với USD, xuống mức thấp nhất trong 5 năm. Quyết định phá giá đồng NDT còn khiến giá dầu đồng loạt giảm sâu trong phiên giao dịch ngày 11/8.
Cụ thể, trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9 đã giảm 1,88 USD/thùng, tương đương 4,2%, xuống mức 43,08 USD/thùng và đây là mức giá dầu thấp nhất từ tháng 32009. Trên thị trường London, giá dầu Brent hạ 1,23 USD/thùng, tương đương 2,4%, xuống mức 49,18 USD/thùng. |