Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm của ASEAN

16:37 28/07/2015
Bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhìn lại chặng đường Việt Nam tham gia ASEAN trong thời gian qua và định hướng cho những bước đi trong thời gian tới.

Ngày 28/7 là tròn 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, đánh dấu một mộc lịch sử mang ý nghĩa to lớn với quốc gia và khu vực. 20 năm tham gia, ASEAN đã chứng kiến quá trình trưởng thành của Việt Nam trên sân chơi hội nhập từ giai đoạn học hỏi, làm quen, đến thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của thành viên, tiến tới tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm.

ASEAN ngày càng phát triển và đang tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN. (ảnh: The Diplomat).

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài viết nhìn lại chặng đường Việt Nam tham gia ASEAN trong thời gian qua và định hướng cho những bước đi trong thời gian tới. Báo CAND trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung bài viết này:

“Trong năm 2015 này, chúng ta kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với thời điểm ra đời của Cộng đồng ASEAN (tháng 12/2015). Việc Việt Nam gia nhập ASEAN gắn liền với quá trình Đổi mới, từng bước hội nhập quốc tế của đất nước, đồng thời Việt Nam cũng có nhiều đóng góp ý nghĩa vào sự lớn mạnh của tổ chức này. Đây là dịp quan trọng để chúng ta nhìn lại chặng đường Việt Nam tham gia ASEAN trong thời gian qua và định hướng cho những bước đi trong thời gian tới.

Năm 2015, Malaysia đóng vai trò chủ tịch ASEAN. (ảnh: NST).

Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, có mục tiêu tổng quát là trở thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Đây là thành quả to lớn của ASEAN sau 48 năm ra đời, đánh dấu mốc lịch sử trong tiến trình liên kết khu vực và tạo thêm xung lực mới cho ASEAN bước sang giai đoạn phát triển mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động.

ASEAN ngày nay đã trở thành một thực thể chính trị-kinh tế gắn kết, có vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là đối tác quan trọng của nhiều nước và tổ chức quốc tế, được dư luận quốc tế đánh giá là một trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất.

Thành công của ASEAN là do sự tụ hội của nhiều nhân tố, nhưng trước hết là do sự chia sẻ nhiều lợi ích cơ bản cũng như tầm nhìn, quyết tâm chính trị mạnh mẽ và những nỗ lực không mệt mỏi của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995, nhưng quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam đã được khởi động từ trước đó, như tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trở thành quan sát viên của ASEAN tháng 7/1992, tham gia một số hoạt động của ASEAN từ năm 1993.

Quá trình Việt Nam tham gia ASEAN luôn gắn với những chủ trương lớn về chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với xu thế khu vực hóa ngày càng gia tăng. Từ chủ trương “đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội khác nhau, thi hành chính sách hữu nghị, hợp tác, tồn tại hoà bình để phát triển, phù hợp với lợi ích của nhân dân ta và xu thế phát triển chung của thế giới,” được coi là tư tưởng chủ đạo cho hội nhập quốc tế của Việt Nam, đến chủ trương “Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN, các nước châu Á-Thái Bình Dương” và “Việt Nam sẽ chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, duy trì và củng cố vai trò quan trọng của ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” “Phấn đấu cùng các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh.” Có thể nói, các giai đoạn Việt Nam tham gia ASEAN luôn đồng hành với quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của Việt Nam.

Ngay sau khi gia nhập ASEAN, chúng ta đã đóng vai trò tích cực trong việc kết nạp các nước Campuchia, Lào và Myanmar, hoàn thành ý tưởng về một ASEAN bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á. Sự hình thành ASEAN-10 đã góp phần xây dựng được mối quan hệ mới về chất giữa các nước thành viên theo chiều hướng hữu nghị, ổn định, lâu dài và hợp tác toàn diện ngày càng chặt chẽ; tạo điều kiện thuận lợi cho đẩy mạnh liên kết khu vực, hướng tới hình thành Cộng đồng ASEAN.

Tham gia xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN là một lĩnh vực hoạt động chính của Việt Nam, ở đây có thể kể đến các văn kiện quan trọng của Hiệp hội như Tầm nhìn 2020 và các kế hoạch triển khai Tầm nhìn, Tuyên bố hòa hợp ASEAN II, Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015) cùng các Kế hoạch triển khai trên từng trụ cột Cộng đồng, Kế hoạch công tác về Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC)... Hiện nay, chúng ta đang tích cực tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, với mục tiêu làm cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn, hoạt động trên cơ sở pháp luật và lấy người dân làm trung tâm.

Việt Nam đã hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN và đăng cai nhiều Hội nghị lớn, trước hết là việc chỉ ba năm sau khi gia nhập ASEAN đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12/1998) với những kết quả quan trọng, trong đó có Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần định hướng phát triển của Hiệp hội, giúp ASEAN vượt qua khủng hoảng tài chính khu vực khi đó.

Các Bộ, ngành liên quan cũng như Quốc hội và các tổ chức nhân dân đã chủ trì đăng cai tổ chức thành công nhiều Hội nghị/hoạt động quan trọng của ASEAN ở các cấp và các lĩnh vực khác nhau, góp phần đẩy mạnh hợp tác ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 với những kết quả thực chất, góp phần thúc đẩy “văn hóa thực thi” và cụ thể hoá một bước quan trọng mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của ASEAN.

Việt Nam đã tham gia đầy đủ và sâu rộng vào các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và quan hệ đối ngoại; thực hiện nghiêm túc các cam kết và thỏa thuận, góp phần hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN 2015. Quá trình tham gia ASEAN đã mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích quan trọng và thiết thực, mà bao trùm là góp phần bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đó có việc tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các nước trong việc xử lý những thách thức đối với an ninh và phát triển, nhất là trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.

Thông qua liên kết kinh tế nội khối ASEAN và các thỏa thuận Thương mại tự do giữa ASEAN với các Đối tác, Việt Nam có thể tiếp cận thuận lợi hơn các thị trường trong và ngoài khu vực, tăng cường thu hút đầu tư và mở rộng quan hệ thương mại quốc tế. Quá trình hội nhập ASEAN giúp Việt Nam có cơ hội tiếp nhận được thông tin, khoa học-công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại và nguồn lực; nâng cao năng lực thể chế và khả năng xử lý các vấn đề xuyên quốc gia như môi trường, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu; đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước cho phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tư cách thành viên ASEAN tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam mở rộng và tăng cường quan hệ với các đối tác ngoài ASEAN, nhất là các nước lớn, cũng như tham gia sâu rộng hơn vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế hay liên khu vực rộng lớn hơn; qua đó, góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam.

Qua thực tiễn 20 năm tham gia hợp tác ASEAN, chúng ta đã nhận thức được đầy đủ hơn về những cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn, đồng thời rút ra được những bài học quý giá. Giai đoạn phát triển mới của ASEAN với những cơ hội và thách thức đan xen nhau đòi hỏi có sự chuẩn bị kỹ về mặt nội bộ để nâng cao hiệu quả tham gia hợp tác ASEAN và tranh thủ được tối đa những lợi ích có được.

Một là, chúng ta cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng chiến lược của việc Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN để có sự quan tâm và đầu tư thích đáng về nguồn lực. Khu vực Đông Nam Á và ASEAN có ý nghĩa chiến lược vì nó liên quan trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta; là địa bàn phù hợp với thế và lực của Việt Nam, là nhân tố quan trọng để Việt Nam mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế. ASEAN xét cả về hợp tác đa phương và quan hệ song phương, đã được xác định là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Hai là, việc ta tham gia hợp tác ASEAN cần tiếp tục theo phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm,” làm hết sức mình để góp phần xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất và có vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực. Với thế và lực tăng lên, Việt Nam có thể chủ động phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu trong các lĩnh vực ta có lợi ích và thế mạnh, theo hướng đó, phát huy tinh thần chủ động đề xuất các sáng kiến, dự án cụ thể.

Ba là, các cơ quan liên quan cần đề ra chính sách, biện pháp và cách thức phù hợp với tính chất và mức độ liên kết ASEAN để phát huy được hiệu quả tham gia. Cộng đồng ASEAN vẫn là một tổ chức hợp tác liên Chính phủ, hoạt động trên cơ sở bình đẳng chủ quyền quốc gia và nâng dần mẫu số chung về lợi ích; một cộng đồng “thống nhất trong đa dạng” trong đó có sự khác biệt khá lớn về chế độ chính trị-xã hội và trình độ phát triển. Do vậy, việc kiên trì các nguyên tắc đi cùng với sự linh hoạt về biện pháp và cách thức tiến hành nhằm tranh thủ những điểm đồng, hạn chế và thu hẹp sự khác biệt, tăng cường đoàn kết và hợp tác ASEAN, góp phần nâng dần chất lượng của sự “thống nhất trong đa dạng” của ASEAN trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, cũng như sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích khu vực, là cần thiết.

Bốn là, tham gia hợp tác ASEAN được đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Chính phủ, đòi hỏi sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành chức năng cũng như sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, nhất là doanh nghiệp. Hoạt động ASEAN rất đa dạng và phức tạp, diễn ra trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị-an ninh đến kinh tế và văn hóa-xã hội, không chỉ bó hẹp trong phạm vi 10 nước thành viên ASEAN và khu vực Đông Nam Á, mà cả giữa ASEAN với các đối tác lớn trên thế giới và liên quan đến các vấn đề an ninh và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế cũng đặt ra nhiều vấn đề mới và phức tạp, mang tính chất liên ngành, tác động đến nhiều tầng lớp trong xã hội.

Năm là, việc rà soát, điều chỉnh luật lệ và quy định trong nước cần được tiến hành thường xuyên, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết khu vực; tăng cường cán bộ và các bộ phận chuyên trách về công tác ASEAN của từng cơ quan; đẩy mạnh công tác tuyên tuyền về ASEAN và sự tham gia của Việt Nam.

Chúng ta tin tưởng rằng, với kinh nghiệm của 20 năm tham gia hợp tác ASEAN tích cực, chủ động và có trách nhiệm, với vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao trong khu vực và quốc tế, và với nỗ lực và quyết tâm chính trị, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, tiếp tục đồng hành và phát triển cùng ASEAN vì mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và có vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực”.

S.Thương (ghi)

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt ưebsite, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

Nhà đạo diễn kiệt xuất Roman Carmen đã cùng các đồng nghiệp Xôviết đến Việt Nam năm 1954 và làm bộ phim “Việt Nam”, ghi lại chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử của dân tộc ta.

Những suất quà chứa đựng nhiều tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Báo CAND và nhà hảo tâm, với mong muốn đồng hành cùng các em học sinh và giáo viên trường Tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; qua đó cùng chung tay, góp sức nâng bước các em đến trường.

Khi biết Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (Trung tâm CNSH) triển khai dự án trên 425 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã làm quen, mua chuộc những lãnh đạo chủ chốt, bằng cách thường xuyên thăm hỏi, biếu quà. Khi đã thân thiết, Nhàn nhờ các lãnh đạo nâng giá thiết bị, nâng dự toán theo ý Nhàn. Sau đó, Nhàn lập liên danh dự thầu, bày "quân xanh" , thâu tóm các gói thầu, để AIC ngồi không hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng.

Chính trị nội bộ của đảng Cộng hòa Mỹ lại trở nên bất ổn do nghị sĩ Marjorie Taylor Greene quyết tâm phế truất Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson sau khi ông này thuyết phục Hạ viện thông qua gói viện trợ quân sự cho nước ngoài, trong đó có Ukraine.

Ngày 4/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Đức Bình, SN 1994, trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ khiến 1 người tử vong.

Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đánh giá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12 do Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá mới đây là rất kịp thời, thể hiện sự chính quy, tinh nhuệ của các lực lượng tham gia phá án.

Lê Phương Nam đã lừa của các bị hại xin vào làm việc tại các Chi cục Kiểm ngư với giá 200-250 triệu đồng/suất; xin chuyển công tác trong lực lượng Công an có giá từ 200 - 450 triệu đồng/suất; xin vào học tại Trường Trung cấp Cảnh sát có giá từ 450-700 triệu đồng/suất…

Sự phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ phải tiếp xúc với tin giả. Việc người dùng mạng xã hội thường xuyên phải tiếp cận với tin giả có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Thế nên việc nhận diện và xử lý tin giả là rất quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/5 cho biết, một lần nữa cầu Crimea lại nằm trong tầm ngắm của Kiev với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bà Zakharova cảnh báo, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea đều sẽ bị đáp trả nặng nề.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文