Ấn - Nhật cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng
Theo giới phân tích, việc hai nước tăng cường thực chất ở lĩnh vực quốc phòng là nhằm đối phó với những tình huống khẩn cấp mang tính toàn cầu, hạn chế những hành động đe dọa từ bên ngoài đối với sự ổn định và an ninh của hai nước.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Parrikar nhấn mạnh, New Delhi đánh giá cao việc tăng cường hợp tác quốc phòng an ninh với Tokyo. Bộ trưởng Parrikar bày tỏ mong muốn quan hệ đối tác giữa hai nước trong lĩnh vực thiết bị quốc phòng và công nghệ sẽ phát triển mạnh mẽ.
Về phần mình, Thủ tướng Abe cho biết, Nhật Bản mong muốn xây dựng mối quan hệ bền chặt với Ấn Độ, trong cả lĩnh vực kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh. Mối quan hệ đối tác bền vững giữa Ấn Độ và Nhật Bản không chỉ có lợi cho 2 nước mà còn đóng góp quan trọng cho hòa bình và an ninh của khu vực và thế giới.
Sau cuộc gặp Thủ tướng Abe, Bộ trưởng Parrikar đã hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Gen Nakatani. Hai bên đã cùng đánh giá sự phát triển chiến lược liên quan đến tình hình an ninh quốc tế. Theo đó, hai bộ trưởng nhấn mạnh sự liên kết giữa khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng như mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.
Trong thông cáo báo chí sau hội đàm, hai Bộ trưởng nhất trí rằng Ấn Độ và Nhật Bản có nhiều tiềm năng đưa lĩnh vực sản xuất trang thiết bị và công nghệ quốc phòng trở thành trụ cột trong quan hệ hợp tác quốc phòng song phương. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục xúc tiến các cuộc tập trận giữa Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật Bản và Hải quân Ấn Độ nhằm bảo đảm an ninh hàng hải khu vực và vì lợi ích của cả hai nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp hôm 30/3. Ảnh: AP. |
Ngoài ra, hai bên đã cam kết tiếp tục đàm phán về hợp đồng Tokyo cung cấp 12 thủy phi cơ US-2 và thành lập liên doanh sản xuất US-2 tại Ấn Độ trong thời gian tới. Để xúc tiến nhanh việc mua bán US-2, chính phủ hai nước đã tăng cường quyền hạn của Nhóm công tác chung về US-2, đồng thời đưa ra những biện pháp nhằm xúc tiến nhanh những cuộc thảo luận chung trước hết về hai việc này.
Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh mối quan hệ Nhật - Ấn đã tốt đẹp hơn nhiều so với giai đoạn trước, chuyến thăm Nhật Bản lần này của Bộ trưởng Parrikar thể hiện rằng, Ấn Độ sẽ có nhiều khả năng mua máy bay US-2 của Nhật Bản, đồng thời sẽ xúc tiến tiếp tục những hợp đồng quốc phòng lớn hơn.
Qua đó, Ấn Độ cũng muốn cho các nước khác thấy rõ ý định sẽ hợp tác với nước nào trong lĩnh vực quốc phòng trong thời gian tới. Ngoài ra, việc hai nước đang xúc tiến việc thành lập liên doanh sản xuất US-2 tại Ấn Độ cho thấy New Delhi mong muốn có được công nghệ để củng cố nền tảng công nghiệp quốc phòng của họ.
Thêm nữa, vào thời điểm hiện tại, Mỹ chủ trương tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ, Nhật Bản, Australia nhằm thực hiện chiến lược hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là điều kiện thuận lợi khiến Ấn Độ thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Nhật Bản. Cả Nhật và Ấn Độ đều có mong muốn tăng cường quan hệ song phương nhằm đối phó với những thách thức ngày càng tăng trong khu vực. Ngoài ra, Ấn Độ là một nước lớn, Nhật Bản muốn tăng cường hợp tác với Ấn Độ để bán tàu ngầm cho Ấn Độ, giúp Nhật Bản giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh.
Trong khi đó, theo tờ The Times of India, dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết: “New Delhi đã có một đề nghị với Tokyo, mong muốn Nhật Bản có thể cân nhắc khả năng chế tạo tàu ngầm Soryu mới nhất ở Ấn Độ”.
Nhật Bản không tham gia AIIB Ngày 31/3, Chính phủ Nhật Bản đã bác bỏ khả năng tham gia ngay lập tức Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng thành lập. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rõ: “Hiện Nhật Bản vẫn chưa biết rõ rằng AIIB có được quản lý phù hợp không hay sẽ làm tổn hại các ngân hàng khác. Dù sao, tôi nghĩ sẽ không có chuyện Nhật Bản sẽ tham gia AIIB ngay hôm nay”. Ông Suga nói thêm rằng, Tokyo sẽ cùng làm việc với Washington - đồng minh hàng đầu của mình, và các nước khác để yêu cầu Bắc Kinh làm rõ vấn đề trên. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nêu rõ: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác là phải rất thận trọng về việc tham gia” ngân hàng này. Theo ông Aso, điều kiện để Nhật Bản tham gia AIIB là các khoản cho vay của ngân hàng này phải đáp ứng các quy định về môi trường và xã hội của nước này, và ban giám đốc AIIB phải thông qua các dự án một cách độc lập. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida thì cho biết, Tokyo chưa nhận được giải thích rõ ràng từ phía Bắc Kinh liên quan đến các lo ngại của Nhật Bản về việc quản lý ngân hàng trên. Ông nói thêm rằng, Nhật Bản sẽ tiếp tục liên hệ với phía Trung Quốc và phối hợp với các nước khác để có những giải thích rõ hơn về việc này. |