Các biện pháp “trừng phạt” của Mỹ và EU sẽ tác động đến Nga như thế nào?

08:11 26/02/2022

Sau Mỹ, một loạt các nước vừa công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga để phản đối “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow tại Ukraine. Tuy nhiên, các biện pháp này có thể sẽ không gây ra nhiều tác động đối với Nga, thậm chí các biện pháp cứng rắn hơn sẽ có thể gây tổn hại ngược lại cho chính chủ nhân của chúng.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/2 đã công bố các biện pháp trừng phạt mới, nhằm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng và vận tải, chính sách thị thực của Nga, trong đó có biện pháp kiểm soát xuất khẩu và cấm tài trợ xuất khẩu. Vòng trừng phạt của phương Tây bao gồm các hạn chế đối với việc bán nợ của Nga trên thị trường vốn phương Tây, đóng băng tài sản nước ngoài của một số nhà tài phiệt Nga và con cái của họ, hạn chế đối với các ngân hàng và các nghị sĩ Nga. Nổi bật nhất là quyết định của Đức đình chỉ việc cấp phép cho Dòng chảy phương Bắc 2, dự án đường ống dẫn khí đốt đã hoàn thành giữa Nga và Đức.

Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của các nhà lãnh đạo EU ở Brussels đã được triệu tập ngay sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraine, mặc dù chi tiết về các biện pháp trừng phạt có thể đã được thảo luận trước đó. Ảnh: AP

Các thông báo trừng phạt được đưa ra cùng với những lời hùng biện cứng rắn từ các nhà lãnh đạo phương Tây. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh EU sẽ “buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm” vì tấn công Ukraine. Hay như tuyên bố của người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell rằng, đây sẽ là “các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất, khắc nghiệt nhất” mà EU từng cân nhắc đối với Nga.

Cùng với EU, cũng trong ngày 25/2, Chính phủ Australia thông báo thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào những công dân Nga hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và các nhà lập pháp Nga. Tương tự, New Zealand cũng áp đặt lệnh cấm đi lại có chủ đích đối với công dân Nga và cấm giao dịch hàng hóa với quân đội Nga.

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng tuyên bố nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, trong đó nhằm vào việc xuất khẩu chất bán dẫn và các tổ chức tài chính của Nga. Trước đó, các nhà lãnh đạo của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở miền Đông Ukraine (Ukraine) và tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nghiêm khắc đối với Moscow.

Vòng trừng phạt của EU được bắt đầu với một số nhà tài phiệt và những người thân cận với Tổng thống Vladimir Putin. Trong một dòng tweet, ông Josep Borrell tuyên bố những người này sẽ “không thể mua sắm ở Milano, tiệc tùng ở Saint Tropez, mua kim cương ở Antwerp”. Tuy nhiên, có rất nhiều địa điểm nắng ấm khác sẽ chào đón các nhà tài phiệt Nga đi nghỉ cùng con cái của họ, và hầu hết trong số họ đã đa dạng hóa nơi chứa tài sản của mình.

Các lãnh đạo châu Âu chủ yếu vẫn ủng hộ các biện pháp trừng phạt có mục tiêu nhằm vào các chính khách Nga, nhất là các nhà tài phiệt có quan hệ với Điện Kremlin, những người hiện sở hữu nhiều bất động sản và cổ phần tài chính ở châu Âu. Nhưng, theo Tiến sĩ khoa học kinh tế Nga Vladislav Inozemtsev, Điện Kremlin những năm qua đã chuẩn bị kỹ càng để có thể chống được mối đe dọa này.

Còn các biện pháp trong lĩnh vực năng lượng có tác dụng ra sao? Việc đình chỉ Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là một cử chỉ quan trọng mang tính biểu tượng, đặc biệt là ở Đức, nơi các chính trị gia đã tranh cãi về dự án trong nhiều năm. Quyết định này sẽ làm tổn hại đến ảnh hưởng của Nga ở châu Âu và niềm tự hào của ông Vladimir Putin, ngay cả khi đường ống dẫn dầu không tạo ra bất kỳ thu nhập nào cho Nga hiện nay.

Tuy nhiên, từ khi bắt đầu nổ ra khủng hoảng Ukraine đến nay, kinh tế Nga đã được đa dạng hoá để bớt lệ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt. Nga tập trung tăng cường các điểm mạnh của nền kinh tế. Xuất khẩu quặng mỏ, nhôm, nikel, vàng, kim cương và lúa mì đã giúp cho Nga có nhiều lợi thế trong thương mại với thế giới.

Các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga cũng có vẻ chỉ mang tính biểu tượng. Các công ty tài chính Mỹ đã bị cấm mua các khoản nợ mới bằng đồng USD của Nga kể từ năm 2014. Mặc dù các lệnh trừng phạt mới mở rộng lệnh cấm sang thị trường trái phiếu thứ cấp, nhưng Nga đã không phát hành trái phiếu bằng đồng USD kể từ năm 2019 và đã tự bảo vệ mình khỏi phụ thuộc vào thị trường vốn phương Tây bằng cách giảm tỷ trọng nợ chính phủ bằng ngoại tệ và tích lũy dự trữ ngoại hối lớn.

Đức đã cấp phép cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Các ngân hàng bị phương Tây nhắm mục tiêu bao gồm những ngân hàng có liên hệ với quân đội nhưng chỉ là những ngân hàng nhỏ. Chẳng hạn, hai ngân hàng mà Mỹ nêu tên (Ngân hàng VEB và Ngân hàng Quân đội Nga), chỉ chiếm 6% tài sản trong lĩnh vực ngân hàng của Nga vào cuối năm 2020.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đã cố gắng thanh toán các trao đổi song phương bằng đồng tiền quốc gia của mình. Trong lĩnh vực này, Nga đang cố gắng nhiều hơn. Đến nay, chỉ 20% hàng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc được thanh toán bằng đồng USD. Ở chiều ngược lại 60% hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga vẫn phải thanh toán bằng USD.

Một vấn đề chính đối với ông Putin là sự lệ thuộc của Nga vào hệ thống tài chính SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) có ảnh hưởng lớn của phương Tây. Mỹ đã nhiều lần dọa loại trừ các ngân hàng Nga ra khỏi mạng lưới SWIFT nếu Nga tấn công Ukraine. Mạng lưới thanh toán quốc tế bằng đồng USD này được gần như hầu hết các định chế tài chính thế giới sử dụng để chuyển khoản tiền một cách an toàn và thuận tiện nhất hiện nay.

Để đối phó với hệ thống được dùng như là công cụ gây sức ép của Washington, năm 2018, Nga đã tung ra công cụ riêng của mình là hệ thống chuyển tiền (SPFS), hiện nay được kết nối với mạng liên ngân hàng Trung Quốc CIPS (Hệ thống thanh toán quốc tế của Trung Quốc).

Theo giới phân tích, thách thức đối với phương Tây hiện nay là đạt được một thỏa thuận tập thể về răn đe, trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga. Nếu phương Tây làm được điều đó, họ có thể sử dụng một số vũ khí có sẵn. Hệ thống tài chính của Nga có thể ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt đối với hai ngân hàng lớn nhất là Sberbank và VTB, hoặc khi các ngân hàng Nga bị cắt đứt khỏi hệ thống SWIFT. Mỹ có thể chặn việc bán công nghệ như vi mạch cho Nga, còn phương Tây có thể tìm cách cản trở hoạt động xuất khẩu năng lượng phi khí đốt của Nga. Khí đốt chỉ chiếm chưa đến 1/10 giá trị xuất khẩu của Nga trong năm 2019. Sinh lợi nhiều nhất cho kinh tế Nga lại là dầu, hiện chiếm gần một nửa giá trị xuất khẩu.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn cũng có khả năng gây hại cho phương Tây. Họ có thể thúc đẩy sự trả đũa kinh tế từ Nga, dưới hình thức chiến tranh mạng hoặc hạn chế bán khí đốt cho châu Âu. Hóa đơn năng lượng ở châu Âu có thể sẽ tăng mạnh. Hơn nữa, phương Tây cũng cần đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt được thực thi trên toàn cầu. Điều đó có nghĩa là thuyết phục hoặc ép buộc các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, cùng hợp tác. Nếu không có bất kỳ “chế tài” trừng phạt thứ cấp nào đối với những nước từ chối hợp tác, các gói trừng phạt Nga của phương Tây sẽ giống như một cái thùng bị rò rỉ.

Về phía Nga, Chính phủ nước này đã đưa ra thông báo, Moscow có đủ nguồn lực tài chính cho sự ổn định của hệ thống trước các lệnh trừng phạt và các mối đe dọa từ bên ngoài. Chính phủ sẽ giúp đảm bảo hoạt động bền vững của các công ty nằm trong danh sách trừng phạt, bảo toàn việc làm và tiền lương. Nội các cũng cho biết họ đã phát triển các kế hoạch rõ ràng về các biện pháp bảo vệ thị trường tài chính và các công ty cá nhân.

Đặc biệt, các mô phỏng về hậu quả của việc áp dụng các hạn chế đã được thực hiện, thị trường tài chính và các công ty lớn nhất đã chuẩn bị đầy đủ cho việc thực hiện chúng. Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, nếu cần thiết sẽ thực hiện các biện pháp bổ sung để đảm bảo ổn định tài chính.

Tối 24/2, phát biểu trong cuộc gặp với đại diện của giới kinh doanh, Tổng thống Vladimir Putin nói rõ: “Tất nhiên, tất cả chúng tôi đều hiểu, chúng tôi đang sống trong thế giới nào và bằng cách này hay cách khác, chúng tôi đã chuẩn bị cho những gì đang xảy ra hiện nay với các hạn chế và chính sách trừng phạt”.

Minh Hải  (tổng hợp)

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文