Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên “tăng nhiệt” trở lại

05:35 19/04/2022

Phái đoàn Mỹ bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tới Hàn Quốc ngày 18/4, đúng dịp hai nước khởi động cuộc tập trận chung thường niên. Dù không có diễn tập thực địa, nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại động thái này có thể khiến tình hình Bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng, đặc biệt sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử tên lửa mới đây.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 18/4 cho biết các lực lượng hỗn hợp của Hàn Quốc và Mỹ đã khởi động cuộc tập trận chung mùa Xuân mà không có diễn tập thực địa, do đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp cũng như “nhiều yếu tố khác”.

Thông báo của JCS cho biết thêm chương trình Huấn luyện Bộ Chỉ huy hỗn hợp (CCPT) giả lập trên máy tính sẽ diễn ra trong 9 ngày với mục đích tăng cường khả năng phòng thủ, nâng cao khả năng sẵn sàng hoạt động và khả năng ứng phó của quân đội Mỹ và Hàn Quốc thông qua mô phỏng các phương thức phản ứng đối với nhiều tình huống có thể xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên phóng thử tên lửa hôm 16/4. Ảnh KCNA.

Cuộc tập trận mùa Xuân năm nay ban đầu được lên kế hoạch tổ chức trong tháng 3, song Hàn Quốc và Mỹ đã hoãn đến tháng 4 do cùng thời điểm với cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc, diễn biến đại dịch COVID-19 cùng một số lý do khác.

Trong một diễn biến có liên quan, Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Sung Kim và cấp phó của mình đã đến Seoul sáng sớm 18/4, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 5 ngày để thảo luận với các quan chức Hàn Quốc về nhiều vấn đề, trong đó có căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Quan chức Mỹ khẳng định Washington và Seoul chia sẻ mối quan ngại chung, đồng thời sẽ “hành động có trách nhiệm và quyết đoán” để đáp trả “các hành động leo thang” sau một loạt vụ phóng thử tên lửa trong thời gian qua của Triều Tiên.

Đặc phái viên Mỹ cho biết ông sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên “bất cứ lúc nào” và không có điều kiện tiên quyết, tuy vậy, Bình Nhưỡng cho đến nay vẫn phớt lờ những lời đề nghị này, cáo buộc Washington cố tình duy trì các chính sách thù địch như áp trừng phạt và các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng trước nay coi các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc là hành động tập dượt cho chiến tranh xâm lược Triều Tiên. Trước khi cuộc tập trận mới chính thức khởi động, Triều Tiên đã có hành động “phủ đầu”. Ngày 17/4, theo thông tin từ Quân đội Hàn Quốc, Triều Tiên đã bắn hai vật thể ra vùng biển phía Đông nước này.

Các quả đạn đã bay khoảng 110km, đạt độ cao 25km với vận tốc tối đa khoảng Mach 4 (gấp 4 lần vận tốc âm thanh) trước khi rơi xuống biển. Sau đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên thông báo đây là tên lửa dẫn đường chiến thuật mới nhằm tăng cường hiệu quả của các chiến dịch hạt nhân chiến thuật.

Như vậy từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã 12 lần phóng tên lửa, trong đó bao gồm bộ 3 vũ khí là tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh và tên lửa hành trình vốn được coi là “uy lực” nhất trong các loại vũ khí. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong tình huống khẩn cấp xảy ra, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ không sử dụng một loại tên lửa riêng lẻ nào, mà phối hợp các loại tên lửa trên để tạo đòn phản công mạnh nhất có thể. Một số chuyên gia nhận định, các vụ thử mới này là “dấu hiệu rõ ràng” cho thấy Bình Nhưỡng dự định trang bị tên lửa tầm ngắn và tầm trung mang đầu đạn hạt nhân. Đây không chỉ là một đe dọa nghiêm trọng với Seoul mà còn gây nguy hiểm với các mục tiêu lân cận khác như Nhật Bản hay vùng lãnh thổ Guam của Mỹ. Park Won-gon, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Ewha Womans của Hàn Quốc, cho biết: “Triều Tiên khẳng định rõ ràng họ có kế hoạch trang bị tên lửa tầm ngắn và tầm trung không chỉ với đầu đạn thông thường mà còn mang đầu đạn hạt nhân. Điều này sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ xung đột trong khu vực, dễ bùng phát thành chiến tranh hạt nhân”. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc trong một phát biểu mới đây cũng nhận định rằng Triều Tiên không ngừng đẩy mạnh phát triển hạt nhân. Việc này thể hiện một điều rằng Triều Tiên khả năng cao sẽ không ngừng thực hiện các vụ phóng tên lửa, thậm chí thử hạt nhân trong thời gian tới nếu các bên liên quan không có những “đáp ứng” hay động thái xoa dịu khi phản đối hoạt động của Triều Tiên.

Đáng chú ý, vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra một ngày sau khi nước này long trọng tổ chức kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, một trong những dịp lễ lớn nhất của đất nước nhưng không tiến hành duyệt binh như hàng năm. Điều này khiến dư luận chú ý bởi trước đây, vào đợt kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào năm 2012 và kỷ niệm 105 năm vào năm 2017, Triều Tiên đã tổ chức duyệt binh, công bố nhiều loại vũ khí mới. Tuy vậy, theo thông tin từ hãng KBS cho biết từ tháng 3, quân đội Hàn Quốc phát hiện Triều Tiên có dấu hiệu chuẩn bị duyệt binh. Do đó, một số quan chức Seoul gia dự báo có thể Bình Nhưỡng sẽ duyệt binh vào ngày 25/4, kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội, cùng với đó là khả năng công bố các loại vũ khí chiến lược mới.

Tiến Anh

Hoà cùng không khí cả nước phấn khởi, tự hào kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), trong hai ngày 11 và 12/5, Đoàn công tác của Báo CAND do Thiếu tướng, nhà văn Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND dẫn đầu đã về tỉnh Quảng Bình tổ chức chương trình sinh hoạt chính trị, dâng hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trao kinh phí 140 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa tặng 2 CBCS Công an tỉnh Quảng Bình có hoàn cảnh khó khăn.

Tối 12/5, Công an huyện Tiên Phước (Quảng Nam) cho biết, trên địa bàn thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước vừa xảy ra vụ nổ khí gas trong lúc hàn khiến 2 người thương vong.

Đây là thông tin đáng chú ý được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phối hợp quản lý thị trường vàng ngày 12/5.

Có 9 cán bộ trẻ của Công an TP Hồ Chí Minh và các quận huyện trong số 263 điển hình trẻ tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong nhiều lĩnh vực dự Đại hội “Thanh niên tiên tiến TP Hồ Chí Minh làm theo lời Bác” lần thứ VIII được tuyên dương.

Theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông, thời gian qua, cả nước đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đáng chú ý, tuyến đường xảy ra tai nạn tập trung nhiều trên các quốc lộ (chiếm tới 35%). Thời gian xảy ra tai nạn nhiều nhất trong khung giờ 18h-24h. Giải pháp nào để giảm TNGT trên các tuyến quốc lộ, là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文