Đàm phán hòa bình Nga - Ukraine tiếp tục bế tắc

08:39 05/12/2022

Nguyên nhân gây ra việc này là do nhưng điều kiện không thể chấp nhận mà Mỹ và Ukraine đưa ra với Nga và ngược lại.

Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẵn sàng trao đổi với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về việc chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine nếu ông Vladimir Putin nghiêm túc trong đàm phán hòa bình, Điện Kremlin khẳng định quan điểm rằng, Nga phải rời Ukraine để bắt đầu đàm phán là không thể chấp nhận được.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trong cuộc họp báo ngày 2/12 nói rằng, Tổng thống Vladimir Putin vẫn "cởi mở với các cuộc tiếp xúc và đàm phán" và Moscow vẫn nghiêng về giải pháp ngoại giao để đạt được các mục tiêu. Dù vậy, ông cho biết, Mỹ "vẫn không công nhận các vùng lãnh thổ mới sáp nhập là một phần của Nga", đồng thời đánh giá "điều này sẽ khiến cho việc tìm kiếm điểm chung cho các cuộc trao đổi trở nên phức tạp hơn". Washington thì cho rằng, lập trường của Moscow khiến những cuộc đàm phán nghiêm túc với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khó diễn ra khi trong cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg vào giữa tháng 3, ông Volodymyr Zelensky khẳng định, xung đột không thể kết thúc cho đến khi Ukraine giành lại được tất cả lãnh thổ từ Nga, trong đó có các vùng lãnh thổ mới sáp nhập và Bán đảo Crimea.

"Nga đã cho thấy một điều rõ ràng là họ không quan tâm đến những cuộc đối thoại và ngoại giao mang tính xây dựng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay, bất kỳ cuộc trao đổi nào giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga đều là "giả thuyết trong thời điểm hiện tại". Quan chức này nhấn mạnh: "Chúng tôi đã tuyên bố rõ rằng, Mỹ và các quốc gia trên thế giới sẽ không bao giờ công nhận lãnh thổ Nga đã sáp nhập bất hợp pháp, cả các vùng lãnh thổ năm 2014 và gần đây".

Triển vọng đàm phán kết thúc xung đột ở Ukraine hiện vẫn là một viễn cảnh xa vời.

Tuy nhiên, cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết đã trao đổi với các quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden và không có dấu hiệu nào cho thấy họ đang hối thúc chính quyền Ukraine bắt đầu đàm phán với Nga. "Đó chỉ là một ý tưởng được nêu ra nhưng nó đã kết thúc ngay lập tức", ông Anders Fogh Rasmussen bình luận, cho rằng việc thúc đẩy Tổng thống Volodymyr Zelensky tham gia vào một tiến trình hòa bình vội vàng sẽ làm suy yếu sự đoàn kết của phương Tây bởi đó sẽ là một cái bẫy. Cựu Tổng Thư ký NATO cũng cho rằng Ukraine sẽ chấp nhận một thỏa thuận hòa bình cho phép Nga kiểm soát bất kỳ vùng lãnh thổ nào của nước này: "Tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng chừng nào quân đội Nga còn ở trên lãnh thổ Ukraine thì xung đột vẫn tiếp diễn". Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã xác nhận sự ủng hộ của Paris cho Kiev và khẳng định "sẽ không bao giờ hối thúc Ukraine đưa ra nhượng bộ mà họ không thể chấp nhận được". Ông cũng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại với người đồng cấp Nga nhằm tránh những leo thang nguy hiểm và tính toán sai lầm.

Về phần mình, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani nhận định, các cuộc tấn công của Nga vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng của Ukraine như lưới điện khiến "bất kỳ cuộc đối thoại nào đều trở nên bất khả thi". Ông cho rằng, trách nhiệm trong trường hợp này thuộc về Nga và điện Kremlin phải thể hiện những tín hiệu cụ thể thay vì tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine.

Chia sẻ quan điểm này, các quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Joe Biden tin rằng, đàm phán là điều cần thiết nhưng không cho là các cuộc đàm phán trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin sẽ khả thi trừ khi những thực tế trên thực địa thay đổi. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng nhấn mạnh, nếu Tổng thống Vladimir Putin thực sự tìm cách chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, ông sẽ tham vấn với Pháp và các đồng minh khác trong NATO để đối thoại với người đồng cấp Nga.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng, tác động từ xung đột Ukraine - Nga khắc nghiệt với Liên minh châu Âu (EU) hơn với Mỹ. Theo ông, quan hệ an ninh giữa Brussels và Washington đã tăng cường từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, trong đó phương Tây hậu thuẫn Kiev. Tuy nhiên, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thì không như vậy. Ông nhận định, mọi thứ dễ dàng hơn với Mỹ bởi vì nước này xuất khẩu các nguồn năng lượng và hưởng lợi từ giá dầu khí tăng cao, trong khi EU phải "trả mức giá cao". Ông bổ sung: "Chúng ta đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế".

Chủ tịch Hội đồng châu Âu giải thích: "Các ngành công nghiệp châu Âu phải chi nhiều hơn cho năng lượng và đối mặt với sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp Mỹ". Trong giới lãnh đạo EU cũng đang lo ngại Đạo luật giảm lạm phát (IRA), với nội dung trợ giá và giãn thuế, được chính quyền Tổng thống Joe Biden phê chuẩn sẽ lôi kéo nhiều doanh nghiệp châu Âu sang Mỹ do giá năng lượng ở đó thấp hơn nhiều. Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher nói rằng, Đạo luật IRA là rất đáng lo ngại: "Tác động tiềm ẩn đối với nền kinh tế châu Âu là rất lớn". Trong khi người đứng đầu Hội đồng châu Âu cho rằng EU không nên "ngây thơ" vì Mỹ dưới bất cứ chính phủ nào đều ưu tiên các lợi ích kinh tế của mình.

Một bài báo trên tờ Politico vào cuối tháng 11 tuyên bố EU rất bực tức trước việc chính quyền Mỹ thu lợi từ chiến sự ở Ukraine. Một quan chức cấp cao của EU nói với tờ báo này như sau: Mỹ đang thu lợi nhuận từ xung đột này nhiều nhất vì "họ bán nhiều khí đốt hơn với mức giá cao hơn, đồng thời họ cũng bán nhiều vũ khí hơn". Những bình luận tương tự đã xuất hiện và nhận được sự ủng hộ cả công khai lẫn kín đáo từ các quan chức, nhà ngoại giao và nhiều bộ trưởng khác ở EU. Giới chức châu Âu lo ngại các khoản trợ cấp của Mỹ có nguy cơ phá huỷ ngành công nghiệp của lục địa này. Quan chức phụ trách vấn đề an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell kêu gọi Washington phải hành động trước những lo ngại của châu Âu. Ông nói: "Người Mỹ - những người bạn của chúng tôi - đang đưa ra những quyết định có tác động kinh tế đối với EU".

Trong những tuần gần đây, vấn đề căng thẳng nhất giữa Mỹ và EU là các khoản trợ cấp và chính sách thuế xanh của Chính quyền Tổng thống Joe Biden. Brussels cho rằng chính sách này thiếu công bằng và đe dọa phá hủy các ngành công nghiệp châu Âu. Song bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ châu Âu, Washington đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lùi bước. Đồng thời, cuộc xung đột ở Ukraine đang đẩy các nền kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái, lạm phát tăng vọt. Hơn nữa, việc siết chặt nguồn cung năng lượng cũng đang có nguy cơ khiến nhiều quốc gia EU phải đối mặt với tình trạng mất điện trong mùa đông này. Khi cố gắng giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, các nước EU phải chuyển sang sử dụng khí đốt từ Mỹ với giá cao ngất ngưởng. Ước tính, người châu Âu phải trả giá cao gần gấp 4 lần so với chi phí nhiên liệu tương tự ở Mỹ. Tất cả những vấn đề trên đã gây ra làn sóng phẫn nộ từ các quan chức hàng đầu ở Brussels và các thủ đô khác của EU.

Phía sau xung đột Ukraine, dòng ngân sách chảy vào lĩnh vực quốc phòng của Mỹ cũng đang khiến châu Âu lo ngại. Cho đến nay, Mỹ vẫn là nhà viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, cung cấp hơn 15,2 tỷ USD khí và thiết bị quân sự kể từ khi xung đột nổ ra. Theo ông Josep Borrell, EU đã cung cấp khoảng 8,3 tỷ USD thiết bị quân sự cho Ukraine. Các đơn đặt hàng thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất ngày càng tăng lên, khi các kho vũ khí của quân đội châu Âu cạn kiệt vì viện trợ cho Ukraine. Lầu Năm Góc cũng đã phát triển lộ trình tăng tốc doanh thu bán vũ khí, khi áp lực từ các đồng minh ngày càng việc đáp ứng nhu cầu vũ khí và thiết bị tăng cao. Một quan chức cấp cao của châu Âu bình luận việc trang bị một số loại vũ khí tinh vi có thể mất nhiều năm do các vấn đề trong chuỗi cung ứng và sản xuất chip. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ có thể thu lợi nhiều hơn từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Khổng Hà (tổng hợp)

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文