EU tiếp tục bất đồng trong chính sách trừng phạt Nga
Do vậy, theo một số nhà ngoại giao, ít có khả năng EU sẽ công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga vì đây chưa phải thời điểm thích hợp.
Bên cạnh đó, theo nhà phân tích Steven Blockmans thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu có trụ sở tại Brussels, việc các nước không muốn gia hạn các lệnh trừng phạt cho thấy họ đã gia tăng niềm tin đối với Nga.
Theo nguồn tin từ các hãng Itar-Tass của Nga và Bloomberg của Mỹ, phản đối gia hạn biện pháp trừng phạt Nga tại Hội nghị thượng đỉnh EU kéo dài hai ngày 19 – 20/3 tại Brussels có Italy, Hy Lạp, Cộng hòa Cyprus, Tây Ban Nha, Austria, Hungary và Slovakia.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng cho rằng, áp đặt hoặc gia hạn trừng phạt nhằm vào Nga sẽ không giúp cho lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine. Các biện pháp trừng phạt này là phản tác dụng và không có ý nghĩa.
Trong khi đó, Bloomberg dẫn lời Giám đốc phụ trách chính sách đối ngoại của Trung tâm Cải cách châu Âu ở thủ đô London (Anh), ông Ian Bond nhận định: “Diễn biến này cho thấy 7 nước nêu trên không đồng ý gia hạn lệnh trừng phạt hiện hành và sẽ trì hoãn quyết định cho đến phút cuối cùng, chừng nào biện pháp trừng phạt chưa hết hạn”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận, các nhà lãnh đạo EU sẽ không quyết định biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Nga tại hội nghị cấp cao lần này. Tuy nhiên, EU có thể đưa ra quyết định vào tháng 6 tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 1 năm ngày Crimea sáp nhập vào Nga. Ảnh: Getty Images. |
Đại diện EU xác nhận, hiện tác giả đề xuất gia tăng trừng phạt Nga, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đang cố gắng thống nhất với Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp về sáng kiến của mình. Đề xuất của ông Tusk gắn việc duy trì án phạt cho đến khi thỏa thuận Minsk (về xung đột tại Ukraine) được thực hiện đầy đủ.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cũng nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt bổ sung của EU nhằm vào Nga trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông Ukraine.
Ông Martin Schulz nói: “Tôi hi vọng rằng thỏa thuận Minsk sẽ từng bước được thực hiện. Mặc dù chúng ta không có gì đảm bảo điều này sẽ được thực hiện, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy thỏa thuận này vẫn đang được tôn trọng. Tôi nghĩ đây là cách tốt nhất để tránh bất cứ biện pháp trừng phạt nào”.
Trong cuộc điện đàm ngày 18/3 giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Merkel, hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ không có việc dỡ bỏ các trừng phạt nhằm vào Nga cho đến khi Moscow tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn để tiến tới một giải pháp hòa bình và bền vững cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.
Trong một cuộc điện đàm khác cùng ngày với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh quyết định của Quốc hội Ukraine, thông qua dự luật “về danh sách các khu vực thuộc vùng Donbass được hưởng qui chế tự quản đặc biệt”.
Ông Baiden khẳng định đây là một phần trong thỏa thuận các bên đạt được tại Minsk, Belarus hồi tháng trước.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ukraine cũng thống nhất rằng, lệnh trừng phạt chống lại Nga sẽ chỉ được dỡ bỏ khi các bên tuân thủ đúng thỏa thuận Minsk và khẳng định phương Tây và Mỹ sẽ tiếp tục thắt chặt cấm vận Nga khi cáo buộc Moscow đang nhúng tay vào cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.
Phó Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố, chuyên gia Mỹ sẽ sớm tới Ukraine và hỗ trợ huấn luyện quân sự cho quân đội nước này. Bên cạnh đó, lô xe quân sự đầu tiên sẽ được chuyển tới Ukraine trong cuối tháng Ba để tăng cường khả năng phòng thủ đất nước của Kiev.
Về phía Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho rằng, dự luật vừa được Quốc hội Ukraine thông qua quá xa rời thỏa thuận Minsk vì đã thay đổi luật về qui chế đặc biệt của khu vực Đông Nam Ukraine bằng cách làm cho nó phụ thuộc vào các cuộc bầu cử tại các khu vực này mà không có sự tham gia của lãnh đạo hiện nay của hai nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk và Donesk.
Ngoại trưởng Lavrov kêu gọi Pháp và Đức, hai nước trong nhóm Bộ tứ Normandy, gây sức ép với Ukraine để thỏa thuận Minsk được thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh.
Trong một diễn biến khác, nói về quan hệ Nga – Ukraine, phát biểu ngày 18/3 tại cuộc mít tinh – hòa nhạc nhân kỷ niệm 1 năm Crimea sáp nhập vào Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ hi vọng sự chưa hiểu nhau và những vấn đề trong quan hệ hai nước sẽ được giải quyết trong tương lai không xa.
Tổng thống Putin nêu rõ, từ trước tới nay, người Nga luôn xem dân tộc Nga và Ukraine có cùng nguồn cội.
Thế nhưng, chủ nghĩa dân tộc vẫn thường gây hại và nguy hiểm. Nhân dân Ukraine sẽ đánh giá một cách khách quan và đúng đắn hành động của những người đã đẩy đất nước tới tình cảnh như ngày hôm nay.
Ông chủ Điện Kremli đồng thời nhấn mạnh, Nga sẽ làm tất cả có thể để giúp Ukraine vượt qua giai đoạn phức tạp này trong sự nghiệp phát triển của mình và để có thể nhanh nhất khôi phục lại các mối quan hệ bình thường giữa hai quốc gia.
Hơn 200 quan chức Mỹ và EU bị cấm nhập cảnh vào Nga Ngày 19/3, theo hãng tin Sputnik, hơn 200 chính trị gia và quan chức thuộc Mỹ và EU đã bị đưa vào danh sách những người nước ngoài bị cấm nhập cảnh vào Nga, trong đó Mỹ đứng đầu với hơn 60 người. Bộ trưởng Ngoại giao Nga từ chối đưa ra bình luận về quyết định này của Moscow, tuy nhiên, không loại trừ khả năng danh sách này “sẽ được mở rộng thêm”. Danh sách này bao gồm Chủ tịch Hạ viện John Boehner, lãnh đạo thiểu số Hạ viện Harry Reid, Phó trợ lý Tổng thống Mỹ Caroline Atkinson, các cố vấn Daniel Pfeiffer và Benjamin Rhodes, cũng như các Thượng nghị sĩ John McCain và Bob Menendez. |