IMF chỉ trích EU về gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp

09:03 16/07/2015
Ngày 15/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã quyết liệt chỉ trích thỏa thuận về gói cứu trợ mới cho Hy Lạp mà lãnh đạo các nước Khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp diễn ra trước đó một ngày. 

IMF đánh giá cơ cấu nợ hiện tại của Hy Lạp là “rất không bền vững”, và gánh nặng nợ của Athens trong thập kỷ tiếp theo sẽ lớn hơn nhiều so với ước tính của Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra cách đây hai tuần.

Mặc dù đã đạt thỏa thuận về gói cứu trợ mới, song Hy Lạp đã không thanh toán được khoản vay 456 triệu euro cho IMF đáo hạn ngày 13/7. Đây là lần thứ hai Hy Lạp lỡ hạn chót thanh toán nợ cho IMF, sau khi không trả được khoản vay 1,5 tỷ euro đáo hạn hôm 30/6 vừa qua. Hiện tổng số nợ đáo hạn chưa thanh toán cho IMF của Hy Lạp đã lên tới 2 tỷ euro. 

Nghiên cứu cập nhật về tình hình Hy Lạp của IMF chỉ ra rằng, các nước EU cần phải gia hạn thời gian thanh toán nợ cho Hy Lạp trong vòng 30 năm để Athens có thời gian giảm dần gánh nặng nợ cũng như phần nào phục hồi đà tăng trưởng kinh tế.

Nghiên cứu của IMF nhấn mạnh, Hy Lạp cần nhiều hơn khoản tiền cứu trợ trị giá khoảng 86 tỷ euro (94,6 tỷ USD) vừa đạt được với các nhà lãnh đạo Eurozone để có thể duy trì nền kinh tế ổn định. Đây là lần đầu tiên, sự bất đồng giữa IMF và các chủ nợ châu Âu của Hy Lạp được công bố. Một quan chức cấp cao giấu tên của IMF cho biết, thể chế tài chính này sẽ chỉ tham gia gói cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp nếu các đối tác EU triển khai một kế hoạch “cụ thể” và “bền vững” nhằm đảm bảo Athens có thể thanh toán các khoản nợ trong dài hạn.

Nhiều người dân Hy Lạp vẫn phản đối các điều khoản của chủ nợ. Ảnh: Reuters.

Trên thực tế, IMF quy định không cung cấp các khoản vay cho một nước nếu tình trạng nợ công của nước này không được đánh giá là “bền vững”. Trước đó, hồi cuối tuần qua, IMF đã gửi tới các nhà lãnh đạo EU một bản phân tích, trong đó dự đoán Hy Lạp sẽ không bao giờ có thể thanh toán các khoản nợ nếu liên minh này không triển khai các biện pháp “mạnh mẽ” trong chương trình cứu trợ mới để cắt giảm gánh nặng nợ. IMF đã đề xuất 3 sự lựa chọn, trong đó hoặc là gia hạn thời gian chi trả cho Hy Lạp trong vòng 30 năm; chuyển tiền mặt theo định kỳ cho Chính quyền Athens để trả nợ; hoặc xóa một phần số nợ hiện tại cho “xứ sở thần thoại”.

Biên tập viên trưởng về kinh tế của hãng tin BBC Robert Peston cho rằng, đánh giá của IMF sẽ khiến cho Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras gặp khó hơn trong việc thuyết phục các dân biểu Hy Lạp ủng hộ đề xuất cứu trợ tài chính vì nó đặt nghi vấn về giá trị pháp lý của các biện pháp cải cách (mà châu Âu đưa ra) cũng như ủng hộ việc xóa nợ mà dân Hy Lạp mong muốn....

Theo yêu cầu đầu tiên trong thỏa thuận mà các bên đạt được sau nhiều giờ đàm phán hôm 13/7, cho tới ngày 16/7, Quốc hội Hy Lạp phải thông qua ít nhất bốn điều khoản quan trọng trong kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách gồm tăng và mở rộng áp dụng thuế giá trị gia tăng; tăng tuổi về hưu và siết lại quỹ lương hưu; cải cách để viện thống kê quốc gia hoạt động độc lập; áp dụng cơ chế tự động cắt giảm chi tiêu trong trường hợp thâm hụt.

Ngoài ra, Athens cũng phải đưa ra thời hạn cụ thể để áp dụng các cải cách khác như sửa đổi các điều luật để khuyến khích người dân làm việc nhiều hơn, thay đổi quy định về đình công, siết chặt quản lý ngành tài chính, giảm chi phí hoạt động của bộ máy nhà nước...

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đánh giá đây là một “thỏa thuận đầy khó khăn” nhưng cần thiết để ổn định nền tài chính của nước này. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, việc cử tri bác bỏ những yêu cầu của các chủ nợ quốc tế trong cuộc trưng cầu ngày 5/7 đã không giúp Athens có thêm lợi thế trên bàn đàm phán như kỳ vọng.

“Lẽ sống của Syriza là chống lại thắt lưng buộc bụng và cải cách”, Giáo sư Hari Tsoukas đến từ Trường Kinh doanh Warwick (Anh) nhận định, “Làm sao mà Chính phủ Hy Lạp có thể theo đuổi một chương trình mà họ đã biểu tình chống lại nó?”. Thật vậy, ở thời điểm hiện tại, việc thực thi cải cách sẽ càng khó khăn hơn nữa vì Chính phủ Hy Lạp đang được dẫn dắt bởi một đảng đã mạnh mẽ phản đối cải cách các vấn đề nằm trong yêu cầu của các chủ nợ như an sinh xã hội, thủ tục hành chính, hệ thống thuế, tòa án và thuế kinh doanh.

Theo nhận định của giới chuyên gia, cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đã tạo điều kiện để một số quốc gia khác muốn tham gia vào eurozone có cơ hội cân nhắc, đánh giá lại thời điểm thích hợp để tham gia.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz khẳng định: “Không phải hôm nay, hay ngày mai hay trong 5 năm nữa. Chúng ta sẽ sử dụng đồng euro khi nào nó mang lại lợi ích cho người dân và đất nước”.

Beata Szydlo, một ứng cử viên thủ tướng trong cuộc bầu cử sắp tới, thì nhấn mạnh: “'Trừ khi eurozone giải quyết được những vấn đề nội tại của nó chúng tôi sẽ thảo luận việc gia nhập, bằng không Ba Lan sẽ trở thành Hy Lạp thứ 2”. Trong khi đó, Cố vấn kinh tế của Bộ Tài chính Cộng hòa Czech, Ales Michl nói: “Tham gia eurozone ư, sẽ tham gia nhưng không phải lao vào”.

Còn phát ngôn viên của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, ông Zoltan Kovacs thì cho biết: “Hungary sẽ tham gia eurozone nhưng không phải trong tương lai gần. Việc chưa đưa ra thời điểm cụ thể giúp Hungary có được nhiều thuận lợi như giữ được quyền kiểm soát thuế và chính sách tài khóa”.

IMF dự báo nợ công của Hy Lạp sẽ tương đương khoảng 200% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm tới, tăng hơn 20% so với ước tính trước đó, một phần do nền kinh tế tiếp tục suy thoái trong năm nay. Đến năm 2022, nợ công của Hy Lạp dự báo sẽ tương đương 170% GDP, thay vì mức dự báo 142% trước đó.
Khổng Hà

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文