IMF hạ dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu

05:53 21/04/2022

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 0,8% và 0,2% so với mức đưa ra hồi đầu năm. Theo thể chế tài chính này, nguyên nhân dẫn đến việc hạ dự báo triển vọng kinh tế là bởi xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp tục kéo dài, gây ra những tác động nặng nề ở nhiều lĩnh vực trên khắp thế giới.

Ngày 20/4 (giờ Việt Nam), IMF đã công bố bản báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" năm 2022 và 2023. Theo đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% trong hai năm này trước bối cảnh giá cả và tỉ lệ nợ công tăng cao. Về trung hạn, mức tăng trưởng được dự đoán sẽ giảm xuống 3,3%, thấp hơn mức trung bình 4,1% trong giai đoạn 2004 - 2013.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine "phủ bóng" triển vọng kinh tế thế giới. Nguồn: Ukrinform.

Ông Pierre-Olivier Gourinchas, Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF nhận định, về tình hình chung, cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài đã và đang gây ra những tác động tiêu cực lớn đối với nền kinh tế thế giới, đe dọa xóa bỏ những thành quả trong phục hồi kinh tế sau đại dịch.

"Cuộc xung đột tại Ukraine là diễn biến mới nhất trong chuỗi cú sốc nguồn cung đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây. Giống như sóng địa chấn, ảnh hưởng của nó sẽ lan truyền sâu rộng thông qua thị trường hàng hóa, liên kết thương mại và tài chính", ông Pierre Olivier Gourinchas nhấn mạnh.

Hơn nữa, sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc với việc đóng cửa thường xuyên hơn do đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các quốc gia châu Âu sẽ chứng kiến sự tăng trưởng chậm. Tình hình này cũng kéo theo sự sụt giảm đáng kể ở các nước đang phát triển, mới nổi và các nước được xếp hạng nghèo nhất.

Theo báo cáo của IMF, nền kinh tế của hai chủ thể chính trong cuộc xung đột là Nga và Ukraine sẽ suy giảm lần lượt là 8,5% và 35%. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 3,7% và 4,4%. Đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mức dự báo giảm xuống 2,8%, thấp hơn 1,1% so với dự đoán được đưa ra hồi đầu tháng 1.

Đầu tàu của khu vực này là Đức và Italia được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả vì nhu cầu năng lượng và các ngành sản xuất lơn của hai nước phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Nga. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Đức sẽ chỉ dừng ở mức 2,1% trong năm 2022, giảm mạnh so với mức dự báo 3,8% hồi tháng 1. Tương tự, Italia cũng chứng kiến tăng trưởng kinh tế năm 2022 giảm xuống còn 2,3%, thấp hơn so với mức 3,8% được dự đoán trước đó.

Về vấn đề lạm phát, ông Pierre-Olivier Gourinchas cảnh báo chỉ số này đang trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với nhiều nền kinh tế. IMF nêu rõ, lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao và kéo dài vì năng lượng và lương thực bị đội giá, thậm chí, tình trạng trên còn có thể xấu hơn nếu cán cân cung và cầu không đảm bảo.

Cụ thể, IMF dự báo lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức 5,7%, các nền kinh tế đang phát triển mới nổi là 8,7% trong năm nay, tăng lần lượt 1,8% và 2,8% so với dự báo đưa ra hồi tháng 1.

Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm hạn chế những tác động do lạm phát tăng mạnh đối với các gia đình nghèo thông qua việc hỗ trợ tạm thời và hướng tới các đối tượng cụ thể cũng như đảm bảo sự rõ ràng và minh bạch để không làm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước trong thời gian quá dài.

Ông Pierre-Olivier Gourinchas nhấn mạnh: "Người dân ở một số nước đã biểu tình do giá năng lượng, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu tăng rất nhanh. Các chính phủ có thể giảm nhẹ tác động từ việc giá cả tăng bằng các giải pháp hỗ trợ bộ phận dân số dễ bị tổn thương, trong đó có các giải pháp như chiết khấu hóa đơn dịch vụ thiết yếu hoặc hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình nghèo".

Euronews dẫn nhận định của giới chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, khuyến nghị mà ông Gourinchas đưa ra trái với quan điểm thường thấy của IMF, khi thể chế này hay phản đối và yêu cầu các nước dỡ bỏ trợ giá, thắt chặt chi tiêu để được hỗ trợ tài chính.

Được biết, trong các hội nghị mùa Xuân năm 2022 của IMF và Ngân hàng Thế giới, Giám đốc bộ phận tiền tệ và các thị trường vốn của IMF Tobias Adrian, cho rằng chính sách tiền tệ cần được thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát.

Nhưng sau đó, việc thắt chặt một cách mất kiểm soát đã gây ra không ít hệ lụy như hoạt động bán tháo hay sự mất giá của đồng tiền. Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, khuyến nghị này được cho là giải pháp tạm thời ít rủi ro nhất.

Cùng ngày, IMF đã công bố báo cáo "Ổn định tài chính Toàn cầu", nêu rõ rằng những rủi ro đối với sự ổn định tài chính gia tăng, mặc dù không có yếu tố mang tính hệ thống nào trên toàn cầu gây ra ảnh hưởng đến các tổ chức tài chính hay các thị trường tính tới thời điểm hiện tại.

Trong khi các nước Đông Âu và Trung Đông có quan hệ gần gũi với Nga, đã tăng lãi suất tiết kiệm thì các thị trường mới nổi và thị trường biên đối mặt với các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và khả năng thoái vốn gia tăng, hiện ở mức 30%, so với 20% như được nêu ra trong báo cáo hồi tháng 10/2021. IMF tái khẳng định, sự leo thang xung đột tại Ukraine, các lệnh trừng phạt liên quan cùng những rủi ro từ đại dịch COVID-19 gây ra sự sụt giảm mạnh giá tài sản.

Báo cáo hối thúc các hành động quyết liệt nhằm kiềm chế đà tăng của lạm phát và giải quyết những rủi ro tài chính, trong khi tránh việc thắt chặt bất hợp lý các điều kiện tài chính, điều có thể làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Linh Đan

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文