Một quyết định lịch sử của BRICS

06:30 26/08/2023

Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đã nhất trí kết nạp thêm 6 thành viên mới vào khối, gồm Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Đây là lần thứ hai khối này mở rộng sau 14 năm thành lập. Quyết định lịch sử này được đánh giá là sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục hy vọng xây dựng một trật tự mới và cũng là cơ hội lớn cho Nga trong bối cảnh bị cô lập hiện nay.

“Hổ mọc thêm cánh”

Sức mạnh kinh tế và chính trị của BRICS sẽ được tăng cường sau khi 6 quốc gia nêu trên trở thành thành viên chính thức của khối từ ngày 1/1/2024. Điều này có nghĩa là BRICS sẽ đại diện cho 47% dân số thế giới và 36% nền kinh tế toàn cầu. Thật vậy, bất chấp sự đa dạng của mình, BRICS sau khi được mở rộng sẽ có ảnh hưởng kinh tế “đáng gờm” hơn, với 6 trong số 10 quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới là thành viên.

Các nhà lãnh đạo BRICS. Ảnh: Reuters

Ông Gustavo de Carvalho, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi cho biết, việc kết nạp các quốc gia giàu dầu mỏ như Saudi Arabia, UAE và Iran phù hợp với ý tưởng sử dụng đồng nội tệ.

“Việc kết nạp 3 quốc gia xuất khẩu mạnh các sản phẩm dầu mỏ và năng lượng sẽ mang lại khả năng thanh khoản tiềm năng cho các thành viên BRICS”, ông De Carvalho nói và cho biết, hiện tại, các quốc gia này đang chuyển hướng xuất khẩu dầu sang Đông Á và Ấn Độ vì Mỹ không còn là khách hàng tiềm năng nữa.

Theo nhà nghiên cứu này, việc kết nạp Ai Cập không chỉ đưa một quốc gia Trung Đông khác gia nhập khối, mà nước này còn là thành viên tích cực của Liên minh châu Phi (AU) và nền kinh tế lớn thứ 2 ở châu Phi. Ông De Carvalho cũng lưu ý, Ai Cập là đối tác thương mại quan trọng của Nga và Trung Quốc, có kênh đào Suez chiến lược.

Bên cạnh đó, ông nhận định Iran rất quan trọng đối với Moscow, vì nước này có thể giúp tạo ra hành lang Bắc - Nam cho phép Nga – nước xuất khẩu ngũ cốc và dầu mỏ lớn – vận chuyển hàng hóa qua Vịnh Ba Tư đến châu Á và châu Phi, mà không cần đi qua Biển Đen hay Bắc Âu. Về Argentina, theo vị chuyên gia, đây là quốc gia có thu nhập trung bình khá cao.

Tuy nhiên, nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng do đồng nội tệ mất giá trong những năm gần đây. Ông cũng cho biết, Ethiopia có dân số đông và nền kinh tế đang phát triển, đồng thời với vị trí chiến lược ở vùng Sừng châu Phi và là trụ sở của AU, quốc gia này có tầm ảnh hưởng lớn trong các vấn đề khu vực. Nhà phân tích địa kinh tế Aly-Khan Satchu nhận định, những thành viên mới “nặng ký” của BRICS bao gồm Iran, Saudi Arabia và UAE.

Ông cho biết, Saudi Arabia và UAE có ngân sách dồi dào và có thể đóng vai trò như nước cho vay khi một thành viên rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính. Đối với Argentina, ông Satchu bình luận quốc gia này đã “gõ cửa” BRICS và điều quan trọng là phải đưa một quốc gia Mỹ Latinh vào khối dựa trên “quan điểm cân bằng lục địa”. Nhà phân tích này cũng nói thêm rằng, Ai Cập và Ethiopia là những nước có thế mạnh về nhân khẩu học ở châu Phi. Việc kết nạp hai quốc gia này vào BRICS cũng là cách đảm bảo các dự án của khối trong tương lai.

Quyết định mở rộng của BRICS được cho là một chiến thắng của Trung Quốc và Nga. Người đứng đầu Chương trình Châu Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Ryan Berg nhận định: “Đối với Trung Quốc, nó cho phép họ tiếp tục xây dựng những gì họ hy vọng là một trật tự lấy Bắc Kinh làm trung tâm. Đối với Nga, nước sẽ giữ chức Chủ tịch luân phiên của BRICS vào năm tới, họ coi đây là một cơ hội to lớn trong thời điểm bị cô lập đáng kể hiện nay”. Ngoài việc ứng phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây, BRICS cũng mang lại một động lực khác cho Nga khi khối này đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. 

Đừng đợi G7

BRICS được cho là đối trọng của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Theo quan điểm của nhà kinh tế học nổi tiếng Jim O'Neill - cựu Thư ký Thương mại Bộ Tài chính Anh được gọi là “cha đẻ” của BRICS, G7 ngày càng trở nên không phù hợp trong một thế giới có nhiều cường quốc mới nổi. Quả thực, kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, Mỹ đã tìm cách nâng cao vai trò của G7, gieo kỳ vọng lên một số thành viên trong “câu lạc bộ” này về tầm ảnh hưởng của họ trong nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, thực tế, từng thành viên G7 vẫn đang phải đối mặt trực tiếp với nhiều vấn đề nan giải, xuất phát từ chỉ một vấn đề trọng tâm - “phần đóng góp” của họ trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng giảm. Nhật Bản và Italy gần như không đạt mức tăng trưởng nào trong 20 năm qua. Đức cũng không phát triển tốt lắm. Vương quốc Anh cũng vậy, hầu như không tăng trưởng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Trên thực tế, G7 hiện là câu lạc bộ ngày càng bị Mỹ thống trị về mặt kinh tế.

Chắc chắn, khi nói đến các vấn đề toàn cầu - có thể là thách thức kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, bệnh truyền nhiễm hay bất kỳ mối quan tâm thực sự toàn cầu nào khác - riêng G7 không thể giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề này.

Không phải G7, những gì chúng ta đã và đang thấy trong thời gian qua là những nỗ lực chung của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong cuộc khủng hoảng tài chính vì trong nhóm bao gồm cả các thành viên BRICS và toàn bộ G7, để từ đó tạo nên một trung tâm hoạch định chính sách toàn cầu.

Trước những thách thức địa chính trị như hiện nay, khi ngày càng nhiều nền kinh tế mới nổi ngày càng lớn mạnh hơn, dường như không thể tránh khỏi vấn đề tiếng nói của họ có “sức nặng hơn” trong các vấn đề toàn cầu, bất chấp một số thách thức địa chính trị đi kèm.

Các nền kinh tế mới nổi cũng có đầy đủ tiềm năng để duy trì vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, cả hiện tại và tương lai. Bằng chứng là, hiện tại, Trung Quốc giữ vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về mặt danh nghĩa và lớn nhất về sức mua tương đương (PPP).

Trong vài năm tới, Ấn Độ sẵn sàng thách thức Đức để giành vị trí lớn thứ tư, sau khi vượt qua Pháp và Anh. Quỹ đạo tăng trưởng kết hợp của Trung Quốc và Ấn Độ có tác động đáng kể nhất đến GDP toàn cầu. Trong khi đó, một số nền kinh tế mới nổi khác cũng rất đáng chú ý, đặc biệt là Indonesia và Việt Nam - đang nổi lên ở châu Á. Ở Mỹ Latinh, Mexico và châu Phi, mặc dù có xuất phát điểm thấp hơn đáng kể nhưng các quốc gia như Nigeria, Ethiopia và Ai Cập đang dần thể hiện tầm quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia Jim O'Neill, hiện trong số 5 quốc gia BRICS, có 3 quốc gia không thể hiện được hiệu quả kinh tế mạnh mẽ trong hơn một thập niên qua. Nhưng vận mệnh của họ sẽ thay đổi nếu họ bắt tay vào những cải cách kinh tế đáng kể, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào giá cả hàng hóa và những biến động ở bên ngoài. Trong khi đó, dù gặp khá nhiều vấn đề bên trong nền kinh tế, nhưng Trung Quốc hiện vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Khổng Hà (tổng hợp)

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文