Những chuyến thăm trấn an Ukraine

05:26 11/11/2024

Trong bối cảnh chiến sự Ukraine ngày càng leo thang và tình hình hỗ trợ từ phía Mỹ trở nên "khó đoán" khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 5/11 vừa qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đang và sẽ tổ chức hàng loạt chuyến thăm cấp cao nhằm khẳng định cam kết bền vững với Kiev.

Ngày 9/11 (giờ địa phương), Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã bất ngờ đặt chân tới Ukraine, khẳng định mạnh mẽ rằng "sự hỗ trợ của EU cho Ukraine là không lay chuyển". Ông nhấn mạnh, "chúng ta cần chuyển giao vũ khí nhanh hơn, với ít giới hạn hơn về cách thức sử dụng". Chuyến thăm này được coi như một thông điệp mạnh mẽ gửi đến Ukraine trong bối cảnh tương lai chính sách của Mỹ có thể thay đổi dưới thời ông Donald Trump, người từng tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Ukraine trong thời gian ngắn.

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell (trái) cùng Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha thăm triển lãm trưng bày các phương tiện quân sự bị phá hủy, tại Kiev (Ukraine) ngày 9/11. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cùng ngày thừa nhận: "Bối cảnh chính trị đã thay đổi, đặt ra những thách thức mới cho Ukraine", ám chỉ đến khả năng một thỏa thuận có thể đạt được giữa Mỹ và Nga. Để củng cố tình đoàn kết, các quốc gia châu Âu sẽ tăng cường hợp tác và dự kiến tổ chức một loạt các cuộc gặp quan trọng.

Thủ tướng Donald Tusk chia sẻ: "Chúng tôi sẽ đón tiếp Tổng Thư ký NATO, cũng như thảo luận với các lãnh đạo Bắc Âu và vùng Baltic để đảm bảo sự chuẩn bị tốt nhất trước những thách thức mới mà khu vực này phải đối mặt". Nỗi lo của các lãnh đạo châu Âu không phải không có cơ sở. Một trợ lý cấp cao của Tổng thống đắc cử Donald Trump, ông Bryan Lanza, đã nhấn mạnh rằng, chính quyền mới có thể sẽ yêu cầu Ukraine phải có cách tiếp cận "thực tế hơn" về hòa bình, nhấn mạnh ưu tiên của Washington là ngừng giao tranh chứ không nhất thiết là lấy lại những vùng lãnh thổ đã được Nga sáp nhập.

Trong khi đó, căng thẳng tiếp tục gia tăng khi Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi cảnh báo về tình hình chiến sự leo thang nhanh chóng. Ông cũng đưa ra nhận định rằng, Quân đội Triều Tiên đang có mặt tại Nga và có thể sẵn sàng tham chiến cùng Quân đội Nga - điều mà cả Moscow và Bình Nhưỡng đã nhiều lần bác bỏ.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký Hiệp ước Đối tác chiến lược với Triều Tiên, cam kết hỗ trợ quân sự nếu một trong hai nước bị tấn công. Điều này có thể là một tín hiệu về khả năng hợp tác quân sự mạnh mẽ hơn giữa hai nước, đặt phương Tây vào thế khó và mở ra một chương mới đầy biến động trong cuộc xung đột Ukraine.

Như Thảo

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文