Dạy học tích hợp bao giờ và như thế nào?
Nhưng dạy học tích hợp là gì?
Trong bài Tích hợp là phương thức duy nhất để dạy học phát triển năng lực trên Báo Giáo dục và Thời đại, giáo sư Đinh Quang Báo, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, giải thích: "Nói một cách ngắn gọn, dạy học tích hợp là định hướng dạy học trong đó giáo viên tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập, đời sống; thông qua đó hình thành những kiến thức, kĩ năng mới; phát triển được những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề trong học tập và trong thực tiễn cuộc sống".
Ông cũng liệt kê các dạng dạy học tích hợp: tích hợp các nội dung trong một môn học; lồng ghép các nội dung giáo dục cần thiết nhưng không thành một môn học; tích hợp liên môn (theo các chủ đề, các nội dung gần nhau của các môn học); và tích hợp xuyên môn mà ví dụ là tích hợp 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên, 2 môn Lịch sử và Địa lý thành môn Lịch sử và Địa lý.
Giáo sư kết luận: "Như vậy, giáo viên phải biết phân tích nội dung môn học để thiết kế các hoạt động, sao cho khi thực hiện, học sinh phải vận dụng kiến thức kỹ năng ở các phạm vi rộng khác nhau, ứng với các mức độ tích hợp nêu trên, tương thích với các bối cảnh của quá trình dạy học".
Việc dạy học tích hợp được thực hiện như thế nào?
Trong cuộc trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới giải thích: "Dạy học tích hợp là xu thế chung của chương trình giáo dục phổ thông các nước. Tuy nhiên, có nhiều mức độ tích hợp khác nhau. Các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam mới tích hợp ở mức độ thấp, tức là tích hợp liên môn, chứ chưa phải là tích hợp ở mức độ cao như nhiều nước trên thế giới.
Tích hợp liên môn có nghĩa là, các nội dung vốn của từng môn học (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) vẫn được trình bày riêng nhưng được tổ chức lại một cách thống nhất để kiến thức ở các môn học hỗ trợ, soi sáng cho nhau (…)
Bên cạnh đó, chương trình mỗi môn học tích hợp sẽ có một số chủ đề học tập liên môn. Những chủ đề này thể hiện mức độ tích hợp cao hơn. Với đặc điểm tích hợp như trên, trong điều kiện các trường trung học cơ sở ở nước ta chỉ có giáo viên dạy đơn môn thì giáo viên môn nào sẽ vẫn dạy nội dung liên quan đến môn đó; còn về chủ đề tích hợp thì nội dung chủ đề thiên về môn học nào, giáo viên môn đó sẽ dạy".
Đa số các ý kiến tranh luận tập trung vào cách thức thực hiện các môn học tích hợp liên môn: 3 giáo viên dạy 1 môn với 3 phần nội dung đơn môn và 1 phần tích hợp sẽ phải phân bổ thời gian giảng dạy ra sao, đánh giá như thế nào, ra đề thi và kiểm tra ra sao?
Tổ chức khảo thí như thế nào, ai sẽ chịu trách nhiệm chính về môn học... Đây là những câu hỏi không dễ trả lời, nhưng vẫn chủ yếu liên quan đến khía cạnh hành chính và kỹ thuật của việc tổ chức thực hiện. Trong phần dưới đây chúng tôi muốn đề cập đến một vấn đề theo chúng tôi là cốt lõi hơn: Khi nào và cần có điều kiện gì để dạy học tích hợp phát huy tác dụng.
Trước hết, cần phải nói rằng, dạy học tích hợp tự nó không phải là phương pháp mới, và cũng không phải là phương pháp chưa bao giờ được áp dụng ở nước ta. Không những thế, đây còn là phương pháp dạy học cổ xưa nhất.
Ngay từ thời cổ đại, ở cả phương Đông lẫn phương Tây, phương pháp dạy học tích hợp đã không những phổ biến, mà còn là phương pháp dạy học thống soái. Socrates dạy học trò của ông gần như mọi thứ.
Đến lượt mình, Plato, học trò của Socrates, cũng dạy các học trò của mình gần như mọi thứ theo cách đó. Những gì nói về Socrates và Plato cũng đúng với Khổng Tử và các học trò của ông.
Trong các làng quê Việt Nam xưa, đối với học trò, ông thầy đồ là một dạng Khổng Tử thu nhỏ. Ở phương Tây trong nhiều thế kỷ, các gia đình quý tộc hoặc giàu có thuê gia sư dạy gần như mọi thứ cho con cái họ. Hình thức này ngay cả hiện nay cũng chưa phải là đã hết.
Phương pháp dạy học tích hợp là phương pháp thống soái trong quá khứ bởi vì khi đó giáo dục mang tính đặc tuyển. Khi đó, trong xã hội có rất ít người đi học và đó thường là những người có tài năng hoặc có những điều kiện xã hội đặc biệt, như con cái vua chúa, quan lại. Khi đó, số người làm thầy cũng rất ít, và họ thường cũng là những người rất tài năng.
Mặc dù vậy, ngay cả thời đó, sự phân hóa các môn học đã bắt đầu, vì không phải ông thầy nào giỏi toán cũng giỏi văn và nghệ thuật. Và ngay cả trong nghệ thuật, không phải mọi ông thầy giỏi âm nhạc cũng giỏi hội họa hay khiêu vũ.
Bước ngoặt diễn ra vào thời hiện đại với sự ra đời của nền giáo dục phổ thông như là hệ quả của tinh thần Khai sáng. Giáo dục phổ thông là một bước tiến vĩ đại trong lịch sử nhân loại, bởi vì nó cho phép hàng triệu, hàng trăm triệu - và ngày nay là hàng tỷ - người đi học. Nền giáo dục phổ thông hiện đại, đến lượt nó, lại cần hàng triệu, hàng trăm triệu giáo viên.
Ở Việt Nam, theo Bộ GD và ĐT, tổng số học sinh, sinh viên cả nước hiện nay là khoảng 22 triệu và tổng số giáo viên, giảng viên cả nước là khoảng 1,2 triệu. Trong khi đó, không phải giáo viên nào cũng là Socrates và không phải học trò nào cũng là Plato. Để giải quyết vấn đề này, người ta đã nghĩ ra một sáng kiến tuyệt vời: chia nhỏ nội dung chương trình thành những môn riêng biệt. Một số môn còn được chia nhỏ hơn nữa, thành các phân môn hẹp, hay thậm chí thành các modules tương đối độc lập.
Nhờ vậy, các giáo viên chỉ cần nghiên cứu và giảng dạy thật sâu một môn, phân môn hay một số modules nhất đinh. Điều này cho phép nhiều người có thể trở thành giáo viên mà toàn bộ chương trình giáo dục vẫn đảm bảo chất lượng.
Trong khi đó, vì người học vẫn được học tất cả các môn hay phân môn được thiết kế hài hòa trong chương trình, họ vẫn có hiểu biết tổng thể. Nói cách khác, yêu cầu giáo dục toàn diện vẫn được đảm bảo. Chính giải pháp cực kỳ thông minh này là chìa khóa để nhân loại đạt được những thành tựu vĩ đại trong phát triển khoa học, nâng cao dân trí trong mấy thế kỷ qua.
Tuy vậy, phương pháp dạy học đơn môn chưa bao giờ loại trừ khả năng tích hợp. Trên thực tế, trong quá trình xây dựng chương trình, soạn thảo sách giáo khoa và giảng dạy, người ta luôn luôn có xu hướng là gắn kết và phối hợp các môn và phân môn với nhau cũng như với thực tiễn cuộc sống.
Ví dụ, trong môn vật lý, khi giảng dạy về sóng hay tần số, người thầy hoàn toàn có thể liên hệ đến sóng âm và độ cao của âm thanh, từ đó liên hệ đến cao độ trong âm nhạc. Cũng vậy, khi dạy về lịch sử, người thầy vẫn có thể - và trên thực tế vẫn thường - liên hệ đến những vấn đề văn hóa, quan hệ quốc tế, đặc điểm địa lý gần gũi.
Ở đây, chúng tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh vai trò quyết định của người thầy. Mức độ và hiệu quả của phương pháp dạy học tích hợp trong giảng dạy phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào trình độ kiến thức và kỹ năng sư phạm của người thầy.
Trình độ kiến thức và kỹ năng sư phạm của người thầy càng cao thì mức độ và hiệu quả của phương pháp dạy tích hợp càng cao. Người thầy càng giống với các bậc trí giả bách khoa, thì tính tích hợp trong thực tiễn giảng dạy càng tăng lên và tầm quan trọng của sáng kiến dạy học đơn môn càng giảm đi - đó chính là những gì đang diễn ra ở những nước phát triển, nơi không chỉ "giáo trí" mà cả dân trí nói chung đều đạt đến một trình độ khá cao, nơi hoạt động dạy và học được hỗ trợ bởi những điều kiện kinh tế, kỹ thuật và xã hội rất thuận lợi.
Tính liên ngành của các hoạt nghiên cứu và kinh tế - xã hội trong cuộc cách mạng công nghiệp mới cũng thúc đẩy xu hướng này. Chính vì thế, trong nền giáo dục ở các nước phát triển hiện đang có xu hướng tăng cường, nói đúng hơn là trở lại, với phương pháp dạy học tích hợp.
Còn nước ta thì sao?
Phải thành thực nói rằng trình độ của giáo viên Việt Nam hiện vẫn còn rất hạn chế, nhiều người thậm chí chưa đáp ứng được yêu cầu của việc dạy học đơn môn.
Vì vậy, theo chúng tôi, phương pháp dạy học tích hợp, nhất là tích hợp máy móc, chưa phù hợp với nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Điều chúng ta nên làm, theo chúng tôi, là duy trì các đơn môn, nhưng rà soát sách giáo khoa, sao cho chúng hài hòa, gắn kết và bổ sung lẫn nhau.
Đồng thời, trong tài liệu hướng dẫn dành cho giáo viên cần có hướng chỉ dẫn cụ thể và hữu hiệu để họ có thể nâng cao khả năng liên hệ đến với các môn khác và với thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, việc cần nhất là nâng cao trình độ giáo viên, thông qua các khóa học hoặc các chính sách khuyến khích, để giáo viên mở rộng hiểu biết ngoài lĩnh vực chuyên môn hẹp của mình, từ đó nâng cao khả năng tích hợp các kiến thức liên môn vào bài giảng.
Mục đích của việc đổi mới chương trình, nói cho cùng, là làm cho nền giáo dục của chúng ta tốt hơn, hiệu quả hơn trong điều kiện của đất nước, chứ không phải là làm cho nó giống với các mô hình nước ngoài. Không có một mô hình giáo dục tốt cho mọi nước và mọi thời đại.
Đến một ngày nào đó, khi Việt Nam đã trở thành một nước phát triển, khi dân trí và giáo trí đạt đến trình độ cần thiết, có lẽ phương pháp dạy học tích hợp sẽ hiệu quả hơn. Nhưng đó là trong tương lai, đến một ngày nào đó.