Bản chất ký hiệu của tư tưởng hay là quê hương Xô Viết của Chủ nghĩa hậu hiện đại

09:25 24/10/2017
Sau Cách mạng Tháng Mười, các nhà khoa học Xô Viết trẻ tuổi như Voloshinov, Vưgotski, Medvedev… tự đặt ra cho mình một nhiệm vụ lớn lao, đó là xây dựng cơ sở cho một nền khoa học xã hội nhân văn Marxist đích thực, trước hết là tâm lý học. 

Ngay lập tức, họ nhận thấy tầm quan trọng quyết định của ngôn ngữ. Voloshinov viết: “…bản thân các cơ sở của khoa học Marxist về sáng tạo tư tưởng - cơ sở của khoa học luận, nghiên cứu văn học, nghiên cứu tôn giáo, đạo đức học, và nhiều ngành nghiên cứu khác… - hòa quyện chặt chẽ với các vấn đề của triết học ngôn ngữ (…) Ở đâu không có ngôn ngữ - ở đó cũng không có tư tưởng”. 

Đó là lý do tại sao với cả Voloshinov và Vưgotski, ngôn ngữ và tư duy là hai chủ đề trung tâm, gắn liền và trở đi trở lại.

Một trong những câu hỏi khó khăn nhất là câu hỏi về nguồn gốc của ngôn ngữ và tư duy. Engels viết trong bài Tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người: “Trước hết là lao động; sau lao động và đồng thời với lao động là ngôn ngữ; đó là hai sức kích thích chủ yếu đã ảnh hưởng đến bộ óc của con vượn, làm cho bộ óc đó dần dần biến chuyển thành bộ óc của con người”.

Nhưng quá trình hình thành tư duy và ngôn ngữ đã diễn ra như thế nào? – Đó là câu hỏi mà sau Voloshinov và Vưgotski bốn mươi năm, Trần Đức Thảo cũng đặt ra trong Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức. 

Ông viết: “Một trong những khó khăn chính của vấn đề cội nguồn của ý thức là biết đặt chính xác những bước khởi đầu của nó vào đâu. Phải vạch cụ thể ở đâu đường phân giới giữa cái tâm thần cảm giác - vận động của các động vật với cái tâm thần hữu thức mà chúng ta thấy được phát triển ở người?”.

Những công trình của Vưgotski về chủ đề này về sau được tập hợp in thành cuốn sách nổi tiếng Tư duy và ngôn ngữ (1934), còn những nghiên cứu của Voloshinov thể hiện tập trung nhất trong phần đầu của cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, mà trên thực tế là nỗ lực đầu tiên trong việc vận dụng quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng để nghiên cứu ngôn ngữ.

Ở đây, cần lưu ý rằng thuật ngữ “tư tưởng” được Voloshinov sử dụng để chỉ hàng loạt lĩnh vực như khoa học luận, nghiên cứu văn học, nghiên cứu tôn giáo, đạo đức học, và nhiều ngành nghiên cứu khác, nghĩa là rộng hơn rất nhiều so với cách nó được Marx sử dụng trong tác phẩm kinh điển Hệ tư tưởng Đức.

Áp dụng mô hình và quan điểm của các nhà kinh điển Marxist trong nghiên cứu vai trò của công cụ và tính gián tiếp của công cụ lao động, Voloshinov, đồng thời với Vưgotski, nhận ra tầm quan trọng quyết định của ký hiệu trong quá trình hình thành con người. Nhưng các vật thể vật lý – những công cụ lao động, những vật phẩm tiêu dùng hay bất cứ một đồ vật nào khác - trở thành ký hiệu như thế nào? 

Voloshinov viết: “Một vật thể vật lý, có thể gọi như vậy, đồng nhất với chính nó - nó không có nghĩa gì, nó hoàn toàn trùng khít với bản chất duy nhất của nó. Ở đây không có gì để nói về tư tưởng. Nhưng bất kỳ vật thể vật lý nào cũng có thể được tiếp nhận như là hình ảnh của một cái gì đó, chẳng hạn, như là hiện thân của quán tính hay tính tất yếu tự nhiên trong một vật cụ thể. 

Hình ảnh biểu tượng - nghệ thuật của một vật thể vật lý như vậy đã là sản phẩm tư tưởng. Vật thể vật lý ấy đã biến thành ký hiệu. Trong khi vẫn không ngừng là một phần của thực tại vật chất, vật thể đó, bằng một cách nhất định, đã phản ánh và khúc xạ một thực tại khác”.

Như vậy, mọi vật thể vật lý tự thân nó không có ý nghĩa, tự thân nó không phải là ký hiệu. Nhưng mọi vật thể vật lý đều có thể trở thành ký hiệu khi nó có một ý nghĩa, khi nó không chỉ tồn tại như một phần của thực tại, mà còn phản ánh và khúc xạ một thực tại khác, xuyên tạc hay trung thành với thực tại, phản ánh những quan điểm và đánh giá trong sự có thể tiếp nhận nó từ một góc nhìn nhất định nào đó. 

Theo Voloshinov, toàn bộ đời sống tư tưởng là đời sống ký hiệu: “Lĩnh vực của tư tưởng – Voloshinov khẳng định - trùng hợp với lĩnh vực của ký hiệu. Giữa chúng có thể đặt một dấu bằng. Ở đâu có ký hiệu - ở đó có tư tưởng. Bất kỳ cái gì thuộc về tư tưởng đều có ý nghĩa ký hiệu. 

Trong lĩnh vực của ký hiệu, tức là trong phạm vi tư tưởng, tồn tại những lĩnh vực khác biệt sâu sắc: ở đó bao gồm cả hình tượng nghệ thuật, biểu tượng tôn giáo, công thức khoa học lẫn quy phạm pháp luật v.v… 

Mỗi lĩnh vực sáng tạo tư tưởng hướng tới thực tại theo một cách riêng và cũng theo cách riêng nó khúc xạ thực tại. Mỗi lĩnh vực có một chức năng riêng biệt trong sự thống nhất của đời sống xã hội. Nhưng đặc điểm ký hiệu chính là cái chung quy định tất cả các hiện tượng tư tưởng”.

Tính độc đáo và cách mạng trong quan niệm về ký hiệu của Voloshinov thể hiện ở sự phân biệt giữa ký hiệu (знак) và tín hiệu (сигнал).

Ông viết: “Tín hiệu (сигнал) là cái cố định nội tại, vật duy nhất, trên thực tế không thay thế cái gì, không phản ánh hoặc khúc xạ cái gì, mà chỉ đơn thuần là một phương tiện kỹ thuật để dẫn chiếu đến vật này hay vật khác (xác định và cố định) hoặc đến hành động này hay hành động khác (cũng xác định và cố định!). Tín hiệu trong bất cứ trường hợp nào cũng không thuộc về lĩnh vực tư tưởng, tín hiệu thuộc về thế giới của những đồ vật kỹ thuật, về các công cụ sản xuất hiểu theo nghĩa rộng. 

Thậm chí còn xa lạ với lĩnh vực tư tưởng hơn nữa, là những tín hiệu liên quan đến phản xạ. Các tín hiệu này không có bất kỳ mối liên quan nào đến kỹ thuật sản xuất, xét trong mối quan hệ với cơ thể của động vật thí nghiệm, tức là, như là tín hiệu đối với nó”.

Để minh họa cho những lý giải này chúng tôi xin đưa ra một ví dụ. Giả sử chúng ta có ba loại túi dành cho phụ nữ do ba công ty khác nhau sản xuất mang nhãn hiệu lần lượt là Hadoda (Đồ da Hà Nội), Sadoda (Đồ da Sài Gòn) và Louis Vuitton. Ở xuất phát điểm, các nhãn hiệu này đơn thuần mang tính kỹ thuật: chúng là những tín hiệu kỹ thuật.  

Thông điệp của các tín hiệu này thuần túy mang tính kỹ thuật, cố định và ổn định, được nhận biết một cách khách quan, giúp nhận diện và phân loại các sản phẩm phục vụ cho những công việc cụ thể: người thủ kho xếp chúng vào các ngăn riêng, nhân viên ngành thuế xác định loại và mức thuế… Tuy nhiên, các mối quan hệ xã hội trong một cộng đồng người có thể đem lại cho các nhãn hiệu những ý nghĩa xã hội khác nhau.

Trước hết, ý nghĩa xã hội của ký hiệu này không nằm trong bản thân chúng, cũng không do người sản xuất toàn quyền quyết định, mà phụ thuộc vào người tiếp nhận.  

Nam giới có lẽ chẳng mấy ai quan tâm đến các nhãn hiệu này, còn phụ nữ thì cũng quan tâm ở mức độ khác nhau tùy theo tuổi tác. Không những thế, các yếu tố khác như sức khỏe, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế và địa vị xã hội của họ cũng ảnh hưởng đến sự quan tâm của họ – nghĩa là ảnh hưởng đến ý nghĩa mà họ gán cho các nhãn hiệu kia.

Nhưng ý nghĩa của các nhãn hiệu còn phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng tiếp nhận chúng. Voloshinov viết: “Ký hiệu chỉ có thể xuất hiện trên lãnh địa liên cá nhân, và lãnh địa này không phải là "tự nhiên" theo nghĩa trực tiếp của từ này: ngay cả giữa hai homo sapiens ký hiệu cũng không xuất hiện. Hai cá nhân cần phải được tổ chức theo nguyên tắc xã hội, phải tạo thành tập thể, chỉ khi đó giữa họ mới có thể hình thành môi trường ký hiệu”. 

Luận điểm này dẫn đến một kết luận quan trọng mà ta cũng gặp ở Vưgotski: ý nghĩa của ký hiệu được tạo ra trong quá trình giao tiếp xã hội của tập thể có tổ chức.

Ý nghĩa của ký hiệu cũng phụ thuộc vào tình huống tiếp nhận: trong chiến tranh, khi đang đối mặt với nguy cơ chết đói, có lẽ điều quan trọng không phải là nhãn hiệu nào, mà là cái túi nào bền hơn, chứa được nhiều lương thực hơn. 

Nói rộng ra, ý nghĩa của chúng phụ thuộc và bối cảnh văn hóa và khí quyển tinh thần trong đó các ký hiệu được tiếp nhận: Chàng thanh niên Pavel Korchagin trong Thép đã tôi thế đấy! của Nikolai A.Ostrovsky có thể coi nhãn hiệu Louis Vuitton như là biểu hiện xa hoa của giai cấp tư sản mà anh đang muốn loại bỏ, các thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo có thể coi đó là biểu tượng của phương Tây xa đọa, trong khi các cô gái ở Việt Nam hay Trung Quốc đầu thế kỷ XXI lại khao khát sở hữu nó để thể hiện sự sành điệu. 

Nói khái quát, ý nghĩa của ký hiệu phụ thuộc vào bầu khí quyển văn hóa bao quanh quá trình tiếp nhận. 

Voloshinov viết: “Thực tại của ký hiệu được xác định hoàn toàn bởi sự giao tiếp này. Bởi thực tại của ký hiệu không phải cái gì khác hơn là sự vật chất hóa sự giao tiếp ấy. Tất cả các ký hiệu tư tưởng đều như vậy”.

Chưa hết, ý nghĩa xã hội của một ký hiệu chỉ có thể có dựa trên sự hiện hữu của (và so sánh với) các ký hiệu khác. Nói cách khác, mọi ký hiệu đề có bản chất liên ký hiệu. 

Voloshinov viết tuyệt hay về vấn đề này: “…hiểu một ký hiệu có nghĩa là đối chiếu ký hiệu cần phải hiểu đó với một ký hiệu khác đã quen thuộc; nói cách khác, sự hiểu đối đáp lại ký hiệu bằng ký hiệu. Chuỗi sáng tạo tư tưởng và sự hiểu như vậy - đi từ ký hiệu đến ký hiệu và từ ký hiệu đó đến một ký hiệu mới - là một chuỗi nhất quán và liên tục: từ một mắt xích ký hiệu, cũng tức là một mắt xích vật chất, chúng ta di chuyển một cách liên tục đến một mắt xích ký hiệu khác. 

Không nơi nào bị đứt đoạn, không nơi nào chuỗi xích ấy rơi vào cái thực tại bên trong phi vật chất, không nơi nào không hiện thân thành ký hiệu. Sợi xích tư tưởng này kết nối các ý thức cá nhân, gắn chúng lại với nhau. Bởi vì các ký hiệu chỉ xuất hiện trong quá trình tương tác giữa ý thức cá nhân. Và chính ý thức cá nhân cũng đầy ắp ký hiệu. Ý thức chỉ trở thành ý thức khi được lấp đầy bằng nội dung tư tưởng, tức là nội dung ký hiệu, do đó, chỉ trong quá trình tương tác xã hội”.

Thật là một đoạn văn đầy ắp những ý tưởng vô song. Trong đoạn văn này, chúng ta có thể nhận ra những ý tưởng trung tâm của lý thuyết về văn bản của các nhà tư tưởng Hậu hiện đại như Roland Barthes, Derrida, Foucault… và nhất là Kristeva với khái niệm “liên văn bản” ngày nay gắn với tên tuổi của bà.

Chúng ta có thể tóm tắt luận điểm của Voloshinov: Toàn bộ lĩnh vực tư tưởng của con người là lĩnh vực của ký hiệu. Ký hiệu có bản chất xã hội. Ý nghĩa của ký hiệu là ý nghĩa xã hội, vì thế không ổn định mà năng động, mang tính tình huống, liên nhân, liên ký hiệu và được quy định bởi một khí quyển văn hóa bao quanh quá trình giao tiếp xã hội trong đó sự tiếp nhận ký hiệu diễn ra.

Những ý tưởng Marxist này khác biệt một cách căn bản với những ý tưởng trung tâm của chủ nghĩa hiện đại. Đó chính là nền tảng dẫn đến, hoặc dự báo, hầu hết các trường phái và khái niệm then chốt của khoa học xã hội và nhân văn nửa sau thế kỷ XX.

Với những ý tưởng cách mạng này, Voloshinov, cùng với các nhà khoa học Xô Viết như Vưgotsky và Medvedev, xứng đáng được coi là những vị tiền bối của Chủ nghĩa Hậu hiện đại.

Ngô Tự Lập

Đang còn trong khoảng thời gian mà nhiều người dân TP Hồ Chí Minh vẫn háo hức được trải nghiệm cảm giác được đi lại trên các đoàn tàu ngược xuôi trên tuyến Metro số 1, nên số lượng khách đi tàu hàng ngày được Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 - đơn vị vận hành, khai thác tuyến đưa ra đã cho thấy những tín hiệu đáng kỳ vọng. Nhưng xung quanh chuyện làm sao để thu hút khách đi tàu vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm…

Ngày 26/12, kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh tiến hành luận tội bị cáo Vũ Hoàng Oanh (Oanh “Hà”) và 34 đồng phạm trong vụ án “Mua bán; Vận chuyển; Tàng trữ  trái phép chất ma túy” với số lượng lớn, 626 kg ma túy.

Công an TP Vinh, Nghệ An vừa bắt giữ đối tượng Nguyễn Thế Sang (SN 1998) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Biên Hòa, Đồng Nai ra quyết định truy nã vì có liên quan đến vụ án Cố ý gây thương tích.

Cận Tết, tình trạng học sinh tàng trữ, sử dụng và tự chế tạo pháo nổ tại tỉnh Đắk Nông gia tăng, gây tổn thất với gia đình và để lại hậu quả nặng nề với xã hội. Nạn nhân mới đây là một nam sinh ở xã Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp, vì sử dụng pháo em đã mất cả bàn tay.

Ngày 26/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đang điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH xây dựng thương mại dịch vụ phát triển bất động sản An Lạc Tân (Công ty An Lạc Tân; địa chỉ tại số 12 đường số 1, phường An Lạc, quận Bình Tân) do ông Quách Mộc Tân làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật.

Ngày 26/12, Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Hoàng Anh (SN 1995, ngụ thành phố Vĩnh Long) để điều tra về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, đồng thời giám định khẩu súng cùng 15 viên đạn do đối tượng tàng trữ.

Võ Nguyễn Hoàng Nguyên đưa ra thông tin gian dối với nhiều người rằng, bản thân có mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên có khả năng giải quyết các thủ tục hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi những thông tin trên GCNQSDĐ, tách thửa và cấp GCNQSDĐ mới...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文