Danh sĩ đại thần triều Nguyễn Phan Thanh Giản: Minh tinh chín chữ lòng son tạc
- Xâm hại di tích lăng mộ các vợ vua triều Nguyễn: Bất cập công tác quản lý
- Chính sách của triều Nguyễn đối với người sống thọ
- Kim sách, kim ấn triều Nguyễn hồi hương sau 70 năm
Đất Bến Tre đã sinh ra những tên tuổi lẫy lừng Nguyễn Đình Chiểu, lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, Trần Văn Ơn, Lê Quang Quan, Ca Văn Thỉnh, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Ngọc Nhựt, nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), nhà bác học Trương Vĩnh Ký v.v...
Chỉ riêng tướng lĩnh cách mạng Bến Tre đã có tới 18 vị, mà nổi tiếng nhất là nữ tướng Nguyễn Thị Định... Đến nơi mới biết sự đầu tư của tỉnh Bến Tre cho việc tôn vinh các danh nhân là rất lớn và thật công phu. Đền thờ nào cũng được xây dựng trang trọng trong một khuôn viên rộng lớn. Đó là ý thức bảo tồn truyền thống rất đáng quý.
Trong chuyến “về nguồn” ấy, tôi đã rất toại nguyện được đến thăm đền thờ và lăng mộ cụ Phan Thanh Giản ở huyện Ba Tri. Cụ Phan là một nhân vật lịch sử và nhà thơ, nhà sử học lớn của dân tộc mà tôi rất khâm phục và ngưỡng mộ.
Đã 150 năm, kể từ ngày 4-8-1867, cụ Phan Thanh Giản kết thúc đời mình bằng 17 ngày nhịn ăn và chén thuốc độc tự sát vì buồn đau, thương dân thương nước. Bi kịch đời cụ là bi kịch lịch sử cần được làm sáng tỏ và trả lại cho cụ thanh danh. Và chuyện ấy đã thành sự thật từ 9 năm qua ở Bến Tre.
Khi thăm mộ và đền thờ Phan Thanh Giản, tôi thấy rất nhiều vòng hoa còn tươi mới của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Bến Tre, Huyện ủy, UBND, HĐND huyện Ba Tri, rồi các cơ quan, đoàn thể xã Bảo Thạnh, Ba Tri, đến viếng nhân ngày giỗ của cụ (mồng 4 tháng 8).
Nghĩa là đám giỗ cụ đã được tỉnh long trọng tổ chức, chỉ một tuần trước khi chúng tôi đến Bến Tre. Dịp này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cũng tổ chức lễ rước và an vị tượng Phan Thanh Giản tại khu di tích Văn Thánh miếu Vĩnh Long - nơi Kinh lược sứ đại thần Phan Thanh Giản tuẫn tiết. Pho tượng do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phụng hiến. Tượng đúc bằng đồng, cao 85cm, nặng 250kg, được tỉnh Vĩnh Long đặt trang trọng tại nơi thờ trong Văn Thánh miếu.
Nhà văn Nguyễn Nhật Nam cho biết, đây là việc mấy chục năm nay chưa từng xảy ra, chỉ giỗ cụ từ năm Mậu Tý 2008 mới có đến nay. Đền thờ và lăng mộ cụ Phan Thanh Giản vẫn nằm khiên tốn như gần trăm năm nay. Từ sau năm 1975, khói nhang tàn lạnh. Đến ngày giỗ cụ chỉ một số cháu chắt, bà con lặng lẽ nhang đèn.
Chúng tôi rất vui mừng khi được biết, ngày 24-1-2008, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Đặng Văn Bài có công văn gửi UBND tỉnh Bến Tre, cho biết Cục Di sản văn hóa đã làm việc với Viện Sử học và cơ quan này có công văn nêu rõ các nhà sử học đánh giá cao về công lao của cụ Phan Thanh Giản trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa. Cụ nổi tiếng thanh liêm, đạo đức, có nhiều đóng góp lớn đối với lịch sử dân tộc trên các lĩnh vực văn học, sử học...
Viện Sử học kết luận: “Với nhận thức mới trên quan điểm lịch sử cụ thể, nhân vật Phan Thanh Giản xứng đáng được tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau”. Đó là sự phán quyết công bằng. Như vậy cụ Phan Thanh Giản đã được giải oan sau gần 150 năm mang tiếng “bán nước”.
Chúng tôi ai cũng xúc động thắp nén nhang vái hương hồn cụ trong đền thờ và ngoài mộ. Đứng trước mộ, tôi bần thần nghĩ ngợi về cụ Phan Thanh Giản giỏi giang là thế, nhân cách là thế, yêu nước thương dân là thế mà suốt hơn thế kỷ rưỡi không được người đời hiểu đúng lòng mình. Chắc dưới suối vàng cụ đau lòng lắm!
Cụ Phan Thanh Giản sinh năm 1796, đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa thi Đình năm Bính Tuất (1826) ở Huế. Cụ là người đỗ Đại khoa tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ. Tháng 9-1835, cụ được phong Hiệp biện Đại học sĩ, đó là chức quan hàm tùng nhất phẩm, trên thượng thư một bậc.
Năm 1834, cụ được phong Sung cơ mật viện. 1848 đổi sang Thượng thư Bộ Lại; 1851 làm Kinh lược phó sứ Nam Kỳ; 1853 Thự hiệp biên đại học sĩ, Thượng thư Bộ Hình, Sung cơ mật viện; 1856: Chánh tổng tài Quốc sử quán...
Những năm 1836, 1840 bị giáng chức vì can ngăn vua, có năm phải đi khai mỏ vàng ở Thái Nguyên (1838), sau đó lại được phục hồi chức phẩm. Cụ là Tổng tài phụ trách việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục trong 3 năm 1856-1859, là bộ quốc sử đồ sộ, lớn nhất thời Nguyễn gồm 53 quyển.
Về văn thơ, cụ có Lương Khê thi thảo gồm 454 bài thơ và Lương Khê văn tập (1876) do các con tập hợp in năm 1876 sau khi cụ mất. Cụ còn có các tập thơ, nhật ký như Sứ Thanh thi tập, Tây phủ nhật ký, ghi chép trong chuyến đi sứ nhà thanh, đi Pháp...
Cụ cùng Nguyễn Thông đã có công lập nên Văn Thánh miếu và lập Văn Xương các ở Vĩnh Long... Chỉ ngần ấy thôi, cụ cũng đã là nhà văn, nhà văn hóa, nhà sử học lớn của dân tộc.
Nhưng nói về Phan Thanh Giản từ 150 năm nay, có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Không ít người cho rằng ông là người có tội trong việc để mất 6 tỉnh Nam Kỳ vào tay quân Pháp khi ông làm Chánh sứ toàn quyền đại thần ký hòa ước Nhâm Tuất 1862 với Pháp, từ đó có câu ca dân gian lên án Phan Thanh Giản “bán nước”: “Phan, Lâm mãi quốc; triều đình khí dân”.
Vua Tự Đức, ông vua “chủ hòa” cho rằng cụ đã làm mất Lục tỉnh Nam Kỳ, nên phán: “Xét phải tội chết, chưa đủ che được tội” và nghi án “truy đoạt lại chức hàm và đẽo bỏ tên ở bia tiến sĩ, để mãi cái án trảm giam hậu”.
Các nhà sử học cũng không đồng nhất quan điểm. Nhiều nhà sử học quê hương Nam Bộ hiểu nhân cách và khí tiết Phan Thanh Giản đã không đồng thuận với phán xét của Vua Tự Đức và quan điểm của chính sử đương thời.
Năm 1963, ở miền Bắc, kết luận tổng kết cuộc tranh luận về Phan Thanh Giản trên tạp chí Lịch sử, nhà sử học, giáo sư Trần Huy Liệu đã lần nữa lên án Phan Thanh Giảm phạm tội “bán nước”, “dâng thành hiến đất cho giặc...”. Dù vậy, cũng không giải tỏa được băn khoăn của nhân dân và giới sử học.
Nhưng quan niệm của đồng bào Nam Bộ lại khác với nhiều chính thể. Ngay sau khi cụ tuẫn tiết, nhân dân Vĩnh Long đã đưa linh vị cụ vào thờ ở Văn Thanh miếu. Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ, nhà yêu nước cùng thời, cùng sống ở Ba Tri với Phan Thanh Giản có thơ điếu ca ngợi cụ: “Minh tinh chín chữ lòng son tạc...”.
Trong Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong, cụ Đồ Chiểu viết về Phan Thanh Giản: “Phan học sĩ hết lòng mưu quốc”. 10 năm sau khi Phan Thanh Giản tự sát, năm 1886, vua Đồng Khánh đã xét lại công - tội của cụ và đã ra chiếu chỉ “khai phục nguyên hàm” và khắc lại tên trong bia tiến sĩ ở Văn Miếu Huế cho cụ. Dưới chân núi Ba Thê, Thoại Sơn, An Giang, có đền thờ Phan Thanh Giản từ trăm năm trước.
Ở xã Tương Bình Hiệp (Bình Dương), từ khi cụ mất, nhân dân đã thờ cụ ở đình làng. Và ngày 25-8-1924, Vua Khải Định đã sắc cho đình Tương Bình Hiệp thờ cụ làm thần.
Bản sắc dịch ra như sau: “Nay sắc cho xã Tương Bình Hiệp, tổng Bình Phú, tỉnh Thủ Dầu Một, phải phụng thờ Tam giáp Tiến sĩ, Hiệp tá đại học sĩ, Sung cơ mật viện đại thần Phan Thanh Giản tướng công làm thần giữ nước giúp dân. Vì ông thường linh ứng nên nhân tiết tứ tuẩn đại khánh trẫm ban bửu chiếu phong cho ông vào bậc Đoan túc Dực bảo Trung hưng Tôn thần, chuẩn cho phụng thờ ông là thần để giúp đỡ và che chở dân đen của ta...”.
Như vậy, các vua Nguyễn sau Tự Đức đã hiểu đúng công lao của Phan Thanh Giản!
Trước năm 1867, trong thư gửi cho Tổng đốc An Giang và Tổng đốc Hà Tiên, Chánh sứ Phan Thanh Giản viết: “Lá cờ ba sắc (chỉ cờ Pháp) không thể phấp phới bay trên một thành lũy ở đó Phan Thanh Giản còn sống...”.
Theo sử sách thì cụ Phan có 3 người con trai là Phan Hương, Pham Liêm và Phan Tôn, sau khi cha mất đã cầm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Ba Tri, Bến Tre, cuối năm 1867. Khi cuộc khởi nghĩa bị quân Pháp đàn áp, 3 anh em dùng thuyền chạy thoát ra Bình Thuận. Phan Hương, ở lại Phan Thiết, ẩn mình sống bằng nghề nông.
Còn Phan Tôn và Phan Liêm đi bộ ra Huế, sau đó theo Nguyễn Tri Phương ra Bắc chống Pháp, tử thủ bảo vệ thành Hà Nội. Sau khi bị bắt, hai anh em bị đưa sang Pháp.
Năm 1888, Chính phủ Pháp cho về lại Việt Nam, Phan Liêm được bổ làm Phủ doãn Thừa Thiên và là thầy dạy dỗ Bửu Lâm khi 10 tuổi, tức Vua Thành Thái lúc mới lên ngôi. Thầy Phan Liêm đã truyền cho vị vua trẻ ý chí chống Pháp, nên vua đã liên hệ với nhóm Trần Cao Vân kháng chiến, bị Pháp phế truất, đày sang đảo La Réunion...
Từ 20 năm trước, tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long phối hợp với Hội Khoa học lịch sử đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học lớn về Phan Thanh Giản với ý muốn làm rõ hơn công - tội của cụ.
Sau cuộc hội thảo này, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (lúc đó) đã có một bản kết luận rất sâu sắc và công tâm. Có thể đây là một cơ sở để giúp cho Cục Di sản và Viện Sử học đi đến quyết định “phục hồi danh dự” cho cụ Phan Thanh Giản từ năm 2008.
Trước năm 1975, ở miền Nam có tới hàng chục thành phố lấy tên Phan Thanh Giản đặt cho đường phố, trường học. Như đường Phan Thành Giản ở Sài Gòn; Trường trung học Phan Thanh Giản ở Đà Nẵng, Trường trung học mang tên Phan Thanh Giản ở Cần Thơ là một trường rất nổi tiếng, nhà thơ liệt sĩ Trần Quang Long “Thưa mẹ, trái tim” đã có thời gian dạy ở đây.
Trong sân trường này dựng tượng Phan Thanh Giản. Theo nhà văn Nguyễn Nhật Nam (Bến Tre), trước đã có tượng đồng cụ Phan Thanh Giản dựng ở Châu Thành, Bến Tre. Chứng tỏ tên tuổi, nhân cách Phan Thanh Giản đã thấm sâu vào lòng dân Lục tỉnh.
Người dân miền Tây hiểu rất rõ công - tội của cụ, rằng thời kỳ đó, triều đình Huế mới là nguyên nhân chính để mất Lục tỉnh Nam Kỳ, vì đã quyết “chủ hòa”. Cụ Phan Thanh Giản không thể tự mình làm trái ý vua. Nên không thể quy cho cụ tội “bán nước” hay “phản bội Tổ quốc”.
Đứng trước mộ cụ Phan Thanh Giản, tôi cứ nghĩ miên man về nỗi niềm lịch sử. Hết lòng vì dân vì nước nhưng lại không được người đời hiểu mình. Đó là bi kịch của nhiều người Việt Nam tài giỏi trong lịch sử cần được làm sáng tỏ, giống như cụ Phan Thanh Giản. Từ sau 1975, những đường phố, trường học mang tên Phan Thanh Giản đều bị gỡ bỏ.
Tượng cụ ở Châu Thành, ở Trường trung học Cần Thơ cũng bị dỡ. Hẳn nhiên bức tượng nằm trong lòng dân mới là vĩnh cửu. Tại kỳ họp lần thứ 13 HĐND tỉnh Bến Tre (4-2008) đã thông qua việc đổi tên Trường THPT Ba Tri thành Trường THPT Phan Thanh Giản từ năm học 2008-2009. Tượng cụ Phan Thanh Giản đã được dựng.
Rời Ba Tri, tôi cứ ước ao không chỉ ở Bến Tre, Vĩnh Long mà tên của đại thần Phan Thanh Giản tài hoa, một nhà văn hóa lớn sẽ được đặt cho nhiều trường học và đường phố ở miền Nam!
———————
(Sách tham khảo: Những vấn đề lịch sử về triều đại cuối cùng ở Việt Nam. Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế và tạp chí Xưa & Nay xuất bản, năm 2002).