Ai sẽ là chủ chiếc ghế quyền lực ở số 10 phố Downing

14:39 17/07/2016
Ngay sau khi cử tri Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, Thủ tướng David Cameron đã công bố quyết định từ chức. Đây chính là phát súng báo hiệu cuộc chạy đua vào vị trí thủ tướng mới của “xứ sở sương mù” bắt đầu. 


Với việc ông Cameron tuyên bố sẽ rời nhiệm sở vào tháng 10, tại cuộc họp của đảng Bảo thủ, một vài cá nhân nổi lên như là ứng cử viên hàng đầu thay thế ông ở vị trí nhà lãnh đạo của đảng Bảo thủ cũng như vị trí Thủ tướng Anh. Người tiếp nhận chiếc ghế quyền lực ở số 10 phố Downing từ ông Cameron sẽ phải quyết định thời điểm kích hoạt Điều 50 trong hiệp ước với EU, và bắt đầu các cuộc đàm phán về mối quan hệ mới giữa Anh và EU.

“Bà đầm thép” thứ hai

Người Anh đã nghiêng về phía sẽ ra khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23/6 - quyết định đã khiến chính trường và nền kinh tế Anh rơi vào bất ổn cũng như khiến vai trò lãnh đạo của đảng Bảo thủ cầm quyền bị thách thức sau khi Thủ tướng David Cameron cho biết sẽ từ chức vào tháng 10 tới để nhường đường cho người khác dẫn dắt quá trình Anh rời bỏ EU. 

Vừa qua, Đảng Bảo thủ đã tiến hành bỏ phiếu vòng 1 để lựa chọn ứng cử viên Thủ tướng thay thế ông Cameron, và chiến thắng áp đảo đã thuộc về Bộ trưởng Nội vụ Theresa May - người theo xu hướng ở lại EU. 

Lợi thế của nữ Bộ trưởng May càng được củng cố khi một ứng viên nặng ký khác là Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Stephen Crabb đã tuyên bố rút lui ngay sau khi kết quả được công bố và dành sự ủng hộ cho bà.

Theresa May.

Giới phân tích cho rằng gần như chắc chắn Anh sẽ có một nữ thủ tướng thứ 2 trong lịch sử, sau “bà đầm thép” Margaret Thatcher. Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, người ủng hộ Anh ở lại EU trước cuộc trưng cầu dân ý nổi lên là ứng viên hàng đầu. 

Được mệnh danh “bà đầm thép” thứ hai, Bộ trưởng Nội vụ 60 tuổi là nhân vật duy nhất có khả năng tập hợp được các phe phái mâu thuẫn trong nội bộ đảng Bảo thủ. Bà May là lãnh đạo tại vị lâu nhất của Bộ Nội vụ Anh trong vòng 50 năm qua.

Mức độ tín nhiệm của giới chức và người dân Anh dành cho bà May khá cao. Tránh cuộc “nội chiến” trong đảng Bảo thủ với những rạn nứt chi phối chiến dịch trưng cầu ý dân, Bộ trưởng Nội vụ Theresa May ở vào một vị thế đặc biệt hơn so với các ứng cử viên tiềm năng khác.

Mặc dù là một người có tư tưởng hoài nghi sự hội nhập châu Âu và giữ quan điểm cứng rắn trong vấn đề di cư, song bà May vẫn ủng hộ nước Anh ở lại EU, dù không vận động cho chiến dịch ở lại. Trong bài phát biểu tranh cử thủ tướng, bà May nhấn mạnh về khả năng “thống nhất nước Anh” và chữa lành các vết thương do Brexit gây ra. 

Theo bà, sau cuộc trưng cầu ý dân, Anh cần ban lãnh đạo mạnh mẽ để đưa đất nước vượt qua giai đoạn bất ổn về kinh tế, chính trị và cũng để thương lượng các điều khoản tốt nhất có thể khi Anh rời EU. 

Bà cho biết nếu trở thành thủ tướng sẽ không vội kích hoạt Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon (quy trình chính thức đưa một nước thành viên ra khỏi liên minh), mà trước mắt phải quyết định xong chiến lược đàm phán của Anh, nghĩa là không thể trước cuối năm 2016.

Andrea Leadsom.

“Bóng hồng” vô danh

Đối thủ của bà May, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Andrea Leadsom - đại diện cho chiến dịch rời khỏi EU - cho rằng Vương quốc Anh nên tiến hành theo Điều 50 sớm nhất có thể. Bà khẳng định việc làm này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới các doanh nghiệp và góp phần sớm ổn định kinh tế Anh. 

Bà nhận định: “Chúng ta cần nắm lấy cơ hội, đó không chỉ là việc Anh rời khỏi EU mà còn tạo cho kinh tế Anh một nền tảng chắc chắn. Anh là một nền kinh tế mở, hãy đến với Anh để đàm phán các hiệp định tự do thương mại sớm nhất có thể”. 

Nữ chính khách khẳng định, việc “ly hôn” EU nên được thực hiện càng sớm càng tốt do bà không muốn tiến trình đàm phán bị ảnh hưởng bởi sự khủng hoảng chính trị trong nội bộ Anh, cũng như lên tiếng kêu gọi đây là giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng di cư có nguy cơ đe dọa nền hòa bình ở Anh.

Từ chính khách ít được biết đến, “bóng hồng” thứ hai trong cuộc đua là Bộ trưởng Leadsom đã có thêm cơ hội tiến sâu hơn khi nhận được sự ủng hộ của cựu Thị trưởng London Boris Johnson - người đứng đầu chiến dịch vận động rời EU. 

Bà Andrea Leadsom cho rằng thủ tướng tiếp theo nên là người vận động ủng hộ Brexit, với tuyên bố rằng chỉ người nào có quan điểm đó mới có thể đại diện đúng đắn cho đất nước trong các cuộc đàm phán Anh ra khỏi EU. 

Tuy nhiên, bà May không đồng ý với nhận định này khi nói rằng các thành viên Đảng bảo thủ và toàn bộ đất nước “không chỉ trông đợi vào một thủ tướng chỉ tập trung vào Brexit mà là một cá nhân có thể lãnh đạo toàn bộ đất nước”.

Ngay lập tức, Bộ trưởng Năng lượng phản pháo và đặt dấu hỏi nghiêm túc đối với “thành tích” của bà May: thất bại thảm hại trong việc giảm di cư từ mức kỷ lục. Dù đã cam kết rằng sẽ giảm tỉ lệ nhập cư nhưng cho đến nay vẫn chưa đưa ra tín hiệu nào trong khi khung thời gian cụ thể cũng không được công bố. 

Đáp trả, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng bà Andrea Leadsom thì có tham vọng thực hiện những kế hoạch của mình cho thời kỳ hậu Brexit do bà rất ủng hộ việc rời EU, nhưng lại “non” kinh nghiệm chính trường hơn Bộ trưởng May và chỉ nên làm… phụ tá cho mình.

Michael Gove.

Quý ông “bên lề”

Trước khi danh sách chính thức được công bố, có nhiều đồn đoán rằng cựu thị trưởng London Boris Johnson là ứng viên sáng giá cho ghế thủ tướng. Tuy nhiên, ngày 30-6, ông này đã bất ngờ tuyên bố không ra tranh cử chức chủ tịch đảng Bảo thủ - vị trí trở thành Thủ tướng Anh. 

Thay vào đó, Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove, 48 tuổi, một trong những đồng minh thân cận của ông Johnson trong phe Brexit - người được cho là sẽ hậu thuẫn chính khách này ứng cử vào vị trí lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ - bất ngờ tuyên bố ra tranh cử chức thủ tướng Anh với lý do “ông Johnson không có khả năng lãnh đạo hay xây dựng đội ngũ cho các nhiệm vụ phía trước”. 

Được đánh giá là ứng viên bất ngờ trong vòng đua này do từng nhiều lần khẳng định không quan tâm đến vị trí thủ tướng, ông Michael Gove lại là chính trị gia nhận được sự ủng hộ lớn từ các thành viên trong đảng Bảo thủ. Bộ trưởng Michael Gove là một người bạn thân của ông Cameron và cũng là người dẫn đầu chiến dịch Brexit tại Anh.

Theo kết quả một cuộc thăm dò trên trang web của đảng Bảo thủ, 31% thành viên trong đảng muốn ông là người kế nhiệm Thủ tướng Cameron. Trong phát biểu ngày 24-6, ông Gove đã ca ngợi ông Cameron là một trong những chính trị gia lỗi lạc nhất của thế hệ này, đồng thời cũng “tranh thủ” hé lộ khả năng tranh cử vào vị trí của ông Cameron trong thời gian tới, và lên tiếng trấn an người dân trước sự hỗn loạn do Brexit gây ra. 

Dù ai trở thành Thủ tướng Anh và ngồi vào chiếc ghế ở số 10 phố Downing, họ cũng sẽ phải giải quyết những khó khăn thời kỳ hậu Brexit.

Thông điệp vận động tranh cử của Michael Gove rất rõ ràng: cuộc trưng cầu dân ý với kết quả ủng hộ Anh rời EU cho thấy người dân đang hoang mang lẫn giận dữ bởi họ cảm thấy bị nền chính trị và những lãnh đạo cấp cao bỏ rơi. 

Đảng Bảo thủ cần một người dẫn dắt hiểu cách xây dựng cuộc sống mới trong điều kiện không có nhiều thuận lợi nhằm đưa đất nước gắn kết trở lại. Ứng viên này cũng tuyên bố sẽ thực hiện lời hứa của phe vận động Brexit là dành 100 triệu bảng mỗi tuần cho dịch vụ y tế quốc gia nhằm thu hút sự ủng hộ của các nghị sỹ Bảo thủ ủng hộ Brexit.

Lời kết

Hiện nay, cuộc đua tới số 10 phố Downing chỉ còn ba ứng cử viên, với duy nhất bà May có quan điểm ủng hộ ở lại EU. Tuy nhiên, đảng Bảo thủ chưa thể hiện sự ủng hộ cho ứng cử viên cụ thể nào. 

Nhiều người cho rằng lãnh đạo tiếp theo cần phải là người ủng hộ rời đi, trong khi những người chỉ trích khác lại thể hiện quan điểm nước Anh không chỉ cần một “nhà lãnh đạo Brexit” mà là một người có thể “chèo lái” đất nước hoạt động hiệu quả trong mọi lĩnh vực. 

Kết quả cuối cùng về hai ứng viên tranh cử vị trí Thủ tướng Anh sẽ được công bố vào đầu tháng 9 tới. Từ nay đến lúc đó, các ứng viên có hai tháng để vận động tranh cử trước 150.000 nghị sỹ đảng Bảo thủ. Vì vậy, hiện giờ còn quá sớm để chắc chắn “mèo nào cắn mỉu nào”. Dù người chiến thắng là ai, họ cũng sẽ phải giải quyết những khó khăn thời kỳ hậu Brexit…

Anh Lâm

Khi biết Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (Trung tâm CNSH) triển khai dự án trên 425 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã làm quen, mua chuộc những lãnh đạo chủ chốt, bằng cách thường xuyên thăm hỏi, biếu quà. Khi đã thân thiết, Nhàn nhờ các lãnh đạo nâng giá thiết bị, nâng dự toán theo ý Nhàn. Sau đó, Nhàn lập liên danh dự thầu, bày "quân xanh" , thâu tóm các gói thầu, để AIC ngồi không hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng.

Sự phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ phải tiếp xúc với tin giả. Việc người dùng mạng xã hội thường xuyên phải tiếp cận với tin giả có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Thế nên việc nhận diện và xử lý tin giả là rất quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/5 cho biết, một lần nữa cầu Crimea lại nằm trong tầm ngắm của Kiev với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bà Zakharova cảnh báo, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea đều sẽ bị đáp trả nặng nề.

Cơ quan phòng vệ dân sự bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil, ngày 3/5 (giờ địa phương) cho biết trận lũ lụt kỷ lục ở bang đã khiến 39 người thiệt mạng và 68 người khác vẫn mất tích, buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đang được triển khai xây dựng theo kiểu “rùa bò”, chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giải tỏa đền bù gặp khó khăn. Trong khi trường mới chưa được xây xong, thầy cô giáo cùng 562 học sinh nhà trường phải dạy và học trong ngôi trường cũ xập xệ, mất an toàn.

Một quan chức Liên hợp quốc (LHQ) cho hay, bất kỳ một cuộc tấn công bộ binh nào nhằm vào thành phố Rafah đều sẽ gây ra đau khổ, tổn thất lớn đối với cả triệu người Palestine tị nạn tại đây.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ các cá nhân riêng lẻ thực hiện, mà nay hoạt động này còn được “nâng cấp” bởi những ổ nhóm tội phạm có tổ chức dưới mác công ty, tập đoàn. Thay vì thành lập công ty, tập đoàn để hoạt động kinh doanh, sản xuất, mang lại giá trị tinh thần, vất chất cho xã hội, không ít đối tượng đã lấy đó làm bình phong để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở rồi cưỡng đoạt tài sản.

Tại dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, đang được UBND TP Hà Nội lấy ý kiến người dân, TP lên kế hoạch cấm các hoạt động, sự kiện dưới hình thức thuần túy hội chợ thương mại, chương trình khuyến mại, giới thiệu sản phẩm... quanh phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận.

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文