Bài 4: Trần Khánh Dư, chủ nghĩa tự do cá nhân
- Bài 1: Những tiền nhân lạc thời
- Bài 2: Minh Mạng, bậc minh quân lỡ làng
- Bài 3: Nguyễn Trường Tộ: “Một kiếp sa chân muôn kiếp hận”
“Đại Việt sử ký toàn thư” viết về ông: "Khánh Dư tính tham lam, những nơi ông ta trấn nhậm, mọi người đều rất ghét. Nhân Tông chỉ tiếc ông có tài làm tướng, nên không nỡ bỏ mà thôi". Có thể nói, Khánh Dư là một nhân vật nửa chính nửa tà.
Trần Khánh Dư quê ở Chí Linh, Hải Dương, cha là Thượng tướng Nhân Huệ hầu Trần Phó Duyệt. Trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất vào năm 1258, Trần Khánh Dư có công đánh úp quân giặc, rồi sau đó ông đánh người man ở vùng núi.
Công lao nhiều, lại sở hữu thiên tư đặc biệt nên ông được hoàng đế nhà Trần nhận làm “Thiên tử nghĩa nam” (con nuôi của vua). Nhờ thế, Khánh Dư được tự do đi vào cung cấm và ở đó ông có cơ hội gặp Thiên Thụy công chúa, nàng là con gái của vua Trần Thánh Tông. Trần Khánh Dư và Thiên Thụy yêu nhau từ khi ấy.
Nhưng một biến cố xảy đến khi Hưng Đạo Vương lại xin Thiên Thụy cho con trai Trần Quốc Nghiễn. Vua Trần Thánh Tông để làm đẹp lòng Hưng Đạo Vương nên đã đồng ý cho Thiên Thụy về Vạn Kiếp. Tuy vậy, Trần Khánh Dư và Thiên Thụy vẫn lén lút qua lại với nhau.
Chuyện vỡ lỡ, Trần Khánh Dư bị phạt vì tội thông dâm. Vua Trần tuyên án tử hình Trần Khánh Dư, sai quân lính dùng roi đánh kẻ phạm tội đến chết. Nhưng vì quá yêu tài ông, vẫn lén dặn lính chúc gậy xuống để đánh 100 gậy. Theo luật thời đó, quá 100 gậy sống thì trời tha, cho nên Trần Khánh Dư được sống. Mối tình niên thiếu của Thiên Thụy và Trần Khánh Dư đã bị đứt đoạn vì một cuộc hôn nhân chính trị.
Trong thời đại phong kiến, tự do con người chỉ đẩy về hàng thứ yếu, tình yêu chỉ là mộng ảo khi hôn nhân đều đặt trong vấn đề quốc gia và dòng tộc. Trước Thiên Thụy công chúa có Lý Chiêu Hoàng, có Thuận Thiên công chúa... đều là những phận đời long đong qua tay người đàn ông này đến người đàn ông kia để phục vụ cho mục đích chính trị.
Trần Khánh Dư đã đi ngược với thời đại, đạp lên những tôn ti thông thường, để tôn vinh tự do cá nhân của bản thân ông và tình yêu của ông. Trần Khánh Dư - Thiên Thụy là ngoại tình, là thông dâm, không thể biện hộ nhưng đó chính là bi kịch cuộc đời trong đi tìm tự do cá nhân.
Đền thờ Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư tại Vân Đồn. |
Chúng ta hẳn biết Việt Nam là một nền văn minh lúa nước, văn hóa Việt Nam coi trọng nông nghiệp hơn là giao thương. Trần Khánh Dư chính là một vị tướng đã làm thương nghiệp ngay từ khi nhà Trần chỉ mải miết coi trọng nông nghiệp.
Ông sau khi bị xử tội về vụ án thông dâm với Thiên Thụy công chúa đã chèo thuyền đi... bán than. Một vị “Thiên tử nghĩa nam” giờ đi buôn bán, kiếm giá trị lợi nhuận. Về sau, khi ông được vua cho phục chức cũ, được Hưng Đạo vương giao cho giữ chức phó tướng giữ Vân Đồn, Trần Khánh Dư đã làm thêm một vụ buôn bán nữa.
Khi đến Vân Đồn, nhận thấy tục ở đây lấy buôn bán làm sinh nhai, nên ăn uống, y phục đều trông vào khách buôn phương Bắc, dẫn đến quần áo, đồ dùng đều theo tục người Bắc.
Khánh Dư liền điểm duyệt quân các trang, hạ lệnh rằng: "Quân đóng ở Vân Đồn là để ngăn giữ giặc Hồ, do vậy không thể đội nón của phương Bắc. Trong khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi, ai trái lệnh tất phải phạt".
Lệnh đã hạ, sai người ngầm bảo: "Hôm nọ thấy ở trước cảng, có người chở nón Ma Lôi đậu".
Thế là người trong trang nối gót nhau tranh mua nón, bắt đầu mua mỗi cái nón không quá một tiền, đến sau giá cao một tấm vải. Thế nguồn gốc các nón đó ở đâu? Chính là do Trần Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, cho thuyền đến đậu ở trong cảng rồi. Trần Khánh Dư quả nhiên là “tay buôn” tầm cỡ cả về chính sách đầu cơ.
Nhưng điều để Trần Khánh Dư được thờ cúng đến hôm nay vẫn là ở công lao bảo vệ bờ cõi qua trận hải chiến Vân Đồn - bước ngoặt trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 vào năm 1288. Đời sau thường nhắc đến trận chiến Bạch Đằng 1288 như là điểm nhấn của cuộc chiến, tuy vậy nếu không có trận Vân Đồn, sẽ không có trận Bạch Đằng.
Vì trận chiến năm 1288, Trần Hưng Đạo đã tiêu diệt đoàn thuyền của giặc phương Bắc... đang rút chạy, bởi nghe tin Trương Văn Hổ đã bị Trần Khánh Dư đánh bại ở Vân Đồn.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ngày 30-12-1287, thủy quân Nguyên do Ô Mã Nhi gồm 650 chiến thuyền đánh vào Vân Đồn. Trần Khánh Dư chỉ có 100 chiến thuyền nên không chống đỡ nổi địch, thất bại nhanh chóng. Tin đến tai triều đình, vua Trần sai trung sứ xiềng Khánh Dư giải về kinh.
Khánh Dư nói: "Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn". Vua Trần thấy được sự tự tin của Trần Khánh Dư nên đã đồng ý cho ông lập công chuộc tội. Vì lợi dụng được bọn nội gián nên ông biết được con đường tải lương của giặc.
Ông lập tức thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả nhiên đến, Trần Khánh Dư đánh bại chúng, bắt được quân lương, khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều...”.
Vấn đề là mọi thứ có đơn giản như vậy không?
Hãy quay lại tính cách của Trần Khánh Dư, người từng nói một câu như thế này: "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?". Đi sâu vào cuộc đời của Trần Khánh Dư, bạn có thể thấy, ông sẵn sàng “lợi dụng chức vụ và quyền hạn để trục lợi” trên chính người lính của mình, điển hình là chuyện nón Ma Lôi.
Do đó, từ lời nói và hành động mà suy thì Trần Khánh Dư là người sẵn sàng nướng quân vì mục đích cao hơn? Ngoài ra, lời đề tựa cuốn Vạn kiếp bí truyền thư, cuốn sách bày binh bố trận của Trần Hưng Đạo có một câu: “Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận. Người giỏi bày trận thì không cần phải đánh. Người giỏi đánh thì không thua. Người giỏi thua thì không chết”.
Nghe như một câu nào đó trong Binh pháp Tôn Tử, hay lời của Tào Tháo, của Khổng Minh... trong Tam Quốc diễn nghĩa. Không, đấy là câu nói của Trần Khánh Dư. Ngẫm đi ngẫm lại, chỉ có thể dành cho hai từ tuyệt diệu. Trần Khánh Dư là người biết... cách thua. Vậy câu hỏi đặt ra, Trần Khánh Dư có thật sự thua Ô Mã Nhi như chính sử đã chép? Hay là ông cố tình thua?
Trần Khánh Dư là tướng tài, đã là tướng tài thì nào lại không hiểu cái cốt lõi của quân Nguyên Mông: đó là lương thực. Trong hai cuộc chiến đầu tiên, Trần Thủ Độ và Trần Hưng Đạo đã áp dụng chiến lược "vườn không nhà trống” mà thắng lợi. Thua lần 1 và lần 2 cùng một lý do thì cớ gì quân Nguyên Mông không biết rút kinh nghiệm trong lần đánh Đại Việt thứ 3 (minh chứng ở chuyện, Thoát Hoan đã cho đoàn thuyền chở nhiều lương thực sang hỗ trợ).
Nếu quân Nguyên Mông biết rút kinh nghiệm thì cớ gì Trần Khánh Dư lại không biết mà tấn công vào đó? Tức là Trần Khánh Dư đánh Trương Văn Hổ (người chở lương) là chính, chứ đâu phải đánh Ô Mã Nhi (người chở lính)! Kết hợp cả 3 yếu tố này lại, ta có gì đây? Trần Khánh Dư đã “nướng quân” lần 1 với Ô Mã Nhi, tất cả để dồn chủ lực mà tiêu diệt Trương Văn Hổ, tạo nên trận Vân Đồn, khiến gió đổi chiều trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3?
Năm 1323, tức 35 năm sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3, Trần Khánh Dư xin từ quan. Ở những năm cuối đời, ông đã góp phần khai khẩn nên hai xã Yên Nhân và Yên Đồng, của huyện Ý Yên (Nam Định) ngày nay.
Năm 1340, Trần Khánh Dư mất, khép lại chặng đời của một vị tướng thật đặc biệt trong lịch sử phong kiến của Việt Nam - một bậc tài hoa nhưng không hoàn hảo, một “cơn gió chướng” trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.
Giữa thời đại phong kiến, Trần Khánh Dư đã coi trọng tự do cá nhân và đạp bằng dư luận mà sống. Đồng thời, ông còn là một vị tướng thiên tài, một quý tộc đặc sắc, cùng một nỗi niềm cô đơn trong mối tình oan nghiệt.