Bạo loạn ở Kyrgyzstan: Lại “cùng tắc biến”

16:36 16/04/2010
Phe đối lập ở Kyrgyzstan đã bắt đầu cuộc chính biến mới ngày 6/4/2010 từ thành phố Talas ở miền Bắc đất nước. Thoạt tiên là một nhóm người có vẻ như tự phát, kéo tới chiếm trụ sở chính quyền địa phương và đã tấn công cả cơ quan nội vụ tỉnh. Mặc dầu các đơn vị đặc nhiệm và cảnh sát được phái tới nhưng đã bất lực trước làn sóng công phẫn tột độ của những người bạo loạn.

Xung đột đẫm máu đã bùng nổ tới đêm khuya. Và sáng hôm sau, làn sóng biểu tình kèm theo đập phá đã lan ra nhiều địa phương khác, kể cả thủ đô Biskech.  Và chỉ sau vài ngày hỗn loạn đẫm máu, phe đối lập đã tuyên bố làm chủ đất nước. Tổng thống bị lật đổ Kurmanbek Bakyiev phải bỏ chạy về miền Nam để tìm cơ hội phục thù.

Những gì mới diễn ra ở Kyrgyzstan xem ra rất giống với cuộc "dân nổi can qua" từng diễn ra ở đất nước Trung Á này cách đây 5 năm. Cũng chính khi trong tình thế "cùng tắc biến", sự công phẫn của quần chúng nhân dân cộng với các khẩu hiệu chính trị rất hào nhoáng và các vụ đập phá theo kiểu vô chính phủ (tất cả những gì đã  tạo nên cái gọi là "cuộc cách mạng hoa tuy líp") đã đưa thủ lĩnh phe đối lập lúc đó là ông Kurmanbek Bakyiev lên chức Tổng thống. Gậy ông đập lưng ông, giờ đây phe đối lập đã sử dụng đúng bài bản mà ông Bakyiev đã triển khai để lật đổ chính ông.

Mùa nổi loạn

Đã từ không chỉ một năm nay tại Kyrgyzstan, mùa xuân  đã trở thành thời điểm thuận lợi cho những lực lượng không hài lòng với chính quyền đương nhiệm  tụ họp cùng nhau để thử "chọc trời khuấy nước" muốn tới đâu thì tới. Có nhiều lý do để dẫn tới việc này mà trong đó, thời tiết ấm áp có lẽ cũng là một lý do quan trọng để tập hợp quần chúng ngoài trời.

Mùa xuân năm ngoái (2009), phe đối lập cũng đã huy động khá đông những người ủng hộ mình tiến hành những cuộc biểu tình phản đối chính phủ nhưng khi đó, ông Bakyiev đã tìm ra được một giải pháp khôn ngoan: tuyên bố tiến hành bầu cử Tổng thống trước thời hạn. Bằng cách có vẻ như chiều theo ý phe đối lập, ông Bakyiev đã hạ được nhiệt trên chính trường Kyrgyzstan: thay vì  bạo động đường phố là một cuộc bầu cử. Trong cuộc bầu cử đó, ông Bakyiev vẫn duy trì được vị thế của mình với 90% số phiếu bầu. Phe đối lập dù vẫn kêu ca về những sự này sự nọ không phải lẽ lắm trong bầu cử nhưng vẫn đành bó tay thúc thủ, chờ cơ hội mới.

Và cơ hội mới đã tới với phe đối lập ngay từ đầu năm 2010. Do những khó khăn có thể là khách quan, giá điện và nước sưởi ấm ở Kyrgyzstan đã tăng khá mạnh ngay từ tháng 1/2010 vì chính phủ muốn sử dụng biện pháp này để có thể có khả năng tài chính nhằm hiện đại hóa hệ thống nhiên liệu của đất nước. Họa vô đơn chí, đồng thời với việc đó là sự tăng giá của điện thoại di động khi chính sách thu tiền nối mạng được áp dụng… Ngay lập tức, giá lương thực thực phẩm cũng tăng…

Thực ra, chính phủ Kyrgyzstan khi đó cũng không hề nuôi ảo tưởng về một thái độ tốt lành của dân chúng trước việc tăng giá như thế. Thủ tướng Daniyar Usenov cũng phải thú nhận rằng, ông biết là gia đình nào ở Kyrgyzstan cũng oán trách chính phủ vì quyết định tăng giá. Nhưng cái khó bó cái khôn… Những biện pháp dân túy như tổ chức các cuộc họp với quần chúng để thảo luận về tình hình giá cả, với sự tham gia của những nhà lãnh đạo cao cấp nhất, như Tổng thống Bakyiev chẳng hạn, đã không mang lại hiệu quả cần thiết.

Sự bất mãn của nhân dân, nhất là những người ở tầng lớp thấp, ngày càng tích tụ. Phe đối lập đã không bỏ lỡ cơ hội này và tới trung tuần tháng 3/2010, đã tiến hành tập hợp lực lượng và đưa ra tối hậu thư đối với chính quyền của Tổng thống Bakyiev bãi bỏ việc tăng giá điện và nhiên liệu, thu hồi về cho nhà nước các xí nghiệp mang tính chiến lược mà phe đối lập cho rằng đã được tư nhân hóa theo những điều kiện tư lợi; bãi chức một số người họ hàng của Tổng thống mà phe đối lập cho rằng đã tham ô và tham nhũng nặng nề…

Phe đối lập đã dọa rằng, nếu những điều kiện mà họ cho là chính đáng như thế không được thực hiện thì họ sẽ lại làm cho Kyrgyzstan trở thành một điểm nóng bạo động để khôi phục "một chính quyền nhân dân đích thực". Thời hạn của tối hậu thư trên đã trôi qua vào cuối tháng 3/2010.

Lực lượng nổi dậy tấn công xe cảnh sát.

Mượn gió bẻ măng

Những xáo động ở thành phố Talas đã bùng nổ một ngày trước khi bắt đầu những hoạt động phản đối chính thức mà phe đối lập dự định tiến hành ở nhiều nơi trên lãnh thổ Kyrgyzstan. Không rõ là các thủ lĩnh phe đối lập có biết trước về vụ bùng nổ trước thời hạn này không (Thủ tướng Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp báo nói rằng, ông hoàn toàn bị bất ngờ bởi những gì đã xảy ra tại Kyrgyzstan) nhưng rõ ràng là, họ đã sẵn sàng để đổ thêm dầu vào lửa. Lý do trực tiếp dẫn tới bạo loạn là vụ bắt giữ một trong những nhà lãnh đạo của đảng đối lập Ata-Meken (tổ quốc), ông Bolot Shernyiazov, người đã tới Talas để tham gia cuộc tụ họp quần chúng sắp tới. Hay tin này, những người ủng hộ ông Shernyiazov đã kéo đến tụ họp quanh trụ sở chính quyền thành phố. Trong khi đó Bộ Nội vụ Kyrgyzstan lại bác bỏ tin bắt giữ ông Shernyiazov và nói rằng, ông này bị gọi lên cơ quan cảnh sát chỉ vì tội tuyên truyền bất hợp pháp…

Tuy nhiên, đối với phe đối lập, những gì liên quan tới ông  Shernyiazov chỉ là cái cớ để quá mù ra mưa nên ngay cả khi ông này đã được trả lại tự do, đám đông vẫn vây quanh trụ sở chính quyền Talas tới cả nghìn người. Họ đòi hỏi Tỉnh trưởng Talas phải "đứng về phía nhân dân"… Mọi sự cứ thế trở nên cực kỳ căng thẳng, làm hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương. Lực lượng cảnh sát nhìn chung đã tỏ ra thụ động và hậu quả là chính những cảnh sát viên đã trở thành nạn nhân của những nhóm du thủ du thực hiếu chiến…

Và chỉ trong một tuần, những đám đông ngoài đường phố, với sự kích động của các thủ lĩnh đối lập, đã lật đổ được chính quyền Kyrgyzstan. Đất nước lâm vào tình trạng hỗn loạn. Nạn cướp bóc hoành hành vì các định chế tư pháp đã bị vô hiệu hóa hoặc tự vô hiệu hóa. Thủ tướng Usenov đã phải ký đơn từ chức, còn Tổng thống Bakyiev phải "bỏ của chạy lấy người". Một chính quyền lâm thời đã được lập ra tại thủ đô Biskech do bà cựu Bộ trưởng Ngoại giao Rosa Otunbayeva, thủ lĩnh của nhóm nghị sĩ thuộc đảng Xã hội -dân chủ đối lập, đứng đầu và sẽ nắm quyền điều hành quốc gia trong vòng ít nhất là 6 tháng, cho tới khi một cuộc bầu cử mới được tổ chức.

Lối cũ ta về…

Không mấy ai tắm hai lần trên một dòng sông, nhưng rõ ràng là Kyrgyzstan lại thêm một lần đi theo kịch bản cũ. Tổng thống Bakyiev đã lặp lại số phận của người tiền nhiệm Akayev mà chính ông đã thay thế nhờ những xáo động chính trị như vừa diễn ra ở Kyrgyzstan. Thủ tướng Nga Putin đã nhận xét rằng, sai lầm lớn nhất của ông Bakyiev là ở chỗ ông, sau khi yên vị trên ghế Tổng thống, lại mắc phải những sai lầm như ông Akayev đã mắc, tức là lại lãnh đạo đất nước theo một phong cách độc đoán, gia đình trị, lại tham ô, tham nhũng… Một trong những lý do khiến xã hội Kyrgyzstan bất mãn là việc ông Bakyiev đã đặt con trai mình vào vị trí chủ trò về đầu tư vốn luôn là đặc biệt béo bở ở bất cứ quốc gia nào. Nhiều người bà con của ông Bakyiev cũng được xếp vào các chức vụ ngon lành…

Oái oăm là ở chỗ, không  có gì đảm bảo là những thủ lĩnh của phe đối lập, hiện đang ở đỉnh cao quyền lực, sẽ có thể hành xử khá hơn những người tiền nhiệm. Chính vì thế nên Kyrgyzstan trong tương lai vẫn tiếp tục đối mặt với nguy cơ bùng nổ những đợt can qua tương tự như những gì đã xảy ra.

Bà Rosa Otunbayeva sinh năm 1950, từng tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp quốc gia mang tên Lomonosov ở Moskva (MGU). Phó tiến sĩ triết học (1975) với luận văn "Phê phán những luận điểm xuyên tạc phép biện chứng Mác-Lênin của các nhà triết học thuộc trường phái Frankfurt". Trong những năm 1975-1981, làm việc tại Trường Đại học quốc gia Kirgizia tại thủ đô Frunde (nay là Trường Đại học quốc gia Kyrgyzstan ở Biskech) và từng là Trưởng khoa Duy vật biện chứng.

Năm 1981, bà Rosa Otunbayeva chuyển sang làm công tác đảng và đã trở thành Phó Bí thư Thành ủy Frunde (tức thành phố Biskech hiện nay). Trong những năm 1986-1989, là Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Xôviết Kirgizia. Từ năm 1989 tới năm 1991, là Chủ tịch Ủy ban UNESCO thuộc  Bộ Ngoại giao Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, bà Rosa Otunbayeva đã đảm đương nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền nước Cộng hòa độc lập Kyrgyzstan

Bà Rosa Otunbayeva đã li dị chồng. Bà thông thạo các ngoại ngữ Nga, Anh và Pháp.

Mạnh Phương

70 năm về trước, phát huy truyền thống của quê hương Xôviết anh hùng, bằng ý chí, quyết tâm, quân và dân xứ Nghệ đã cùng dốc sức đồng lòng, góp máu xương làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều đã cao tuổi, song ký ức về năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, về chiến tranh khốc liệt mà hào hùng và cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn còn nhớ như in...

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quý I/2024 của UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động hơn trong kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ chưa thường xuyên…

Hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn mới giữa Israel và Hamas vừa được nhen nhóm vào cuối tuần trước đã có nguy cơ tắt ngấm sau khi Hamas tấn công một cửa khẩu ở Gaza và Israel đóng cửa văn phòng của Đài truyền hình Al Jazeera tại nước này.

Để làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm ngay từ cấp cơ sở. Điển hình, việc xử lý sai phạm tại dự án Khu dân cư (KDC) Nọc Nạng, phường 1, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đã được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Bằng chiêu trò ủy quyền qua nhiều đầu mối trung gian, các đối tượng đã tạo lòng tin cho nhà đầu tư mua những mảnh đất giá rẻ, sau đó âm thầm khởi kiện hoặc đưa ra kịch bản đang tranh chấp để lấy lại đất từ chính người được ủy quyền mà không hề thông báo cho người mua cuối cùng được biết.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文