Bốn cái chổi trong văn học nghệ thuật Việt Nam

13:24 19/02/2015
Nhân dịp Tết đang đến, tôi muốn trả lại đôi chút công bằng cho cái chổi hiền lành bằng cách nhắc lại bốn hình tượng cái chổi mà tôi rất tâm đắc trong văn học nghệ thuật Việt Nam: đó là truyện Ma chổi của Lê Thánh Tông, bài thơ Tiếng chổi tre của Tố Hữu, bài hát thiếu nhi Bé quét nhà của Hà Đức Hạnh và bài hát Chổi ơi… Xuân! của Nguyễn Tuấn.

Chổi là một trong những dụng cụ sinh hoạt gần gũi nhất trong đời sống con người. Chổi đặc biệt cần thiết sau những cuộc vui. Thử nghĩ, sau ba ngày Tết mà không có cái chổi thì sẽ ra sao? Vậy mà chổi cũng là một trong những vật bị coi thường nhất, nhất là khi “chổi cùn rế rách”. Ở phương Tây, chổi gắn liền với các bà phù thủy.

Nhân dịp Tết đang đến, tôi muốn trả lại đôi chút công bằng cho cái chổi hiền lành bằng cách nhắc lại bốn hình tượng cái chổi mà tôi rất tâm đắc trong văn học nghệ thuật Việt Nam: đó là truyện Ma chổi của Lê Thánh Tông, bài thơ Tiếng chổi tre của Tố Hữu, bài hát thiếu nhi Bé quét nhà của Hà Đức Hạnh và bài hát Chổi ơi… Xuân! của Nguyễn Tuấn.

Ma chổi không phải là một tác phẩm riêng, mà là một đoạn trích trong tập Thánh Tông di thảo. Truyện kể rằng có một anh học trò đến trọ học trong một làng nọ. Trong làng nghe đồn có ma. Hàng ngày, đến nhà thầy, anh học trò phải đi qua một cái miếu gạch nhỏ, bên trong miếu có bàn thờ và chiếc chổi. Mỗi năm hai lần, dân làng làm lễ, dọn dẹp rồi đóng cửa. Sau đó, miếu để hoang.
Trọ được khoảng ba tháng, một hôm đang học bài anh học trò bỗng nhìn thấy một cô gái trẻ bên ngoài cửa sổ. Cô gái tươi cười ném vào phòng anh một bài thơ. Người đẹp, thơ hay, anh học trò lấy làm mừng rỡ, mời cô gái vào nhà. Tâm đầu ý hợp, anh học trò và cô gái cùng nhau đọc thơ rồi yêu đương thắm thiết. Đến gà gáy, cô gái vội vàng đứng dậy từ biệt. Anh học trò cố giữ, nhưng cô gái sợ hàng xóm biết chuyện, nhất quyết ra về. Từ đó, tối nào cô cũng đến và gà gáy lại đi.

Thấy anh học trò sao nhãng chuyện học hành, người thầy cho gọi anh đến. Sửng sốt thấy anh học trò xanh xao, gầy yếu, người thầy đoán ngay rằng anh bị ma ám. Anh học trò mới đầu khăng khăng từ chối, nhưng rồi buộc phải kể hết mọi chuyện. Để cứu trò, người thầy lấy một chiếc khăn màu đỏ, đốt hương, thổi vào, đưa cho anh học trò và nói: “Nếu tối nay con ma nhận khăn, thì đó là may cho anh”. 

Anh học trò cảm ơn, mang chiếc khăn về. Tối hôm đó, anh và cô gái đọc thơ nhiều và hay hơn, yêu đương cũng nồng thắm hơn bao giờ hết. Đến gà gáy, cô gái chuẩn bị ra về, anh học trò đem chiếc khăn đỏ ra tặng: “Đây là bảo bối của gia đình ta. Nàng hãy quấn chiếc khăn này quanh người để lúc nào cũng cảm thấy có ta bên cạnh”. Cô gái hoảng hốt, nghi có âm mưu gì đây. Anh học trò ngon ngọt dỗ dành, giả vờ giận dỗi. Cuối cùng cô gái cảm động nhận chiếc khăn.

Sáng hôm sau, được tin, người thầy cùng học trò vội đến chiếc miếu cổ. Mở cửa ra, họ sững sờ trông thấy cái chổi với chiếc khăn đỏ quấn quanh. Người thầy lập tức ra lệnh đem chổi ra đốt. Trong ánh lửa bốc cao, có tiếng người con gái kêu khóc thảm thiết. Từ đó, trong làng không còn ai gặp ma nữa. 

Minh họa: Lê Phương.

Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần câu chuyện này và lần nào cũng xúc động. Ma chổi là một kiệt tác của văn chương kỳ ảo, nhưng, tôi nghĩ, trước hết đó là một chuyện tình. Khi tôi kể chuyện này tại một cuộc hội thảo ở Pháp, một sinh viên nói với tôi: “Nàng chổi là ma thì đã sao? Với người, liệu anh học trò có thể có một tình yêu như vậy hay không?”. Chuyện cái chổi, hóa ra là chuyện người. 

Bài thơ Tiếng chổi tre của Tố Hữu được dạy trong nhà trường nên rất nổi tiếng:

Những đêm hè/ Khi ve ve/ Đã ngủ!/ Tôi lắng nghe/ Trên đường Trần Phú/ Tiếng chổi tre/ Xao xác/ Hàng me/ Tiếng chổi tre/ Đêm hè/ Quét rác…”.

Những đêm đông/ Khi cơn giông/ Vừa tắt/ Tôi đứng trông/ Trên đường lặng ngắt/ Chị lao công/ Như sắt/ Như đồng/ Chị lao công/ Đêm đông/ Quét rác…”.

Bài thơ được Tố Hữu viết năm 1960, miền Bắc bước vào thời kỳ “xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước”. Mặc dù đã 50 năm trôi qua, đọc bài thơ ta vẫn còn cảm thấy cái tình cảm giai cấp trong sáng và tinh thần lạc quan, có phần ngây thơ của thời bấy giờ. Bài thơ không có nhiều cách tân ngoài độ dài không cố định của câu thơ (một điều đã không còn mới vào lúc đó).
Bài thơ cũng có những câu lên gân (“Chị lao công/ Như sắt/ Như đồng”) và những câu giáo huấn lộ liễu (“Nhớ nghe hoa/ Người quét rác/ Đêm qua”) nhưng vẫn gây được xúc động nhờ những câu thơ hay. Đó là những câu giản dị, đi vào bài thơ một cách tự nhiên từ cuộc sống: “Trên đường Trần Phú/ Tiếng chổi tre/ Xao xác/ Hàng me” hay: “Sáng mai ra/ Gánh hàng hoa/ Xuống chợ/ Hoa Ngọc Hà/ Trên đường rực nở”.

Bé quét nhà của Hà Đức Hậu là một trong những bài hát thiếu nhi nổi tiếng nhất ở nước ta. Người nghe có thể cảm nhận được tình yêu trẻ em của tác giả qua nét nhạc trong sáng mà tươi mới, qua lời thơ giản dị nhưng rất đẹp.

Một sợi rơm vàng là hai sợi vàng rơm
Bà bện chổi to, bà làm chổi nhỏ
Chổi to, chổi to bà quét sân to
Ấy còn chổi nhỏ bà để cho bé chăm lo quét nhà!

Bài hát có mục đích giáo dục rõ ràng, nhưng khác với nhiều bài hát thiếu nhi khác, nó không đơn thuần là một bài học luân lý. Đó còn là một bức tranh âm nhạc sinh động về làng quê Việt Nam, về tình cảm bà cháu. Chính vì thế mà bài hát được cả trẻ em thành phố yêu thích.

Ca khúc Chổi ơi… Xuân! được Nguyễn Tuấn viết vào đầu thế kỷ XXI và đích thực là về chiếc “chổi xuân”: 

Giao thừa điểm canh
Mùa xuân, mùa xuân
Tiếng hát nào vội lắm
Cất lên trên môi chị lao công quét đường dọn ma…

Vào đây, vào đây
Cái lem nhọ nào nhơ
Chúng sinh theo chân người độ thương dẫn đường…

Mùa xuân là vui đến vô chừng
Kẹo thơm, vỏ chai múa giữa đường
Chổi tre la liếm sau tiếng bước chân vội qua

Ngày xuân tìm vui với lao động
Ngả nghiêng chổi tre dáng thon gọn
Nhà tầng say nắng quay tít, cười rất xuân…

Chổi tre ngày xưa ít lam làm
Chiều xuân dựa lưng ngắm phố nghèo
Đời nhiều đổi thay sau tiếng chuông bình minh
Kìa bàn tay cô lay lay…

Chổi ơi mùa xuân đến rồi, chổi ơi…
Mùa xuân, mùa xuân!
Hót đi lộc ngày xuân
Hót đi em mai đào ngẩn ngơ giữa đường
Chổi tre chuyên cần”

Ca khúc của Nguyễn Tuấn tung tẩy, ít giáo huấn, đầy chất nghệ sĩ, nhưng không kém phần xúc động. Nguyễn Tuấn rất tinh tế nhìn ra rằng khi nghèo “Chổi tre ngày xưa ít lam làm/ Chiều xuân dựa lưng ngắm phố nghèo”, còn bây giờ xã hội giàu có hơn, thì công việc của cái chổi cũng nặng nề hơn. Công việc của cái chổi được anh mô tả trong cảnh tương phản: “Mùa xuân là vui đến vô chừng/ Kẹo thơm, vỏ chai múa giữa đường/ Chổi tre la liếm sau tiếng bước chân vội qua”.

Cũng như trong bài thơ của Tố Hữu, trung tâm bài hát của Nguyễn Tuấn là người phụ nữ lao động, chăm chỉ và khỏe mạnh. Nhưng người phụ nữ của Nguyễn Tuấn còn xinh, còn vui nữa: “Ngày xuân tìm vui với lao động/ Ngả nghiêng chổi tre dáng thon gọn/ Nhà tầng say nắng quay tít, cười rất xuân…”.  Đúng là một vẻ đẹp rất… chổi!

Đến đây, có lẽ cũng cần nói đôi điều về các tác giả. Người thứ nhất, Lê Thánh Tông, có lẽ chẳng cần ai giới thiệu: Ông là đệ nhất minh quân, một nhà văn hóa lớn của nước Việt. Người thứ hai, Tố Hữu, cũng quá nổi tiếng: Ông được coi là lá cờ đầu của dòng thơ cách mạng thế kỷ XX, người từng giữ chức vụ Phó thủ tướng. Người thứ ba, Hà Đức Hậu, cũng là một nhạc sĩ tên tuổi. Còn người thứ tư, Nguyễn Tuấn, là một nhạc sĩ trẻ, quê Hải Phòng, còn chưa được nhiều người biết đến rộng rãi. Nhưng với giới sáng tác, trong vài năm gần đây, anh đã là một tên tuổi đáng chú ý. Nguyễn Tuấn đã sáng tác hàng trăm ca khúc với giai điệu, ca từ và hòa âm độc đáo. Những ai từng nghe ca khúc của Nguyễn Tuấn, đặc biệt là qua giọng hát và tiếng đàn của chính anh, đều không thể quên. Anh có biệt tài nói chuyện nhân tình thế thái giản dị, bằng những thứ tưởng chừng rất tầm thường.

Xin trở lại chuyện bốn cái chổi. Không phải ngẫu nhiên mà cái chổi trong cả bốn tác phẩm này đều gắn liền với phụ nữ: không chỉ với vẻ đẹp, sự siêng năng và tính nhẫn nại, mà cả với thân phận thiệt thòi ngàn đời của họ. Hàng ngàn năm nay, cuộc sống của người phụ nữ quẩn quanh với bếp núc, sân vườn, với chổi cùn, rế rách. Nhưng xã hội đang thay đổi. Viết những điều này, tôi mong rằng Tết năm 2015 sẽ là một bước ngoặt đối với cuộc sống người phụ nữ. Hy vọng rằng liên tưởng giữa cái chổi với người phụ nữ chỉ còn là một liên tưởng thuần túy nghệ thuật của các nghệ sĩ mà thôi.

Xin chúc tất cả chị em phụ nữ một năm mới hạnh phúc!

Ngô T. Liêm

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文