“Bùa yêu” của Bình

12:07 27/05/2015
Cứ âm thầm dự định đã lâu, rồi con cái, công việc, rồi đủ mọi chuyện nhỏ chuyện to của một người đàn bà vì gia đình vì chồng con trên hết cuốn kéo đi, đến hôm nay Như Bình mới hoàn tất công đoạn lựa chọn những trang viết đã qua của mình, những dấu ấn của một thời thiếu nữ rất xa, một thời thiếu phụ ấp ôm đầy tiếc nuối để góp gom ra mắt tập truyện ngắn.

“Bùa yêu” - với một nữ văn sỹ lắm đam mê, nhiều dằn vặt hay lục xét chính mình, còn gì trọng hơn chữ “tình”, sợi tơ nhện tưởng mong manh mà khi đã bủa vây ai đó trong tấm màng mỏng tang sương khói, thì càng vẫy vùng gỡ ra lại càng mắc kẹt...

1. Như Bình thảng hoặc lúc rảnh rang muốn ngoái nhìn quá khứ lại xòe bàn tay bấm đốt, chị đã suýt soát gần 15 năm sau một cuộc chuyển đổi không nhỏ từ quê nhà ra Hà Nội. Gần 15 năm, một sự nghiệp được định danh bằng những cái gạch đầu dòng đáng giá, những đầu sách trĩu nặng sự thổn thức thân phận, những sẻ chia tỏ bày, những trò chuyện gần gũi đầy yêu thương và hạnh ngộ với nhân vật của mình từng góp phần làm nên bản sắc của ấn phẩm báo in An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng. Cái giá phải trả để làm nên tên tuổi Như Bình nhà báo là chị đã phải buộc lòng đánh đổi đi con người văn chương của mình. Chị bỏ lơ và mải miết chạy theo công việc bận rộn của nghề báo.

Hơn 1 thập niên từ lúc đặt chân tới thủ đô Hà Nội, viết xong truyện ngắn Hoa dành dành được trao truyện ngắn hay của năm trên tờ Văn Nghệ “già” và truyện ngắn Cửa sổ được tặng thưởng truyện ngắn hay trên Vietnamnet, Như Bình tịnh không viết văn nữa. Cai nghiện lâu thế cũng đơn giản bởi một cuộc dấn thân mới trong guồng quay mới, đó là guồng quay báo chí đầy khắc nghiệt.

Trước khi ra Hà Nội chị đúng nghĩa là dân viết văn, báo chỉ là nghề tay ngang. Bước chân ra Hà Nội, gia nhập làng báo, Như Bình cặm cụi để làm quen, để từng bước tìm và định danh cho mình một cái tên, không phải dễ dàng gì. Bên cạnh còn là những mối toan lo cuộc sống chăm chút gia đình là bổn phận đàn bà, những vụn vặt đời thường bòn rút làm hư hao đi phần nhiều sinh lực, những trang báo tới ngày tới giờ lại phải lên khuôn bào mòn cảm xúc, lâu lâu nhớ văn chương lục tìm trang viết cũ rồi cũng đành lặng thinh bỏ đó để thời gian làm nốt phận sự của khúc lãng quên...

Như Bình ở Hà Nội làm báo Công an nhân dân, thành phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới tuần cũng dằn lòng gửi con gái nhỏ để lăn lộn trên từng cây số, ra biển đảo, đi trại giam khắp các tỉnh thành, tiếp xúc phạm nhân này, mảnh đời kia làm chất liệu cho các bài viết. Rồi Chuyên đề An ninh thế giới Cuối tháng và sau này thêm Giữa tháng, sở trường thấu hiểu đồng cảm số phận đàn bà có thêm cơ hội để vẫy vùng múa bút.

Hơn 10 năm làm báo cứ đều đều “để gió cuốn đi”, ngoái nhìn lại đã có thêm ấn phẩm Cảnh sát toàn cầu tuần mà Bình chung tay thai nghén tạo hình, tạo vóc dáng từ số đầu tiên ở cương vị thư kí tòa soạn. Bận rộn thế bảo tâm sức đâu còn gan ruột được với văn chương.

Để đấy, lãng quên, khỏa lấp nhưng dứt bỏ thì chắc chắn không, đau đáu vẫn vẹn nguyên một hay nhiều những ẩn ức chưa giải tỏa, bởi viết đã là căn số, là nghiệp duyên gánh nợ cho tiền kiếp, lỡ ông trời đang tay trói buộc vào ai thì thôi đành im đi mà bó giáo quy hàng buông xuôi chấp nhận, chứ bản lĩnh can trường đâu ra để rũ bỏ triệt tiêu.

Bởi vậy Bùa yêu chỉ đơn giản là cách Như Bình tổng kết phần đời đã qua, tuyệt giao với tháng năm xa vắng để bắt đầu một hành trình vật đẻ mới, một công đoạn mới cho tư thế nhà văn đã và đang thử thách số phận. Hơn nữa Bùa yêu cũng là cách để gói lại những kỷ niệm, để cất giấu nhiều ký ức đẹp đẽ, và muốn dành trọn vẹn món quà này gửi tặng cho gia đình, cho các con yêu của mình.

Nhà văn Như Bình ngày nhận giải Văn Nghệ Trẻ 1995 (ảnh chụp tại Toà soạn Báo Văn Nghệ 17 Trần Quốc Toản). Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Sinh ra và lớn lên ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, mảnh đất miền Trung cội cằn thương khó đã gán cho Như Bình một dáng vẻ thoạt trông như lành hiền nhưng lại tiềm ẩn sự bứt phá bản năng, dũng cảm và dám chấp nhận tất cả những lựa chọn, dẫu lựa chọn đấy không phải lúc nào cũng đúng.

Dù báo hay văn, Bình cũng thường trở đi trở lại mảng đề tài đàn bà thân phận, thấu hiểu đồng cảm sẻ chia với đủ mọi nỗi trắc trở ai oán đàn bà chính là cách chị làm dịu đi, nhẹ bớt những nỗi đau thâm căn cố đế vô hình vô ảnh nhưng có sức công phá ác liệt của riêng mình. Vậy nên Bình kiểu như lúc nào cũng phải lo phải nghĩ, phải trăn trở về một can cớ nguyên do gì đấy phần nhiều lại chả liên quan dính líu tới mình. Vơ vào để rồi tự giằng xé, phải chăng là cách tạo hóa hành hạ trêu ngươi những người đàn bà viết luôn cố giấu vẻ yếu mềm đơn côi sau lớp vỏ bọc hào nhoáng...

Đi trại, gặp một đàn bà phạm nhân cảnh ngộ éo le, rưng rưng cảm thán sau những con chữ nhừa nhựa tình người, nhiều bạn đọc hào phóng giàu lòng trắc ẩn gửi tiền về tòa soạn đề nghị chuyển tới gia đình đàn bà phạm nhân kia, như một cách thực thi chân lý người với người “sống để yêu nhau”, đỡ đần nhau lúc đắng cay hoạn nạn.

Sự hồn nhiên nhiệt tâm của bạn đọc còn khiến địa phương nơi gia đình nữ phạm nhân cư trú băn khoăn khó hiểu, thậm chí quầy quậy lắc đầu không đồng tình không ủng hộ: Sao lại giúp kẻ có tội, trong khi xung quanh còn đầy cảnh ngộ đáng thương hơn. Thế mới biết con chữ nặng tình của Như Bình có khả năng dẫn dụ, khơi gợi và duyên vô cùng khi cần phải đánh thức trái tim người...

2. 10 năm từ 2004 đến 2014, Như Bình không viết văn, chỉ chuyên tâm làm báo. Đợi 10 năm để trình làng tập truyện ngắn Bùa yêu không phải cách chị làm mới mình, mà chỉ đơn thuần muốn nhắc lại, nhớ về ký ức và dọn đường, sửa soạn cho một cuộc trình làng ắp đầy ấn tượng. Bùa yêu sẽ khiến bạn đọc hồi tưởng về một Như Bình tươi xinh trẻ trung “khách ở quê ra” trở thành Hội viên Hội nhà văn Việt Nam khi mới bỡ ngỡ vào đời. Ba tập truyện ngắn đã in Giông biển, Dòng sông một bờ, Đêm vô thường vừa kịp xác nhận cái tên cây bút nữ chưa đầy 30 tuổi chuyên khắc họa chân dung tình yêu, vui buồn ngụp lặn trong những thiệt thua, cay đắng, vui buồn mà biển tình không giới hạn mang lại.

Gái ngoan thường dễ có quà, 10 năm ngắt đoạn tưởng đã gãy đứt mạch văn chương, nhưng rồi trong số báo Xuân Ất Mùi 2015 Văn nghệ Công an mà Như Bình vừa chuyển về công tác, lại tiếp tục trọng trách thư kí tòa soạn, chị bất thần trở lại, đàng hoàng xưng danh nhà văn Như Bình với truyện ngắn nóng hôi hổi Người thay tim chứa đầy ẩn dụ. Quà của gái ngoan trong năm 2014 đáng nhớ còn là, ngay lúc tưởng cuộc sống đã an bài, Bình lại sinh thêm được cậu con trai má lúm đồng tiền, có điệu cười làm mềm lòng người đối diện, một sự tưởng thưởng không gì ân tình giá trị hơn của số phận. 

Làm mẹ ở tuổi ngoài 40 rủi ro cũng lắm, bất trắc cũng nhiều và bởi vậy hạnh phúc còn được đội thêm lên theo cấp số nhân, bù đắp cho những khổ đau mất mát đã lùi lại trong suốt quãng đường đời.

Quay cuồng với con lớn con bé, sứ mệnh đàn bà viết văn làm báo hay trọng trách cao dày gì gì nữa cuối cùng vẫn kết lại ở điểm dừng con cái. Có con trai làm ắp thêm tiếng cười cho tổ ấm đã chứa chan niềm vui, Như Bình lại được tiếp thêm nguồn năng lượng mới, động lực mới và Người thay tim chỉ là khúc dạo đầu cho một hành trình nối dài những bất tận.

Yêu như là sống, sống như là yêu, Như Bình nhà văn bản năng đàn bà không cách chi lấn lướt, khờ khạo tử tế cả trong câu chữ và đời thường. Ai nói gì cũng tin, nghe chuyện ai oán gì ở đâu cũng dễ xúc động, vẫn âm thầm theo cách riêng của mình sẻ chia những mảnh đời bất hạnh. Bảo lần ra sách này, tiền bán sách sẽ góp vào quỹ chăm lo những bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo, tới thăm những em bé bị ung thư xong về không ngủ được, thao thức trằn trọc để rồi lại loay hoay tìm cách vận động người này kêu gọi người kia có điều kiện hơn đứng ra đỡ đần sẻ bớt nỗi đau với những đứa trẻ nghèo bất hạnh.

Gần 15 năm công tác ở Báo Công an Nhân dân là xấp xỉ ngần ấy thời gian chịu trách nhiệm biên tập bài vở cho chuyên mục “Chuyện khó tin nhưng có thật” trên ấn phẩm An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng thành quả không chỉ là bộ sách nhiều tập đầy đặn về những phận số éo le, những cảnh ngộ đời thường hi hữu đúng là có cố cũng không thể bịa ra được, và quan trọng hơn là sự nhập tâm, chứng kiến, quan sát bao ẩn ức rất khó dịp được phơi bày của rất rất nhiều người đang tồn tại giữa đời mà chưa hẳn xung quanh đã tỏ tường thấu hiểu.

Thừa thãi trải nghiệm, ắp đầy vốn sống, dần đắp bồi được cho mình thêm sự khôn ngoan tỉnh táo, Như Bình bây giờ không đơn thuần lụy vào tài năng như 13 năm trở về trước, con chữ của chị sẽ hứa hẹn đa mang đa nghĩa hơn nhiều. Sau Bùa yêu chị lại nhẩn nha cho tập tản văn mới Những cái bóng ven hồ dự định sẽ ra mắt vào mùa đông tới. Tản văn của Như Bình khá hấp dẫn và cũng ám ảnh người đọc bởi cái cách mà chị chia sẻ, tỏ bày. Dễ dàng để làm một người đàn bà thấu đáo sức mạnh của thiên tính nữ, thản nhiên cười cười ban phát “bùa yêu”, rồi lại tảng lờ gạt hết sang bên để soạn sửa nội tâm trong lành khoẻ khoắn, mà toan lo cho hạnh phúc gia đình, vui vầy với bổn phận làm mẹ, làm vợ, làm một người viết văn giàu lòng trắc ẩn...

Ngô Hương Sen

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文