Cái dại, con mang

15:00 19/01/2008
Những tội lỗi của người lớn thường không bắt nguồn từ trẻ con nhưng lại ảnh hưởng vô cùng lớn đến tương lai cũng như nhân cách của trẻ sau này. Thật may, tập thể lớp 11V2 Trường THPT Lương Thế Vinh của Hải (con trai vợ chồng Đức - Phương) không phán xét em, các bạn vẫn nhìn em với con mắt của những đứa trẻ, trong sáng và vô tư. Chúng không đặt ra nhiều lý lẽ sâu xa mà chỉ hiểu đơn giản rằng "ai làm người nấy chịu".

Ngõ 108 phố Cự Lộc đã hơn một tháng nay lại trở về với vẻ im ắng vốn có của nó sau vụ một cô gái bị ông bà chủ quán phở đánh đập. Căn nhà số 24 luôn đóng cửa im ỉm giờ chỉ còn một cậu bé 16 tuổi sớm tối đi về. Đó là con trai của vợ chồng Chu Minh Đức - Trịnh Thị Phương. Bố mẹ bị tạm giam, chị Bình đến nhà người khác ở, thành ra căn nhà trước đây vốn rất chật chội giờ bỗng trở nên quá trống trải đối với Chu Đức Hải.

Một buổi chiều cuối năm, ngồi nói chuyện với tôi, Hải đăm chiêu nhìn sang phía bên kia, nơi ấy là công trường nhộn nhịp, đi thêm một chút ra ngoài kia là phố xá, người ta đang chen nhau đi sắm đồ Tết, còn Tết này với em có lẽ là một cái Tết buồn nhất... 

"Lựa chọn cha mẹ là tội bất hiếu..."

Vụng về kéo chiếc ghế rách nham nhở mời khách ngồi, Hải cho biết tranh thủ ngày nghỉ, em đang dọn dẹp lại nhà cửa. Mấy bức tranh cô gái cắt từ họa báo ra được em khéo léo dán lên tường, che đi những vết vôi tróc loang lổ.

Tôi không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu, những hỏi thăm về sức khoẻ, học hành có lẽ là quá sáo rỗng, mà bắt đầu từ câu chuyện bố mẹ em bị tạm giam thì e rằng thêm một lần nữa lại động chạm vào nỗi đau mà đã hơn một tháng nay em phải gồng mình lên để sống, để tiếp tục học hành khi mà người rỉa rói, nhiếc móc thì quá nhiều, còn người thông cảm và sẻ chia lại quá ít.

Thật là khó để bắt người ta phải có thiện cảm với đứa con trai của đôi vợ chồng đã gây ra tội lỗi với người giúp việc khiến dư luận cả nước xôn xao thời gian qua, mặc dù đó là một đứa con ngoan, 10 năm liền là học sinh giỏi. Hải biết điều đó và em cũng không dám trách cứ họ, phán xét là quyền của dư luận nhưng quả thật là em không có lỗi trong những sai lầm của bố mẹ.

Những lầm lỗi của trẻ con luôn có nguyên nhân từ phía người lớn, nhưng những tội lỗi của người lớn thì thường không bắt nguồn từ trẻ con nhưng lại ảnh hưởng vô cùng lớn đến tương lai cũng như nhân cách của trẻ sau này.

Cũng thật may là tập thể lớp 11V2 Trường THPT Lương Thế Vinh của Hải không phán xét em, các bạn vẫn nhìn em với con mắt của những đứa trẻ, trong sáng và vô tư. Chúng không đặt ra nhiều lý lẽ sâu xa để phân tích như người lớn mà chỉ hiểu đơn giản rằng "ai làm người nấy chịu". Dù thế thì em vẫn muốn trốn tránh mọi người, kể cả những đứa bạn thân nhất.

Những người tò mò mỗi lần đi qua giờ cũng ít khi đánh mắt để ý xem "thằng con trai của vợ chồng bán phở" đang làm gì, thế nhưng Hải vẫn phải "cảnh giác" với những người khách lạ, không biết từ lúc nào em có phản xạ mỗi lần chuẩn bị đi ra ngoài lại phải ngó qua lỗ khóa xem có ai không, em sợ nhất những ống kính máy ảnh đen ngòm luôn trong tư thế chờ đợi mình.

Sau khi sự việc xảy ra, ở các diễn đàn trên mạng, có người đặt câu hỏi, tại sao là một thanh niên 16 tuổi, Hải lại không can ngăn hành động của cha mẹ mà lại để sự việc kéo dài nhiều năm như vậy, tôi cũng đặt vấn đề này với Hải và thật trái với dự đoán của tôi rằng em sẽ chối bay chối biến, rằng mình không biết gì về những hành động của cha mẹ, Hải nói với vẻ thành thật: "Em đã từng nói với bố, nếu chị Bình có gì sai thì bố mẹ khuyên bảo chị ấy thôi, đừng có đánh vì chị ấy hơn 20 tuổi rồi... Những trận đòn dã man mà báo chí từng đưa thì quả thật em không được chứng kiến, ngoài giờ học ở trường thì hầu như em ở trên phòng riêng để học. Nếu mà em biết chị ấy bị đánh dã man như thế, dù chỉ một lần thôi thì sự việc có lẽ đã khác"(?).

Theo lời Hải thì lần đầu tiên em ý thức được chị Bình là người giúp việc đó là vào năm em học lớp 4, còn trước đó em vẫn tưởng Bình là chị gái mình. Hải cho tôi xem bức ảnh chụp hai chị em trong đám cưới người chú. Khi đó Hải chỉ là một cậu bé 6-7 tuổi, còn Bình hơn 10 tuổi, nhìn hai đứa trẻ khoác vai nhau cười thật tươi mà chợt thấy xót xa cho tình cảnh hiện tại.

Và cả bức ảnh Bình chụp cùng vợ chồng ông chủ quán phở Đức - Phương ở vườn đào Tết Nhật Tân nữa mà khi nhìn vào, ai cũng nghĩ đó là một gia đình hạnh phúc với hai đứa con một gái, một trai, lại thấy nghẹn lên hai chữ "giá như...".

Chợt tự hỏi, phải chăng con người ta không thể sống hiền hơn một chút, tử tế hơn một chút, không phải để được cái gì, mà chỉ là để tâm tưởng được thoải mái, và được nghĩ rằng con cháu mình sau này đỡ phải gánh những oan nghiệt do mình gây ra mà thôi. "Em không có quyền lựa chọn bố mẹ, cho dù họ có là ai đi nữa thì nghĩa vụ của em vẫn là phải kính trọng. Lựa chọn cha mẹ là tội bất hiếu".

Thật may là Hải đã nghĩ được những điều mà chỉ những người đã "thành người" mới nghĩ được như thế. Em đã biết phân biệt phải trái, em không hận bà "Bình bò", em không hận báo chí (mà nếu xét ở một góc độ nào đấy, trong những nghĩ suy thông thường thì đó là những tác nhân khiến gia đình em rơi vào cảnh phân ly này), nếu không, không biết tai ương nào sẽ chờ đợi một cậu bé đang chập chững ở ngưỡng cửa khó khăn nhất của cuộc đời.

Gieo gió, gặt bão

Có lẽ giờ này trong trại tạm giam, vợ chồng Đức - Phương đã ngộ ra được nhiều điều, và hẳn là họ đang hối hận lắm khi vô tình trút những oan nghiệt do chính mình gây ra lên đầu đứa con trai đang tuổi ăn tuổi học. Họ vào trại trả giá cho những tội lỗi của mình, bỏ lại đứa con trai cho bà nội đã ngoài 80 tuổi đang ở cùng nhà với 5 người chú, cộng với bằng đấy người vợ và bằng đấy đứa con của các chú sống trong căn nhà 2 tầng được xây cách đây cả chục năm, rộng khoảng 50m2.

Chỉ có buổi tối là Hải về nhà mình ngủ, còn cứ đến bữa cơm là lại sang "chung cư" của bà nội cùng 5 gia đình của 5 người chú "ăn chực". Các ông chú của Hải cũng chẳng dư dả gì, hầu hết đều làm xe ôm, có người đi lái xe thuê, giờ tự dưng lại phải "cõng" thêm "ông cháu". Đã tội lại càng thêm nợ!--PageBreak--

Điều mà bà nội của Hải cũng như các ông chú của em lo lắng nhất theo tôi cảm nhận thì có lẽ không phải là việc vợ chồng Đức - Phương sẽ phải chịu án bao nhiêu năm, mà điều họ lo hơn cả ấy là tương lai của đứa cháu đích tôn.

Hiện tại thì mỗi tháng, họ gom góp để có đủ hơn 600 nghìn cho Hải đóng tiền học phí ở trường và tiền học thêm, chưa kể tiền ăn và tiền sách vở, còn tương lai, với lực học khá của Hải, rất có thể em sẽ đỗ đại học, điều đó thật mừng nhưng cũng là một gánh nặng cho các ông chú, khi mà đằng sau họ còn vợ, còn con.

Hôm bị bắt, vợ chồng Đức - Phương nhắn người nhà lên lấy số tiền hàng (khoảng vài trăm nghìn) đưa cho con trai, còn tiền tiết kiệm, họ để đâu thì không ai biết. Hải cũng được các thầy cô miễn cho khoản học phí tháng 11 nhưng còn về lâu về dài thì chắc là rất khó. Ý thức được mình là "gánh nặng" nên cậu bé như già hơn trước tuổi, trước đây cần gì là xin, còn bây giờ muốn xin gì cũng phải nghĩ rất lâu.

"Có lúc em định vào chùa..."

Hải cho tôi xem những bức thư em nhận được sau hôm cha mẹ em bị bắt, một số là của những người ký tên nặc danh với những lời lẽ cay nghiệt mà theo lời Hải thì "đọc xong em chỉ muốn chết, dường như họ coi em là con của tội phạm thì nhất định sau này nó cũng phải là tội phạm…". Tâm lý đám đông vẫn luôn là thế, ở đời người ta thường phù thịnh chứ ít ai phù suy.

Tôi hiểu, với tâm hồn của một thằng con trai 16 tuổi, suốt ngày chỉ biết học, Hải đã phải cố gắng thế nào để vượt qua được cú sốc này. Nhưng không phải tất cả đều quay lưng lại với em, có hai sư thầy trụ trì ở hai ngôi chùa, một ở Nam Định, một ở Hải Dương, đã gửi thư cho Hải với nội dung nếu em không đủ sức vượt qua thì hãy khóa cửa lại, đừng tiếp xúc với ai, nhà chùa sẵn sàng mở lòng từ bi đưa em vào chùa để học tập và sinh sống, giúp em thoát khỏi những búa rìu dư luận.

Đã có lúc Hải nghĩ đó là lối thoát, em sẽ đi xa ngôi nhà của mình, nơi có quá nhiều những ẩn ức đau thương, đến một nơi hoàn toàn xa lạ, không ai biết em là "con trai của vợ chồng bán phở" nữa. Chỉ có như thế mới giúp em thoát được hết những mặc cảm. Nhưng rồi nghĩ lại, làm như vậy nghĩa là cả cuộc đời sau này em sẽ vẫn phải trốn chạy. Và liệu có bao nhiêu sức để mà trốn chạy suốt đời?

Một con người được cứu thoát từ ngôi nhà số 24, nhưng vô tình lại đẩy một con người khác vào bi kịch, bi kịch bắt nguồn từ thái độ kỳ thị xa lánh của một số ít người, nhưng cũng đủ tạo một vết thương sâu hoắm hủy hoại tâm hồn một đứa trẻ, không biết đến bao giờ mới có thể liền sẹo.

Trong những lúc khó khăn nhất, thật may là có những người bạn không quen biết gửi thư đến động viên. Có những người bạn cùng tuổi với Hải ở tận Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ biết em qua một vài dòng tin trên báo cũng liên tục gửi thư, mới thấy nhiều người trẻ bây giờ không hề sống đơn giản, không bàng quan với thời cuộc, không đáng lo như những gì người lớn thường hay nghĩ về họ.

Họ có cách ứng xử riêng của mình, rất nhân văn nhưng không hề sáo rỗng. Họ không dùng những từ đao to búa lớn, không dùng những từ ngữ vuốt ve, câu hỏi mà họ quan tâm nhất thoảng nghe thì thấy buồn cười nhưng đặt trong trường hợp cụ thể của Hải mới thấy nó thiết thực: Hải ăn ở đâu? Hải lấy đâu ra tiền nộp học phí?...

Hải tần ngần dẫn tôi vào "phòng chị Bình". Căn phòng nhỏ chừng vài mét vuông, kê một chiếc đệm, một chiếc tủ tường, không còn gì là dấu ấn của Bình ngoài một thùng carton quần áo cũ. "Hôm trước em mới cho đi một thùng, giữ lại một thùng để… làm kỉ niệm" - Hải cười méo mó.

Nhìn đứa con trai 16 tuổi ngồi ôm chú mèo trong căn nhà trống trải, giữa một chiều đông lất phất mưa, một bà cụ đã ngoài 80 lập cập bưng sang cho cháu bát mỳ tôm, vài món rau nấu dối, lặng lẽ ngồi nhìn cháu ăn, trong tôi bỗng dâng lên một cảm giác gì đó như là nghèn nghẹn.

Bình giờ đã có người yêu, đang sống và làm việc ở trang trại chăn nuôi gia súc tại Hà Tây của chị Thủy - con gái bà "Bình bò". Cuộc đời dường như đã mỉm cười với cô, âu cũng là những bù đắp công bằng của tạo hóa. Cả Bình và Hải giờ đây đều đang bắt đầu một cuộc sống mới riêng của mình, nhưng tất cả đều được khởi đầu từ những nỗi xót xa.

Nhưng nếu Bình biết được rằng, sau tất cả mọi chuyện, em Hải vẫn luôn quý chị Bình và vẫn rất nhớ những cuộc tranh luận giữa hai chị em về phim ảnh trong mỗi bữa cơm tối trước đây...

Đinh Hiền

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文