Cơm áo không đùa...

11:00 12/03/2008
Phóng sự này tôi muốn viết về họ, những bóng hồng trong giới văn chương, những nữ văn sỹ ít nhiều nổi tiếng trên văn đàn, những người phụ nữ đặc biệt đầy tính cách và số phận cả trong tác phẩm lẫn đời thực. Họ thuộc về văn chương nghệ thuật nhưng họ lại là những người dũng cảm khi bước vào thương trường để làm kinh doanh.

Dù kinh doanh ở lĩnh vực nào thì sự kết hợp của hai mảng đối lập kinh doanh và làm nghệ thuật đã là một sự táo bạo đáng nói. Không hiểu sao cứ mỗi lần nghĩ đến họ, những nữ văn sỹ dấn thân trên thương trường để làm kinh tế tôi lại trào dâng lên một cảm giác khâm phục xen lẫn  xót xa.

Kinh doanh có từ trong máu thịt

So với các nhà văn nữ thành đạt cùng thời thì nhà văn Võ Thị Xuân Hà bước vào địa hạt kinh doanh có lẽ là sớm hơn tất cả. Ngay từ khi còn rất trẻ, đang là một cô giáo dạy toán, chưa hề dính dáng gì đến món nợ văn chương định mệnh sau này thì chị đã biết đến công việc làm sao để kiếm được tiền và làm cho đồng tiền sinh lời.

Bằng chứng là từ năm 1987 chị đã biết mở một kiốt nho nhỏ để bán sách và cho thuê truyện. Mục đích của kiốt này là cải thiện thu nhập, bởi đồng lương ít ỏi của một giáo viên thời bao cấp không đủ để đong đầy bát cơm manh áo. Nhưng cũng từ ngày đó, sách đã vận vào đời chị như một số mệnh. Cũng vì kiốt sách mà chị đâm ra mê sách, mê văn chương, rồi không ai khác là chính chị đã dẹp bỏ kiốt sách để dấn thân vào con đường văn chương nghệ thuật như là sự lựa chọn của số phận.

Chị đi học Đại học Tổng hợp Văn, học Trường Viết văn Nguyễn Du và ấp ủ mộng văn chương. Rồi khi trở thành nhà văn, để nuôi những trang viết, để biến những ước mơ đẹp đẽ trở thành hiện thực, chị lại trở về với cuộc mưu sinh nhọc nhằn bằng "Cà phê yêu dấu".

Năm 2001 chị có lẽ là nữ nhà văn đầu tiên ở Hà Nội mở quán cà phê để kinh doanh. Cà phê giúp chị có được một góc yên tĩnh phía trong để nhìn ngắm quan sát những con người, những số phận cuộc đời, những niềm vui, hạnh phúc và ngay cả những toan tính, bất hạnh của người đời qua những bàn cà phê nho nhỏ, những cuộc đời thu nhỏ. Cà phê là nơi chị kinh doanh, kiếm tiền, là môi trường thực tế cho chị làm đầy lên hành trang vốn sống mình. Nếu như những người ngoài giới văn chương họ đặt công việc kinh doanh lên hàng đầu, dồn hết tâm sức và ý nguyện cho công việc làm ăn kinh tế thì với những nữ văn sỹ như chị, kinh doanh không phải là tất cả.

Các chị ghé chân vào địa hạt kinh doanh trước hết cũng vì mưu sinh, nhưng những đồng tiền kiếm được từ kinh doanh chỉ có ý nghĩa khi làm phương tiện sống và giúp các chị ổn định cuộc sống vật chất để toàn tâm toàn ý hiến mình cho văn chương. Vì vậy ý tưởng cà phê sách luôn bám riết lấy Võ Thị Xuân Hà từ khi chị mở cà phê yêu dấu, và chị đã thỏa ước nguyện khi hiện nay chị đang là chủ một quán cà - phê - sách ở 104A Tô Hiến Thành.

Một bước dột phá dũng cảm hơn khi tháng 10 năm 2005 chị thành lập Công ty Truyền thông Hà Thế chuyên về xuất bản và kinh doanh sách. Cứ hình dung một tháng với việc làm sách để bán ra thị trường, chị phải kiếm đủ chi phí từ tiền bán sách để chi trả lương và lo bữa ăn trưa cho 17 con người ở trong công ty mới thấy được chị phải đối diện với những khó khăn nhọc nhằn trong công việc kinh doanh này như thế nào.

Tôi không dám nghĩ đến việc đó bởi tôi cũng đã từng có thời gian làm sách để bán, và bây giờ tôi đã phải nói lời chia tay với sách. Nói như vậy để hiểu rằng, việc kinh doanh sách trong thời buổi hiện nay không phải là dễ. Thế nhưng Công ty Hà Thế vẫn chèo chống được, nhà văn Võ Thị Xuân Hà vẫn liên tục cho ra những tác phẩm của mình, những tiểu thuyết mới và vẫn đảm bảo công ăn việc làm cho trên dưới 20 người làm việc cho chị điều đó thật đáng nể phục.

Tiền bạc chỉ là phương tiện sống

Đặng Thị Thanh Hương.

Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương bước vào thương trường một cách ngẫu nhiên khi mà cuộc hôn nhân đầu tiên bị đỗ vỡ và chị ra đi với hai bàn tay trắng. Người bạn gái thân của chị, bà trùm của Shiseido ở TP Hồ Chí Minh, Hoài Anh đã đưa bàn tay ra cho chị để dắt chị vào thương trường vừa là để giúp bạn bước qua những tổn thất về tinh thần, và khó khăn về vật chất.

Đặng Thị Thanh Hương là nữ văn sỹ có tố chất làm kinh doanh và rất có duyên với thương trường. Bằng chứng là từ những dìu dắt đầu tiên của người bạn gái thân, nữ văn sỹ của chúng ta đã từng được biết đến như một bà chủ Shiseido những năm 1998 với bauty salon sang trọng bậc nhất tọa lạc trên phố Lý Thái Tổ, Hà Nội. Không thể không thừa nhận chị đã thành công hơn cả mong đợi khi dám đầu tư và trực tiếp quản lý công việc kinh doanh của mình. Cửa hàng của chị là một trong những viên gạch đầu tiên làm nền móng vững chắc cho mỹ phẩm shiseido sau này.

Cũng xuất thân từ nghề làm cô giáo, dạy học ở một trường nghệ thuật nơi phố núi Yên Bái, vì yêu văn chương, vì muốn thoát khỏi những cơn mưa buồn nơi phố núi, trong hành trình đi tìm kiếm những khát vọng của chính mình, chị đã rời bỏ nơi chị sinh ra để tìm về với mảnh đất thi nhân văn nhân chốn Kinh kỳ. Cũng vì yêu văn chương nghệ thuật, yêu một cách đam mê và hệ lụy bởi nó mà từ bỏ nghề dạy học chị đã thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du với ham ước được đi đến tận cùng con đường sáng tạo nghệ thuật này.

Thương trường đến với chị như là một bước ngoặt bất ngờ của số phận. Chị vẫn luôn nói rằng chị là người giàu vì bạn, nếu không có chị Hoài Anh chắc chắn chị cũng vẫn chỉ sống bằng nghề làm báo.

Ngày đầu tiên khi bắt đầu kinh doanh bạn chị bảo lòng tốt phải cần tiền mặt nếu không lấy gì mà giúp đỡ người thân, bạn bè. Bạn chị đã cho chị một cơ hội để biến một nữ sỹ trở thành một người đàn bà rành rọt hơn, nhẫn nhịn hơn và cũng biết tận hưởng cuộc sống hơn. Hầu như tất cả các nữ văn sỹ được hỏi vì sao bước vào kinh doanh họ đều thú nhận trước khi bước chân vào lĩnh vực này họ chưa bao giờ nghĩ tới chuyện một ngày nào đó họ trở thành thương nhân cả. Đặng Thị Thanh Hương cũng vậy.

Chị bước vào thương trường muộn hơn nhưng lại sớm thành đạt hơn người khác. Bằng chứng là việc kinh doanh mỹ phẩm đó mang lại vật chất, tiền bạc cho chị rất nhanh. Chỉ trong vòng chục năm từ hai bàn tay trắng chị đã mua đất xây nhà, từng có xe ôtô rất sớm, và các trang vật dụng đắt tiền khác, v.v... và đủ tiền tài trợ cho con gái đi du học ở nước ngoài. So với các thương nhân khác thì chị không phải là thật giàu có nhưng so với các văn nghệ sỹ cùng giới thì chị là người có tiền bạc và thành công hơn cả.

Thành công là vậy nhưng với nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương công việc kinh doanh vốn vô cùng gian nan vất vả, thậm chí phải trả giá vì nó. Làm thơ và kinh doanh là hai lĩnh vực quá khác nhau, và chị vẫn thường bị lẫn lộn giữa tình cảm và thương trường. Muốn thành công trên thương trường, người kinh doanh phải có trái tim tỉnh táo và một cái đầu lạnh. Đặng Thị Thanh Hương tự thấy chị là người kinh doanh nửa vời, chị không bước cả hai chân vào địa hạt này, không hy sinh tất cả vì nó.

Chính vì thế chị đã không trực tiếp quản lý công việc kinh doanh như ban đầu, giờ chị chỉ tham gia với tư cách là một cổ đông góp vốn. Chị kể rằng, sau đó chị cũng kinh doanh thêm một vài việc khác nữa nhưng thất bại. Không phải lúc nào mọi sự đều suôn xẻ. Cũng có lúc chị nếm trải những nỗi buồn vì bạn bè, vì những lầm lẫn khi đặt niềm tin không đúng chỗ.

Nhưng chị bảo tiền bạc với chị chỉ là phương tiện sống. Chị không bao giờ đánh đổi tất cả vì tiền. Tình thân sẽ còn lại cỉ có tiền bạc là không vĩnh viễn. Chị còn một niềm đam mê khác còn quan trọng hơn kinh doanh, còn thiêng liêng hơn mọi thứ khác mà chị có thể sống chết vì nó đấy là làm thơ, viết văn, làm báo, những công vệc đem lại niềm say mê và tự hào cho chị. Tiền bạc chỉ là thứ để giúp chị tự do hơn trong cuộc sống chứ không phải là thứ quyết định hạnh phúc trong đời chị. Hai năm gần đây, nữ văn sỹ của chúng ta dường như đã dành hết tâm sức cho việc làm mẹ.

Chị muốn có thêm một đứa con nữa với cuộc hôn nhân mới này, và nếu không thu được lợi tức đều đặn từ việc kinh doanh thì chị không thể đủ kinh phí để thực hiện những mục tiêu thiêng liêng trong cuộc sống. Sắp tới đây chị sẽ cho ra tập thơ thứ 5 mang tên “Trà nguội”, cái tên tập sách theo chị đó là sự trải nghiệm mà mười năm qua chị đúc kết cho mình.

Kinh doanh chưa từng có trong ác mộng

Võ Thị Hảo.

Nhà văn Võ Thị Hảo gia nhập thương trường muộn. Chị kể rằng, vào một ngày đẹp trời năm 2005, Luật Xuất bản sửa đổi ban hành trong đó những tư nhân có quyền làm sách và xuất bản sách tương đương như một nhà xuất bản và có quyền cạnh tranh với xuất bản Nhà nước.

Quyết định đó đã mang lại cho tác giả của "Giàn thiêu", "Người sót lại của rừng cười" một niềm hứng khởi lạ lùng. Nhà văn Võ Thị Hảo quyết định thành lập Công ty Văn hóa và Truyền thông Võ Thị ngay trong tháng 8/2005 sau khi Luật Xuất bản sửa đổi ban hành đúng vỏn vẹn 1 tháng.

Võ Thị Hảo rất tự tin bước vào thương trường vì chị từng có 10 năm làm báo chuyên nghiệp, 17 năm làm xuất bản và từng làm quản lý cả báo chí và xuất bản cho nên chị không sợ thiếu kinh nghiệm. Và cái quan trọng nhất chị muốn tìm đến hai chữ tự do và dâng tặng cho mình một chút tự do. Chị cho rằng con người trước hết phải dâng tặng được cho mình chút tự do trước khi có thể mang tự do đến cho người khác. Việc kinh doanh không tránh khỏi vất vả cực nhọc song mỗi chúng ta là một ngọn nến nhỏ, phải tự cháy lên thôi.

Giờ thì Công ty Văn hóa và Truyền thông Võ Thị đã trưởng thành sau 2 năm bươn chải trên thương trường. Hai năm Công ty đã xuất bản được 60 đầu sách, trong đó có những đầu sách khai thác mua bản quyền của nước ngoài như: "OSS và Hồ Chí Minh", "Kho báu của hiệp sỹ đền thờ", "Biệt xứ", "Gosta" v.v... là những cuốn sách bán rất chạy trên toàn cầu.

Nhà văn Võ Thị Hảo thú nhận rằng, từ năm 2005 trở về trước chị chưa bao giờ có ý định kinh doanh, ngay cả trong những cơn ác mộng chị cũng chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ bước vào thương trường với cuộc đua tiền bạc. Có lẽ số phận đã run rủi cho mình bước vào lãnh địa cam go và phức tạp này. Với một cái nhìn lạc quan thường trực và phần nhiều lãng mạn, mơ mộng, nhà văn Võ Thị Hảo cho rằng việc kinh doanh cũng chứa đầy những yếu tố lãng mạn. Lợi nhuận của công ty làm ra bây giờ chỉ đủ để tái đầu tư và trả lương cho gần chục nhân viên đang làm trong công ty với mức lương thấp nhất là 2 triệu, cao nhất là 4 triệu đồng.

Và nuôi sống được nhân viên là hạnh phúc tuyệt vời nhất của chị. Mỗi tháng, gom được tiền về, trả lương cho những cộng sự của mình, những người đã giúp mình biến ước mơ thành hiện thực, điều đó mang lại cho mình một niềm xúc động thiêng liêng. Mình thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn và mình chỉ sợ thiếu thời gian để làm việc, để hoàn thành sứ mệnh của mình.

Tháng 3 này, Công ty Văn hóa và Truyền thông Võ Thị sẽ mở chi nhánh hoạt động tại TP Hồ Chí Minh, và từng bước sẽ chăm sóc thị trường bán lẻ ở trong này. Với Võ Thị Hảo thì tất cả những con đường mà mình đi, dù thành công hay thất bại thì đều không lãng phí đi đâu cả.

Trong hai năm vừa qua chị đã thu nhận được thêm nhiều những bài học từ cuộc sống và nó sẽ làm phong phú vốn sống của một nhà văn như chị. Đây cũng là một hành trình tích lũy đời sống để những trang viết của chị ngày một đầy đặn hơn, sâu sắc và tận cùng hơn nữa

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文